Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) vừa khai giảng tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vào sáng ngày 6 tháng 8, ở Hà Nội.
Có phải là bước đột phá?
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng phát biểu tại lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng CSVN với lời nhấn mạnh rằng “Đây là một bước đột phá trong công tác cán bộ, nhằm nâng cao hơn nữa năng lực, sức chiến đấu của Đảng và hệ thống chính trị trong thời kỳ mới”.
Ông Trần Quốc Vượng, trong buổi lễ khai giảng còn cho biết trong năm 2018 Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức thành công hai lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng một lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho các ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và sẽ tổ chức hai lớp bồi dưỡng đầu tiên trong chương trình Bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII từ nay cho đến đầu năm 2020.
Các học viên tham gia hai lớp học đầu tiên vừa nêu bao gồm những đảng viên được phê duyệt quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và quy hoạch các chức danh cấp trưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội ở Trung ương giai đoạn 2020-2025 cùng với quy hoạch chức danh bí thư các tỉnh/ thành trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021-2026.
Cựu Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông, vào tối ngày 8 tháng 8 nói với RFA rằng việc tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng là rất cần thiết và kịp thời:
<i>Một trong những nhiệm vụ của Đại hội Đảng khóa XIII sắp tới là phải chọn ra được một Ban Chấp hành Trung ương có tầm chiến lược để lãnh đạo đất nước. Do đó, đội ngũ này phải thật sự có đức, có tài và có tầm chiến lược để hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho toàn dân tộc thực hiện. Cho nên yêu cầu được đặt ra là phải bồi dưỡng kiến thức toàn diện, không những về chính trị mà còn về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh<br/>-Ông Lê Văn Cuông</i>
“Một trong những nhiệm vụ của Đại hội Đảng khóa XIII sắp tới là phải chọn ra được một Ban Chấp hành Trung ương có tầm chiến lược để lãnh đạo đất nước. Do đó, đội ngũ này phải thật sự có đức, có tài và có tầm chiến lược để hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho toàn dân tộc thực hiện. Cho nên yêu cầu được đặt ra là phải bồi dưỡng kiến thức toàn diện, không những về chính trị mà còn về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh…”
Trong lễ khai giảng vào sáng ngày 6 tháng 8, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo lớp bồi dưỡng-ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết lớp học lần này gồm 95 cán bộ được quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhiệm kỳ XIII và khóa học sẽ diễn ra trong thời gian 2,5 tháng.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết thêm lớp học bồi dưỡng lần này có sự khác biệt là 95 cán bộ tham gia biên soạn nội dung chương trình, đồng thời báo cáo chuyên đề và chủ trì thảo luận; bên cạnh việc nghiên cứu, các học viên còn phải đi khảo sát thực tế tại địa phương và ở nước ngoài để có thêm kinh nghiệm thực tiễn.
Cựu Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông đưa ra quan điểm của ông rằng những lớp học bồi dưỡng cán bộ như vậy chỉ là bước đầu trong giai đoạn cán bộ được quy hoạch. Ông Lê Văn Cuông cho rằng:
“Còn khi được trúng vào Trung ương thì tôi tin rằng Trung ương cũng sẽ mở thêm nhiều lớp bồi dưỡng chuyên đề chuyên sâu cho các đối tượng khác nhau để các ủy viên trung ương mới sẽ có thể đảm đương được nhiệm vụ của mình và góp phần cùng với Ban Chấp hành Trung ương xây dựng các nghị quyết, chính sách của Đảng mang tầm chiến lược xác với thực tế để đưa đất nước đi lên.”
Theo ý kiến của nhiều trí thức trong nước mà chúng tôi ghi nhận được thì việc mở các lớp bồi dưỡng chẳng qua cứ “đến hẹn lại lên”, trước đại hội lúc nào cũng phải như vậy, chẳng phải đột phá gì. Phần đông họ đều ngán ngẫm với những chương trình bồi dưỡng kiến thức mới vì có làm gì đi nữa thì “dấu ấn” của nhiệm kỳ khóa XII khi 70 cán bộ cao cấp, những người đã thấm nhuần toàn diện kiến thức, bị kỷ luật, xử lý hình sự, cũng đã nói lên tất cả..
Những quan ngại
Đài RFA cũng ghi nhận một số ý kiến trái chiều trong giới quan sát tình hình Việt Nam. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Mạc Văn Trang, từng công tác hơn 30 năm tại Viện Khoa học Giáo dục bày tỏ những lớp học bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ được quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII không có gì là mới mẻ và đột phá. Tiến sĩ Mạc Văn Trang lý giải:
“Bao giờ các cán bộ trẻ được đưa vào Trung ương và các cấp lãnh đạo thì đều phải học. Việt Nam quy định nếu lên cấp trưởng phòng thì phải học trung cấp, còn đã lên đến vụ trưởng, vụ phó, viện trưởng, viện phó trở lên thì phải học chính trị cao cấp và phải lấy bằng ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trước nay vẫn thế! Trong những khóa học này, người ta học thứ nhất là về Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội theo sách Việt Nam; thứ hai nữa là học các chủ trương, chính sách của Đảng, và học về kinh tế, văn hóa, xã hội rồi học chống thế lực thù địch…Những khóa học này nhằm để những người được học phải trung thành tuyệt đối với Đảng CSVN, chứ không để họ có những phát biểu hay có những suy nghĩ khác với chủ trương, đường lối của Đảng CSVN. Những ông lãnh đạo giảng những gì thì họ lặp lại đúng như thế vì đang quy hoạch mà nói khác đi thị bị loại ngay.”
Một số nhà quan sát tình hình Việt Nam mà Đài Á Châu Tự Do được tiếp xúc còn đề cập đến quan ngại về tình trạng ngày càng nhiều cán bộ sử dụng bằng cấp giả mạo để vào làm việc trong bộ máy Nhà nước cũng nhằm mục đích tiến thân lên những chức vụ trọng trách, thậm chí ở cả các cơ quan Trung ương Đảng.
Chúng tôi có thể dẫn chứng qua đơn cử thông tin mới nhất mà báo giới quốc nội vừa loan đi có không ít những người sử dụng văn bằng của trường Đại học Đông Đô là những cán bộ chủ chốt trong những cơ quan ở Hà Nội. Trường Đại học Đông Đô mấy ngày qua gây xôn xao dư luận bởi cáo buộc buôn bán văn bằng giả và Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa ra quyết đinh khởi tố bị can, bắt tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú và khám xét chỗ ở của 4 thành viên trường Đại học Đông Đô về tội “Giả mạo trong công tác”.
Tiến sĩ Mạc Văn Trang nói về sự quan ngại đối với tình trạng này:
“Quá lo ngại vì bây giờ thật, giả lẫn lộn. Trong hàng ngũ quan chức của Việt Nam hiện nay thì tiến sĩ và giáo sư có lẽ nhiều nhất thế giới. Chẳng có nước nào mà hàng ngũ quan chức từ tỉnh cho đến trung ương mà có bằng thạc sĩ, tiến sĩ nhiều đến như thế. Tức là những người đó một là người ta mua bằng giả hoặc hai là người ta cũng có học nhưng mà học qua loa và thứ ba là dù người ta có học thật đi nữa, thậm chí đi học ở Harvard về và trở thành quan chức rồi thì phải nói y như chủ trương, đường lối của Đảng, không thể nào nói khác, làm khác được.”
<i>Bao giờ các cán bộ trẻ được đưa vào Trung ương và các cấp lãnh đạo thì đều phải học. Việt Nam quy định nếu lên cấp trưởng phòng thì phải học trung cấp, còn đã lên đến vụ trưởng, vụ phó, viện trưởng, viện phó trở lên thì phải học chính trị cao cấp và phải lấy bằng ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trước nay vẫn thế!...Những khóa học này nhằm để những người được học phải trung thành tuyệt đối với Đảng CSVN, chứ không để họ có những phát biểu hay có những suy nghĩ khác với chủ trương, đường lối của Đảng CSVN. Những ông lãnh đạo giảng những gì thì họ lặp lại đúng như thế vì đang quy hoạch mà nói khác đi thị bị loại ngay<br/>-TS. Mạc Văn Trang</i>
Qua trao đổi với RFA, một vài nhà quan sát tình hình Việt Nam còn cho rằng tình trạng cán bộ ngày càng tha hóa, hư hỏng và sai phạm không hề thuyên giảm cho dù Bộ Chính trị ngày càng chú trọng tổ chức những khóa học bồi dưỡng kiến thức lẫn đạo đức cho đảng viên và thậm chí chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động ngày càng được cho là quyết liệt và rốt ráo.
Tại phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhằm đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2019, diễn ra trong ngày 26 tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng công bố có hơn 100 tổ chức Đảng và xấp xỉ 8.000 đảng viên vi phạm bị kỷ luật trong nửa đầu năm 2019. Trong đó, một tổ chức đảng cùng 13 đảng viên cả đương chức lẫn nghỉ hưu thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật và và tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm hiện tại, số lượng cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật và xử lý hình sự lên đến hơn 70 người. Đây là con số được thống kê nhiều nhất so với các khóa gần đây.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống thì cho rằng việc Đảng CSVN cần thiết phải làm là có những thay đổi trong Đại hội Đảng khóa XIII để nâng cao uy tín lãnh đạo đất nước cũng như tạo niềm tin cho hơn 90 triệu người Việt Nam, chứ không nên chỉ tập trung vào những điều mà họ đã và đang làm theo một lối mòn như từ trước tới nay nữa. Giáo sư Nguyễn Đình Cống khẳng định:
"Nếu như họ không có những thay đổi thật là quan trọng, đặc biệt trong Đại hội Đảng XIII sắp tới, nếu như họ tỉnh ngộ ra và có những thay đổi quan trọng về đường lối, về tổ chức của Đảng thì có thể vớt vát về uy tín. Còn nếu như họ cứ trượt theo con đường cũ, nghĩa là vẫn cứ theo những cách từ trước tới nay thì càng ngày sự mất lòng tin và sự rối loạn của xã hội càng tăng."