Đảng cho từ chức cán bộ thiếu năng lực, mất uy tín: biện pháp cấp thời?

Hình minh hoạ: lãnh đạo Đảng CSVN tại Đại hội 13 ĐCSVN ở Hà Nội hôm 31/1/2021 - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các ông Vương Đình Huệ, Phạm Minh Chính, Võ Văn Thưởng chức mừng TBT Nguyễn Phú Trọng đắc cử nhiệm kỳ 3
Hình minh hoạ: lãnh đạo Đảng CSVN tại Đại hội 13 ĐCSVN ở Hà Nội hôm 31/1/2021 - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các ông Vương Đình Huệ, Phạm Minh Chính, Võ Văn Thưởng chức mừng TBT Nguyễn Phú Trọng đắc cử nhiệm kỳ 3 (AFP)

0:00 / 0:00

Quy Định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, đảng viên vừa được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính Trị ký ban hành và được báo trong nước loan tin hôm 8/11 vừa qua.

Tin nói Bộ Chính trị Quy định nguyên tắc, thẩm Quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, gọi chung là cán bộ.

Từ chức là chuyện phổ biến trong một chính trường văn minh và có trách nhiệm, nhưng với cán bộ đảng viên Việt Nam thì nó là động thái vừa không quen vừa lạ tai… là lời nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương đảng CSVN, ông Nguyễn Khắc Mai.

Đã vậy, ông nói tiếp, bảo ‘cho từ chức’ có nghĩa người tự giác muốn rời chức vụ vì thấy mình không có năng lực, cũng phải được phép của Bộ Chính trị, thì có vẻ như 13 ông trong Bộ Chính Trị đang muốn tái khẳng định Quyền uy tối thượng của họ sau rất nhiều tai tiếng trong hàng ngũ đảng viên:

"Muốn cứu vãn uy tín thôi thì ra một Chỉ thị hay một Nghị định nhằm ép phải từ chức. Nếu anh không từ chức thì chúng tôi sẽ xem xét buộc thôi chức. Bộ Chính trị lấy Quyền lãnh đạo, tổ chức cán bộ cấp dưới, rồi thì Ủy ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra, Đảng ủy cũng có thể đưa ý kiến nếu anh không từ chức thì chúng tôi buộc phải có hình thức buộc anh thôi chức. Đấy, tất cả nội dung, ý tưởng mà ông Võ Văn Thưởng ký nó toát lên cái điều ấy."

“Nhưng nói như thế thì đầu tiên chính họ phải từ chức trước. Đảng tạo ra tiền lệ tự mình đi chọn người, tự mình chấp nhận chọn lựa ấy, nhưng có Đảng đâu mà chỉ có một nhóm mười mấy người tự mình tác oai tác quái, tự tung tự tác. Đấy là vấn đề”.

Cái này là sức ép xã hội, cũng là cái bị động của Bộ Chính trị. Thế nhưng ý nghĩa tích cực là họ buộc phải nói ra được cái việc anh nào kém cỏi quá, dư luận xã hội chê bai các thứ nhiều quá thì nên từ chức đi. - Nguyễn Khắc Mai

Cò ba nguyên tắc mà Bộ Chính trị đề ra trong Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, đảng viên. Thứ nhất là Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc, Quy định của Đảng, pháp luật Nhà Nước.

Thứ hai, cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Thứ ba, kiên Quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Đáng chú ý ở điểm ba này là thuộc trường hợp phải miễn nhiệm.

Đây là cơ hội cho Bộ Chính trị nhìn lại khả năng và uy tín những khuôn mặt lãnh đạo không do dân bầu mà do Đảng cử, cũng là lúc cảm nhận được rằng cán bộ lãnh đạo không chỉ hồng hay chuyên là đủ mà còn phải có đạo đức, khả năng và sức sức thuyết phục, vẫn lời ông Nguyễn Khắc Mai:

"Cái này là sức ép xã hội, cũng là cái bị động của Bộ Chính trị. Thế nhưng ý nghĩa tích cực là họ buộc phải nói ra được cái việc anh nào kém cỏi quá, dư luận xã hội chê bai các thứ nhiều quá thì nên từ chức đi. Như thế thì áp lực xã hội là có thật, tiến bộ xã hội là có thật. Mình tin là tin ở cái chỗ đấy".

Đối với blogger Tuấn Khanh, người dân nào cũng có thể nói là sau quá nhiều bê bối, nhất là vụ Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn bò dát vàng trong lúc đi công tác ở Châu Âu, Bộ Chinh trị phải ra ngay Quy Định 41 như một cách kiểm soát tình thế:

"Cách đây không lâu ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra 19 Điều mới dành cho đảng viên Đảng Cộng sản, thí dụ không được mua quốc tịch, không được chuyển tiền ra nước ngoài vân vân"

“Cho đến giờ phút này, lệnh này coi như mới nhất, bổ sung vào phần 19 Điều đó. Cũng đừng quên rằng dù ngẫu nhiên hay không ngẫu nhiên thì lệnh này mang tính Quyết định cao nhất, nó thuộc loại phán xử số phận chính trị những con người của Đảng.”

“Đây là bước xử lý kỷ luật cao nhất dành cho những cán bọ không thể chạm đến”

“Ở đây mọi thứ được sắp xếp để xác định là anh có còn nằm trong tầm kiểm soát và chịu sự kiểm soát của thể chế, của Đảng hay không. Việc cho phép từ chức cũng là cho phép những người từ chức còn một chân, còn gắn với thể chế và Đảng Cộng sản của họ, cho nên họ sử dụng phương thức đó”.

