Sau nhiều năm công luận kêu gọi xóa bỏ loa phường vì tính bất cập của nó, gần đây cơ quan chức năng Hà Nội đã có động thái đáp ứng. Đó là dùng thiết bị thông minh gắn tại nhà dân để phường xã phát thanh trực tiếp đến từng nhà. Người dân và các chuyên gia thông tin truyền thông nghĩ gì về việc này?
Ủng hộ bỏ loa phường
Loa phường, một sản phẩm thường thấy ở các nước cộng sản, với mục đích tuyên truyền cổ động các chính sách của nhà nước. Vào ngày 9 tháng 1 năm 2017, phát biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã nhận định ‘loa phường’ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, do vậy cần đánh giá, nếu thấy không hiệu quả thì nên bỏ. Ý kiến của ông Nguyễn Đức Chung khi đó được sự đồng tình của người dân. Có lẽ đây là một trong số ít lần, ý kiến của vị chủ tịch thành phố Hà Nội được người dân hưởng ứng nhiều như vậy.
Bỏ loa phường là rất tốt, bởi vì nó đỡ hẳn một cái kênh ô nhiễm tiếng ồn, bởi vì trong nội đô vì đã phải tiếp xúc với rất nhiều thể loại âm thanh khác nhau rồi.<br/>-Anh Trọng
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Anh Trọng, một người dân ở Hà Nội, cho biết ý kiến của mình về chiếc loa phường:
“Với góc độ là người dân Hà Nội sống trong nội đô thì Anh thấy bỏ loa phường là rất tốt, bởi vì nó đỡ hẳn một cái kênh ô nhiễm tiếng ồn, bởi vì trong nội đô vì đã phải tiếp xúc với rất nhiều thể loại âm thanh khác nhau rồi. Với lại trong nội đô người ta đã có nhiều cách tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, kể cả thông tin từ cơ sở. Trong khi loa phường đưa thông tin lại mang tính áp đặt, có thông tin không cần thiết mà nó cứ văng vẳng ở tai rất khó chịu. Thứ nữa là cái thời đại bây giờ có nhiều cách để các cấp chính quyền từ trung ương cho đến địa phương truyền tải thông tin đến người dân, kể cả thông qua mạng xã hội. Cho nên cái việc bỏ loa phường là anh thấy ủng hộ.”
Nhận xét về loa phường, Ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam đưa ra nhận định:
“Tôi nghĩ nó sẽ phụ thuộc vào tính chất, chẳng hạn như những nơi mà thông tin nhiều như ở thành phố thì chắc là nó không cần thiết. Còn tính năng cảnh báo, trường hợp đột xuất thì có nhiều cách khác nhau. Ở những nơi vùng sâu vùng xa mà thông tin rất thiếu thì có thể loa phường còn tác dụng, còn ở thành phố thì tôi nghĩ nó không cần thiết.”
Tuy nhiên ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi đó lại không được sự đồng tình của Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội. Ý kiến ngược lại này phải chăng là do lợi ích nhóm, vì mỗi lĩnh vực, mỗi ngành nghề đều có những dự án, những lĩnh vực thuộc quyền lợi của mình.
Cho đến tháng 8 năm 2017, chính quyền Hà Nội đã tìm ra giải pháp có lẽ sẽ vẫn đảm bảo quyền lợi của các các “nhóm”!? Một trong những nội dung của đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố”, là dùng thiết bị thông minh gắn tại nhà dân để thay thế loa phường.
Khó khả thi
Thiết bị thông minh mới này có tên M-Gateway, hiện do công ty Mobifone sản xuất và gắn thử nghiệm tại 200 hộ dân tại các quận Ba Ðình, Cầu Giấy và Hoàn Kiếm thuộc trung tâm thành phố Hà Nội.
Theo thông tin từ Trung tâm công nghệ thông tin MobiFone, thiết bị M-Gateway có chức năng phát trực tiếp các bản tin của chính quyền đến từng hộ dân, có thể kết nối với điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng… tuy nhiên tất cả mọi chức năng cần phải kết nối internet mới sử dụng được.
