Kiến nghị thu phí khí thải đối với xe máy: thiếu hợp lý!

0:00 / 0:00

Tại Hội nghị tổng kết chương trình nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe mô tô - xe gắn máy đang lưu hành hôm 27/1/2021, cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) lại tiếp tục kiến nghị thu phí kiểm định khí thải trên xe máy, với lý do được cho là sẽ góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí.

Ông Đinh Trọng Khang, Phó Giám đốc Viện Môi trường, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải, khi phát biểu tại Hội nghị đã đề xuất phương án kiểm soát khí thải xe máy sẽ thực hiện ở khu vực trung tâm, sau đó mở rộng ra toàn thành phố.

Theo đó, thành phố sẽ thu phí kiểm soát khí thải hàng triệu xe máy tại TP HCM với mỗi xe 50.000 đồng và cần kinh phí hơn 553 tỷ đồng để đầu tư hệ thống, nhân lực cho 88 trạm kiểm định...

Người dân nói gì về việc này? Anh Thiệu, một người dân sống ở thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFA hôm 28/1, nhận xét về đề xuất này:

“Nói chung thì mình thấy việc thu phí khí thải xe máy này nó vô lý, vì thật sự các loại thuế phí họ đã thu trong xăng dầu quá cao rồi, nào là phí đường bộ, các thứ phí quá cao... vừa rồi xăng còn tăng giá lên nữa. Điều đó vô lý nhưng họ muốn thu thì họ thu thôi, chứ mình cũng không thể làm gì được. Ngân sách bây giờ bí bách thì họ cứ kiếm cái này cái nọ để thu lấy vào ngân sách thôi. Ngân sách không đủ để tiêu dùng nữa nên họ cứ thu, chứ biết làm sao?”

Mình thấy việc thu phí khí thải xe máy này vô lý, vì các loại thuế phí họ đã thu trong xăng dầu quá cao rồi, nào là phí đường bộ, các thứ phí quá cao... vừa rồi xăng còn tăng giá lên nữa. Điều đó vô lý nhưng họ muốn thu thì họ thu thôi, chứ mình cũng không thể làm gì được.
-Anh Thiệu

Anh Đàm Ngọc Nguyên từ Sài Gòn hôm 28/1 cũng cho rằng việc thu phí này không phù hợp, nhất là đối với người nghèo mưu sinh bằng xe máy hiện đang rất khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19:

“Cái đó hoàn toàn không phù hợp, vì khi chạy bằng động cơ xăng thì xăng đã tính phí bảo vệ môi trường trong đó rồi. Có là phí chồng phí, chồng rất là nhiều thứ, ví dụ như xăng đã tính phí, nhớt đã tính phí, thậm chí khi mua xe nó đã tính phí ban đầu vô rồi, như vậy là phí rất là cao. Hiện tại nếu người lao động như xe ôm thì nhiều nhất, hay người giao hàng... thì thu nhập rất thấp.”

Theo đề xuất, dự kiến giai đoạn 2023-2024, mỗi năm có gần 7 triệu xe máy cần kiểm tra và sẽ thu được 348 tỷ đồng. Từ năm 2025 đến 2030, mỗi năm gần 6 triệu xe kiểm định, tương ứng thu khoảng 300 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2030, tổng nguồn thu sẽ gần 2.200 tỷ đồng, sau khi trừ vốn đầu tư 553 tỷ đồng, phần còn lại 1.647 tỷ đồng sẽ được nộp về ngân sách.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, vào ngày 28/1, lên tiếng với RFA:

“Việc muốn thu phí kiểm soát khí thải của các xe máy vì hiện nay số lượng xe máy của Việt Nam rất lớn, khoảng trên 50 triệu chiếc, cho nên lượng khí thải phát ra môi trường hiện nay cần được xem xét. Vì vậy TPHCM đề nghị thu phí mỗi xe 50 ngàn. Nghe thì ít, nhưng đối với người lao động thì đấy là nhiều theo điều kiện hiện nay. Mà số lượng xe quá lớn, thì có làm hết được không, mà nếu làm được thì có đảm bảo chất lượng hay không? Trong điều kiện hiện nay thì nên quy định từng loại xe, hư hại gì đó thì mới kiểm tra, chứ xe mới thì đâu cần kiểm tra, cái này phải xem xét thận trọng. Chứ còn ông cứ tính ra là thu ngân sách rất lớn, chi xài rất lớn... Nhưng tiền thu đó ông có chi cho bảo vệ môi trường hay không? Hay ông dùng vào việc khác, đó mới là vấn đề quan trọng.”

