Mới đây cơ quan chức năng ở TPHCM thông báo đã xử phạt 2.052 trường hợp vi phạm quy định về phong toả của thành phố với số tiền thu được là gần năm tỉ đồng. Biện pháp được thực hiện kể từ khi áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ Trung ương từ ngày 9 tháng 7.
Giới luật gia cho rằng việc xử phạt người dân là lạm quyền và sai luật, còn nhiều người dân thì cho rằng đang lúc dịch bệnh, kinh tế khó khăn nhưng chính quyền lại phạt dân với số tiền lớn chỉ vì muốn đi ra ngoài, là vô nhân đạo.
Ngày 7 tháng 7, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, công bố lệnh giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố theo Chỉ thị 16 của thủ tướng, có hiệu lực 15 ngày, bắt đầu từ ngày 9 tháng 7.
Chính quyền cũng thông báo sẽ xử phạt những người đi ra ngoài mà không có lý do chính đáng.
Việc sử dụng Chỉ thị 16 và các chỉ thị như 15 và 19 để giới hạn các quyền tự do của người dân đã bị giới luật sư và luật gia chỉ trích là vi phạm hiến pháp, vì chỉ thị của thủ tướng chính phủ là văn bản nội bộ dành cho cơ quan Nhà nước, không hề có tính pháp lý nên không thể được sử dụng để áp đặt lên người dân.
Vì vậy, việc căn cứ vào Chỉ thị 16 của thủ tướng để xử phạt người dân lại càng sai.
Luật gia Bùi Quang Thắng từ Hà Nội cho RFA biết quan điểm của ông về vấn đề này:
"Việc đưa tin người dân bị xử phạt theo Chỉ thị 16 thì tôi chỉ thấy trên báo chí chứ không biết có phải là phía chính quyền nói như thế không, nhưng mà dù ai nói như vậy thì cũng là không đúng.
"Tại vì theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì chỉ thị của Thủ tướng không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nên nếu ai đó căn cứ vào đó, hoặc đưa tin người dân bị phạt vì vi phạm Chỉ thị 16 thì nó không đúng theo quy định của pháp luật".
Theo ông Bùi Quang Thắng thì chính quyền có thể viện dẫn điểm a Khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020 để phạt người dân vì lỗi "không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế".
Theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì chỉ thị của Thủ tướng không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nên nếu ai đó căn cứ vào đó, hoặc đưa tin người dân bị phạt vì vi phạm Chỉ thị 16 thì nó không đúng theo quy định của pháp luật. - Luật gia Bùi Quang Thắng
Nhưng ngay cả trong trường hợp chính quyền áp dụng Nghị định 117 để xử phạt người dân thì vẫn không thoả đáng, ông Bùi Quang Thắng giải thích:
“Nếu áp dụng Điểm a, Khoản 1, Điều 12 của nghị định 117 năm 2020 để xử phạt người không đeo khẩu trang thì có thể là đúng, nhưng nếu áp dụng Điểm (a), Khoản (1) của Điều này để xử phạt người dân vì ra đường không có lý do chính đáng thì theo tôi là không đúng.”
Bởi theo ông Thắng, nếu người dân ra đường nhưng vẫn thực hiện việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội thì không thể bị coi là “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân”, do vậy việc xử phạt là không thuyết phục.
Ngày 13 tháng 7, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh văn bản được cho là của chính quyền phường 6, quận Gò Vấp, TP. HCM. Trong đó đặt chỉ tiêu cho chốt xử phạt đặt ở trước cổng uỷ ban nhân dân phường là “mỗi ca phải phạt 20 trường hợp”, còn đối với tổ tuần tra thì chỉ tiêu đưa ra là “mỗi ca phạt 5 trường hợp”.
Ngay sau khi thông tin được lan truyền, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận Gò Vấp đã lên tiếng xác nhận, và yêu cầu phường 6 thu hồi văn bản.
Trong bối cảnh đời sống kinh tế của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh và lệnh phong toả, việc chính quyền ra chỉ tiêu xử phạt người dân với các mức phạt lên đến tiền triệu, đã khiến cho người dân phẫn nộ.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh từ TPHCM cho RFA biết cảm nhận của ông về vấn đề này:
"Tôi gọi đó là một cuộc săn bắn tự do và man rợ trong bối cảnh người Việt Nam đang khốn khổ, những người đang đi ra đường và cố gắng vượt qua những cái chốt lúc này, ắt phải có lý do của họ chứ không thể gọi họ là vô lý để rồi phạt họ với những con số như vậy".
Ngoài ra, nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng cho rằng việc phạt tiền người dân trong bối cảnh này cho thấy nhà nước đang không làm đúng với tinh thần của khẩu hiệu “ toàn dân chung tay phòng, chống dịch” mà họ tuyên truyền.
“Những chuyện phạt như vậy đang không thể hiện được cái câu nói của nhà nước vẫn nói rằng là cùng nhau chung tay vượt qua đại dịch. Rõ ràng là không có sự chung tay ở đây. Đất nước thì bây giờ đã rơi vào khủng hoảng thấy được, nhưng những sự nhũng lạm như vậy diễn ra ở khắp mọi nơi, các cấp, nhân danh thừa hành quyền của chính quyền”.
Hệ quả của những việc này, theo nhạc sĩ Tuấn Khanh là dẫn đến tình trạng bất mãn trong lòng xã hội, đặc biệt là ở những người nghèo.
Một người dân khác ở TP. HCM cho RFA biết qua điện thoại với điều kiện giấu tên vì lý do an toàn, về việc người dân bị xử phạt khi ra ngoài đường, ông nói:
"Đã ở nhà không có ăn thì phải đi ra ngoài đi kiếm mua đồ ăn, mà trong khi đó văn bản của chính phủ viết là ra ngoài phải hợp lý, mà có ra ngoài hợp lý đi chăng nữa thì họ vẫn bắt mình phải xác thực này nọ, ví dụ nếu đi làm thì công ty có thể cho giấy để đi làm, nhưng đi mua thuốc và mua đồ ăn thì tôi hỏi là giấy ở đâu ra? Thật sự là nó quá bất công cho những người nghèo khổ!"