Mới đây, trưởng Công an xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp - Trung tá Nguyễn Trọng Hiếu - được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen vì có hành động liêm khiết, không nhận tiền hối lộ từ nhóm tệ nạn cờ bạc tại địa phương.
Nhiều người cho rằng, lẽ ra việc công an liêm khiết là chuyện đương nhiên phải có vì trước khi là công an, họ được học qua trường lớp và thấm nhuần sáu điều bác Hồ dạy cho họ gồm: Đối với tự mình phải: cần, kiệm, liêm, chính; Đối với đồng sự phải: thân ái giúp đỡ; Đối với Chính phủ phải: tuyệt đối trung thành; Đối với Nhân dân phải: kính trọng lễ phép; Đối với công việc phải: tận tụy; Đối với địch phải: cương quyết, khôn khéo.
Nếu liêm khiết mà được nhận bằng khen thì hóa ra, không liêm khiết là chuyện bình thường và chiếm số đông trong lực lượng này?!
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình nêu quan điểm của mình với RFA về việc này:
“Thứ nhất, nếu trong một xã hội bình thường thì việc công an không nhận hối lộ phải là điều bình thường. Không có gì phải khen cả vì đó là một việc làm đúng đắn với chức phận của anh. Thứ hai, nếu anh nhận hối lộ là anh vi phạm pháp luật. Không vi phạm pháp luật thì phải là điều bình thường. Tại sao lại được khen? Là bởi vì trong cái xã hội này tất tần tật đều tham nhũng, ai cũng tham nhũng.
Thông tin mới nhất là có năm tướng Cảnh sát Biển, một đại tá và một thượng tá bị bắt. Trước đây đã kỷ luật mười mấy người và bắt hai tướng ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển rồi cho thấy tất cả các bộ, ngành, địa phương đều tham nhũng hết. Đối với một xã hội hỗn loạn, tham nhũng là quốc nạn thì việc không nhận tham nhũng trở thành sự kiện và được khen.”
Anh Quang, một kỹ sư cầu đường nói với RFA:
“Vào trụ sở công an làm việc thì bao giờ cũng có pano thiệt to ghi sáu điều bác Hồ dạy công an nhân dân trong đó có tận tụy, liêm khiết… hay nói cách khác, việc công an phải liêm khiết, không được có những hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, không nhận hối lộ là chuyện đương nhiên. Việc thực hiện chức trách của mình, thực hiện đạo đức công vụ của mình là điều đương nhiên của một người công an.
Việc một trưởng công an xã ở Đồng Tháp nhận bằng khen vì liêm khiết, kiên quyết nói không với hối lộ có nghĩa những người còn lại không liêm khiết và nhận hối lộ chứ còn gì nữa!”
Công an nhân dân là lực lượng vũ trang trọng yếu của đảng cộng sản Việt Nam. Họ luôn luôn ý thức “còn Đảng thì còn mình là một nguyên tắc lớn trong đạo đức cách mạng của ngành công an Việt Nam. Lực lượng này được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của đảng cộng sản Việt Nam.
Nếu người công an nào lên tiếng tố cáo những sai phạm trong ngành thì lập tức bị trù dập, thậm chí bị bắt giam mà cựu đại úy Công an Lê Chí Thành là một ví dụ.
Ông Lê Chí Thành từng là cán bộ tại trại giam Hàm Tân, Bình Thuận. Khi lên tiếng tố cáo giám thị trại giam có hành vi lạm quyền thì ông Thành bị kỷ luật rồi bị kết án hai năm với cáo buộc “Chống người thi hành công vụ”. Ông Thành vừa bị truy tố thêm tội “Lợi dụng các quyền tự do - dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Việc một công an liêm khiết được bằng khen khiến người dân nhớ lại câu nói của cựu trưởng phòng khảo thí Diệp Thị Hồng Liên: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. Bà Liên nói câu này tại phiên sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình diễn ra hôm 14 tháng 5 năm 2020. Câu nói này lập tức gây nhiều phản ứng trong xã hội. Người ta tin bà Liên nói thật và bày tỏ nỗi cay đắng cho thực trạng xã hội Việt Nam, không chỉ ngành giáo dục.
Chuyện đưa hối lộ tới cấp cao cấp trong Chính phủ được chính Tổng bí thư ĐCSVN, ông Nguyễn Phú Trọng kể với báo chí vào sáng 1 tháng 2 năm 2021, tại cuộc họp báo thông tin về kết quả Đại hội 13 rằng: “Có người hối lộ xách vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương biếu xén, lấp liếm. Tôi nói với cán bộ kiểm tra anh mở vali ra để xem là cái gì, mở ra thì thấy tiền, đô la. Tôi bảo giờ anh khóa lại, lập biên bản, anh ký vào đây, rồi anh xách vali về”. Theo ông Trọng, việc đấu tranh tham nhũng khó khăn, phức tạp, nếu không có bản lĩnh, dũng khí, tình cảm chân chính thì không làm được.
Sau khi câu chuyện có người đem vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương hối lộ được chính ông Tổng Bí Thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng kể ra, người ta cho rằng ít nhất ông Trọng đã vi phạm pháp luật khi không tố giác tội phạm với bằng chứng hiển nhiên.
Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định:
“Mặc dù nó có vẻ trắng trợn là đem đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, nhưng nó là thực tế chứ ông Trọng không dám bịa ra chuyện ấy đâu. Bởi vì chắc chắn chuyện này nhiều người khác làm trong ủy ban cũng biết chứ không chỉ ông Trọng. Nếu ổng bịa ra sẽ mất uy tín với thuộc hạ của ổng. Trước đây ông Lê Khả Phiêu cũng từng kể câu chuyện tương tự.”
Tháng 5 năm 2005, trong lần trả lời phỏng vấn truyền thông Nhà nước về tệ tham nhũng, hối lộ, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng kể câu chuyện tương tự. Ông cho biết, lúc ông còn làm thường trực Bộ Chính trị thì ông nhận thấy chuyện đưa hối lộ là tự nhiên, chuyện nhận là bình thường. Riêng ông, đã có lúc người ta đưa hối lộ bằng cách để bó hoa có năm nghìn, mười nghìn đô la trên bàn rồi ra về. Tuy vậy, ông chỉ gọi lên cảnh cáo, nhắc nhở bảo đem tiền về mà không làm lớn chuyện vì ông muốn giáo dục từ bên trong.
Trong một xã hội pháp quyền, không một cá nhân, tổ chức nào được phép đứng trên pháp luật. Tuy vậy, ở Việt Nam, sự độc lập của ba nhánh quyền lực, gồm: lập pháp, hành pháp và tư pháp chỉ mang tính hình thức nên đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp và không minh bạch.