Chờ kết luận của Thủ tướng về vụ Tiên Lãng

Dư luận tại Việt Nam hiện đang chý ý đến cuộc làm việc của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các cấp liên quan tại thành phố Hải Phòng về vụ cưỡng chế đầm và nhà của gia đình họ Đoàn tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.

0:00 / 0:00

Mong chờ công lý

Trong những ngày qua, nhiều người đưa ra nhận định là một số viên chức cấp huyện, xã tại Tiên Lãng, Hải Phòng sẽ bị kỷ luật trong vụ cưỡng chế đầm nuôi thủy sản và phá nhà ông Đoàn Văn Vươn. Thực tế diễn ra đúng như nhận định đó là vào ngày 7 tháng 2, thành ủy Hải Phòng đã họp báo công bố biện pháp đình chỉ chức vụ để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với chủ tịch và phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng Lê văn Hiền, và Nguyễn Văn Khanh.

Ngoài ra kiểm điểm các ông Lê Văn Mải, trưởng công an huyện Tiên Lãng, Phạm Đăng Hoan- bí thư Đảng ủy và ông Lê Thanh Liêm, chủ tịch xã Vinh Quang.
Tuy vậy, dư luận tiếp tục chờ đợi quyết định mà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đưa ra vào ngày 10 tháng 2 tới đây mà theo kế hoạch được thông báo ông sẽ về làm việc với các bộ ngành trung ương và thành phố Hải Phòng về vụ cưỡng chế hồi ngày 5 tháng 1 vừa qua tại Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Thành phố này cũng là đơn vị mà ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đại biểu quốc hội.

Bản thân gia đình của ông Đoàn Văn Vươn cũng mong đợi công lý sẽ được thực thi qua những bằng chứng thực tế. Bà Phạm thị Báu, vợ ông Đoàn Văn Quý nói về điều đó: "Chúng tôi nghĩ kể cả cấp trung ương về cũng sẽ không hoàn toàn tin vào người dân và hoàn toàn tin vào phía chính quyền, tôi tin rằng họ sẽ tin vào chứng cứ thể hiện bằng văn bản giấy tờ".

Thông báo của chủ nhiệm văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam hồi tuần rồi cho biết cuộc làm việc được mong đợi đó nhằm làm rõ ba điểm trong vụ ông Đoàn Văn Vươn. Đó là sự đúng sai của quyết định giao thu hồi đất. Thứ hai việc cưỡng chế hồi ngày 5 tháng giêng có đúng qui định của pháp luật hay không và thứ ba là có chủ trương của địa phương trong việc phá nhà của ông Vươn hay không.

Theo nhiều người vụ cưỡng chế đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng là tiếng súng cảnh báo về tình trạng cưỡng chiếm đất đai lâu nay tại nhiều địa phương khắp cả nước. Nỗi oan ức của nhiều người bị thu hồi đất một cách bất công bị dồn nén như một quả bóng quá căng, đến lúc phải nổ tung. Mối nguy đó khiến cho đích thân ông thủ tướng phải về Hải Phòng để tháo gỡ ngòi nổ cho quả bom thu hồi đất lâu nay.

Có thể nói có luồng ý kiến lạc quan cho rằng trong vụ việc của gia đình họ Đoàn tại Tiên Lãng lần này, chính phủ do ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu sẽ có những biện pháp quyết liệt. Tác giả Trần Kỳ Trung, trong bài viết đăng trên blog Quê Choa, viết rõ trong tựa bài của mình "Tôi rất tin lần này ngài làm thật, thưa thủ tướng". Lý do cho niềm tin đó được tác giả Trần Kỳ Trung nêu rõ "Lúc này không thể có kiểu giải quyết nước đôi, xuê xoa, hoặc nói "Học tập thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi không kỷ luật ai!" Nếu như thế tình thế đất nước rất nguy hiểm! Chắc ông đã nhìn thấy."

Không thể chìm xuồng

hop-bao-Tien-lang-250.jpg
Buổi họp báo về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng sáng 07/2/2012. Photo courtesy of tuoitrenews (Buổi họp báo về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng sáng 07/2/2012. Photo courtesy of tuoitrenews)

Những ngưởi ủng hộ quan điểm này lập luận rằng không thể giải quyết vụ việc xuê xoa vì những vị như cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Vũ Mão, trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Đặng Hùng Võ, một số tổ chức Nhà Nước như Mặt Trận Tổ quốc… đã lên tiếng và có ý kiến.

Cùng quan điểm lạc quan như vừa nêu, một vị luật sư ở Việt Nam có ý kiến:

“Cái nhìn của tôi trong vụ việc này cũng như dư luận chung thôi, tôi cũng là một trong những người có ý kiến chung nhất. Nhưng là người đi sâu trong nghề pháp luật thì tôi nghĩ những cơ quan tiến hành tố tụng phải hết sức khách quan, và phải có trình tự theo đúng Luật tố tụng hình sự. Riêng hành động của ông Vươn nhiều người cho là sai, và sai đến đâu cơ quan tố tụng sẽ điều tra và xem xét.

