Trách nhiệm của người dân ...
Trong thời đại ngày nay, biểu tình được hiểu là những hành vi hợp pháp và văn minh. Thông qua diễn biến các cuộc biểu tình, nhà cầm quyền có thể kịp thời điều chỉnh các chính sách quan trọng, thúc đẩy xã hội phát triển.
Theo như nguyên văn trong bản kiến nghị của 42 trí thức, hoàn toàn không thấy các cụm từ như là “Đơn xin phép” hay “xin tổ chức biểu tình”… Vậy giữa “xin phép” và “đề nghị” trong vấn đề biểu tình, có ý nghĩa khác nhau như thế nào ? Chúng tôi được nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, một trí thức có tên trong danh sách 42 người, giải thích như sau:
"Đây là đề nghị các cơ quan đoàn thể của nhà nước, đứng ra tổ chức biểu tình chống những hành động càng ngày càng ngang ngược của Trung Quốc. Chứ không phải là xin tổ chức biểu tình. Nhưng nếu nhà nước không cho các cơ quan, đoàn thể đó tổ chức thì các nhân sĩ sẽ thông báo cho nhà nước biết rằng mình sẽ đi biểu tình.
Như vậy có 2 mục. Mục đầu là đề nghị, mục thứ hai là sẽ thông báo. Nói rõ trong đơn như vậy. Hơn nữa, sự khác nhau giữa đề nghị với xin phép là quyền biểu tình là quyền được Hiến pháp cho phép. Có ghi rồi. Đúng luật pháp, nếu có đi biểu tình thì thông báo cho chính quyền biết địa điểm và thời giờ mình đi biểu tình thôi. Cho nên không cần phải xin phép."
Hiện nay, xóa bỏ dần cơ chế xin - cho là để đẩy mạnh hơn về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người dân. Đồng thời cơ quan quản lý cũng không thể mãi làm thay việc cho người dân. Nhà nước cần chuyển từ vai trò kiểm soát sang giám sát các hoạt động công dân.
Trước họa ngoại xâm, toàn dân Việt Nam có một điểm chung là phải tìm mọi cách đoàn kết lại, để chống trả. <br/>Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh<br/> <br/>
Trong danh sách 42 vị ký tên vào đơn đề nghị, hầu như có nhiều thành phần trong xã hội tham dự. Đó là các vị từng giữ các chức vụ trong bộ máy đảng Cộng sản, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; rồi các tu sỹ, nhà văn, nhà báo và giảng viên đại học; nam nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, các vị ký tên trong bản đề nghị này gặp nhau ở điểm chung như sau:
"Thực ra điểm chung là điểm chung của hơn 85 triệu dân Việt Nam, tức là chung một lòng với đất nước. Ai cũng có chung một tấm lòng đó, chứ không riêng gì những nhân sỹ trí thức đại diện cho đủ các thành phần trong đơn đó. Trước họa ngoại xâm, toàn dân Việt Nam có một điểm chung là phải tìm mọi cách đoàn kết lại, để chống trả. "
Về thái độ của người dân, liệu có đồng tình ủng hộ hành động 42 trí thức đứng ra kiến nghị nhà cầm quyền, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho chúng tôi biết ý kiến như sau:
"Thấy qua thư, qua những lời phản hồi bình luận trên các blog thì người ta ủng hộ rất nhiều. Nhưng dĩ nhiên, chúng ta đang đối diện với nỗi sợ hãi. Mà nỗi sợ hãi này đã có từ mấy chục năm nay. Cái gì mà thấy nhà nước lắc đầu thì người dân sợ. Qua những gương người đi biểu tình bị làm khó dễ, người ta thấy rằng cũng khó khăn cho họ.
Đương nhiên là biểu lộ đồng tình rồi, nhưng biểu lộ qua cách này cách khác thì sự đồng tình chưa rõ ra. Trừ những người dũng cảm, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn thì người ta biểu lộ sự đồng tình đó. Nghĩ rằng, riêng chuyện này thì ai cũng ủng hộ biểu tình hết. Có thể người ta không tham gia nhưng người ta rất ủng hộ."
... trước họa ngoại xâm
Vậy những người không nằm trong danh sách ký tên vào bản kiến nghị này, sẽ có thái độ như thế nào về sự kiện 42 trí thức Sài Gòn lên tiếng. Chúng tôi trao đổi với Blogger Nguyễn Hoàng Vy thì được biết như sau:
"Tôi nghĩ vấn đề đó sẽ tốt thôi. Vì lần đầu tiên mà họ dám đứng ra công khai làm cái đơn đó, thì sẽ có nhiều người tham gia cuộc biểu tình. Cũng giống như ở Hà Nội vậy.
Bản kiến nghị với 42 nhân sỹ trí thức như vậy sẽ có tác động là sẽ có nhiều người mạnh dạn tham gia. Bởi vì thành phần trí thức đã lên tiếng tham gia như vậy, chắc chắn sẽ kéo theo rất nhiều người. Mọi người sẽ an tâm khi xuống đường hơn. Còn đối với bản thân tôi, không có những đơn kiến nghị như vậy thì mình vẫn cứ xuống đường, như bình thường thôi."
