Phải tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân, tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư nhân yên tâm đầu tư, kinh doanh, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra kêu gọi vừa nêu tại cuộc họp Chính phủ hôm 18/2/2021.
Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, thời gian qua kinh tế tư nhân phát triển rất nhanh, xuất hiện nhiều tập đoàn lớn, đóng góp nhiều vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội - GDP. Tuy nhiên, ông cho biết còn nhiều cản trở, ràng buộc đối với sự phát triển kinh tế tư nhân. Do đó cần tập trung tháo gỡ về thể chế chính sách, pháp luật... để phát triển kinh tế tư nhân.
Từ nhiều năm nay, nhiều lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam cũng thường hô hào việc cải cách thể chế chính sách để giúp phát triển. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng không dễ cải cách thể chế khi còn nhiều vấn đề liên quan cả hệ thống chính trị.
Từ Na Uy, hôm 19/2, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ nhận định với RFA:
“Trong thể chế của Việt Nam hiện nay, pháp luật chưa công bằng, chính sách chưa minh bạch, cho nên người làm doanh nghiệp phải có quan hệ. Và khi mà doanh nghiệp đã dùng đến quan hệ thì chính cái quan hệ đó lại trở thành rào cản cho các doanh nghiệp nói chung trong nền kinh tế. Doanh nghiệp nào có quan hệ với các sếp đương chức thì làm ăn được, doanh nghiệp nào không còn quan hệ với các sếp có thế lực thì có thể đối diện với các rủi ro. Các doanh nghiệp vì vậy muốn ăn nên làm ra thì phải vượt qua được cái rào cản quan hệ nhằm thiết lập quan hệ với các sếp. Đây là cái rào cản lớn nhất chặn tất cả những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có óc sáng tạo, muốn cạnh tranh bằng năng lực thay vì bỏ tiền mua các quan hệ.”
Muốn xoá bỏ rào cản này, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng không thể chỉ bằng nói suông mà phải cải cách hệ thống chính trị, tiến tới một hệ thống dân chủ. Chỉ khi có tư pháp xét xử độc lập, có người dân và các đảng phái đối lập giám sát giới cầm quyền thì mới hạn chế được việc dùng quyền lực để nuôi dưỡng quan hệ với các công ty sân sau nhằm cạnh tranh thiếu lành mạnh, hình thành các rào cản quan hệ làm tổn hại đến nền kinh tế.
Trong thể chế của Việt Nam hiện nay, pháp luật chưa công bằng, chính sách chưa minh bạch, cho nên người làm doanh nghiệp phải có quan hệ. Và khi mà doanh nghiệp đã dùng đến quan hệ thì chính cái quan hệ đó lại trở thành rào cản cho các doanh nghiệp nói chung trong nền kinh tế.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, một nhà tài chính người Mỹ gốc Việt, người từng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam hiện nay, khi nhận định với RFA hôm 19/2 từ Việt Nam cũng cho rằng việc hứa hẹn cải cách thể chế đã có từ lâu, nhưng chỉ thực hiện được một phần:
“Đấy là hứa hẹn của Thủ tướng, mà từ bao nhiêu năm nay cũng đã có hứa hẹn và cũng đã có thực hiện được từng phần. Từ mấy năm nay, các quy định pháp luật về phát triển kinh tế hay ngoại thương đã được thu lại rất nhiều để doanh nhân có thể làm việc tốt. Từ hàng ngàn quy định đã giảm xuống còn phân nửa, nhà nước sẽ tiếp tục xóa bỏ để kinh tế được tự do hơn.”
Đảng và Chính phủ Việt Nam xưa nay vẫn duy trì quan điểm doanh nghiệp Nhà nước là chủ đạo trong nền kinh tế đất nước. Vì lẽ đó, chính nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại Trương Đình Tuyển, từng nhìn nhận kinh tế tư nhân hay doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam vẫn bị phân biệt đối xử.
Quản lý của một công ty tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFA vào năm 2019 từng nói về việc doanh nghiệp tư nhân bị phân biệt đối xử:
“Tôi là người dân trực tiếp đi làm thủ tục giấy tờ thì một chữ, một dấu phết… cũng bị bắt lỗi và bị bắt quay về làm hồ sơ lại. Nhưng nếu một người cò ôm vào 100 cái hồ sơ thì dù có sai, cán bộ tự sửa, in lại và thông qua luôn. Đó là một hình thức của cơ chế.”
Có lẽ có nhiều lý do, một trong những lý do được cho là do doanh nghiệp nhà nước có sự trợ giúp của bộ máy nhà nước bằng nhiều cách. Một là trợ giúp về pháp lý, quyền kinh doanh, cũng có thể là trợ giúp về ngân sách. Thứ hai nữa là một số doanh nghiệp nhà nước có thua lỗ, nhưng khó phá sản bởi vì họ kinh doanh những ngành nghề mà nhà nước cho là chủ lực... Trong khi nếu là doanh nghiệp tư nhân thì đã phải đóng cửa từ lâu.
Ông Bùi Kiến Thành giải thích:
“Bên lãnh đạo Đảng cũng như Chính phủ cũng đã nói kinh tế tư nhân là thành phần quan trọng của nền kinh tế, rồi có lúc nói rằng kinh tế tư nhân từ 40% GDP sẽ tăng lên 50% hay hơn nữa... và dần dần nền kinh tế VN sẽ thành một nền kinh tế thị trường, một nền kinh tế đa số là tư nhân, còn kinh tế quốc doanh sẽ thu hẹp vào những lĩnh vực mà nhân dân chưa làm được hay chưa có khả năng làm được, đó là nguyên tắc của một nền kinh tế thị trường. Cho đến lúc nào đó kinh tế quốc doanh sẽ nhỏ hẹp lại. Thậm chí bên Pháp, bên Anh, bên Mỹ cũng có rất nhiều lĩnh vực mà kinh tế quốc doanh phải tham gia.”
Để thúc đẩy việc này, về phía tư nhân nên lập một hội đồng tư vấn, nên tham gia đóng góp ý kiến tích cực để thực hiện kinh tế số hóa, giảm bớt thủ tục, để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp VN.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khi trả lời RFA hôm 19/2 cũng nhìn nhận Việt Nam đã có bước tiến rất mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế tư nhân, từ chỗ coi nó là bất hợp pháp thì bây giờ đã coi là một động lực phát triển, thậm chí là động lực quan trọng. Về chính sách, đã thực hiện quyền tự do kinh doanh theo pháp luật và đã xóa bỏ nhiều giấy phép. Ông nói tiếp:
“Trước kia nào là giấy phép để bán báo, giấy phép lượm sắt vụn... bây giờ đã giải quyết được rất nhiều. Tuy vậy, tiến bộ khoa học công nghệ. kinh tế số phát triển, thì lại phát hiện các rào cản khác. Việt Nam đã hội nhập rất lâu, đã ký kết các hiệp định thương mại tự do, trong đó cam kết rất nhiều về công khai minh bạch, cải cách thể chế, quyền cạnh tranh bình đẳng... Vì vậy sắp tới đây, tất cả các cam kết đó sẽ phải được thực hiện, và trong đó phải có việc xóa bỏ giấy phép con đối với khu vực kinh tế tư nhân.”
Ngoài ra theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc chuyển sang kinh tế số hóa sẽ là một cơ hội về mặt kỹ thuật tuyệt vời cho nền kinh tế, bởi vì mọi quy định đều được đưa lên mạng công khai, các bước đi, các thủ tục đều được đưa lên mạng. Ông đưa ra ví dụ:
“Trong đó phải ghi nhận ngành hải quan của VN đã có những bước tiến rất quan trọng, hầu như tất cả các khâu thủ tục của hải quan để xuất nhập khẩu đều có thể xử lý qua mạng, giảm bớt rất nhiều thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp. Tôi nghĩ Chính phủ đang có chương trình hành động và cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Và để thúc đẩy việc này, về phía tư nhân nên lập một hội đồng tư vấn, nên tham gia đóng góp ý kiến tích cực để thực hiện kinh tế số hóa, giảm bớt thủ tục, để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp VN.”
Theo Tổng cục Thống kê vào năm 2019, khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động nội địa.
Trở lại với vấn đề thể chế cản trở sự phát triển kinh tế tư nhân, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng để cải cách thể chế, trước tiên cần thực hiện công khai minh bạch, tất cả những quy định, ai làm gì đều công khai rõ ràng. Mức độ công khai minh bạch của Việt Nam cũng cần nâng lên, và nếu có những cam kết hết sức cụ thể thì sẽ làm cho việc thực hiện chủ trương như cải cách thể chế, công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng sẽ hiệu quả hơn.