Có những thông tin gì đáng chú ý trong thông cáo báo chí mới và phản ứng của những người trong cuộc ra sao? Việt Hà từ Bangkok gửi về bài tường trình.
Thêm thất vọng
Sau nhiều tuần chờ đợi kể từ khi thủ tướng chính phủ kết luận vụ việc cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn là trái pháp luật, vào chiều ngày 3 tháng 4 vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải phòng đã ra một thông cáo báo chí mới, nhìn nhận vụ việc cưỡng chế đất là trái pháp luật. Tuy nhiên thông cáo báo chí này cũng cho thấy một số chi tiết không làm cho những người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn hài lòng.
Ủy ban nhân dân thành phố Hải phòng nhận định gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã có 5 sai phạm chính trong quá trình sử dụng khu đất được giao để nuôi trồng thủy sản. Các sai phạm này bao gồm phá rừng phòng hộ, cho thuê lại đất trái quy định, không đăng ký tạm trú tại địa phương và không hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp hơn 10 triệu đồng.
Liên quan đến cáo buộc lấn chiếm đất trái phép, bà Phạm Thị Báu (tức Hiền) vợ ông Đoàn Văn Quý, nạn nhân của vụ cưỡng chế đất bức xúc nói.
"Việc lấn chiếm đất thì em cho rằng đấy không phải là lấn chiếm đất vì nếu lấn chiếm đất có nghĩa là phải lấn chiếm của tổ chức cá nhân nào đó, còn đây bọn em lấn biển chứ không phải lấn chiếm đất.
Và khi ủy ban nhân dân huyện cấp giấy cho nhà em rồi thì không thể gọi là sai phạm được."
Trong thông cáo báo chí, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cho rằng gia đình ông Đòan Văn Vươn đã lấn chiếm hơn 19 ha đất ngoài chỉ giới được giao.
Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng sau đó đã xử phạt hành chính 1 triệu đồng và hợp thức hóa quyền sử dụng đất cho ông Vươn vào ngày 9 tháng 4 năm 1997.
Ngoài ra, cũng theo gia đình ông Vươn thì tại thời điểm gia đình lấn biển làm khu đầm, nhà nước đang vận động các cá nhân, gia đình và tổ chức khai hoang lấn biển.
Bọn em lấn biển chứ không phải lấn chiếm đất. Và khi ủy ban nhân dân huyện cấp giấy cho nhà em rồi thì không thể gọi là sai phạm được.
Bà Phạm Thị Báu
Xem xét cả hai yếu tố trên, gia đình ông Vươn cho rằng việc quy kết gia đình ông lấn chiếm đất bất hợp pháp vào lúc này chỉ chứng tỏ Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng đã vi phạm pháp luật khi hợp thức hóa phần diện tích lấn biển của gia đình ông.
Liên quan đến nội dung nợ đóng thuế, gia đình ông Đoàn Văn Vươn cũng khẳng định họ không làm gì sai pháp luật. Chị Phạm Thị Báu giải thích:
"Họ nói là nhà em còn nợ đóng 10 triệu tiền thuế. Nếu nó có thật thì tài sản nhà em để nợ 10 triệu thuế thì cũng rất bình thường thôi nhưng đây nhà em không nợ đóng thuế mà thuế đây khi Ủy ban nhân dân huyện giao cho xã về nộp thuế thì nhà em yêu cầu phải có biên bản thu thuế thì họ không đưa ra.
Nếu họ không đưa ra biên bản thu thuế thì nhà em không thể nộp được và nhà em không thể nộp cho xã Vinh Quang được. Nếu mình nộp cho xã Vinh Quang thì vô hình chung đầm nhà mình do xã Vinh quang quản lý à? Thế không thể được."
Đối với cáo buộc cho thuê lại đất trái pháp luật, chị Báu cho biết phần đất gia đình chị được giao chứ không phải cho thuê, và vì vậy chị có quyền cho thuê lại theo đúng quy định trong luật đất đai của Việt Nam.
Thông cáo của ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cũng nói rõ là gia đình ông Vươn đăng ký hộ khẩu tại xã khác nhưng lại cư trú trên vùng đất được giao nuôi trồng thủy sản, không thuộc quy hoạch đất dân cư nông thôn của xã Vinh quang.
Gia đình ông cư trú tại đây từ suốt năm 1993 đến nay nhưng không hề đăng ký tạm trú dù được ủy ban nhân dân xã Vinh Quang nhắc nhở nhiều lần. Chị Phạm Thị Báu phản bác lại kết luận này:
Nhà em không nợ đóng thuế mà thuế đây khi Ủy ban nhân dân huyện giao cho xã về nộp thuế thì nhà em yêu cầu phải có biên bản thu thuế thì họ không đưa ra. Nếu họ không đưa ra biên bản thu thuế thì nhà em không thể nộp được.
Bà Phạm Thị Báu
"Chưa một lần nào địa phương nhắc nhở nhà em chuyện đấy. Và nhà em với tài sản khổng lồ thế này mà nhà em không xây cất nhà cửa để trông coi thì sao trông nổi. và từ khi nhà em xây thì chưa lần nào cấp huyện hay cấp xã có ý kiến gì về cư trú bất hợp pháp cả."
