Phản ứng trước việc công an xâm phạm hoạt động tư pháp chỉ bị án treo!

0:00 / 0:00

Cuối tháng 8 năm 2019, cơ quan điều tra Viện kiểm sát Nhân dân tối cao tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Việt Cường về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án. Ông Cường phạm tội lúc đang là trung tá công an và là điều tra viên Công an Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Khi thụ lý hồ sơ vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy vào năm 2012, điều tra viên Nguyễn Việt Cường tự viết thêm nhiều nội dung có tính chất buộc tội đối với bị can Nguyễn Hồng Ngọc Anh vào các biên bản hỏi cung bị can, làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Để buộc tội bà Anh, ông Cường đã viết thêm vào các biên bản hỏi cung thể hiện bà Anh biết rõ việc nhận tiền giúp người khác mua ma túy. Hậu quả bà Anh bị Tòa án thành phố Tuy Hòa kết án bảy năm tù (mặc dù bản án sơ thẩm sau đó bị cấp phúc thẩm hủy để điều tra lại, sau đó cơ quan điều tra phải đình chỉ).

Tại phiên sơ thẩm diễn ra vào tháng 7 năm 2020, Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Việt Cường 18 tháng tù về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án. Hội đồng Xét xử nhận định hành vi của bị cáo Cường là nguy hiểm, đã gây hậu quả nghiêm trọng.

Bản án sơ thẩm cũng cấm bị cáo Cường làm công việc liên quan đến hoạt động tư pháp trong thời hạn 36 tháng tính từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Ông Nguyễn Việt Cường kháng án. Phiên phúc thẩm diễn ra vào đầu tháng 11 năm 2020 chấp nhận kháng cáo. Cho bị cáo được hưởng án treo, dù tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị giữ nguyên mức án 18 tháng tù giam.

Hội đồng Xét xử lập luận rằng, việc làm của bị cáo Cường thể hiện sự nôn nóng trong quá trình đấu tranh, trấn áp tội phạm, không vì mục đích tiêu cực hay vụ lợi cá nhân. Hình phạt mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên có phần nghiêm khắc, làm mất đi ý nghĩa, mục đích của hình phạt là không chỉ nhằm trừng trị tội phạm mà còn giáo dục họ trở thành người có ích.

Phải nói rằng điều này làm cho giới luật sư cũng như người dân rất là bất mãn khi tòa phúc thẩm cho ông ấy hưởng án treo đối với tội gọi là xâm phạm hoạt động tư pháp. Đó là hành vi rất nghiêm trọng. - Luật sư Đặng Trọng Dũng

Lập luận này không được giới luật sư chấp nhận vì tội làm sai lệch hồ sơ vụ án là một hình thức xâm phạm hoạt động tư pháp. Luật sư Đặng Trọng Dũng cho rằng, việc ông Nguyễn Việt Cường bị tuyên án đã chứng minh là có hành vi phạm tội, đã bị luật pháp trừng trị, nhưng mức trừng trị không tương xứng với tội phạm của ông ta. Ông Dũng nói thêm:

“Giới luật sư chúng tôi rất hoan nghênh việc truy tố, khởi tố, xét xử và đưa ra một bản án sơ thẩm như vậy. Thế nhưng phiên phúc thẩm lại cho hưởng án treo. Hưởng án treo tức là cũng có tội nhưng bây giờ nó đã là bản án. Như vậy tính răn đe đối với hành vi này là không tương xứng với hành vi phạm tội của ông ấy.

Phải nói rằng điều này làm cho giới luật sư cũng như người dân rất là bất mãn khi tòa phúc thẩm cho ông ấy hưởng án treo đối với tội gọi là xâm phạm hoạt động tư pháp. Đó là hành vi rất nghiêm trọng.”

Điều 375 Chương 24 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định rõ, nếu điều tra viên thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Việc một trung tá công an phạm tội làm sai lệch hồ sơ vụ án xâm phạm trực tiếp đến nguyên tắc xác định sự thật của vụ án; dẫn đến làm oan người vô tội, gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà chỉ bị tù treo khiến người dân mất niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam.

