Bảo tồn văn hóa để xây dựng nội lực và chống ngoại xâm

GS Trương Bổn Tài, giảng dạy môn Kinh tế học, Quản trị học tại trường ĐH Pheonix, Arizona, Hoa Kỳ là một người đam mê văn hóa Việt và nghiên cứu văn hóa trong 40 qua. Ông cùng những người có chung sở thích thường tìm hiểu văn hóa các nước và chia sẻ trong các buổi học thảo.

0:00 / 0:00

Nhân dịp năm mới Dương lịch và trong chuyến đi đến một vài nước ĐNA, GS Trương Bổn Tài dành cho Quỳnh Chi một cuộc trò chuyện ngắn liên quan đến văn hóa Việt Nam. Sau đây là một số điểm chính trong cuộc trò chuyện:

Không giữ được văn hóa thì khó giữ được độc lập dân tộc

GS Trương Bổn Tài : Văn hóa người Việt Nam hiện nay rất sa sút bởi mình đã du nhập những nền văn hóa khác, trong đó có những cái đã đi khỏi truyền thống cha ông chúng ta. Nền văn hóa bên ngoài thì cũng có những cái tốt để mình có thể du nhập vào nhưng đa số những gì mà mình du nhập hiện nay không làm cho con người, xã hội Việt Nam được tốt như những truyền thống xa xưa từ thời Lý, Trần chẳng hạn.

Quỳnh Chi: Theo ông, sức mạnh nền văn hóa một nước có ý nghĩa như thế nào đối với nền độc lập, sự đoàn kết dân tộc và đối với sức mạnh đất nước?

GS Trương Bổn Tài : Nó rất là quan trọng, tôi không nghĩ là chúng ta đủ thời giờ để nói sâu vào chi tiết. Nhưng có sự liên hệ rất chặt chẽ giữa nghiên cứu về văn hóa và dân tộc học. Nếu không giữ được văn hóa thì khó giữ được sự độc lập dân tộc. Nếu đi sâu để hiểu văn hóa truyền thống Việt Nam đời Lý, Trần Lê và trước đời Tần Hán thì mới giữ vững được nội lực dân tộc. Văn hóa là một nguồn văn để cảm hóa, chuyển hóa con người, cũng như xã hội.

Nếu không giữ được văn hóa thì khó giữ được sự độc lập dân tộc. Nếu đi sâu để hiểu văn hóa truyền thống Việt Nam đời Lý, Trần Lê và trước đời Tần Hán thì mới giữ vững được nội lực dân tộc

GS Trương Bổn Tài


Quỳnh Chi: Người dân một nước được nhận dạng qua nền văn hóa. Ví dụ dù cho người Nhật ở đâu trên thế giới vẫn được biết đến với một nền văn hóa chung đặc trưng. Một số người cho rằng sự đoàn kết dân tộc sẽ mạnh mẽ hơn nếu dân tộc đó giữ được nền văn hóa chung đặc trưng. Ông nhận xét thế nào về quan niệm này?

Đến đời Lý Nhân Tông, nhà vua này tiếp tục xây dựng phát triển và xây tháp Sùng Thiện Diên Linh từ năm 1118 đến năm 1121. Chùa Long Đọi Sơn đứng vững hàng trăm năm. Source GDVN
Đến đời Lý Nhân Tông, nhà vua này tiếp tục xây dựng phát triển và xây tháp Sùng Thiện Diên Linh từ năm 1118 đến năm 1121. Chùa Long Đọi Sơn đứng vững hàng trăm năm. Source GDVN (Source GDVN)

GS Trương Bổn Tài : Theo chúng tôi, văn hóa có bốn vòng tất cả từ ngoài vào trong. Vòng thứ nhất là những vật dụng cần thiết trong nếp sống hằng ngày. Thứ nhì là phong tục, tập quán. Thứ ba là khoa học, nghệ thuật, văn chương. Và vòng cuối cùng là đạo lý, tinh thần, triết lý. Đối với nền văn hóa Việt Nam, sự đoàn kết thể hiện rõ vòng thứ tư. Chẳng hạn vào đời Lý, đời Trần, sự đoàn kết của dân và chính quyền rất được biểu lộ rất rõ ràng. Đó là cơ sở để chống ngoại xâm và xây dựng đất nước.

Người Nhật còn giữ được sợi dây đoàn kết văn hóa giữa Nhà nước và dân chúng. Trong khi đó Việt Nam đã bị văn hóa ngoại lai đặc biệt là văn hóa Trung Quốc ảnh hưởng và điều này không cho phép người Việt Nam tạo được sự đoàn kết giữa dân và quân. Nói về vấn đề bảo vệ và phát văn hóa là nói về sự sinh tồn và tiến hóa của một dân tộc. Hai điều này phải đi song song nhau. Đối với việc giữa gìn văn hóa thì phải đặt giáo dục hàng đầu, làm sao cho con người tránh được “tham, sân, si” rồi từ đó tạo được nội lực và bảo tồn văn hóa để chống ngoại xâm đồng thời lại xây dựng nội lực.

Đối với việc giữa gìn văn hóa thì phải đặt giáo dục hàng đầu, làm sao cho con người tránh được "tham, sân, si" rồi từ đó tạo được nội lực và bảo tồn văn hóa để chống ngoại xâm đồng thời lại xây dựng nội lực

GS Trương Bổn Tài


Quỳnh Chi
: Theo ông thì việc giữ gìn và phát huy văn hóa Việt Nam gặp những trở ngại nào?

GS Trương Bổn Tài : Một trong những trở ngại lớn nhất để biết hoặc nghiên cứu về văn hóa là phương pháp luận nghiên cứu về văn hóa và về dân tộc. Phải dùng một phương pháp làm sao cho nó mang tính khoa học và phù hợp với sự toàn cầu hóa trong thời đại hiện nay. Hiện nay, việc nghiên cứu về văn hóa của người Việt Nam bị trở ngại vì tư tưởng Maxit đã đè nặng trong xã hội, dân tộc từ mấy mươi năm nay. Cho nên điều này gây nên sự chủ quan, duy ý chí, mù quáng trong vấn đề nghiên cứu văn hóa. Chúng ta phải áp dụng tất cả các biện pháp như khảo cổ học, ngôn ngữ học, địa chất học...

Nếu được áp dụng, mới thấy văn hóa cha ông chúng ta đã có từ trước đa nguyên, trước khi văn hóa Trung Quốc du nhập vào Việt Nam. Thậm chí có thể nói văn hóa Trung Quốc đã vay mượn văn hóa Việt học. Hiện giờ có những minh chứng về ngôn ngữ học, về nhiễm thể học chứng minh điều đó. Nhưng trong nước lại không thấy điều này. Đó là do thuyết duy vật đè nặng nên những nhà nghiên cứu dân tộc học trong nước hiện rất khổ sở. Nếu nói đúng sự thật thì họ có thể bị mất quyền lợi. Thực ra văn hóa ảnh hưởng về chính trị rất rõ ràng, trực tiếp và cụ thể. Nếu người Việt hải ngoại biết được điều này và đóng góp lại trong nước, hợp tác với những nhà dân tộc học trong nước thì tương lai Việt Nam sẽ sáng hơn.

Quỳnh Chi:
Xin cám ơn GS Trương Bổn Tài về cuộc nói chuyện thú vị đầu năm.