Vốn lãi suất hợp lý vẫn khó tiếp cận

Chính phủ đã có một số biện pháp nới lỏng tín dụng, nhưng hàng chục ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc khu vực tư nhân vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để cầm cự trong khó khăn.

0:00 / 0:00

Khó tiếp cận nguồn vốn

Trong câu chuyện với chúng tôi vào tối 27/4, một doanh nhân thuộc khu vực sản xuất tư nhân ở TP.HCM nói là vốn lãi suất thấp vẫn chỉ là ước mơ và hy vọng:

Bây giờ doanh nghiệp nào muốn tiếp cận vốn ngân hàng thì phải quen biết và phải biết điều một chút.

Một doanh nhân ở TP.HCM

“Chưa có diễn biến tích cực vì bây giờ mới bước đầu, chủ trương thì như vậy nhưng diễn biến rất chậm chạp. Bây giờ doanh nghiệp nào muốn tiếp cận vốn ngân hàng thì phải quen biết và phải biết điều một chút. Qui định là một chuyện nhưng thực tế lãi suất vẫn có phết phẩy ở trong đó ngấm ngầm phải cao hơn thực tế qui định. Diễn biến sau này thì chưa đoán được, không biết có nguồn tiền từ đâu bơm vào hay không nhưng hiện nay cũng vẫn khó tiếp cận vốn giá thấp…giá cao thì được.”

Tất nhiên từ giảm trần lãi suất huy động đến thực tế giảm lãi suất cho vay là một câu chuyện khác. Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:

“Bản thân ngân hàng đã huy động vốn một thời gian rồi, từ 14% xuống 13% rồi 12% nhưng bây giờ vốn huy động lãi suất cao vẫn đọng lại ở ngân hàng chứ chưa thể nào giải ngân được số vốn đó. Cũng không thể nói giảm trần lãi suất huy động để rồi giảm ngay tức khắc lãi suất cho vay, điều này là không thể được. Việc này phải chờ thời gian mà tất cả mọi thứ chúng ta kỳ vọng phải trông chờ vào thị trường.”

Lãi suất vẫn cao

Ngan-hang-A-250.jpg
Giao dịch bên trong ngân hàng Maritime ở Hà Nội. RFA photo (Giao dịch bên trong ngân hàng Maritime ở Hà Nội. RFA photo)

Chúng tôi ghi nhận một thí dụ điển hình về sự nới rộng tín dụng nhưng lãi suất thì vẫn cao. Theo đó những hộ nông dân làm lúa ở đồng bằng sông Cửu Long nếu có lịch sử tín dụng tốt tức nhiều năm trả nợ đúng hạn, thì hiện nay được vay nhiều vốn hơn trước. Một nông dân miền sông nước Cửu Long nói với chúng tôi:

“Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn cho vay với định giá cao, có nghĩa chính phủ đã đầu tư mạnh cho nông dân. Tôi mới vay lãi suất 16% tức chỉ thấp hơn năm ngoái một chút nhưng họ cho vay nới rộng lắm, nếu một công đất định giá thị trường 50 triệu thì họ có thể cho vay từ 15 tới 20 triệu, như vậy 1 héc-ta có thể cho vay tới 150 triệu đồng nếu là khách hàng quen biết. Trước đây không như vậy, giỏi lắm 1 héc- ta vay được 20-25 triệu.”

Thông tin cho biết, sau khi được bật đèn xanh từ Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các ngân hàng thương mại đã mở rộng tín dụng đưa ra thị trường nhiều chương trình gọi là những gói cho vay giá rẻ. Điển hình như ngân hàng Hàng Hải loan báo dành 5.000 tỷ đồng với lãi suất 15% đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Ngoài ra ngân hàng Hàng Hải còn dành 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 16%-18% cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lãnh vực chế biến thủy hải sản, sản xuất, kinh doanh, phân bón, hóa chất, thuốc, hóa dược, thiết bị y tế, nhựa, cao su.

Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, hơn nữa lãi suất một năm từ 20%-22% thì quá cao so với lợi nhuận trên mặt hàng đó<i>.</i>

Vân Thành Huy

Thí dụ vừa nêu như một minh họa về tình trạng lãi suất cho vay ở thời điểm một tháng rưỡi, sau 2 lần Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động tổng cộng 2% còn 12%. Trên các diễn đàn kinh tế, rất nhiều chuyên gia có chung ý kiến các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu đựng lãi suất bất hợp lý, cao nhất khu vực trong bối cảnh lạm phát cao, tổng cầu sụt giảm, hàng tồn kho tăng cao.

