Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, hôm 5 tháng 11 năm 2020 khi phát biểu trước Quốc hội đề xuất 'Trung ương cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ, đặc biệt những người đứng đầu, cụ thể là 63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy'.
Vì sao vấn đề đánh giá các bí thư, chịu sử quản lý và phân bổ của cơ quan trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, thường chỉ được nêu lên tại các kỳ đại hội đảng, lại được một ĐBQH nêu lên ở nghị trường Quốc hội?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 5 tháng 11 năm 2020, liên quan vấn đề này, nhận định:
“Những người thuộc về đảng chính trị thì phải để cho đảng chính trị làm, đó là công việc của đảng cộng sản Việt Nam, sao Quốc hội lại đá lấn sân sang đảng? Hay là ổng dùng diễn đàn Quốc hội để góp ý cho Đảng Cộng sản Việt Nam? Tôi nghĩ lẽ ra ổng phải tham dự vào đại hội đảng, rồi phát biểu như thế thì đúng hơn, chứ còn trên diễn đàn Quốc hội mà ổng nói như thế là hoàn toàn lạc sân.”
Hay là ổng dùng diễn đàn Quốc hội để góp ý cho đảng cộng sản Việt Nam? Tôi nghĩ lẽ ra ổng phải tham dự vào đại hội đảng, rồi phát biểu như thế thì đúng hơn, chứ còn trên diễn đàn Quốc hội mà ổng nói như thế là hoàn toàn lạc sân.<br/>-TS. Nguyễn Quang A
Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, bộ tiêu chí đánh giá các bí thư phải được xây dựng phù hợp với đặc điểm cụ thể của mỗi địa phương, chứ không thể đưa ra một tiêu chí chung cho toàn bộ các tỉnh, thành phố. Do đó theo ông, cần phân loại các nhóm địa phương có cùng đặc điểm để xây dựng bộ tiêu chí cho từng nhóm cụ thể.
Từ Sài Gòn hôm 5 tháng 11 năm 2020, nhà hoạt động Trần Bang cho Đài Á Châu Tự Do biết, ông nghi ngờ có sự mâu thuẫn quyền lực trong đề xuất này:
“ĐBQH mà phát biểu tiêu chí của đảng làm lộ ra điều, chứng tỏ ông bí thư có quyền lực thật trong tỉnh thành mà ổng làm bí thư. Cho nên ông ĐBQH đó vô tình nói ra, vì ổng bị chịu sự chi phối... thậm chí một ĐBQH có thề là chủ tịch hay phó chủ tịch tỉnh, về nguyên tắc là người đứng đầu tỉnh, nhưng vẫn bị bí thư chi phối.”
Theo Nhà hoạt động Trần Bang, thật ra không có một luật nào quy định bí thư là người đứng đầu tỉnh, nhưng trong thực tế ông bí thư có quyền loại bỏ những người có quyền lực cao nhất ở địa phương, từ ông chủ tịch tỉnh hay chủ tịch HĐND là hai chức danh, mà chính quyền mang ra trình làng là to nhất ở địa phương. Ông nói tiếp:
“Nhưng thực tế ông chủ tịch ký gì đều phải qua ông bí thư, như vậy ông bí thư là người có quyền lực thật trong bóng tối, mà không được pháp luật quy định. Ông bí thư chỉ đạo chủ tịch ký sai, thì không có quy định chế tài, cho nên ông bí thư đứng trên pháp luật là như thế. Do đó ông ĐBQH nói như thế là muốn vén bức màng bí mật, để làm cho rõ ra... Cái đó trong thực tế ai cũng rõ, nhưng trong luật không hề có câu chữ nào rằng ông bí thư phải chịu trách nhiệm về hoạt động của chính quyền tỉnh. Điều này cho thấy quyền lực trong bóng tối của đảng cộng sản, bị bóc trần tại diễn đàn Quốc hội.”
Chính trị Việt Nam đi theo nguyên mẫu nhà nước xã hội chủ nghĩa, độc đảng. Mặc dù Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam đã ghi rất rõ: ‘Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật là tối thượng’. Song trong thực tiễn thì không ít trường hợp chỉ thị, nghị quyết của Đảng mới là tối thượng.
Vào ngày 20 tháng 8 năm 2020, chính quyền Việt Nam ban hành Nghị định 90 thay thế hai nghị định 56 và 88, với những thay đổi được nói giúp cải thiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Một trong những thay đổi được nhiều quan tâm nhất là việc công khai, minh bạch đánh giá cán bộ và công nhân viên chức. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có quy định nào trong việc đánh giá các bí thư, người chịu sự quản lý của đảng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói tiếp:
“Tôi nghĩ Đảng không nêu công khai nhưng chắc chắn họ có các tiêu chuẩn để họ đánh giá các bí thư đấy. Trong ban tổ chức trung ương đảng, họ có quyền điều động những người đấy và tôi tin là nó có tiêu chuẩn của nó chứ không phải họ thích làm thế nào thì làm. Còn chuyện đánh giá như thế nào thì mình không biết nội bộ đảng họ làm thế nào, bởi vì Đảng này họ nắm quyền. Mà nếu họ đưa công khai các tiêu chí đánh giá cho người dân biết thì cũng là tốt.”
Trong thực tế ai cũng rõ, nhưng trong luật không hề có câu chữ nào rằng ông bí thư phải chịu trách nhiệm về hoạt động của chính quyền tỉnh. Điều này cho thấy quyền lực trong bóng tối của đảng cộng sản, bị bóc trần tại diễn đàn Quốc hội.<br/>-Trần Bang
Nhìn chung nếu minh bạch trong việc đánh giá cán bộ viên chức hay nhân sự đảng, sẽ có động lực cho họ thay đổi. Cho dù cũng sẽ có những người vì đánh giá mà bị công khai thì có thể sẽ không hài lòng. Nhưng nếu làm được việc đánh giá có hệ thống, công khai đối với những công chức hay cán bộ thì có lẽ xã hội sẽ ngày càng phát triển hơn.
Tuy nhiên, theo Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi trả Đài Á Châu Tự Do hôm 5 tháng 11 năm 2020 cho biết việc đánh giá đã có từ lâu, nhưng không hiệu quả:
“Từ ủy viên Bộ chính trị đến Ủy viên Trung ương, đến các đảng viên... theo quy định đều có đánh giá xếp loại. Nhưng lâu nay việc đánh giá này chỉ là định tính, chứ chưa có bộ tiêu chí để mang tính định lượng, cho nên nhiều khi đánh giá xếp loại chưa được chuẩn xác. Cho nên nếu có Bộ tiêu chí này thì từ cán bộ cao nhất đến thấp nhất sẽ được đánh giá khách quan hơn.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ Đảng, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho rằng, việc đề xuất tiêu chí đánh giá chẳng có gì khác trước. Theo ông, tất cả những tiêu chuẩn ấy chỉ là vớ vẩn, vì nêu ra nhưng không thể đo đạt để đánh giá. Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, đúng ra là các vị lãnh đạo phải ra tranh cử, để cho đại hội xem xét bầu chọn. Chứ đưa ra hàng chục tiêu chuẩn mà không có gì để đánh giá, thì tất cả những tiêu chuẩn ấy chỉ có tính cách lòe bịp và chẳng có tác dụng gì.