Thế nào là ‘Dân chủ tào lao' như lời Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc?

0:00 / 0:00

‘Đảng luôn xem trọng ý kiến của nhân dân, nhưng dân chủ tào lao đất nước sẽ loạn!’ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa 15 phát biểu như vừa nêu khi tiếp xúc với cử tri huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 9/5/2021.

Ông Phúc còn cho rằng, Việt Nam là một nhà nước pháp quyền luôn đề cao, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, nhưng nếu không giữ vững ‘kỷ cương, phép nước’ thì sẽ không đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 10/5, nhận định:

“Tôi nghĩ người ta kêu ổng là ông Phúc nổ thì không có sai gì cả. Là bởi vì ổng nói mà ổng không biết ổng nói cái gì? Thật sự nếu ổng là một ông nông dân mà nói bỗ bã như thế thì nó có thể rất là hay. Nhưng một ông Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một trong bốn nhà chính trị đứng đầu Việt Nam mà ăn nói những câu gọi là hết sức thô lỗ như thế... thì tôi nghĩ không có cái gì để có thể bình luận về một chính trị gia như vậy được.”

Trả lời RFA từ Đức Quốc hôm 10/5, Luật sư Nguyễn Văn Đài, một cựu tù chính trị, cho rằng định nghĩa về dân chủ thì tất các nước trên thế giới đều định nghĩa giống nhau, đó là quyền làm chủ của người dân, đó quyền tự do ngôn luận... mà một trong những điểm chính là quyền được tự do bày tỏ, phát biểu chính kiến của mình về mọi vấn đề của đất nước từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Luật sư Đài nói tiếp:

“Thế thì dân chủ là như vậy và ông Chủ tịch nước lại phát biểu dân chủ tào lao thì không biết ổng hiểu như thế nào là dân chủ. Chắc chắn là ổng hiểu sai về dân chủ rồi, bởi vì nếu ổng hiểu đúng về dân chủ thì không bao giờ ổng nói như vậy. Bởi vì dân chủ chỉ có một, chứ không có thứ dân chủ tào lao hay dân chủ xã hội chủ nghĩa, hay dân chủ nào khác...”

Ông Chủ tịch nước lại phát biểu dân chủ tào lao thì không biết ổng hiểu như thế nào là dân chủ. Chắc chắn là ổng hiểu sai về dân chủ rồi, bởi vì nếu ổng hiểu đúng về dân chủ thì không bao giờ ổng nói như vậy.
-Luật sư Nguyễn Văn Đài

Theo Tự điển Bách khoa Toàn thư, Dân chủ là một phương pháp ra quyết định tập thể trong đó mọi thành viên đều có quyền ngang nhau khi tham gia ra quyết định. Dân chủ cũng để chỉ một hình thức nhà nước, trong đó mọi thành viên đều tham gia vào việc ra quyết định về các vấn đề của mình, thường bằng cách bỏ phiếu để bầu người đại diện trong quốc hội hoặc thể chế tương tự.

Liên Hiệp Quốc xem dân chủ là một trong những nền tảng và giá trị cốt lõi của mình vì dân chủ cung cấp môi trường để bảo vệ và nhận thức tốt quyền con người. Những giá trị này được thể hiện trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Những quyền chính trị và dân sự này là nền tảng của nền dân chủ.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng là tù nhân chính trị tại Việt Nam, cho biết công việc đấu tranh dân chủ mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gọi là ‘dân chủ tào lao’ là một công việc rất nặng nhọc, khó khăn và nguy hiểm của tất cả những người Việt Nam ở trong nước khi mà muốn dân chủ hóa Việt Nam. Ông Đài cho biết thêm:

“Như chúng ta đều biết, ít nhất là 76 năm kể từ 1945, dưới sự cai trị của chế độ độc đảng toàn trị ở Việt Nam, rồi từ 30/4/1975 họ áp đặt cai trị trên toàn quốc... thì rất nhiều thế hệ người Việt Nam khác nhau đã nỗ lực đứng lên để đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ cho người dân. Nhưng cho đến thời điểm này, không những chưa thành công mà những người này còn bị đàn áp rất khốc liệt, một số phải đi tị nạn nước ngoại, phần lớn thì còn ở trong các nhà tù của Việt Nam. Đó không chỉ là nỗi buồn của các gia đình đấu tranh, mà còn là nỗi buồn chung của dân tộc Việt Nam, đã mất nhiều thập kỷ... khi hầu hết các quốc gia đề có nền dân chủ thì Việt Nam vẫn chưa có được điều đó.”

Cũng tại buổi tiếp xúc với cử tri huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 9/5/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đề cập đến vấn đề dân chủ khẳng định quan điểm của Đảng, nhà nước và cá nhân ông là phát huy mạnh mẽ dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân; lắng nghe ý kiến nhân dân...