Nhật xét về việc dùng thiết bị thông minh thay thế loa phường, Anh Trọng sống ở Hà Nội, cho biết:
“Cái thiết bị mới đặt trong nhà này, Anh thấy là khó khả thi, trừ khi họ có cái chế tài để bắt từng gia đình phải mua trang bị. Nếu mà để cho người dân tự nguyện thì anh nghĩ nhu cầu của người dân cũng không đến mức họ tự nguyện lắp ở trong nhà đâu. Tại vì, thứ nhất đối với tầng lớp thanh niên hay tuổi trẻ thì họ cũng có nhiều cách để tiếp cận thông tin, còn đối với một số người cao tuổi một chút mà có nhu cầu nghe loa phường, nghe chương trình thời sự qua kênh loa phường thì có lẽ họ cũng khó sử dụng cái thiết bị mà phải cắm qua internet ở trong nhà như thế.”
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam, kêu gọi lắp đặt thiết bị thông minh tại nhà dân để thay thế loa phường là xâm phạm quyền riêng tư của người dân. Ông nói tiếp:
“Theo tôi dùng thiết bị thông minh thay thế loa phường là không khả thi vì không ai làm như thế cả. Thực ra thì chính quyền có thể để ra một cái địa chỉ trên mạng, rồi thông báo cho người dân biết các việc ấy. Chứ còn lắp một cái thiết bị ở trong nhà dân chắc là chẳng ai đồng ý. Còn nếu người ta đồng ý thì sau đó người ta cũng phá đi chứ chẳng ai để cái đó trong nhà. Còn nếu kêu gọi mua thì tôi nghĩ cũng chẳng ai mua, vì cái đó xâm phạm cái quyền riêng tư ở trong nhà người ta.”
Theo tôi dùng thiết bị thông minh thay thế loa phường là không khả thi vì không ai làm như thế cả. Thực ra thì chính quyền có thể để ra một cái địa chỉ trên mạng, rồi thông báo cho người dân biết các việc ấy.<br/>-Nguyễn Lâm Thanh
Chúng tôi liên hệ bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Hoàn Kiếm, là một trong các quận tại Hà Nội được lắp thử nghiệm thiết bị thông minh thay thế loa phường, để tìm hiểu thêm thông tin liệu có bắt buộc người dân gắn thiết bị mới này không, thì được bà Hiền trả lời như sau:
“Anh ơi nếu anh muốn làm việc thì phải đến quận anh ạ, anh ra đấy đến phòng em làm việc đi, ai lại làm việc qua điện thoại thế anh.”
Một người dân sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết ông cũng muốn có thiết bị này, tuy nhiên ông chỉ lo lắng về chi phí:
“Nếu trang bị toàn dân thì kinh phí nhà nước có đảm bảo không? Cái thứ hai là dân cũng muốn có nhưng có phải mất cước hàng tháng không? ”
Theo Kỹ sư Đoàn Quang Hoạt, thiết bị thông minh thay thế loa phường cũng là một cái ý tưởng hay:
“Thiết bị này vẫn có thể dùng được mục đích của loa phường, thông tin công cộng, thông tin phục vụ cộng đồng, nhưng mà cách thức nghe, thời gian nghe và âm lượng nó cũng phù hợp với từng người hơn. Tôi nghĩ vì phục vụ cho cộng đồng nên chi phí phải là do cộng đồng, tức là nếu nhà nước có điều kiện để trang bị là tốt nhất.”
Tuy nhiên theo Anh Trọng thì nếu để người dân tự nguyện lắp đặt thì không khả thi, trừ khi là có chế tài gì bắt buộc người dân phải mua, mà như thế thì người dân cũng không thấy thoải mái. Anh nói tiếp:
“Nếu thay loa phường bằng thiết bị thông minh gắn trong nhà thì Anh nghĩ đúng là bình mới rượu cũ, nó cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Trừ khi họ dùng cái giải pháp công nghệ gì đấy cao hơn, không phát sinh chi phí trang bị thiết bị mới. Tại vì nếu người dân không mua mà nhà nước trang bị thì thật ra cũng là từ tiền thuế của dân thôi, nó cũng chẳng khác gì.”
Vào đầu tháng 10 năm 2018, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức khảo sát, ý kiến người dân về đài truyền thanh phường sau một năm thực hiện đề án "Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội". Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử của chính quyền Hà Nội, tính đến ngày 10 tháng 10 năm 2018, chỉ có 50% ý kiến đồng ý thay thế loa phường bằng thiết bị thông minh.