Doanh nhân Vân Thành Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Daklak phân tích về việc nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ mất khả năng trả nợ, trong đó có đơn vị của ông:

“Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, hơn nữa lãi suất một năm từ 20%-22% thì quá cao so với lợi nhuận trên mặt hàng đó. Bây giờ kinh doanh lợi nhuận 10% là quá hy vọng rồi mà so với lãi suất thì quá cao.”

Thực tế, nếu doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay với lãi suất 16%-19% thì dù có giảm hơn giai đoạn thắt chặt tiền tệ, nhưng cũng vẫn là quá cao không thể làm ăn có lãi.

Khó lại chồng khó

Một công ty sản xuất đế giày phải đóng cửa, may móc để phơi nắng phơi mưa. Photo Nam Duong
Một công ty sản xuất đế giày phải đóng cửa, máy móc để phơi nắng phơi mưa. Photo Nam Duong. (Photo Nam Duong)

Trong lúc cộng đồng doanh nghiệp không kỳ vọng về những đợt giảm lãi suất trần huy động vừa rồi sẽ dẫn tới giảm lãi suất cho vay, thì những đợt tăng giá xăng dầu liên tục càng làm tình hình thêm nan giải. Một doanh nhân ở TP.HCM nói với chúng tôi:

“Khó lại chồng khó thêm, tất nhiên nguyên liệu đầu vào tăng giá, mọi thứ đều tăng giá mà mãi lực thị trường thì có giới hạn và yếu đi do đó bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất khó khăn. Xăng dầu tăng giá làm tăng chi phí vận chuyển, sản xuất ngành nhựa sử dụng nguyên liệu hạt nhựa là chế phẩm từ dầu hỏa, dầu hỏa tăng thì hạt nhựa tăng, đầu vào tăng mà đầu ra thì không tăng, nếu tăng giá thì không bán được hàng. Do đó bài toán khó này càng khúc mắc thêm.”

Từ những gì các doanh nhân và chuyên gia nói, có thể thấy rằng việc vực dậy sản xuất cần một giải pháp nhiều mặt cho nền kinh tế. Doanh nghiệp không những khó khăn vì lãi suất cao, khó tiếp cận nguồn vốn mà còn không tiêu thụ được sản phẩm làm ra, tồn kho cao. Do vậy cần làm cho thị trường tiêu thụ khởi sắc trở lại, điều này đòi hỏi phải có một dòng tiền lớn cho lãnh vực tiêu dùng và sản xuất, nhưng phản ứng không mong muốn có thể xảy ra là áp lực lạm phát cao. Trước mắt những doanh nghiệp thực sự khó khăn cần được giúp đỡ để tồn tại. GSTS Vũ Văn Hóa nhận định là giảm lãi suất và nới lỏng tín dụng để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn là một cách tiếp cứu doanh nghiệp bên bờ vực thẳm, nhưng lại khó thực hiện vì bản thân ngân hàng cũng phải nhắm tới lợi ích và sự phát triển của họ. Thay vào đó GSTS Vũ Văn Hóa đề nghị:

Khó lại chồng khó thêm, tất nhiên nguyên liệu đầu vào tăng giá, mọi thứ đều tăng giá mà mãi lực thị trường thì có giới hạn và yếu đi do đó bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất khó khăn.

Một doanh nhân ở TP.HCM

“Để cứu doanh nghiệp trước hết thuế thu nhập doanh nghiệp nên xem xét lại có nên để đồng loạt 25% hay không. Về thuế này hiện nay có nhiều doanh nghiệp nợ ngân hàng chồng chất, thì nên xem xét giãn thuế ra có thể cho người ta nợ một thời gian, hoặc có thể giảm thuế đó đối với những doanh nghiệp nào thực sự khó khăn.”

Ngày 11/4 vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới lỏng tiền tệ qua việc giảm trần lãi suất huy động còn 12%, đồng thời cơ cấu nợ xấu cho ngân hàng và doanh nghiệp. Nhưng một trong những quyết định quan trọng nhất đó là cởi trói tín dụng bất động sản, điều này cũng có nghĩa là tiếp cứu hệ thống ngân hàng thương mại, vì các ngân hàng đã cho vay đầu tư bất động sản hàng trăm ngàn tỷ đồng và trở thành những món nợ khó đòi.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội được VnExpress trích lời nói rằng, Nhà nước phải hành động để cứu các doanh nghiệp Việt Nam đang khó khăn. Ngân hàng thay vì tiếp cứu các đơn vị thân quen thì phải minh bạch hỗ trợ các doanh nghiệp cần vốn. TS Lê Đăng Doanh cảnh báo một vòng xoáy mà ông cho là rất nguy hiểm, đó là doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm, tâm lý xã hội hoang mang gây ra hệ lụy là kinh tế khó tăng trưởng.

Theo dòng thời sự: