Vì sao cần có ‘Ngày Tiếng Việt’?

0:00 / 0:00

Đến lúc cần phải có “Ngày Tiếng Việt”

Hai vị TS. Nguyễn Văn Hiệp và Nguyễn Thế Dương đưa ra lập luận cho đề xuất cần có “Ngày Tiếng Việt” là vì ngôn ngữ là một trong những chỉ số quan trọng nhất để nhận diện bản sắc của một quốc gia. Ngôn ngữ cũng là công cụ mạnh mẽ nhất để bảo tồn và phát triển di sản vật thể và phi vật thể của một đất nước. Bảo tồn tiếng mẹ đẻ chính là góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Hai tác giả của đề xuất cần có “Ngày Tiếng Việt” cũng trưng dẫn quan điểm của nhà văn hóa Phạm Quỳnh trước đây khi khái quát rằng “Tiếng ta còn, nước ta còn”, tiếng Việt chính là tài sản chung vô giá của đất nước và người dân Việt Nam.

Một trong những yếu tố quan trọng mà hai vị TS. Nguyễn Văn Hiệp và Nguyễn Thế Dương cho rằng đã đến lúc cần phải có “Ngày Tiếng Việt” là do những người yêu tiếng Việt không khỏi chạnh lòng và bức xúc khi thấy nhiều lối nói, cách dùng từ lai căng, dễ dãi thậm chí phản cảm. Do đó, một điều rất cần thiết và thiết thực là xác lập một ngày riêng “Ngày Tiếng Việt” nhằm tôn vinh tiếng Việt. Và đó là dịp để người Việt dù ở Việt Nam hay nước ngoài được nhắc nhở về việc giữ gìn và phát huy giá trị của tiếng Việt trong thời đại hội nhập.

Cựu biên tập viên Mặc Lâm, người từng phụ trách Mục “Văn học Nghệ thuật” của Ban Việt ngữ, Đài RFA, vào tối ngày 7/3 lên tiếng rằng ông đồng quan điểm với hai vị TS. Nguyễn Văn Hiệp và Nguyễn Thế Dương.

Theo quan điểm cá nhân, cựu biên tập viên Mặc Lâm ghi nhận mấy chục năm qua không có một ý kiến đề xuất nào liên quan bởi vì người ta thấy tiếng Việt quá bình thường. Cho nên, khi người ta nhận ra tiếng Việt ngày càng mất đi tính trong sáng cuả nó với nhiều từ ngữ bị hoen ố cũng như nhiều chữ nghĩa không còn là tiếng Việt nữa thì cần thiết có một ngày để vinh danh và ghi nhớ.

“Theo tôi thì tôi thấy nên có “Ngày Tiếng Việt”. Bởi vì nếu tiếng Việt trong tình trạng kéo dài như vầy thì không còn là tiếng Việt của chúng ta cả ngàn năm nay nữa. Và đây là đề xuất đang đúng thời điểm để cho người trẻ hiểu được thế nào là tiếng Việt, trong khi tất cả mợi người đều chạy theo tiếng ngoại quốc, như Bộ Giáo dục-Đào tạo đang nỗ lực ra thông báo đòi hỏi ngôn ngữ thứ hai thêm cả tiếng Đức và tiếng Hàn vào. Vậy thì tại sao tiếng Việt không ai đề xuất hết? Tôi cho rằng đây là vấn đề nên đưa vào Tiếng Việt vào một ngày để ghi nhớ.”

Ý thức về tiếng Việt và ý thức về ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, của dân tộc bản địa và của dân tộc thiểu số, theo tôi thì rất cần thiết-Nhà thơ Inra Sara

Ủng hộ và phản đối

GS-TS. Nguyễn Đăng Hưng, vào tối ngày 8/3, từ Việt Nam, nói với RFA rằng đề xuất “Ngày Tiếng Việt” là lẽ đương nhiên và ông rất ủng hộ.