Ông Phúc nói: “Chúng ta mà mất dân chủ, đất nước sẽ không còn mạnh. Dân chủ cần được đề cao. Đảng, nhà nước luôn xem trọng những ý kiến đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, nếu ‘dân chủ tào lao’, không có kỷ cương phép nước thì đất nước sẽ loạn.”(!?)

c4648993-478e-4a49-a937-17090ef68d2b.jpeg
Hình ảnh một số nhà hoạt động đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ. Courtesy The Project 88.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nguyên Chủ nhiệm khoa, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, một đảng viên đã từ bỏ đảng, khi trả lời RFA hôm 10/5, nhận định về câu nói của ông Phúc:

“Câu ấy vừa nghe qua thì thấy đúng và hay, lừa được những người nhe dạ cả tin, nhưng ngẫm nghĩ kỹ mới phát hiện ra một số điều bất hợp lý được giấu kín.

Thứ nhất là “Ý kiến của nhân dân”. Nhân dân Việt Nam hiện có ba tầng lớp với những ý kiến rất khác nhau. Một là tầng lớp trên, được chế độ ưu đãi, họ luôn luôn ủng hộ và bảo vệ chế độ. Hai là tầng lớp bình dân, họ có nhu cầu cơ bản là được yên ổn để sinh sống và làm ăn, họ chủ yếu nghe theo chính quyền, sợ chính quyền, không dám nói khác ý chính quyền (trừ khi họ bị áp bức, bị oan ức không thể chịu nổi). Ba là tầng lớp trung lưu, trong đó có những người trí thức, họ có nhu cầu cao về tự do dân chủ, một số người trong họ là những nhà phản biện.”

Đảng luôn xem trọng ý kiến của nhân dân. Phải chăng chỉ xem trọng ý kiến của tầng lớp trên và tầng lớp bình dân còn phớt lờ phần lớn ý kiến của tầng lớp trung lưu và ai có ý kiến phản biện thì bị cho là thế lực thù địch, bị bắt bớ, tra tấn, tù tội. Thế là dân chủ có lựa chọn.
-Giáo sư Nguyễn Đình Cống

Đảng luôn xem trọng ý kiến của nhân dân... Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, phải chăng Đảng chỉ xem trọng ý kiến của tầng lớp trên và tầng lớp bình dân còn phớt lờ phần lớn ý kiến của tầng lớp trung lưu và ai có ý kiến phản biện thì bị cho là thế lực thù địch, bị bắt bớ, tra tấn, tù tội. Giáo sư Nguyễn Đình Cống nói tiếp:

“Thế là dân chủ có lựa chọn. Ngay như số cử tri đến tiếp xúc với ông Phúc cũng được lựa chọn khá kỹ chứ có phải ai cần hoặc muốn đến gặp mà được đâu. Như vậy câu “Đảng luôn xem trọng ý kiến của nhân dân” mới chỉ là một phần của sự thật. Mà một phần của sự thật thì nhiều khi chưa phải là sự thật.

Thứ hai là “Dân chủ tào lao đất nước sẽ loạn”. Đây là ngụy biện kiểu đánh tráo khái niệm. Thế nào là dân chủ tào lao. Thí dụ trong buổi họp có người nói : Thưa chủ tịch, ngài nói sai rồi. Người ấy có nói tào lao không.”

Ý kiến mà chính quyền, lãnh đạo cần xem trọng theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống chính là những ý kiến phản biện được phát biểu thông qua tự do ngôn luận, tự do báo chí chứ không chỉ ở trong các hội nghị mà người tham dự được chọn lựa kỹ càng. Ông dẫn chứng:

“Dân oan bị cướp đất, họ tổ chức phản đối, thế có phải dân chủ tào lao không? Trung quốc có mưu đồ xấu, dân biểu tình phản đối có phải việc tào lao không. Đưa ra khái niệm dân chủ tào lao để hù dọa dân, để cho những người có chức quyền lợi dụng đàn áp dân, phải chăng đó là một mánh khóe.

Thứ ba là “Đảng luôn xem trọng…”. Ông Phúc đang ở vai trò ứng viên tiếp xúc cử tri. Ông đem Đảng ra để làm gì. Phải chăng Đảng của ông là thần, là thánh. Phải chăng ông không đủ tự tin để nói với cử tri mà phải viện dẫn đến Đảng của ông để làm bình phong.”

Theo trang The Project 88, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ và khuyến khích tự do ngôn luận ở Việt Nam, tính đến ngày 10/5/2021 chính quyền Việt Nam đang giam giữ 235 người từng công khai lên tiếng đòi hỏi dân chủ một cách ôn hòa.