Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12 tháng 1 năm 2021, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản, coi đây là công cụ để tăng cường minh bạch về tài sản.
Theo ông Trí, nếu có luật Đăng ký tài sản, bất kỳ một công dân nào đăng ký một tài sản mới mà không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì sẽ bị truy nguồn gốc. Người bị truy nguồn gốc nếu không giải trình được những lý do hợp lý, cơ quan chức năng sẽ có cơ sở pháp lý để xử lý.
Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Theo nhận định của Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc qua ứng dụng facebook messenger với RFA vào tối 13 tháng 1, việc ban hành Luật đăng ký tài sản chỉ mới là đề xuất của Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí. Từ đề xuất đến đề án, dự án Luật, đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội, rồi thảo luận, thông qua, ban hành, triển khai thực hiện là một quá trình dài. Luật sư Phúc phân tích:
“Ông Lê Minh Trí đề xuất xây dựng Luật đăng ký tài sản trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực phòng ngừa tham nhũng mà ngành Kiểm sát đóng vai trò chủ chốt.
Thực ra, ở Việt Nam tài sản công dân được quản lý thông qua việc đăng ký với cơ quan Nhà nước đã có từ lâu. Hiện nay tài sản như nhà, đất, tàu, xe, phương tiện cơ giới như cần cẩu hàng, đầu kéo... đều phải đăng bộ, cũng có nghĩa là đăng ký với cơ quan Nhà nước. Trước đây, TV, radio, video-casette... phải cấp giấy phép mới được sử dụng, nó cũng mang ý nghĩa của đăng ký tài sản, nay thì đã bỏ.
Một thứ tài sản có ý nghĩa đặc biệt là vàng trong nhân dân thì nhà nước chưa quản lý được. Có lẽ người ta bắt đầu chú ý đến việc quản lý tài sản này...
Theo tôi, muốn chống tham nhũng hiệu quả thì chỉ cần luật hoá việc cán bộ, người có chức vụ phải bị buộc kê khai tài sản. Chỉ có người có chức vụ mới tham nhũng, thì cần gì phải ban hành luật để buộc người dân phải kê khai tài sản.
Chỉ cần có Luật kê khai, đăng ký tài sản cán bộ, người có chức vụ, là đủ!”
Theo tôi, muốn chống tham nhũng hiệu quả thì chỉ cần luật hoá việc cán bộ, người có chức vụ phải bị buộc kê khai tài sản. Chỉ có người có chức vụ mới tham nhũng, thì cần gì phải ban hành luật để buộc người dân phải kê khai tài sản.- Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc
Nói đến loại tài sản là vàng trong nhân dân, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần ‘nhòm ngó’ loại tài sản này. Điển hình là từ năm 2011, Thống đốc ngân hàng Nhà nước lúc đó là ông Nguyễn Văn Bình đã trình cho Thủ tướng cũng lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng về chủ trương thu hút vàng trong dân.
Mới đây nhất là hôm 9 tháng 1, phát biểu tại Hội nghị ngành kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề cập đến cơ chế khuyến khích để huy động nguồn lực trong dân, nhất là vàng, ngoại tệ.
Để chống tham nhũng, cơ quan chức năng từ lâu đã ban hành nhiều Nghị định, Quy định, Luật để quản lý và kiểm soát tài sản cán bộ, nhưng dường như chỉ mang tính hình thức. Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9 năm 2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh rằng, theo Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành, với tài sản do tham nhũng mà có thì sẽ tịch thu. Riêng với tài sản tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc thì đến nay pháp luật chưa có quy định để xử lý.
Ngoài Luật Phòng chống tham nhũng 2018, cuối tháng 10 năm 2020, Chính phủ ban hành thêm Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nghị định này được cho là có rất nhiều điểm mới nhằm bảo đảm việc kiểm soát tài sản, thu nhập thực chất hơn. Tuy vậy, Nghị định quy định nếu người kê khai bị kết luận không trung thực mà chủ động từ chức thì sẽ không bị kỷ luật.