GS-TS. Nguyễn Đăng Hưng nhắc lại vào thời điểm ông thực hiện dự án xây dựng khuôn viên trấn Thanh Chiêm-Tôn vinh chữ Quốc ngữ thì chính ông cũng đã đưa ra đề xuất nên tôn vinh tiếng Việt và chữ Quốc ngữ.

Theo GS-TS.Nguyễn Đăng Hưng thì tiếng nói và chữ viết luôn song hành với nhau. Vì thế, ông rất hoan nghênh về đề xuất cần nên có “Ngày Tiếng Việt”.

Mặc dù vậy, GS-TS. Nguyễn Đăng Hưng lưu ý về một số những ý kiến phản đối liên quan đề xuất này.

“Có một số nhóm người giáo điều. Có lẽ họ không có thiện cảm với GS. Nguyễn Văn Hiệp, là người đã không ủng hộ ý kiến của ông Bùi Hiền về vấn đề thay đổi chữ Quốc ngữ bằng một ngôn ngữ khác và GS. Nguyễn Văn Hiệp đã ra một nghị quyết, với tư cách là Chủ tịch Viện Ngôn ngữ học, yêu cầu dẹp bỏ chuyện đó vì không mang lại lợi ích gì cho đất nước Việt Nam. Cho nên có một nhóm bảo thủ đó không thích GS. Nguyễn Văn Hiệp. Do đó, khi GS. Nguyễn Văn Hiệp đề xuất có một ngày tôn vinh tiếng Việt thì họ phản đối. Họ viện lý do rất tầm xàm là đề xuất này có tính cách kỳ thị chủng tộc, tôn vinh tiếng Việt thì không tôn vinh các ngôn ngữ khác của dân tộc thiểu số. Đây là một suy nghĩ xuyên tạc.”

GS-TS. Nguyễn Đăng Hưng nhấn mạnh rằng tiếng Việt là ngôn ngữ chung cho dân tộc Việt. Tôn vinh tiếng Việt hay “Ngày Tiếng Việt” không có nghĩa là phải dẹp bỏ những sự bảo trợ, bảo hộ những thứ tiếng của các dân tộc thiểu số.

10ab5f85-7650-4962-bd79-818f58447e20.jpeg
Ảnh minh họa. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng bên bia tấm bia tưởng niệm Giáo sĩ Alexandre de Rhodes ở Iran. Hình chụp hồi tháng 05/18. Courtesy: Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cung cấp

PGS-TS. Hoàng Dũng, thuộc Đại học Sư phạm TP.HCM, vào cuối tháng Hai, cũng đăng trên mạng xã hội Facebook một bài viết phản biện những ý kiến cho rằng đề xuất “Ngày Tiếng Việt” là “tích cực gieo rắc tư tưởng phản động”, dễ dẫn đến xung đột sắc tộc vì lý do ngôn ngữ.

Đài RFA xin được trích nguyên văn lời lập luận của PGS-TS. Hoàng Dũng:

“Tôn vinh tiếng Việt không có nghĩa là không tôn vinh các ngôn ngữ khác. Hiến pháp xác định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, nhưng đồng thời cũng minh định ‘Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình’. Trên thực tế, tiếng Việt là ngôn ngữ giao tiếp chung cho tất cả các dân tộc Việt Nam. Văn bản nhà nước phải viết bằng tiếng Việt; nhà trường phải dạy tiếng Việt. Xây dựng một Việt Nam hùng cường không thể không đặt vấn đề đẩy mạnh giáo dục tiếng Việt. Như thế, việc tôn vinh tiếng Việt là góp phần thúc đẩy đoàn kết dân tộc, chứ không phải hành động đối lập tiếng Việt với các ngôn ngữ thiểu số.”

Trao đổi với RFA vào tối ngày 8/3, nhà thơ Inra Sara, dân tộc Chăm, chia sẻ quan điểm của ông rằng tiếng Việt là tiếng phổ thông trong đất nước đa dân tộc và đa ngôn ngữ. Tiếng Việt cần được tôn vinh để, thứ nhất là người Việt ý thức về sử dụng ngôn ngữ, và thứ hai là người dân tộc thiểu số hay người bản địa cần giỏi tiếng Việt để diễn đạt tiếng Việt trong giao tiếp [với nhau, với người Việt và dân tộc khác]; đồng thời viết chuẩn và hay hơn.