Trong bối cảnh hiện tại, việc công khai bày tỏ lòng yêu nước bằng hành vi biểu tình là phải vượt qua những nỗi sợ hãi. Chúng tôi có phỏng vấn nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Bắc Truyển, một trí thức khác không có tên trong danh sách bản kiến nghị biểu tình, thì được cho biết ý kiến về vấn đề này như sau:
"Hiện nay nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang dùng chính sách công an trị. Họ đã đưa rất nhiều thành phần vào trong đội ngũ công an của họ, có cả những thành phần, tôi phải dùng từ là, không có được đào tạo, trình độ rất là thấp kém. Họ hy vọng sẽ giữ vững được an ninh trật tự tại Việt Nam.
Nhưng mà cái hành vi của những cái người gọi là an ninh này, rất là khó kiểm soát. Họ có thể hung hăng, họ có thể dùng những hành động bạo lực để trấn áp người dân; bắt giữ những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Họ cố ý tạo ra một nỗi sợ hãi, để từ đó không ai còn dám nghĩ đến việc xuống đường biểu tình nữa.
Họ cũng lo sợ rằng, cuộc biểu tình ở tại Sài Gòn chống Trung Quốc sẽ biến thành một cuộc biểu tình chống chế độ. Họ rất lo sợ điểm này, thành ra họ đã cố gắng ngăn cản rất là nhiều những quan điểm xuống đường.
Nhưng nói là sợ hãi thì tôi cũng không nghĩ là sợ hãi nhiều lắm đâu. Bởi vì tôi thấy rằng những cuộc biểu tình vừa qua, Sài Gòn cũng được vài trăm cho đến vài ngàn người. Nỗi sợ hãi của con người ta từ từ cũng bớt đi, khi thấy rằng trách nhiệm của người dân là phải nói lên lòng yêu nước của mình. Không thể để lòng yêu nước ấy bị một nhóm nhỏ người nào đó chi phối hay kiểm soát. Tôi tin rằng trong thời gian tới, sẽ có rất nhiều người mạnh dạn hơn nữa để dấn thân vào công cuộc đấu tranh cho Việt Nam của mình."
Hành vi đề nghị chính quyền có chủ trương để tổ chức biểu tình là một nét sinh hoạt mới của người dân Sài Gòn, biểu hiện tinh thần dân chủ trong một nhà nước pháp quyền cần phải có. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh phân tích như sau:
Tôi tin rằng trong thời gian tới, sẽ có rất nhiều người mạnh dạn hơn nữa để dấn thân vào công cuộc đấu tranh cho Việt Nam của mình.<br/>ô. Nguyễn Bắc Truyển<br/> <br/>
"Biểu tình là quyền của nhân dân, nhưng ở đây không đề nghị nhà nước tổ chức mà đề nghị các đoàn thể của nhà nước. Thực ra các đoàn thể gọi là đoàn thể quần chúng, nhưng trong chế độ mình thì những đoàn thể đó do nhà nước quản lý hết. Do đó biểu tình là người dân biểu tình, chứ nhà nước không biểu tình. Người dân biểu tình thì thông qua các đoàn thể, tổ chức; để cho cuộc biểu tình được mạnh và có đầy đủ các thành phần.
Cái chuyện Trung Quốc uy hiếp và ngược ngạo với mình quá nhiều như vậy, người dân không thể lặng câm được. Nhà nước có thể nhường nhịn, nhưng người dân phải lên tiếng nói cho người ta thấy rằng, người dân không có sợ chuyện đó. Sẵn sàng đoàn kết mà đối phó lại."
Trong bối cảnh nền an ninh quốc gia đang bị đe dọa nghiêm trọng, người dân cần thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với đất nước. Cần nhanh chóng xác lập quyền hạn và trách nhiệm của các bên tham gia, nhu cầu thông qua Luật Biểu tình đang trở nên cấp thiết. Mục đích xây dựng luật pháp là để bảo vệ kỷ cương phép nước, nhưng cũng nhằm bảo vệ quyền lợi các công dân.
Theo dòng thời sự:
- Công an ngăn chận biểu tình chống TQ ngày 29/7
- TQ bổ nhiệm chỉ huy trưởng và chính ủy cho thành phố Tam Sa
- Thuốc súng biển Đông đang cháy?
- Trung Quốc gia tăng đe dọa Việt Nam tại biển Đông
- Hà Nội tiếp tục biểu tình chống TQ ngày 22/7
- Tại sao họ đi biểu tình?
- Hệ lụy của lần xuống đường chống Trung Quốc hôm 1/7/2012
- VN vẫn chủ trương đàn áp biểu tình chống TQ
- Huế, Sài Gòn, Hà Nội đồng loạt biểu tình chống Trung Quốc
- Ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hillary Clinton
- "Cuộc chiến mới" của Việt Nam và Trung Quốc
- Âm mưu của Bắc Kinh