TP HCM hiện đang có hơn 7,4 triệu xe máy đang sử dụng, trong đó xe sử dụng trên 10 năm chiếm gần 68%. Khí CO (carbon monoxit) và HC (hydrocarbon) có hại cho sức khỏe, phát ra từ xe máy chiếm 90% tổng các loại xe cơ giới tại thành phố. Theo Đề án kiểm soát khí thải xe máy tính toán, khi áp dụng chương trình này, TP HCM có thể giảm 13% khí CO và gần 14% khí HC thải ra môi trường.

000_1X25G8(1).jpg
Ảnh minh họa chụp tại TPHCM hôm 8/9/2020. AFP.

Anh Thiệu ở Sài Gòn cho biết thêm nhận xét của anh về công tác bảo vệ môi trường của chính quyền TP HCM:

“Môi trường thì chỉ có những cái bình thường như vệ sinh, công nhân quét rác này nọ thì có làm, còn đầu tư về môi trường như làm cách nào để giảm bớt ô nhiễm không khí thì hầu như là không có, chưa thấy. Còn tình trạng ngập thì càng ngày càng nặng, Sài Gòn thì cũng có một vài dự án nhưng không thấy hiệu quả gì hết, mỗi ngày lại ngập nặng hơn, rất ảnh hưởng môi trường.”

Trước đó từ tháng 5 năm 2020, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam tổ chức chương trình thí điểm kiểm soát khí thải xe máy ở thành phố. Khi đó đã đo, kiểm tra khí thải miễn phí gần 11.000 xe trong 6 tháng tại quận 1, 3, Phú Nhuận và Tân Bình. Xe khi kiểm tra được nhập thông tin vào hệ thống như biển số, niên hạn... phần lớn xe sau 5 năm sử dụng đều không đạt chuẩn khí thải.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, khi trả lời RFA hôm 28/1, nhận định:

“Đây là vấn đề rất quan trọng, cần xem xét rất kỹ khi đưa ra những chính sách về chuyện xử lý các xe máy mà khí thải của nó không đảm bảo nhu cầu bảo vệ môi trường. Theo tôi, thu phí không phải là giải pháp, bởi vì thu phí xong vẫn không hạn chế được chuyện phát thải của lượng xe quá lớn hết niên hạn sử dụng. Mục tiêu là hạn chế không phát thải, tức là làm sao không phát thải chứ không phải là thu tiền, vì thu tiền rồi cũng không chống được chuyện phát thải cao làm ô nhiễm môi trường không khí. Thu phí xong thì có thu lại được quá nhiều khí thải đã thải ra đâu? Tôi cho rằng cần giải pháp phù hợp với cuộc sống hơn.”

Theo tôi, thu phí không phải là giải pháp, bởi vì thu phí xong vẫn không hạn chế được chuyện phát thải của lượng xe quá lớn hết niên hạn sử dụng.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Trước đó, vào tháng 10 năm 2018, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có đề nghị xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với các loại xe máy tham gia giao thông, đồng thời triển khai thu phí ô nhiễm môi trường trên loại phương tiện này.

Tuy nhiên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, trả lời RFA khi đó cho rằng, thu phí xả thải tức là phải thu vào tất cả các phương tiện có thải khí CO2 ra môi trường, bất kể đó là phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy hay đường không. Theo ông, ở các quốc gia khác trên thế giới, thông thường người ta sử dụng phí này cho xe hơi.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, tính đến tháng 6 năm 2020, Việt Nam có khoảng hơn 50 triệu ô tô và xe máy chưa đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, trong tổng số 53,5 triệu của cả hai loại phương tiện giao thông đang lưu hành.

Theo Quyết định 49/QĐ-TTg về tiêu chuẩn khí thải của Chính phủ, các loại ô tô và xe máy sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu đều phải đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4 với ô tô và Euro 3 với xe máy kể từ tháng 1/2017. Để đáp ứng tiêu chuẩn vừa nêu, ô tô và xe máy đều phải được lắp đặt sẵn bộ chuyển đổi xúc tác để làm giảm phát thải độc hại. Tuy nhiên, hàng chục triệu ô tô và xe máy sản xuất trước năm 2017 chưa có bộ lọc này.

Tuy nhiên theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nếu thu phí xe máy như đề xuất, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống của những người nghèo, mà xe máy đang là công cụ kiếm ăn của họ. Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng cách thức bảo vệ môi trường không khí thì vẫn nên theo hướng cấm sử dụng các xe máy quá niên hạn, xả thải nhiều... Nhưng nhà nước nên bỏ ngân sách ra để trợ giúp những người thuộc diện nghèo mà đang sử dụng xe máy làm công cụ kiếm sống, để người dân nghèo có thể có một xe máy đạt tiêu chuẩn môi trường và vẫn không ảnh hưởng cuộc sống của họ.