Giá xăng dầu: bài toán khó cho Bộ Công Thương?

0:00 / 0:00

Bộ Công Thương vừa kiến nghị để doanh nghiệp hoàn toàn tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu. Thông tin vừa nói là một trong những điểm mới được nêu trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.

Cụ thể, theo Bộ Công thương, Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, doanh nghiệp sẽ tự xác định, đưa ra giá bán lẻ xăng dầu sau khi cộng chi phí.
Doanh nghiệp hoàn toàn tự quyết định giá bán lẻ xăng có hợp lý? Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này, nhận định:

“Trong hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay vẫn còn có doanh nghiệp kinh doanh độc quyền, mà còn có doanh nghiệp kinh doanh độc quyền thì không bao giờ nên để cho doanh nghiệp đó tự định giá mà phải để cho nhà nước định giá. Nếu để cho doanh nghiệp tự định giá thì điều đó là trái với quy luật của thị trường, vì các doanh nghiệp còn độc quyền tự định giá thì bao giờ cũng vì lợi nhuận của mình mà sẽ luôn luôn định giá cao hơn giá thị trường nhằm thu lợi nhuận cho bản thân mình.”

Nếu để cho doanh nghiệp tự định giá thì điều đó là trái với quy luật của thị trường, vì các doanh nghiệp còn độc quyền tự định giá thì bao giờ cũng vì lợi nhuận của mình mà sẽ luôn luôn định giá cao hơn giá thị trường nhằm thu lợi nhuận cho bản thân mình.
-Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Trí Long

Nhà nước định giá ở đây theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Trí Long không phải là theo cơ chế bao cấp, mà nhà nước vẫn phải định giá theo quy luật của thị trường. Có nghĩa là làm sao phản ảnh đúng giá của thị trường, bù đắp đủ chi phí cho doanh nghiệp, đảm bảo cho doanh nghiệp có mức lãi hợp lý để tồn tại. Khi nhà nước định giá, không có nghĩa nhà nước sẽ định thấp hơn giá thị trường. Ông Long nói tiếp:

“Vì nhà nước là người đại diện cho quyền lợi của mọi đối tượng, mọi thành phần, có thể đảm bảo chia sẻ lợi ích hài hòa tốt nhất, công bằng nhất với các đối tượng giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.”

Hiện nay, Nhà nước vẫn đưa ra giá cơ sở để làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Mức giá này là giá trần để các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống. Vì vậy Bộ Công Thương cho rằng, cách tính giá dựa trên chi phí bình quân do các doanh nghiệp báo cáo như hiện nay không phản ánh đúng thực tế của từng doanh nghiệp, cũng như những chi phí phát sinh của doanh nghiệp đó.

Bộ Công thương cho rằng, đó một trong những nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu bất ổn thời gian vừa qua.

56c2ce93-324b-4a58-a691-1708f12c9129.jpeg
Ảnh minh họa: Người dân chờ đổ xăng tại một trạm xăng ở Hà Nội. AFP PHOTO.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, hôm 10/01/2023 cho rằng, dù chỉ có nhóm doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh xăng dầu, nhưng có thể coi là không còn độc quyền:

“Xăng dầu hiện nay không còn độc quyền đâu, mà có nhiều doanh nghiệp nhà nước cùng kinh doanh và cung ứng, nhất là những doanh nghiệp bán lẻ có thể có đại lý tư nhân… nhưng mà điều quan trọng là giá thì cho đến nay nhà nước định giá, còn nếu như để cho doanh nhân định giá thì chắc chắn phải có một quy định về việc cạnh tranh.”

Vì theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cạnh tranh của xăng dầu thì có những đặc thù riêng. Ông nêu ví dụ:

“Bởi vì tôi mua ở cửa hàng gần nhà tôi và thuận đường, nhưng nếu như một công ty xăng dầu khác có thể bán rẻ hơn một chút, nhưng lại ở xa hơn thì chưa chắc tôi đến đấy mua. Vì tính đi tính lại thì thiệt hơn có lẽ không phải là lớn lắm. Vì vậy cho nên về quy định này tôi nghĩ nên tổ chức một một cuộc tham khảo ý kiến với các công ty kinh doanh xăng dầu, với các khách hàng và với các chuyên gia… đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế của các nước Đông Nam Á để xem Việt Nam có thể rút ra được một cách làm như thế nào hợp lý nhất.”

Xăng dầu hiện nay không còn độc quyền đâu, mà có nhiều doanh nghiệp nhà nước cùng kinh doanh và cung ứng, nhất là những doanh nghiệp bán lẻ có thể có đại lý tư nhân… nhưng mà điều quan trọng là giá thì cho đến nay nhà nước định giá, còn nếu như để cho doanh nhân định giá thì chắc chắn phải có một quy định về việc cạnh tranh.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, trong tình hình hiện nay nhà nước nên tiếp tục định giá. Ông nói tiếp:

“Như ngày hôm nay báo Tuổi Trẻ có đăng một bài ngay trang nhất về việc Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đá bóng cho nhau về việc quản lý và định giá xăng dầu… Bộ Công Thương muốn tính chuyển cho Bộ Tài chính, còn Bộ Tài chính lại khen Bộ Công Thương làm tốt và nên làm, còn Bộ Tài chính khỏi làm nữa… Có lẽ việc này phải tình lên Phó Thủ tướng hay Thủ tướng quyết định. Bởi vì ý kiến khác nhau giữa hai bộ sẽ đòi hỏi vai trò quyết định của Phó Thủ tướng phụ trách hay là Thủ tướng.”

Theo bài báo đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 10/1/2023, biểu hiện rõ nhất của sự đùn đẩy này là Bộ Công Thương khi đưa ra dự thảo nghị định 95/2021 đã đề xuất giao hoàn toàn việc quản lý, điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài chính. Sau đó, tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã bày tỏ nguyện vọng muốn chuyển hoàn toàn việc quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương.

Năm 2022 là năm nhiều biến động của thị trường xăng dầu. Giá xăng đã tăng 16 lần, giảm 14 lần, có thời điểm vượt mốc 30.000 đồng/lít.

Dù nhiều biến động nhưng vào tháng 6 năm 2022, Bộ Tài chính Việt Nam khi lấy ý kiến về Dự thảo Luật Giá Sửa đổi đã cho rằng không nên duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu. Cụ thể, theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu tăng mạnh thời gian qua theo giá xăng dầu thế giới, trong khi quỹ bình ổn xăng dầu không đủ lớn, có dấu hiệu cạn kiệt… do đó đề xuất không nên duy trì quỹ bình ổn xăng dầu, mà để thị trường tự điều tiết, doanh nghiệp cạnh tranh sòng phẳng.

Tuy nhiên vào ngày 9/1/2023, Bộ Công Thương lại đề xuất giữ quỹ bình ổn giá nhưng sửa đổi quy định trích lập, chi dùng khi giá xăng dầu biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên.