Việc công an sách nhiễu nhà nhà hoạt động vì quyền lợi dân oan mất đất Cấn Thị Thêu, con trai Trịnh Bá Tư và Trịnh Bá Phương đã xảy ra từ nhiều năm qua. Tuy nhiên từ ngày 14 tháng 3 năm 2020 đến nay, công an xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình liên tục triển khai lực lượng đến nơi cư trú của gia đình với lý do được cho là mời lên phường để làm việc về vấn đề hộ khẩu cư trú.
Trả lời RFA hôm 20 tháng 3 năm 2020, nhà hoạt động vì quyền đất đai Trịnh Bá Tư, nói:
“Từ ngày 14/3, 16, 17 và ngày 19/3, trong vòng một tuần họ đã có 4 buổi làm việc với gia đình nhà tôi. Trong những buổi đó, đặc biệt là ngày 17/3, lực lượng công an đã huy động hơn 10 người, bao gồm 3 công an xã, trưởng công an xã, phó công an xã... và những người khác đến gia đình nhà tôi để làm việc về hộ khẩu thường trú. Trong quá trình làm việc thì họ đem theo nhiều người bịt khẩu trang và không nêu danh tính và có những lời lẽ chửi mắng, khiêu khích gia đình tôi.”
Qua thái độ của họ thì tôi thấy họ đến sách nhiễu gia đình nhà tôi, chứ không phải liên quan vấn đề hộ khẩu, vì chỉ đưa một giấy mời hay một giấy thông báo thôi, nhưng họ dẫn theo đến 11 người.<br/>-Bà Cấn Thị Thêu
Anh Trịnh Bá Tư cho biết, khi trưởng công xã là thượng úy Bùi Văn Sang, yêu cầu gia đình anh đến trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã Ngọc Lương để làm việc về hộ khẩu thường trú. Gia đình anh có trả lời, thứ nhất gia đình anh đã sống ở xã Ngọc Lương nhiều chục năm, làm việc hoàn toàn lương thiện và công khai minh bạch. Anh cho biết, từ trước đến nay giấy tờ được cơ quan chức năng cấp như thế nào thì anh yêu cầu lực lượng công an tuân thủ pháp luật. Tất cả giấy tờ công an cấp cho anh như thế nào thì giữ nguyên như vậy, anh và gia đình không có nhu cầu thay đổi.
Trả lời RFA hôm 20 tháng 3 năm 2020, Bà Cấn Thị Thêu, người phụ nữ được nhiều người biết đến vể sự kiên quyết trong hoạt động giữ đất tại làng Dương Nội, Hà Đông - Hà Nội, cũng như lên tiếng đấu tranh cho công bằng xã hội, đã từng phải chịu án 20 tháng tù giam, vì những hoạt động của mình, cho biết bà nghi ngờ lý do công an đến làm việc với gia đình bà:
“Hôm 14, 16, 17/3 họ đến, qua thái độ của họ thì tôi thấy họ đến sách nhiễu gia đình nhà tôi, chứ không phải liên quan vấn đề hộ khẩu, vì chỉ đưa một giấy mời hay một giấy thông báo thôi, nhưng họ dẫn theo đến 11 người. Khi gia đình chúng tôi yêu cầu giới thiệu chức danh và danh tính của từng người, thì họ cũng không lột khẩu trang và cũng không giới thiệu danh tính... Sách nhiễu ngày càng gia tăng với gia đình nhà tôi.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trao đổi với RFA qua tin nhắn hôm 20/3 về trường hợp gia đình Bà Cấn Thị Thêu, cho biết, căn cứ theo Hiến pháp và Luật cư trú hiện hành, thì công dân có quyền tự do cư trú. Sau khi lựa chọn nơi cư trú, thì công dân đăng ký với cơ quan công an. Việc hạn chế cư trú chỉ áp dụng đối với một số trường hợp có lệnh của các cơ quan tiến hành tố tụng mà thôi. Ông viết tiếp:
“Theo đó, thì cơ quan công an có thẩm quyền quản lý việc đăng ký cư trú của công dân. Công dân có quyền tự do cư trú nhưng không có thẩm quyền cấp các chứng nhận cư trú cho chính mình. Thế nên, trong sự việc đăng ký cư trú liên quan đến nhà hoạt động Trịnh Bá Tư, thì quan điểm của anh ấy “chúng tôi không có quyền cấp giấy cho bản thân mình mà chính cơ quan công an cấp giấy” là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.
Trong thực tế, không chỉ riêng trường hợp anh Trịnh Bá Tư, mà trong phạm vi hành nghề luật sư, thì tôi nhận được khá nhiều lời phàn nàn từ các nhà hoạt động xã hội khi bị cơ quan công an địa phương gây khó dễ cho việc đăng ký cư trú của họ. Thậm chí, đối với cả một nhà hoạt động nữ đang có thai và gần đến ngày sinh nở, họ cũng tìm cách tác động chủ nhà cho thuê hoặc chính họ trực tiếp đến xách nhiễu, yêu cầu rời khỏi nơi cư trú.
Các hành xử này đều không đúng quy định pháp luật. Thậm chí, vi phạm quyền tự do cư trú mang tính cách hiến định của công dân.”
Bà Cấn Thị Thêu cho biết thêm, không phải chỉ 4 lần trong tuần qua công an đến sách nhiễu gia đình bà, mà trước đó họ cũng có một cái giấy mời khác, mời 4 thành viên gia đình nhà bà, phải có mặt ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội, để làm hồ sơ thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo bà, có lẽ công an đang dùng những cái bẫy để cài bẫy gia đình bà bằng một âm mưu đen tối gì đấy. Vì thủ tục giấy tờ nhà đất bà đã làm xong, nhưng công an lại kêu tất cả gia đình nhà tập trung về phường Dương Nội. Bà nói tiếp:
“Hôm đấy chồng và con tôi không về, khi tôi về thì rất nhiều công an, an ninh, họ đến hơn 10 người với rất nhiều máy quay, họ lăm le với thái độ rất côn đồ. Họ còn nói với con tôi là mày nói láo thì chúng tao sẽ xử lý, trừng trị mày, viên an ninh quận Hà Đông đe dọa con tôi như thế.”
Các hành xử này đều không đúng quy định pháp luật. Thậm chí, vi phạm quyền tự do cư trú mang tính cách hiến định của công dân.<br/>-LS Đặng Đình Mạnh
Theo Bà Cấn Thị Thêu, một trong những nguyên nhân công an sách nhiễu gia đình bà, vì qua sự việc Đồng Tâm, gia đình bà đã cùng với tất cả những người có lương tri, không im lặng trước bất công, nên đã đưa rất nhiều tin tức về Đồng Tâm, để lên án tôi ác của cộng sản. Và đúng ngay ngày 9/1 họ đã bắt con trai bà vào đồn công an đánh đập, và từ ngày đó đến giờ họ cũng canh giữ gia đình nhà bà, nhất là mấy ngày gần đây, công an đã 4 lần đến nhà bà để sách nhiễu.
Vào sáng sớm ngày 9/1/2020, chính quyền Hà Nội đã huy động hàng ngàn cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm, trấn áp, bắt giữ một số người dân bị cơ quan chức năng cho là chống đối việc giao đất quốc phòng cho chính quyền. Ông Lê Đình Kình, người được coi là thủ lĩnh tinh thần của người dân trong việc giữ đất Đồng Tâm, đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ này.
Sau vụ tấn công, Bộ Công an cho truyền thông trong nước biết, đã có 22 người bị bắt giữ ở Đồng Tâm với các cáo buộc “giết người”, “chống người thi hành công vụ”, “sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép”… Tuy nhiên, theo người dân Đông Tâm, chính quyền hiện vẫn giam giữ 27 người cho đến nay.
Khi đó, con trai bà Cấn Thị Thêu là nhà hoạt động xã hội dân sự Trịnh Bá Phương, anh trai của anh Trịnh Bá Tư, đã liên tục cập nhật tin tức về vụ việc này lên mạng xã hội, đây là một hành động mà chính quyền bưng bít thông tin như Việt Nam không hề muốn.
Đến ngày 6 tháng 2 năm 2020, anh Trịnh Bá Phương đã có cuộc tiếp xúc với các viên chức tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, để nói rõ tất cả thông tin liên quan vụ công an tập kích tấn công người dân Đồng Tâm, vào giữa đêm 9 tháng 1 năm 2020.