Bộ Tài Chính vừa hoàn thiện báo cáo chuyên đề về chính sách thuế đối với bất động sản với sự khẳng định cần thiết nghiên cứu và xây dựng Luật thuế tài sản tại Việt Nam.
Luật thuế tài sản là cần thiết?
Theo Bộ Tài Chính thì Việt Nam cần có Luật thuế tài sản vì chính sách thuế liên quan đến tài sản hiện nay chưa đáp ứng được vai trò là một trong những nguồn thu ổn định cho ngân sách Nhà nước vì số tiền thu về từ thuế sử dụng đất chỉ chiếm khoảng 0, 03% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 0,15% tổng thu ngân sách.
Bộ Bài Chính khẳng định Luật thuế tài sản không chỉ giúp tăng cho nguồn thu ngân sách Nhà nước mà còn góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng Dự thảo Luật thuế tài sản mà Bộ Tài Chính đưa ra cần được thông qua và thực hiện vì theo quan điểm cá nhân của bà là Việt Nam đã rất muộn màng trong việc đánh thuế ở lãnh vực này. Bà Phạm Chí Lan nói với RFA:
Thực ra vấn đề này cũng đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế từ cách đây mấy năm rồi, lúc thị trường bất động sản rộ lên và xu hướng đầu cơ bất động sản rất cao, nhất là bất động sản hoặc khả năng tham gia bất động sản rơi rất nhiều vào tay các nhóm lợi ích, thì cũng có đề xuất Việt Nam cần đánh thuế bất động sản. Thế nhưng suốt mấy năm vẫn không vận động nỗi để đưa ra được những ý tưởng về thuế đó<br/>-TS. Phạm Chi Lan
“Tôi nghĩ bây giờ mới đưa ra luật thế về bất động sản như vậy là trễ đối với Việt Nam. Thực ra vấn đề này cũng đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế đề xuất từ cách đây mấy năm rồi, lúc thị trường bất động sản rộ lên và xu hướng đầu cơ bất động sản rất cao, nhất là bất động sản hoặc khả năng tham gia bất động sản rơi rất nhiều vào tay các nhóm lợi ích, thì cũng có đề xuất Việt Nam cần đánh thuế bất động sản. Thế nhưng suốt mấy năm vẫn không vận động nỗi để đưa ra được những ý tưởng về thuế đó.”
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh Luật thuế bất động sản sẽ có thể điều chỉnh lại giá cả của thị trường bất động sản được thực tế hơn trong bối cảnh đang tồn tại nhiều nơi thổi giá lên rất cao và tạo ra sự thừa ế trong bất động sản nên gây ra lãng phí rất lớn cho tài sản của xã hội, khi biết bao nhiêu ngôi nhà mọc lên mà không có người ở.
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất 3 xu hướng đánh thuế đầu cơ bất động sản; bao gồm đánh thuế tài sản đối với nhà-đất, đánh thuế đối với người có nhiều nhà và đất (từ tài sản thứ hai trở lên) và đánh thuế cao đối với các trường hợp chuyển nhượng nhà-đất ngay sau khi mua trong thời điểm xuất hiện nguy cơ thị trường bất động sản sốt bong bóng.
Đồng quan điểm trong việc đánh thuế bất động sản, Báo mạng Infonet.vn dẫn ý kiến của Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường rằng việc đánh thuế như thế sẽ có khả năng chống đầu cơ tích trữ trong bất động sản và nguồn tiền đầu tư vào bất động sản sẽ được chuyển sang thành nguồn vốn trong lãnh vực sản xuất và sẽ tạo ra động lực phát triển cho quốc gia. Giáo sư Đặng Hùng Võ tin tưởng rằng việc đánh thuế bất động sản không chỉ giúp cho thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn mà còn giúp đảm bảo an sinh xã hội trong điều kiện Nhà nước thực hiện tốt việc đánh thuế này.
Trong khi đó, Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, thuộc Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư cho rằng việc đánh thuế bất động sản sẽ không có tác động ảnh hưởng lớn trong việc chuyển hướng đầu tư và nếu như không kiểm soát được đối với trường hợp đánh thuế ngôi nhà thứ hai trở lên thì cũng không có tác dụng.
Hiệu quả ra sao?
Vấn đề được giới chuyên gia nêu ra là Chính phủ cần làm gì để thiết kế và áp dụng được sắc thuế đối với bất động sản một cách hiệu quả?
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) lên tiếng rằng khi áp dụng sắc thuế này thì phải thận trọng và tính toán nhiều yếu tố, Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhấn mạnh cần cân nhắc chứ không phải muốn đánh thuế bao nhiêu cũng được và Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho là việc thiết kế luật như thế nào thì rất cần hỏi ý kiến rộng rãi trong xã hội vì điều đó sẽ giúp cho nhà nước có được một sắc thuế hợp lý để đánh thuế đúng đối tượng và phù hợp đối với đông đảo người dân, mà người dân có quyền đã được Hiến pháp khẳng định về quyền nhà ở của người dân.
Ngân sách trung ương đang trong cơn 'quẩn cực', có thể năm nay vẫn bội chi tiếp tục từ 5, 5-6% GDP nhưng nguồn thu ngày càng giảm. Và nếu với tiến độ thu như thế này, từ đầu năm 2017 cho đến nay thì năm nay có thể hụt thu lên đến 11% so với dự toán đầu năm. Đây là con số rất cao. Do vậy, chính quyền đang tìm mọi cách để thu thuế của dân<br/>-TS. Phạm Chí Dũng
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan còn cho rằng dù việc xây dựng Dự luật thuế tài sản rất công phu và phức tạp nhưng cần thiết phải tiến hành nhanh chóng. Tuy nhiên, theo nhận định của Giám đốc Jones Lang Lasalle Việt Nam, ông Stephen Wyatt thì ít nhất tới năm 2020, Việt Nam mới có thể áp dụng sắc thuế này do còn nhiều hạn chế về dữ liệu thống kê và thiếu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
Trả lời câu hỏi của RFA liên quan thắc mắc của rất nhiều người quan tâm đến thông tin về Luật thuế tài sản, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng đưa ra lập luận rằng Chính phủ sẽ sớm áp dụng vì mục đích cuối cùng là thu thuế để bù đắp ngân sách:
“Ngân sách trung ương đang trong cơn ‘quẩn cực’, có thể năm nay vẫn bội chi tiếp tục từ 5, 5-6% GDP nhưng nguồn thu ngày càng giảm. Và nếu với tiến độ thu như thế này, từ đầu năm 2017 cho đến nay thì năm nay có thể hụt thu lên đến 11% so với dự toán đầu năm. Đây là con số rất cao. Do vậy, chính quyền đang phải tìm mọi cách để thu thuế của dân, hay nói một cách nôm na là người dân nói ‘đè đầu dân để thu thuế’ hay thậm chí người dân còn nói là ‘chính quyền tìm cách móc túi của dân’.”
Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc với số đông người dân ở trong nước và được cho biết họ lo lắng rằng không sớm thì muộn họ cũng phải đón nhận thêm một sắc luật thuế mới là Luật thuế tài sản và chúng tôi còn được biết thêm một số những người tương đối khá giả, mà sở hữu hơn một căn nhà, hiện nay đã vội vã tìm cách sang tên chủ sở hữu để phòng lách luật, không phải trả thuế vào khi Luật thuế tài sản ra đời.