000_8ZW3L8.jpg
Các lãnh đạo Đảng CSVN bỏ phiếu trong Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 30/1/2021. AFP

Nhà báo Võ Văn Tạo, một tiếng nói phản biện trong nước, đề cập những chi tiết ông cho là đáng chú ý trong Quy định 41/QĐ/TW mới đây.

Một là việc miễn nhiệm: đối cán bộ bị kỷ luật, mất uy tín, không hoàn thành nhiệm vụ, suy thoái, diễn biến...Hai là xem xét cho từ chức đối với cán bộ kém năng lực, thiếu uy tín, phiếu tín nhiệm dưới 50%, hoặc vì lý do cá nhân. Kế đó, người đứng đầu bị xử lý miễn nhiệm hoặc cho từ chức khi bị đánh giá là để đơn vị thuộc Quyền tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng.

"Cá nhân tôi nhận thấy Đảng CSVN có thay đổi nhỏ trong quản lý cán bộ. Lâu nay, cán bộ của Đảng được bố trí chức vụ hoàn toàn do tổ chức Đảng cấp trên. Các đảng viên phải tuân thủ tuyệt đối, như một cách chứng tỏ Đảng luôn luôn sáng suốt và đầy Quyền lực tối thượng. Nếu đảng viên khước từ vị trí được giao (kể cả từ chức) sẽ bị đánh giá là ý thức tổ chức kỷ luật kém, làm mất uy tín tổ chức Đảng, sẽ bị trừng phạt và có thể ảnh hưởng xấu đến cả con, cháu họ"

Việc đảng viên từ chức rất hiếm khi xảy ra, thêm vào đó thì mọi đặc Quyền đặc lợi vô biên (hợp pháp và bất hợp pháp) của đảng viên có chức Quyền, trong bối cảnh tham nhũng, tiêu cực ngày càng nặng nề, phổ biến, cũng không khiến đảng viên nghĩ đến việc từ chức, nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định.

Hơn nữa, ông nói tiếp, trước giờ vì muốn giữ thể diện, Đảng CSVN không khuyến khích đảng viên yếu kém từ chức. Thế nên:

“Quy định số 41 này phần nào khai thông, "bật đèn xanh" cho việc từ chức của đảng viên có chức Quyền. Bằng Quy định này, có thể ban lãnh đạo Đảng CSVN hy vọng giảm bớt hiện trạng tham nhũng, tiêu cực trong đảng đã thành quốc nạn, đe dọa tồn vong của thể chế, gỡ gạc lòng tin của nhân dân”

“Tuy nhiên, theo tôi, Đảng CSVN vẫn chỉ lay hoay với các biện pháp vụn vặt, tiểu tiết, vẫn chưa dám giải Quyết căn bản, chưa nhằm vào căn nguyên của tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, yếu kém.

Đó là Đảng chỉ chăm chăm lợi Quyền của chóp bu và cán bộ đảng, mà không xuất phát từ lợi ích của đại đa số nhân dân, không vì tương lai đất nước.”

Quan điểm hiện đại, nhà báo Võ Văn Tạo lý giải, đời sống chính trị - xã hội của một quốc gia cũng tương tự vạn vật trong tự nhiên. Nếu không có cạnh tranh, ông phân tích, sẽ không có sự tiến hóa. Ông mạnh dạn so sánh:

“Độc Quyền cai trị giống như hôn nhân cận huyết, các thế hệ càng về sau càng kém cỏi, còi cọc, bệnh hoạn.Ở vị trí đứng đầu Đảng CSVN, các vị Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh làm sao sánh với Trường Chinh, Lê Duẩn?

“Ở các bộ ngành, thử đặt Lê Đức Anh, Ngô Xuân Lịch bên cạnh Võ Nguyên Giáp, Phan Anh; Phạm Vũ Luận, Phùng Xuân Nhạ bên cạnh Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu; Nguyễn Quốc Triệu, Nguyễn Thị Kim Tiến bên cạnh Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Hưởng... thì sẽ thấy rất rõ hiện tượng thoái hóa trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đảng CSVN”.

Đảng CSVN vẫn chỉ lay hoay với các biện pháp vụn vặt, tiểu tiết, vẫn chưa dám giải Quyết căn bản, chưa nhằm vào căn nguyên của tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, yếu kém. - Võ Văn Tạo

Còn theo nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương ĐCSVN, ông Nguyễn Khắc Mai, dù rất hiếm nhưng từ trước đã có những hình thức tự động thôi chức mà thiết tưởng bây giờ nên nhớ lại như bài học “ôn cố tri tân”:

“Ít ra là cũng có người như ông Trần Quang Cơ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại Giao thời ông Đỗ Mười. Bộ chính trị, đặc biệt ông Đỗ Mười, muốn cơ cấu ông thay ông Thạch làm Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao. Ông Trần Quang Cơ dứt khoát từ chối, bảo tôi không làm được. Đấy là trường hợp một người có nhân cách, một ví dụ sáng nhất, đẹp nhất của Bộ Chính Trị”.

"Hay ví dụ như ông Trần Xuân Bách, có cơ sở lên Tổng Bí Thư nhưng vẫn cứ cho rằng thực chất phải có đa nguyên. Hay ông Trần Độ là một tướng tài mà ông cũng sẵn sàng về vườn thôi".