Kiến nghị có tựa đề ‘Giữ Rừng- Giữ Nước’ do một số tổ chức bảo vệ môi trường như Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh Green ID, Quỹ Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Sống Bền vững (Quỹ Sống), CHANGE Thay Đổi…cùng với các nhà hoạt động xã hội, chuyên gia, khoa học gia cùng nhiều trí thức tên tuổi đồng khởi xướng. Từ ngày bắt đầu kêu gọi những người quan tâm ký tên hôm 14/6 đến ngày 22/6, Kiến nghị thu thập được trên 20.000 chữ ký.
Nơi nhận Kiến Nghị gồm các lãnh đạo ‘tứ trụ’ cao nhất của Đảng và Chính phủ Việt Nam cùng lãnh đạo các bộ và cơ quan ngang bộ. Nội dung chính của Kiến nghị là yêu cầu hủy bỏ dự án sân golf, không xây dựng khu phức hợp tại rừng thông thuộc thị trấn Đắk Đoa, xã Tân Bình và xã Glar, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai.
Dự án xây dựng sân golf do chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Sân golf dự kiến có 36 lỗ theo tiêu chuẩn quốc tế, được xây dựng trên một diện tích đất 174,01 hectares, trong đó thực hiện chuyển mục đích sử dụng 155,93 hectares rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện dự án.
Thông tin từ trang web của chủ đầu tư FLC cho thấy, dự án được gọi tên là ‘quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Gia Lai’. Với tổng vối đầu tư 3.631 tỷ đồng, các hạng mục đầu tư gồm sân golf, trung tâm hội nghị tầm cỡ quốc tế, khách sạn, khu biệt thự, khu vui chơi thể thao ngoài trời, công viên, trường học liên cấp, safari tức vườn thú.
Tuy nhiên Kiến nghị Giữ Rừng-Giữ Nước nêu bật 10 lý do mà Nhà nước phải cân nhắc để không phê duyệt dự án sân golf trong rừng thông Đak Đoa này.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia về thuỷ học môi trường và biến đổi khí hậu, một trong những người đại diện Kiến Nghị, nhắc lại những tác động bất lợi mà dự án sân golf Đắk Đoa gây nên:
"Rừng có một giá trị quan trong trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, chống sạt lở và tạo điều kiện cho sinh vật phát triển. Về môi trường và sinh thái thì không ai chấp nhận phá hủy những giá trị quí báu như vậy được"
“Ở sân golf người ta sử dụng hóa chất và phân bón rất nhiều, mà khu vực này ở trên cao thì bao nhiêu độc chất từ phân bón và thuốc trừ sâu sẽ trôi xuống hạ lưu, gây ô nhiễm môi trường. Những khu sân golf sử dụng nguồn nước khá nhiều, Tây Nguyên vốn đã khan hiếm nước rồi thì càng làm tốn nhiều nước nữa”
"Sân golf cũng tạo ra bất bình đẳng trong xã hội. Phá một khu rừng trên một trăm mấy chục hectares để cho vài ba người chơi, trong khi người dân nghèo bị đẩy ra khỏi khu vực. Đó là những lý do tôi ký Kiến Nghị, yêu cầu Nhà Nước xem xét lại và hủy bỏ dự án này".