Trả lời với báo chí Nhà nước về quy định này, ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho rằng: “Đây không phải là xí xóa mà thể hiện tính nhân văn và coi trọng hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng chứ không nhất thiết chỉ nhằm trừng phạt. Đối với người đang làm lãnh đạo mà phải từ chức là một việc rất nặng nề.”
Nhận xét về đề xuất của ông Lê Minh Trí ban hành luật Đăng ký tài sản, blogger Lưu Trọng Văn viết trên trang facebook cá nhân (mà RFA đã xin phép được trích) rằng:
"Vậy ra bao quy định, nghị quyết của đảng về việc buộc cán bộ lãnh đạo phải kê khai tài sản của mình và tài sản của người thân của mình được ca ngợi hết nhời, thành ra nước đổ đầu vịt ư?
Dù sao ngài viện trưởng viện KSNDTC với phát biểu của mình đã đặt dấu chấm hết cho cái trò tự giác kê khai rất hình thức mà đảng bao năm tuyên truyền cổ vũ ấy.
Tất nhiên nếu có luật mà không có cơ chế chế tài, dân chủ giám sát luật thì cũng như không. Và càng như không khi không thực chất muốn chống tham nhũng.”
Qua những vụ án tham nhũng bị đưa ra xét xử thời gian qua, rõ ràng chỉ các quan chức mới có điều kiện tham nhũng. Và để tài sản tham nhũng không bị tịch thu thì đa số những tài sản đó được chuyển cho người nhà đứng tên mà phía cơ quan chức năng dù biết cũng không thể thu hồi.
Theo ông Lê Minh Trí, việc này ngành Kiểm sát biết hết nhưng không làm gì được vì vướng quyền sở hữu của công dân. Chính vì thế ông đề nghị ban hành một luật mới. Như thế luật này liệu có vi phạm quyền sở hữu của công dân hay không và liệu có bị người dân phản đối hay không?
Chị ủng hộ việc kiểm tra, kiểm soát tài sản của dân với điều kiện trước hết phải kiểm tra tài sản của đảng viên, cán bộ. Dân thì toàn dân nghèo. Ra đề xuất như vậy chẳng qua là để vét cái gì của dân được thì vét thôi. Họ ra đề xuất thì dân cũng có quyền đề xuất lại.- Chị Nguyễn Lai
Chị Nguyễn Lai từ Nha Trang nêu ý kiến của chị:
“Chị ủng hộ việc kiểm tra, kiểm soát tài sản của dân với điều kiện trước hết phải kiểm tra tài sản của đảng viên, cán bộ. Dân thì toàn dân nghèo. Khi quan chức tham nhũng thì họ tìm mọi cách để rửa tiền bằng cách mua nhà, khách sạn, nhà hàng để người nhà đứng tên. Về phía chị, phía dân thì chả có gì mà phải sợ hết.
Ra đề xuất như vậy chẳng qua là để vét cái gì của dân được thì vét thôi. Họ ra đề xuất thì dân cũng có quyền đề xuất lại.”
Công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam đã bắt đầu từ năm 1998 khi Chính phủ đã ban hành những chính sách và luật cụ thể, bao gồm: 1998 Pháp lệnh phòng, chống tham nhũng (sửa đổi năm 2000); 1998 Luật Khiếu nại và Tố cáo (sửa đổi năm 2004); 1998 Pháp lệnh Công chức (sửa đổi năm 2003)… cho đến Luật phòng, chống tham nhũng được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2018 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019. Nhưng dường như không đạt kết quả bao nhiêu.
Trong một lần trò chuyện với RFA về vấn đề chống tham nhũng ở Việt Nam, Bác sĩ Đinh Đức Long khẳng định rằng, một khi mà cương lĩnh chính trị của Đảng là cao nhất, hơn cả Hiến pháp, thì mọi hành vi chống tham nhũng dưới bất kỳ hình thức nào cũng chỉ là để bảo vệ lợi ích của Đảng, chứ không phải là bảo vệ lợi ích của Dân.