An ninh canh chặn dân là hành vi trái pháp luật!

0:00 / 0:00

Nguyên nhân canh chặn

Việc an ninh canh nhà giới hoạt động, blogger, trí thức bất đồng chính kiến, cựu tù nhân lương tâm vào các dịp lễ, ngày kỷ niệm cuộc chiến biên giới phía Bắc, hải chiến Hoàng Sa, Gạc Ma, hoặc những ngày có biểu tình chống Trung Quốc, biểu tình vì môi trường…không còn xa lạ gì dù chính quyền chưa bao giờ thừa nhận. Một số những người bị ngăn chặn cho rằng việc này ngày càng trắng trợn và thô bạo.

Theo anh Trịnh Bá Tư, một nhà hoạt động ở Hà Nội thì thông thường có hai khả năng an ninh/công an canh nhà dân. Thứ nhất là kế hoạch có sẵn từ phía chính quyền, chẳng hạn như trước khi vụ Đồng Tâm xảy ra khoảng 4, 5 ngày thì nhà anh đã bị canh gác. Thứ hai là phía chính quyền nghe ngóng và nhận thấy giới hoạt động có thể tổ chức một sự kiện gì đó, chẳng hạn một số người có thể về Đồng Tâm thắp hương cụ Kình những ngày giáp Tết, họ canh gác rất chặt. Còn hình thức canh gác thì tùy từng sự vụ. Anh dẫn chứng:

"H ôm 9/1/2020, khi xảy ra biến cố Đồng Tâm, anh trai tôi (Trịnh Bá Phương) vừa ra khỏi nhà là nó bắt đi luôn. Hôm nay chỉ nó chỉ đi theo. Có nghĩa là tùy theo từng vụ việc. Có vụ thì nó sẵn sàng sử dụng vũ lực để ép buộc mình về đồn công an. Khi hỏi vì sao lại canh như vậy thì những an ninh này nói rằng chỉ làm theo lệnh từ trên xuống chứ không biết gì cả !" .

Một nhà hoạt động khác là blogger Nguyễn Tường Thụy cho hay ông thường xuyên bị canh chặn với mật độ ngày càng dày và vi phạm quyền tự do đi lại của ông một cách nghiêm trọng. Ông cho biết:

" Trước khi vụ Đồng Tâm xảy ra khoảng 1, 2 ngày là tôi đã bị canh. Đến ngày 9/1 vụ Đồng Tâm xảy ra thì càng canh chặt hơn nữa. Ngày 17, 18 thì không thấy, đến ngày 19 tưởng niệm Hoàng Sa thì lại canh cho đến mấy hôm nay. Trưa nay thì rút rồi.

Đầu tiên nó đi theo, rồi sau nó chặn luôn ngay ở nhà, chỉ cho đi loanh quanh khu nhà. Nếu đi xa nó sẽ cản. Ngay cả mình gọi xe taxi nó cũng đuổi xe taxi đi luôn. "

Rõ ràng người dân luôn cảm thấy bất an trong một xã hội mà những kẻ lạ mặt, không dám xưng tên là gì, ở đâu mà lại dám qui định cho người dân được đi đến đâu, không được đi đến đâu.

Không chỉ những chuyện có tính chất ‘nội bộ’, mà như đã thành lệ, mỗi khi có sự kiện gì liên quan đến quốc tế diễn ra ở Việt Nam thì tư gia của một số nhà hoạt động cũng bị theo dõi, canh chặn, thậm chí chủ nhân bị yêu cầu không được ra khỏi nhà. Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Hàn ở Hà Nội diễn ra vào ngày 27 tháng 2 năm 2019 không là ngoại lệ.

Ông Ngô Duy Quyền, chồng của nữ luật sư Lê Thị Công Nhân, cho biết từ sáng 25/2 họ đã án ngữ tận tầng 3, đi chợ thì họ kè kè đi theo, cách chỉ khoảng 3m.

Ông Tô Oanh ở Bắc Giang, người từng sang Hoa Kỳ dự buổi điều trần về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam năm 2014 cũng cho biết ngoài 2 camera trước cửa, một sĩ quan an ninh vào nhà tuyên bố không được đi đâu cho hết hội nghị Thượng đỉnh.

Theo Reuters, hơn một chục nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Việt Nam cho biết cảnh sát đã tăng cường giám sát và ngăn cản họ rời khỏi nhà ở Hà Nội khi Việt Nam tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Hàn.

Một sự kiện tưởng chừng không liên quan gì đến Việt Nam nhưng người dân trong nước cũng bị canh chặn không cho đi đâu, đó là ngày Quốc khánh Trung Quốc, 1 tháng 10.

Bà Trần Thị Thảo, giáo viên nghỉ hưu ở Hà Nội, nói với RFA vào sáng 1 tháng 10 năm 2019 rằng suốt hai ngày bà không thể ra chợ mua thức ăn vì ra là bị chặn lại. Bà cho biết thêm:

“Từ 5 năm nay, tôi bị canh có đến cả trăm lần rồi, vì vậy cũng quen, tôi thấy không có gì khác cả vì lực lượng canh tôi vẫn gồm: an ninh viên, công an phường (mặc thường phục ), dân phòng, hội phụ nữ.... Nói chung là thái độ của họ vẫn không thay đổi gì. Họ sẵn sàng thu điện thoại, sẵn sàng chửi tục, sẵn sàng bắt về đồn nếu tôi làm căng với chúng.”

Trái pháp luật

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. (AFP)

Với những nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo, dân oan đòi đất, những cựu tù nhân lương tâm, những bloggers…thường xuyên bị vi phạm nhân quyền, chịu cảnh bất công với những bản án bỏ túi dường như đã quá quen với cách hành xử được mô tả là thô bạo, vi phạm pháp luật từ cơ quan công quyền, nhưng họ vẫn không thể chấp nhận những sinh hoạt cá nhân, gia đình bị xâm phạm trắng trợn bởi lực lượng an ninh ngày đêm lảng vảng, theo dõi, ngăn chặn quyền tự do đi lại của họ.

Anh Trịnh Bá Tư khẳng định đây là hành động vi phạm nhân quyền trắng trợn khi cử an ninh và công an mặc thường phục đến canh giữ ngay cổng nhà mình rồi đi vòng quanh nghe ngóng. Anh bày tỏ:

“Tôi cảm thấy rất khó chịu vì mình là người dân bình thường mà an ninh cứ canh ở cổng như vậy, sinh hoạt của mình cũng không thoải mái. Nó làm mình cảm nhận rõ đang sống trong một chế độ cai trị độc tài.

Mình đi ra ngoài thì họ ngăn cản, đẩy mình vào nhà. Nếu căng thẳng quá thì họ bắt mình về đồn công an. Về đồn công an thì cũng có khi họ ôn hòa, chỉ giam giữ mình ở đấy, nhưng cũng có những hôm họ sỉ nhục mình bằng những lời lẽ thô tục, có hôm thì họ đánh mình. Nó thể hiện sự vô pháp của một nhà nước độc tài, không thượng tôn pháp luật!”

Blogger Nguyễn Tường Thụy không biết chắc những người canh trước cửa nhà ông là những ai, bởi ông hỏi thì họ không nói mà lại yêu cầu ông không được ra khỏi cổng chung cư. Tuy vậy ông Thụy đoán họ là quân của một cơ quan công an nào đấy, cũng có thể họ là sinh viên của các trường an ninh đi thực tập.

Điều 17 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị có quy định hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Thứ hai mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.

Liệu cách hành xử của lực lượng an ninh hiện nay qua hình thức canh cửa, ngăn chặn quyền tự do đi lại của người dân có vi phạm pháp luật hay không? Luật sư Đặng Đình Mạnh khẳng định pháp luật VN không cấm đoán việc chính quyền cử một ai đó theo dõi một người dân nào đó, nhưng không được xâm phạm quyền tự do sinh hoạt của người dân. Luật sư Mạnh kết luận:

“Việc một số người dân bị ngăn cản đến nỗi không cho họ ra đường cho dù mua thực phẩm hay những sinh hoạt khác theo nhu cầu của gia đình hay bản thân thì rõ ràng những hành vi đó là trái pháp luật!”

Những người trong cuộc luôn mang luật pháp ra để tranh luận với lực lượng chức năng; nhưng như tường thuật của họ thì phía nhân danh bảo vệ pháp luật không hề hành xử theo luật mà còn sử dụng bạo lực đôi khi quá mức.