Nhà báo Võ Văn Tạo, đã tham gia ký vào Kiến nghị ‘Giữ Rừng-Giữ Nước’ ngay từ đầu, nói thẳng vì sao dự án sân golf ở rừng thông Đắk Đoa bị cho là có sự cố ý chuyển đổi mục đích sử dụng bất hợp lý, đồng thời cố ý tư nhân hóa cảnh quan công cộng:
"Dự án sân golf thuộc Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết, được ông Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký vào giờ chót. Giới quan sát chúng tôi gọi đấy là 'ký chạy hưu', là vì chỉ vài hôm nữa thì ông Trịnh Đình Dũng về hưu"
“Theo thông tin trên báo chí ở Việt Nam, hơn 150 hectares rừng thông ở Đắk Đoa được giao cho nhà đầu tư FLC Trịnh Văn Quyết phá hủy đi để làm sân golf. Còn theo chỗ chúng tôi tìm hiểu thì ông Trịnh Văn Quyết và ông Trịnh Đình Dũng là đồng hương, cùng quê ở Vĩnh Phúc, có mối thân thiết nhất định”
Để có được dự án sân golf này thì môi trường thiên nhiên ở Gia Lai phải hy sinh hơn 150 hectares rừng thông đẹp, vốn dĩ được trồng từ nhiều thế kỷ trước. Nhà báo Võ Văn Tạo nói tiếp:
"Những khu vực đó đều được gọi là rừng phòng hộ, có tác dụng ngăn cản lũ quét. Cây rừng giữ lại lượng nước mưa thấm dần vào đất, vào rễ cây rồi theo mạch ngầm từ từ ra sông ra suối. Một khi đã chặt hết cây, rừng bị làm sạch, mưa xuống là nước chảy ào ào, chảy rất xiếc gây hiện tượng lũ quét rất khủng khiếp. Năm nào ở Việt Nam cũng có tai nạn lũ quét, người chết, nhà sập, nhất là những vùng miền núi xa xôi. Cái sân golf bị phản đối là thế".
Tiếp lời nhà báo Võ Văn Tạo, nhà nghiên cứu môi trường và biến đổi khí hậu Lê Anh Tuấn giải thích thêm:
"Rừng ở Tây Nguyên ngày càng bị thu hẹp ở mức báo động rồi. Ngay cả thủ tướng cũng nói phải đóng cửa rừng lại. Phá rừng thông mà gần đó có bãi cỏ hồng rất độc đáo, là điều khó chấp nhận được. Dù cho có kế hoạch trồng lại rừng mới thì rừng trồng cũng không thể nào bằng rừng tự nhiên được".
Kiến nghị cho rằng việc tham vấn cộng đồng địa phương thiếu tính thực chất và minh bạch. Ngoài ra cam kết không làm mất rừng là không đáng tin cậy.
Nhiều cư dân địa phương, kể cả người dân tộc, không muốn nêu danh tính, nói với RFA rằng họ không hay biết gì về chuyện sân golf ở rừng thông Đắk Đoa, cũng như
"Còn lâu mới có chuyện trồng lại rừng, không dễ đâu! Làm như tụi tôi ngu lắm vậy đó, tụi tôi dân rừng núi mà".
Nhà nghiên cứu, kinh tế gia Phạm Chị Lan, một thời trong ban cố vấn của Thủ tướng Chính phủ những năm đầu thập niên 2000, cho biết chính vì dự án có nhiều tác động bất lợi về kinh tế, môi trường, kể cả về tăng trưởng bao trùm, lợi ích cộng đồng…nên bà đã ký vào Kiến nghị mà không do dự. Đưa ra một phân tích toàn diện, chuyên gia nói có nhiều lý do để không tán thành:
“Về mặt kinh tế tôi thấy không có hiệu quả. Kiến Nghị nêu rõ là so với tiền doanh nghiệp bảo phải thuê đất một lúc với việc mà nếu để làm du lịch sinh thái, thì khả năng thu nhập mang lại cho địa phương lớn hơn rất nhiều so với khoản tiền mà doanh nghiệp sân golf hứa”.