Ông Nguyễn Kế Quang, một người dân Đà Nẵng nêu quan điểm của mình:

“Theo tôi thấy, thông thường những bản án sơ thẩm đã xem xét tất cả các tình tiết, bản chất vụ án rất kỹ. Phiên phúc thẩm chỉ là thủ tục chứ thường là tuyên y án. Mấy ông ở Lâm Đồng ăn cắp con vịt về nhậu bị 7 năm tù. Hai thanh niên ở Củ Chi ăn cắp mấy ổ bánh mì bị 10 tháng tù.

Điều đó chứng tỏ trong này có sự bao che. Ông trung tá công an này là điều tra viên, là người thay mặt Nhà nước thực thi pháp luật, hiểu biết pháp luật mà lại cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án thì làm sao làm gương cho người dân được? Đáng lẽ phải xử nặng hơn nữa mới đúng.”

Với cái nhìn của một luật sư nhiều năm đại diện pháp lý cho những người dân thấp cổ bé miệng, chứng kiến nhiều bản án oan khiên, ông Phạm Công Út nhận xét rằng, lập luận của Hội đồng Xét xử trong phiên phúc thẩm xử ông Nguyễn Việt Cường giống như người tiến hành tố tụng là người trong nhà với nhau chứ không phải như với người dân. Họ xử nhau theo kiểu hôm nay tôi xử anh, ngày mai cũng có thể tôi lại bị xử. Do đó họ nương tay. Còn những trường hợp khác không phải người của họ thì họ xử thẳng tay.

Đến khi đưa lên phúc thẩm thì thông thường, khi dư luận đã mãn nguyện với mức án nào đó rồi, người ta không quan tâm tới nữa hoặc nó bị chìm trong những sự kiện khác thì lúc đó tòa sẽ chuyển qua hình thức giảm án hoặc án treo. - Luật sư Phạm Công Út

Nhận định về bản án tù treo của cựu trung tá công an, điều tra viên Nguyễn Việt Cường trong phiên phúc thẩm, Luật sư Phạm Công Út nói:

“Thông thường thì diễn biến những phiên tòa sơ thẩm như vậy là để người ta xoa dịu dư luận bằng một hình phạt tù. Có thể nặng, có thể nhẹ nhưng đa phần đối với các cán bộ tiến hành tố tụng thì xử nhẹ bởi họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Ví dụ như có nhiều bằng khen, nhiều huân chương, huy chương, thành tích trong lao động, chiến đấu, học tập, quá trình cống hiến…Như thế sẽ được xử dưới khung hình phạt những vẫn xử án giam để xoa dịu dư luận.

Đến khi đưa lên phúc thẩm thì thông thường, khi dư luận đã mãn nguyện với mức án nào đó rồi, người ta không quan tâm tới nữa hoặc nó bị chìm trong những sự kiện khác thì lúc đó tòa sẽ chuyển qua hình thức giảm án hoặc án treo.”

Công luận cho rằng, ngoài những vụ án như Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên cao tốc, vụ án Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại tòa… gây xói mòn lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp, thì những người như ông Nguyễn Việt Cường cũng góp phần làm cho án oan tăng lên.

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp Việt Nam thẩm tra báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về công tác của ngành kiểm sát năm 2019 cho hay, trong năm 2019, đã có 6 trường hợp Viện Kiểm sát Nhân dân truy tố oan dẫn đến tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên vô tội; và 88 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt dẫn đến tòa án nhân dân sơ thẩm phải xét xử về khoản khác trong cùng điều luật hoặc tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh viện kiểm sát nhân dân đã truy tố.

Giữa tháng 6 năm 2020, trong phiên thảo luận tại Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nói rằng, ông nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của cử tri, trong đó có vị là lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu, nói rằng chưa bao giờ thấy niềm tin vào tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ.