Tù tại gia: Những nhà tù di động

Tù tại gia là gì?

Chiều 12/11/2018, tại phiên thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam.

Ông Phớc cho rằng để phạm nhân lao động ngoài trại giam sẽ tạo hình ảnh phản cảm, có nguy cơ phạm nhân bỏ trốn và sự lạm dụng của cán bộ quản lý trại.

Theo Luật sư Vũ Đức Khanh hiện ở Canada, muốn có hình thức “tù tại gia” thì trước hết Việt Nam phải hiểu khái niệm tù. Ông cho rằng ông Hồ Đức Phớc không hiểu khái niệm “tù tại gia” về mặt triết lý nó là như thế nào và về mặt xã hội nó là như thế nào. Ông nói:

“Khái niệm “tù tại gia” là một khái niệm rất là mới đối với công chúng Việt Nam. Khái niệm của người Việt Nam nói chung thì tù là sự trả giá cho những hành động sai trái của mình đối với xã hội, nhưng chưa hiểu tới khái niệm tù còn là cơ hội để sửa những sai trái để hoàn thiện, không tái phạm và làm cho xã hội tốt hơn.”

Ông giải thích về tính triết lý, tù tại gia thể hiện tính "nhân bản" trong việc thi hành án tức là không có sự trừng phạt mà chỉ là sự giới hạn quyền tự do của con người. Mục đích của nó muốn cảm hóa con người để họ ăn năn hối lỗi, hồi tâm chuyển hướng về cái thiện của xã hội chứ không muốn trừng phạt.

Tại Việt Nam hiện nay, một số người sau khi thi hành xong bản án tù trong trại giam thì tiếp tục bị một hình phạt bổ sung khác gọi là “quản chế”. Vậy đây có phải là một hình thức tù tại gia hay không? Luật sư Phạm Văn Thọ - Trưởng Văn phòng Luật sư Minh Thọ tại Sài Gòn giải thích rằng:

“Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú và bị tước một số quyền công dân, bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Như vậy, theo tôi, một người bị quản chế sau khi ra tù không phải là một hình thức “tù tại gia”, mà đó là một trong các hình phạt bổ sung được áp dụng đối với người phạm tội sau khi thi hành bản án tù giam."

Giam trong buồng sắt tại nhà

Một giải pháp mà ông Hồ Đức Phớc đưa ra để quản lý những phạm nhân ở tù tại gia là nghiên cứu nhà sắt giam giữ. Nhà sắt này được cán bộ đưa đến nhà phạm nhân, giám thị là người giữ chìa khoá, gia đình sẽ chăm sóc, cho ăn. Giám thị sẽ định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra. Nếu để phạm nhân trốn thì gia đình cùng chịu trách nhiệm.

Sáng 13/11, Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm cho biết Bộ sẽ tiếp nhận đề xuất của đại biểu Quốc hội về hình thức "tù tại gia" để nghiên cứu.

Cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành công an nhận định về vấn đề này:

“Nếu Bộ công an chấp nhận đề xuất tù tại gia này thì tôi thấy thứ nhất là phản tác dụng, phản cảm và không đúng với giá trị nhân văn của người Việt khi người phạm tội lại ở trong một lồng sắt (như đề xuất) trước mắt gia đình. Thứ hai nó có thể sinh ra một tiêu cực khác gọi là “chạy” để được tù tại gia. Nó nảy sinh một loại tham nhũng mới cho người có quyền quyết định để một người được tù tại gia hay không.”

Các tù nhân nữ trút bỏ bộ quần áo tù và đang chờ nhận lệnh được trả tự do tại một nhà tù ở ngoại ô Hà Nội hôm 31 tháng 8 năm 2015.
Các tù nhân nữ trút bỏ bộ quần áo tù và đang chờ nhận lệnh được trả tự do tại một nhà tù ở ngoại ô Hà Nội hôm 31 tháng 8 năm 2015. (AFP)

Ông nói thêm rằng việc giám thị có thể đến nhà phạm nhân bất cứ lúc nào để kiểm tra, tức họ đặt toàn bộ gia cư của người phạm tội dưới sự giám sát của chính quyền như một nhà tù lưu động.

Luật sư Lê Văn Luân hiện sống ở Hà Nội viết trên trang facebook cá nhân của mình rằng việc bị buộc phải chứng kiến và sống chung với “tội phạm” ngay tại nơi ở thường ngày không khác gì hành động bêu đầu và lăng nhục người có hành vi phạm tội từ thời phong kiến xưa kia. Ông viết tiếp:

" Không những vậy, việc đẩy phạm nhân vào trong lồng sắt giam tại nhà ở nảy sinh vấn đề là bất cứ khi nào nhân viên công cụ cũng sẽ có quyền, mà không cần lệnh, được phép xâm nhập gia cư bất kể thời gian và bất kỳ trường hợp nào."

Liệu có khả thi?

Tờ Economist số ra ngày 27/5/2017 có trích một nghiên cứu của Rafael Di Tella (Đại học Harvard) và Ernesto Schargodsky (Đại học Torcuato Di Tella, Argentina) so sánh tỷ lệ tái phạm giữa phạm nhân bị gắn chip - tức được phép ở bên ngoài nhưng vẫn có thể theo dõi qua thiết bị điện tử, và phạm nhân bị giam giữ trong các nhà tù ở Argentina. Kết quả là chỉ có 13% phạm nhân bị gắn chip tái phạm so với tù nhân bị giam là 22%.

Điều này cho thấy hình thức “tù tại gia” có những mặt tốt của nó, nhưng với tình hình Việt Nam hiện nay thì Cựu đại tá Nguyễn Đăng Quang cho rằng rất khó để thực hiện:

“Ở một số nước văn minh, xuất phát từ lòng nhân đạo thì người ta có hình thức tù tại gia. Nhưng họ có đủ yếu tố về pháp lý nên họ mới thực hiện được. Điều kiện gắn chip vào tù nhân giam giữ tại gia ở Việt Nam không khả thi trong tình hình hiện nay. Vài mươi năm nữa thì có thể thành hiện thực.”

Nhân bản, nhân đạo cũng là điều mà luật sư Vũ Đức Khanh muốn nhấn mạnh khi trao đổi với RFA về vấn đề này. Theo ông thì khái niệm “tù tại gia” là một khái niệm rất là mới đối với công chúng Việt Nam, nhưng ở các nước phát triển thì họ không lạ gì khái niệm này do họ có khái niệm nhân bản về người tù, tức họ muốn đưa người tù gần với xã hội, với gia đình để dễ cảm hóa, đưa họ trở thành người tốt cho xã hội. Nhà tù chưa chắc là nơi làm người ta tốt hơn, mà có khi đưa họ trở thành người xấu hơn. Ông nhận định:

“Trong tình cảnh của Việt Nam thì cái vấn đề tôi vẫn chưa thấy được là cái triết lý mà Nhà nước muốn giam giữ tù nhân là gì, mà tôi chỉ thấy những điểm, chẳng hạn như đối với những tù nhân lương tâm hay tù nhân chính trị, thì đối với nhà cầm quyền, cái tù là họ muốn đày đọa, họ muốn triệt tiêu…”

Điều này cũng được blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chia sẻ với RFA chiều 13/11/2018:

" Quỳnh nghĩ cái lớn nhất là sự riêng tư trong buồng giam không có. Họ thiết kế kiểu gì mình không biết nhưng người đi canh gác toàn đàn ông. Có cổng và cửa chính nhưng chỉ cần bước vào cổng là họ nhìn luôn được cái restroom. Nó cho mình cái cảm giác không an toàn bất kỳ lúc nào. Những người tù ở chung với mình chính là những tai mắt của công an, mình sẽ bị quan sát 24/24. "

Cô cho biết khi bị tạm giam cô phải nằm trên sàn xi măng lạnh lẽo, không có được cái mền để đắp. Bên cạnh đó là chuyện ăn uống và vệ sinh cho phụ nữ thì rất là tệ.

Hôm 14/11, báo 24h.com dẫn lời Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn nói rằng “Bản chất của hình phạt tù chính là muốn giáo dục con người, khiến người ta nhận ra tội lỗi, sửa chữa, khắc phục mà người ta vẫn có thể gắn kết với gia đình, với cộng đồng”.

Phát biểu của chuyên gia, lãnh đạo VN về mặt lý thuyết luôn đúng; nhưng thực tế lại trái ngược.