Nhà thơ Inra Sara khẳng định rằng tôn vinh tiếng Việt không tạo mặc cảm cho ngôn ngữ dân tộc thiểu số, mà chính sự tôn vinh đó làm thức tỉnh ý thức ngôn ngữ dân tộc trong tâm thức họ.

“Tôi là người biên soạn bốn cuốn tự điển song ngữ Việt-Chăm, Chăm-Việt và tôi còn viết cuốn sách ‘Tự học tiếng Chăm’ với mục đích là người Chăm cần nói tiếng Chăm. Gia đình tôi đã ở Sài Gòn 30 năm nhưng vẫn nói tiếng Chăm. Nhưng, tiếng Việt là tiếng phổ thông ở Việt Nam và rất là cần thiết để tất cả các dân tộc có thể nói tiếng Việt tốt, đồng thời biết về tiếng dân tộc của mình cũng rành. Ý thức về tiếng Việt và ý thức về ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, của dân tộc bản địa và của dân tộc thiểu số. Theo tôi thì rất cần thiết.”

Có một nhóm bảo thủ đó không thích GS. Nguyễn Văn Hiệp. Do đó, khi GS. Nguyễn Văn Hiệp đề xuất có một ngày tôn vinh tiếng Việt thì họ phản đối. Họ viện lý do rất tầm xàm là đề xuất này có tính cách kỳ thị chủng tộc, tôn vinh tiếng Việt thì không tôn vinh các ngôn ngữ khác của dân tộc thiểu số. Đây là một suy nghĩ xuyên tạc-GS-TS Nguyễn Đăng Hưng

Nên chọn ngày nào cho “Ngày Tiếng Việt”?

Trong trường hợp đề xuất “Ngày Tiếng Việt” được các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam thông qua, hai vị tác giá của đề xuất nêu lên thêm một vấn đề quan trọng là ngày nào sẽ được chọn là “Ngày Tiếng Việt”.

Một số ngày được hai TS.Nguyễn Văn Hiệp và Nguyễn Thế Dương đưa ra bao gồm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du, ngày 3/1 nhằm ngày 23/11 Âm lịch hay ngày 25/5 là ngày thành lập của Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ hoặc ngày 8/9 là ngày Nha Bình dân học vụ được thành lập hồi năm 1945. Đây là phong trào giải quyết được vấn đề “giặc dốt” kể từ khi những ngày đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa được thành lập.

GS-TS. Nguyễn Đăng Hưng cho rằng theo ông thì tiếng Việt trong sáng, đầy đủ và đẹp đẽ như ngày hôm nay là có công rất lớn của đại thi hào Nguyễn Du.

“Tôi có ý kiến nếu chọn một ngày thì nên chọn ngày liên quan đến sự ra đời của nhà thơ Nguyễn Du. Bởi vì, tôi vẫn nghĩ và nhiều người nghĩ như thế như các nhà văn hóa Phạm Quỳnh và Hoàng Xuân Hãn…đều nghĩ rằng tiếng Việt là ngôn ngữ của Nguyễn Du, cũng như tiếng Nga là ngôn ngữ của Pushkin, tiếng Anh là ngôn ngữ của Shakespeare…Tất cả ngôn ngữ lớn trên thế giới luôn luôn dựa vào cống hiến của một nhà thơ, một nhà văn, một nhà ngôn ngữ lớn của dân tộc. Tôi nghĩ rằng nếu chọn ngày thì nên chọn ngày sinh của cụ Nguyễn Du cùng lúc là ngày tôn vinh tiếng Việt.”

Tuy nhiên, vị giáo sư nhiều năm làm việc ở Bỉ và hiện cống hiến trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam bày tỏ rằng để chọn lựa một ngày cho “Ngày Tiếng Việt” thì rất cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng cũng như sự tham gia đóng góp ý kiến của công chúng, nhất là trong giới học thuật của cộng đồng người Việt khắp năm châu.