Liên quan đến cáo buộc chặt phá rừng, trong đơn khiếu nại của gia đình ông Đòan Văn Vươn gửi thủ tướng chính phủ và các ban ngành liên quan đề ngày 22 tháng 3 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Vươn cho rằng gia đinh mình không hề chặt phá rừng vi phạm pháp luật.
Ngược lại bà khẳng định chính quyền huyện Tiên Lãng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đọat tiền của gia đình bà.
Theo đơn khiếu nại, vào năm 2001, phó chủ tịch huyện Tiên Lãng đã vô cớ phạt gia đình bà 15 triệu đồng vì cho rằng gia đình bà đã chặt rừng trong đầm, trong đó có 5 triệu đồng để trồng rừng phía ngoài. Trong khi đó gia đình bà được giao đất nuôi trồng thủy sản chứ không phải được giao đất để trồng rừng.
Thiệt thòi vẫn chỉ là người dân
Thông cáo báo chí mới của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cũng xác nhận cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn được tiếp tục sử dụng đất theo quy định của luật đất đai.
Tuy nhiên, thông cáo báo chí không đưa ra được các kết luận cụ thể về các vấn đề khác liên quan đang được nhiều người mong đợi. Đó là việc khởi tố điều tra việc phá dỡ nhà tại khu đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, cũng như vụ án 'giết người và chống người thi hành công vụ'.
Thông cáo cho biết, đến lúc này, cơ quan công an thành phố Hải Phòng vẫn đang tiếp tục điều tra củng cố chứng cứ và chờ kết quả giám định tài sản theo quy định của luật tố tụng hình sự.
Hội đồng định giá tài sản của thành phố vẫn chưa có kết quả xác định giá trị khu nhà trông đầm bị phá của gia đình ông Đoàn Văn Vươn là bao nhiêu.
Thông cáo cũng cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố đã khởi tố 8 bị can thuộc gia đình ông Đoàn Văn Vươn về tội giết người, bà Phạm Thị Báu và bà Nguyễn Thị Thương về tội chống người thi hành công vụ.
Cho đến lúc này cơ quan công an vẫn tạm giam 4 người trong đó có ông Đoàn Văn Vươn. Công an cũng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Báu và bà Thương. Hai người khác trong gia đình hiện đang bị truy nã.
Chị Phạm Thị Báu cho biết mặc dù có thông cáo báo chí như vậy, nhưng gia đình chị chưa nhận được các thông báo chính thức cụ thể nào:
"Đến bây giờ bọn em chính thức chưa nhận được thông báo nào cả. Cứ nói về định giá tài sản, khởi tố vụ án rồi xử lý vụ án hình sự thì nhà em chưa thấy một cái gì cả. Hải Phòng cứ báo cáo báo cáo và còn đang tiếp tục điều tra xử lý thì em cũng không biết xử lý đến mức nào, đã hơn 2, 3 tháng nay rồi mà vẫn nói chung chung nên không hiểu là thế nào."
Một điểm khác đáng chú ý trong thông cáo lần này đó là phần công tác ổn định tình hình chính trị, diễn biến tư tưởng nhân dân. Ủy ban nhân dân thành phố Hải phòng xác nhận đã ra thống báo đến các ủy ban nhân dân quận huyện ngưng các quyết định thu hồi đất để các hộ dân tiếp tục tổ chức nuôi trồng thủy sản.
Ông Vũ Văn Luân, thư ký Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng nhận xét về thông báo này:
"T heo tôi thì phải vui rồi nhưng cái này là cái tất yếu, đây không nói về chính trị nhưng đặt vấn đề pháp luật lên là tất yếu, cho nên dù rằng người dân không vui cũng phải được hưởng quyền lợi đó còn vui thì cũng được hưởng quyền lợi tất yếu đó."
Vụ cưỡng chế khu đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn xảy ra vào hồi đầu tháng giêng năm nay khi ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng huy động lực lượng công an, bộ đội để thu hồi 30 ha đất đầm của gia đình ông Vươn.
Để bảo vệ tài sản của mình, một số người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã sử dụng súng hoa cải và chất nổ. Hậu quả đã khiến 6 bộ đội và công an bị thương. Vụ việc đã gây xôn xao và bất bình trong dư luận.
Vào ngày 10 tháng 2 vừa qua, Thủ tướng chính phủ đã có kết luận việc cưỡng chế đất của địa phương là sai pháp luật.
Theo dòng thời sự:
- Người dân tìm mọi cách để nói lên sự bất công
- Khiếu kiện tập thể
- Không thể coi thường kiến nghị người dân
- Khi người Nông dân nổi dậy
- Khi cán bộ Tiên Lãng "không chịu hiểu"
- Vụ Tiên Lãng: chữ tín của nhà nước ở đâu?
- Tiên Lãng - Bài học lòng dân
- Bao giờ nạn cưỡng chế ruộng đất mới chấm dứt?
- Khiếu kiện đất đai gia tăng tại Việt Nam
- Vụ án Tiên Lãng: đừng dồn họ vào chân tường