Với tư cách luật sư, tôi nghĩ các cơ quan tố tụng của Việt Nam sẽ làm rất cẩn thận để đi đến kết luận có tội hay không. Đến lúc này chưa ai dám khẳng định anh Vươn có tội hay không phạm tội. Còn về vấn đề đất đai, tôi nghĩ đây là tình trạng chung và chính phủ VN sẽ có điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển và nhu cầu chung của xã hội, và quyền lợi của người công dân; đặc biệt những công dân đã khai phá, khai khẩn đất hoang thành đất canh tác. Đó là việc Nhà nước Việt Nam sẽ xúc tiến nhanh; qua việc này đó là điều cấp bách rồi”.

Trong khi đó vẫn còn có nhiều người tỏ ra không mấy tin tưởng vào thủ tướng trong vụ ông Đoàn Văn Vươn. Lý do vì lâu nay đã từng có những vụ việc mà họ cho là lớn hơn vụ này nhưng rồi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn không có những quyết định giải quyết rốt ráo.

Anh Vũ Quốc Ngữ, một người từng du học tại Hà Lan về nông nghiệp và nay sinh sống tại Hà Nội đưa ra lý do cho thấy mức độ không mấy tin tưởng vào quyết định của thủ tướng về vụ việc này:

“Tôi không kỳ vọng gì cả; tôi nghĩ họ sẽ làm chìm xuồng vụ này xuống. Gia đình anh Đoàn Văn Vươn vẫn bị tội chống người thi hành công vụ mà sẽ bị ‘thổi lên’. Còn chính quyền họ sẽ có hình thức kiểm điểm rất nhẹ thôi. Tôi không nghĩ vụ này sẽ có kết cục như nhiều người tại Việt Nam muốn; bởi vì ở Việt Nam có những vụ lớn hơn rất nhiều như vụ Vinashin mà ở Việt Nam chả có ai chịu trách nhiệm cả, thì kể cả vụ này cũng thế thôi”.

Dân đã mất lòng tin

Một người dân từng bị thu hồi đất một cách bất công tại Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Xuân Ngữ, cho biết việc thi hành luật pháp tại Việt Nam lâu nay với thực tế trung ương nói địa phương không nghe:

giaoduc.net-250.jpg
Căn nhà của ông Vươn sau cưỡng chế. Photo courtesy of giaoduc.net (Căn nhà của ông Vươn sau cưỡng chế. Photo courtesy of giaoduc.net)

“Thí dụ như trường hợp của tôi, thủ tướng chỉ đạo mà dưới thành phố người ta không nghe- ‘Phép vua thua lệ làng’”.

Nhận định của ông Nguyễn Xuân Ngữ, cũng được anh Vũ Quốc Ngữ chia xẻ:

“Ở Việt Nam có rất nhiều luật nhưng chính quyền địa phương có tuân theo luật đó hay không lại là vấn đề. Ngay bây giờ vấn đề thu hồi đất nhà anh Vươn trái pháp luật mà họ vẫn cứ làm. Tôi nghĩ luật là vấn đề mà vấn đề là người thi hành luật. Người ta nắm quyền , nắm chức trong tay nên có thể đưa ra luật. Hải Phòng là quốc gia riêng rồi chứ không tuân theo luật Việt Nam nữa. Như bà Ngô Bá Thành nói, Việt Nam có một rừng luật, nhưng người ta tuân theo, làm theo ‘luật rừng’; nên tôi nghĩ luật không giải quyết vấn đề.”

Trên trang blog Jasmine hồi ngày 5 tháng 2, đúng một tháng sau vụ cưỡng chế tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, có bức thư gửi thủ tướng vụ Tiên Lãng, trong đó tác giả kết thư với mong mỏi thủ tướng không sử dụng từ “sẽ’ nữa.

Trong ngày 8 tháng 2, xuất hiện trên mạng Internet hai bản văn liên quan vụ cưỡng chế dẫn đến súng nổ, mìn tung tại Tiên Lãng. Thứ nhất là bức tâm thư của trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên ủy viên trung ương Đảng, nguyên đại biều quốc hội và nguyên tư lệnh quân khu 4 gửi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong thư ông kể lại hai sự việc trước đây khi còn làm việc so sánh với vụ Tiên Lãng hiện nay. Theo đó trung tướng Thước đưa ra mong muốn ‘với tư cách là đại biểu Quốc hội đơn vị Hải Phòng, đồng chí thủ tướng sẽ thể hiện đầy đủ vai trò của người đại biểu nhân dân, vì lợi ích của nhân dân và lợi ích của quốc gia, thực chất hai lợi ích chính đáng đó là không có mâu thuẫn.

Bản văn thứ hai là kiến nghị do hai công dân là ông Nguyễn Đăng Quang, đại tá, cán bộ Bộ Công an đã nghỉ hưu và luật sư Trần Vũ Hải đồng ký tên. Kiến nghị gửi cho ông Trần Đại Quang, bộ trưởng Công An đề nghị Bộ công an chỉ đạo cơ quan điều tra thuộc bộ xem xét điều tra trực tiếp vụ án tại Tiên Lãng, chứ không để cho ông giám đốc công an Hải Phòng là Đỗ Hữu Ca đảm nhận công tác đó. Lý do ông Đỗ Hữu Ca có những lời lẽ cho thấy “đã cố ý không coi trọng điều tra vụ việc, thể hiện tinh thần không khách quan, vô tư, thiếu trách nhiệm, không có các biện pháp để bảo vệ hiện trường một vụ án được coi là đặc biệt nghiêm trọng (chưa từng có trong hàng chục năm gần đây tại Việt Nam).

Theo dòng thời sự: