Lập lại ban chỉ đạo cấp tỉnh/thành có giúp xóa được tham nhũng?

0:00 / 0:00

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - Nguyễn Thái Học tại cuộc họp hôm 2/5 về Đề án thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng - chống tham nhũng cho biết, bí thư tỉnh/ thành ủy khi làm trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ phải chịu trách nhiệm trước đảng bộ, chính quyền...

Theo ông Học, khi đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng - chống tham nhũng... thì Ban Chỉ đạo ở cấp trung ương sẽ không làm thay việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cấp tỉnh, mà chỉ đóng vai trò hướng dẫn, theo dõi.

Còn nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, cũng tại cuộc họp cho rằng, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh khi được lập sẽ giúp chống tham nhũng liền mạch, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ trung ương đến địa phương.

Đến bây giờ lại thấy khôi phục trở lại, trao quyền cho Bí thư tỉnh, thì tôi cho lại sai lầm khi tập trung quyền lực vô Bí thư quá nhiều.
-Nhà báo Võ Văn Tạo

Nhà báo Võ Văn Tạo hôm 3/5 từ Nha Trang nhận định với RFA:

“Hồi xưa là có Ban chống tham nhũng ở địa phương chứ, nhưng không kèn trống rã đám hết, trước kia là xuống tận dưới huyện, xã luôn.... nhưng nó không hiệu quả. Bởi vì anh chính quyền có quyền lực rất lớn, có thể tham nhũng được. Ví dụ ảnh ký dự án nào đó, và có đơn thư tố cáo dự án có vấn đề, thì cũng chính ông đó là trưởng ban phòng chống tham nhũng giải quyết... cái đó là tai hại nhất của việc tập trung quyền lực một chỗ. Hồi đó tôi đã kiến nghị chuyện này, nhưng đề xuất của tôi không ai tiếp thu... Đến bây giờ lại thấy khôi phục trở lại, trao quyền cho Bí thư tỉnh, thì tôi cho lại sai lầm khi tập trung quyền lực vô Bí thư quá nhiều.”

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, bí thư là người quyền lực nhất tỉnh, thành phố... quyền lực sẽ dễ dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối... Vì vậy nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng giải pháp phân quyền này là không hợp lý.

Điều nhà báo Võ Văn Tạo lo lắng không phải là không có cơ sở khi thời gian qua, nhiều địa phương như ở Bình Thuận hay Khánh Hòa, Bình Dương... chính những vị bí thư, chủ tịch, người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền lại mắc sai phạm bị xử lý Đảng, chính quyền, kể cả hình sự.

Đơn cử như Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ, bị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2020 quyết định kỷ luật vì những sai phạm liên quan đất đai.

Hay vào năm 2021, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị kỷ luật ông Trần Văn Nam, Bí thư tỉnh uỷ Bình Dương, do vi phạm qui định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.

Mới nhất là vào tháng 4 năm 2022, hai cựu Bí thư, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận bị kỷ luật Đảng vì những sai phạm trong quản lý đất đai

Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội - khi trả lời báo nhà nước cho rằng, số cán bộ là bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy vi phạm nghiêm trọng bị xử lý trong thời gian qua chỉ là một bộ phận nhỏ, ‘con sâu làm rầu nồi canh’, chứ không phải tất cả.

bi-thu-bt.gif
Hai cựu bí thư Bình Thuận vừa bị kỷ luật Đảng (từ trái qua): Nguyễn Mạnh Hùng, Huỳnh Văn Tí. RFA Edited.

Ông Vũ Minh Trí, trước khi về hưu giữ chức vụ Trung tá tại Tổng cục 2 - Bộ Quốc Phòng, khi trả lời RFA hôm 3/5, nói:

“Việt Nam vẫn nói là muốn xây dựng nhà nước pháp quyền, có thể có đuôi định hướng xã hội... Mà đã là pháp quyền thì mọi hoạt động phải theo luật, nhưng theo luật đã ban hành thì không hề có vị trí của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Mà có thể trong văn bản của Đảng hay các tổ chức chính trị thì có. Tóm lại nó không có giá trị pháp lý. Trong khi đó, việc chống tham nhũng bao gồm điều tra, truy tố, xét xử... đều diễn ra theo pháp luật. Còn theo những thứ như Ban phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính thì tôi nghĩ nó không có giá trị pháp lý. Trong khi họ cũng quy định Tòa án chỉ làm việc theo pháp luật, không chịu sự tác động nào. Thì ý kiến của những Ban đó ở đâu?”

Theo ông Vũ Minh Trí, những Ban như phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính trung ương chỉ nên tồn tại trong Đảng, để xử lý những việc trong đảng. Ông Trí nói tiếp:

“Thế nhưng thời gian gần đây, tôi thấy tồn tại những cơ quan ‘dở dơi, dở chuột’ như thế, không ra mặt Đảng và cũng không ra mặt chính quyền, nhưng vẫn có những cuộc họp liên ngành gồm cảnh sát tòa án... thì tôi thấy không đúng pháp luật. Về mặt pháp lý là không có giá trị, thậm chí sai về mặt tư pháp. Theo tôi việc thành lập ấy là chuyện của họ, nhưng tôi hoàn toàn không ủng hộ. Trong một nhà nước pháp quyền thì chỉ cần các cơ quan chấp pháp, làm việc đúng chức năng nhiệm vụ và tuân thủ theo pháp luật là đủ.”

Theo tôi việc thành lập ấy là chuyện của họ, nhưng tôi hoàn toàn không ủng hộ. Trong một nhà nước pháp quyền thì chỉ cần các cơ quan chấp pháp, làm việc đúng chức năng nhiệm vụ và tuân thủ theo pháp luật là đủ.
-Ông Vũ Minh Trí

Tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hôm 20/1/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế để ‘không thể tham nhũng’.

Ông Trọng cho rằng phải hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập; khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý đất đai, tài sản công... sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai...

Khi trả lời RFA từ Hà Nội liên quan vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định:

“Muốn kiểm soát quyền lực thì phải có tam quyền phân lập, nhưng Đảng CSVN chủ trương chống tam quyền phân lập. Vì vậy nói kiểm soát quyền lực là họ buộc phải nói vậy thôi, chứ thực chất cách tổ chức hoạt động của Đảng không có cách gì kiểm soát quyền lực cả. Vì quyền lực ấy tập trung vào lãnh đạo duy nhất của Đảng.”