Bà nói là dự án này có thể mang lợi ích cho doanh nghiệp, thỏa mãn được nhu cầu của một số người giàu; thế nhưng đối với đông đảo người dân, nhất là người bản địa, thực sự lợi ích kinh tế không đến tay họ:
“Tôi không tin người dân, nhất là ở đấy đồng bào dân tộc được hưởng lợi từ dự án này. Đã nhiều vùng ở Việt Nam làm sân golf rồi, phần nhiều người dân bị mất đất lâm hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm mới từ tiền đền bù hoặc từ những hoạt động của vùng đất mà họ để cho Nhà Nước sử dụng sang mục đích khác”
Điểm thứ ba, theo bà Phạm Chi Lan, khi rừng ở Tây Nguyên không còn thì nước cũng không còn cho các vùng liên quan:
Trong bản Kiến Nghị chúng tôi cũng nói rõ người ta quí từng giọt nước một, nếu làm sân golf thì nguồn cây xanh và nguồn nước bị mất. Người dân địa phương, chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, sẽ càng khó khăn hơn”
"Hai nữa, về mặt môi trường, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói 'không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế, không vì mục đích kinh tế mà gây hệ quả cho môi trường'. Cái thứ ba nữa, theo qui định Nhà nước, các dự án này phải tham vấn người dân tại chỗ, nhưng thực tế người dân không được hỏi ý kiến để xem tác động của dự án đối với họ như thế nào. Như thế là không đúng qui trình tham vấn người dân, không phù hợp với các qui định của Việt Nam".
Không chỉ bác bỏ hay phản đối, Kiến Nghị Giữ Rừng-Giữ Đất còn đề đạt lên Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn cũng như Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai bốn đề nghị chính thức. Một là công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án sân golf Đắk Đoa theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2014 vẫn đang còn giá trị hiện hành.
Hai là hủy bỏ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đắk Đoa, không phê duyệt chủ trương đầu tư khu phức hợp Đắk Đoa.
Thứ ba, chuyển đổi rừng thông Đắk Đoa từ rừng sản xuất hiện tại thành rừng phòng hộ.
Thứ tư, nghiên cứu và thực hiện quy hoạch phát triển du lịch sinh thái bền vững tại khu vực rừng thông này.
Đây là những đề nghị hết sức hợp lý, hợp thời, là nhận định của bạn trẻ Nguyễn Anh Tuấn, nhóm Green Tree tại Hà Nội:
"Trước hết trên tư cách cá nhân thì tôi cũng ký Kiến Nghị. Thứ hai hầu hết anh chị em trong nhóm Green Tree đều rất nhiệt tình kêu gọi mọi người ký và bản thân họ cũng đã ký"
“Khi mà cả thế giới cũng như Việt Nam đang nêu cao tinh thần bảo vệ rừng, cần giữ gìn cây rừng, thì dự án mặt cỏ sân golf này đi ngược lại tinh thần đó”
Bằng vào sự lớn mạnh của mạng xạ hội những năm gần đây, vẫn lời bạn Nguyễn Anh Tuấn, có vẻ như tâm tư nguyện vọng người dân được phản ánh một cách tự do hơn và thuận lợi hơn. Trên hầu hết các lãnh vực thì chính phủ khá là thuận theo những vấn đề mà người dân tỏ ra bức xúc và quan tâm ở mức độ qui mô lớn:
“Thế thì Tuấn rất hy vọng dự án này sẽ bị dừng lại. Khi mà tiếng nói người dân đủ mạnh thì Nhà Nước chắc chắn phải lắng nghe”.
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, tổ trưởng Bộ môn Cơ sở Kỹ thuật Thủy lợi, Khoa Xây dụng Thủy lợi/Thủy điện Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng, cho biết ông hoàn toàn đồng ý và ủng hộ những luận cứ trong Kiến Nghị Giữ Rừng-Giữ Nước. Lại nữa, chưa khi nào ông thấy một Kiến Nghị có sức hút nhiều chữ ký trong một thời gian vài ngày như vậy:
"Chính tôi cũng ký vào trang web điện tử với lời yêu cầu Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ dừng cái dự án tính ra không có lợi gì hết. Các vị lãnh đạo thì mong có một Nhà nước tốt đẹp, tôi nghĩ thế nào các vị cũng xem xét kỹ để có quyết định hợp lòng dân".