Cảnh sát cơ động dùng dùi cui chích điện, bình chữa cháy xịt thẳng vào đám đông đi đón ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc sang Việt Nam khiến người dân ngỡ ngàng. Đám đông là các fan trẻ yêu điện ảnh Hàn Quốc, không gây rối, không biểu tình, không bạo động, có chăng là sự cuồng nhiệt của tuổi trẻ với thần tượng, vậy mà bạo lực đã xảy ra... Vậy nguyên nhân từ đâu?
Năng lực yếu kém…
Hôm 10/9/2019, đám đông hâm mộ đi đón nam diễn viên Hàn Quốc Ji Chang Wook đã bị lực lượng an ninh sử dụng nhiều biện pháp mạnh như hú còi báo động, sử dụng bình chữa cháy, dùi cui chích điện để trấn áp, giải tán.
Đây là lần đầu tiên người dân chứng kiến cách hành xử bạo lực của cảnh sát với những trường hợp tụ tập đông người “không có yếu tố chính trị” như thế.
RFA trò chuyện với một số người dân trong nước, phần đông họ đều có cùng nhận định là cảnh sát đã quen thói bạo lực, lạm quyền nên cư xử với dân như vậy.
Ông Chế Quốc Long, một giảng viên đại học từ Sài Gòn nhận xét:
“Theo tôi thì cảnh sát đã làm một việc phản cảm. Thứ nhất có thể họ không lường trước được sẽ có đông người như vậy; Thứ hai trình độ tổ chức và xử lý tình huống của cảnh sát quá kém. Khi đám đông tăng dần họ trở nên căng thẳng và mất kiểm soát nên phải dùng bạo lực.”
Tuy nói cảnh sát đã hành xử phản cảm, ông Long cũng nhận xét khách quan rằng bản thân đám đông cũng coi thường cảnh sát dẫn đến “lằn ranh đỏ” không được tôn trọng nữa.
Anh V. từ Sài Gòn thì cho rằng có lẽ do tình hình quá hỗn loạn mà cảnh sát Việt Nam lại quen thói lạm quyền, luôn hành xử bất chấp luật pháp nên họ đã hành động như vậy.
Anh H. từ Hà Nội có cùng ý nghĩ khi cho rằng:
“Cảnh sát Việt Nam có thói quen sử dụng bạo lực cùng với suy nghĩ cửa quyền. Họ tự coi mình là tầng lớp mặc nhiên được quyền răn đe và sử dụng vũ lực với người dân”.
Báo chí trong nước dùng từ “hỗn loạn” khi mô tả đám đông lên tới hàng nghìn người đổ về trung tâm thành phố Sài Gòn để được tận mắt nhìn thấy thần tượng của mình bằng xương bằng thịt.
Theo Nhà báo Ngô Nhật Đăng, sự việc này cần có cái nhìn công tâm từ hai phía. Phía cảnh sát và phía đám đông:
“Phía thứ nhất là lực lượng cảnh sát. Cảnh sát ở Việt Nam cũng như một số nước độc tài toàn trị khác thường không có lòng nhân từ mà họ có sự độc ác. Khi quyền lực được trao một cách quá mức thì thường dẫn đến sự lạm dụng.
Phía thứ hai là phía đám đông. Năng lượng thừa của giới trẻ không được hướng vào những lĩnh vực như văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu, học tập hoặc cống hiến… mà hầu như hướng vào những thứ giải trí vô bổ, ví dụ như một sự cuồng loạn vì một sao Hàn”.
… hay sợ hãi?
Sau sự việc xảy ra ở Sài Gòn 3 hôm, thì sáng 13/9/2019, công an Hà Nội đã tổ chức diễn tập thực binh xử trí tình huống giải tán đám đông biểu tình gây rối an ninh trật tự, tấn công đối tượng khủng bố, giải cứu con tin. Buổi thực tập quy tụ 5.000 cán bộ, chiến sĩ các lực lượng Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và cả người dân.
Truyền thông trong nước dẫn lời Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng các thế lực thù địch, phản động, các thành phần chống đối cực đoan trong và ngoài nước đã lợi dụng triệt để những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; những sơ hở, thiếu sót trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội để cổ súy, hỗ trợ và trực tiếp chỉ đạo các hoạt động kích động tập trung đông người, tuần hành, biểu tình trái pháp luật nhằm tập dượt cho một cuộc "cách mạng sắc màu" tại Việt Nam, và kết quả buổi diễn tập có tác dụng răn đe, phòng ngừa âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, giữ gìn và bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho Thủ đô trong mọi tình huống.
Với động thái trên, nhiều người hồ nghi rằng dường như chính quyền Việt Nam sợ cuộc biểu tình ở Hong Kong ảnh hưởng đến hành vi của người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ và cũng đặc biệt diễn ra trong các sự kiện tập trung đông người như vụ đón sao Hàn hôm 10/9?
Nhà báo Mạnh Kim nêu quan điểm của mình với RFA:
“Có thể đó là tác động của "hiệu ứng Hong Kong". Chắc chắn tất cả diễn biến biểu tình Hong Kong đều được an ninh Việt Nam theo dõi rất kỹ để rút ra bài học chống bạo động. Họ phải ngăn chặn mọi nguy cơ có thể xảy ra”.
Còn Nhà báo Ngô Nhật Đăng thì nhận định, người cộng sản có đặc tính hay lo xa và hay hoảng sợ với tất cả những vấn đề xảy ra trong xã hội. Họ lo ngại trong đám đông có những người mà họ gọi là “thế lực thù địch” hoặc “những phần tử kích động”. Phương châm của họ là ‘thà bắt lầm còn hơn bỏ sót’. Ông nói thêm:
“Khi nhìn về Hong Kong - dĩ nhiên tính chất khác hẳn Việt Nam - nhưng bài học trước mắt cho nhà cầm quyền là các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa nhưng phía cảnh sát lại dùng bạo lực. Khi bạo lực từ phía cảnh sát leo thang thì người biểu tình cảm thấy ôn hòa không có tác dụng, họ đã phản ứng lại trực tiếp bằng bạo lực”.
Khi trao đổi với RFA về những vấn đề liên quan, Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết, ông không chứng kiến sự việc xảy ra nên không thể có bình luận chi tiết cũng như không thể kết luận cách hành xử của cảnh sát có vi phạm luật pháp hay không. Tuy nhiên ông cho rằng, cảnh sát có thể viện dẫn những quy định để giải thích hành động của mình, còn chuyện họ có lạm quyền hay không thì khó kết luận nếu người bị đàn áp không lên tiếng. Ông dẫn giải quy định:
“Theo quy định tại Khoản 1 Điều 61 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018 thì người được giao công cụ hỗ trợ khi thực hiện nhiệm vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ trong các trường hợp sau:
Ngăn chặn, giải tán biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; Ngăn chặn, giải tán việc gây rối, chống phá, không phục tùng mệnh lệnh của người thi hành công vụ, làm mất an ninh, an toàn trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy…”