PVE nợ lương hàng trăm công nhân lao động ở Malaysia

0:00 / 0:00

Hàng trăm công nhân làm việc cho Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí Việt Nam (PVE) tại Malaysia đang bị nợ lương nhiều tháng nay dù dự án đã kết thúc từ tháng 3 năm 2019 và nhiều công nhân đã về nước. Một người lao động Việt Nam ở dự án của PVE cho Đài Á Châu Tự Do biết về vấn đề này hôm 6/6.

PVE vào tháng 5/2015 đã thành lập công ty PVE-Malaysia để vươn ra thị trường quốc tế.

Sau khi thành lập, PVE-Malaysia đã tham gia vào 4 dự án Phát triển tích hợp Lọc hóa dầu RAPID. Trong dự án này, PVE là một đối tác với Tổng thầu Quốc tế Tecnicas của Tây Ban Nha và Samsung đến từ Hàn Quốc.

Samsung hàng tháng vẫn trả tiền đầy đủ cho PVE, nhưng PVE không trả tiền lương cho chúng tôi. Tôi đại diện anh em lên hỏi công ty thì cán bộ công ty bảo là tiền lãnh bên tổng thầu Samsung về là tiền thanh toán nhân công chi vào việc khác hết rồi, giờ chưa trả cho công nhân được. - Nguyễn Việt Thắng

Theo báo mạng Petrotimes, dự án RAPID có giá trị 27 tỷ đô la Mỹ, được xây dựng giữa eo biển Malacca và Biển Đông, kết nối với các đường ống dẫn dầu và khí từ Trung Đông tới Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Dự án dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2019.

Để huy động đủ nguồn nhân lực, từ tháng 6/2015 trên website chính thức của PVE đã bắt đầu đăng tải thông tin tuyển dụng hàng trăm người lao động từ Việt Nam sang Mã Lai để thực hiện dự án lọc dầu RAPID. Đây là các thợ hàn, thợ sắt, thợ xây dựng, lắp ráp đường ống,….

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, anh Nguyễn Việt Thắng, một trong những lao động trước đây từng làm cho PVE và hiện đang công tác tại Myanmar cho biết rất nhiều công nhân trong dự án RAPID đã phải bỏ về nước vì không nhận được lương:

“Riêng dự án bên gói thầu 6A của Samsung gần Tết là về gần 300 người, gói bên TA còn mấy trăm người nữa cũng về. Nếu về tháng 12 thì còn nợ lại lương tháng 12, người ta về tháng 1 thì nợ lại lương tháng 12, tháng 1. Cán bộ kỹ sư mà nghỉ từ tháng 11 thì bây giờ vẫn nợ lương tháng 11, nếu nghỉ tháng 1 thì còn nợ lương từ tháng 11, 12, 1. Nghỉ gián đoạn, không về cùng nhau, nhưng theo tôi nghĩ, tổng số người bị PVE nợ lương tầm khoảng 600-700 người.”

Theo anh Nguyễn Việt Thắng, mức lương ký trong hợp đồng giữa PVE và người lao động là từ 13 – 30 triệu cho 26 ngày, mỗi ngày 10 giờ. Tuy nhiên, công nhân vẫn có thể lãnh thêm 4 triệu nếu chịu tăng ca và làm thêm chủ nhật.

Vẫn theo anh Thắng, việc thiếu lương hoàn toàn từ phía công ty PVE chứ không phải do tổng thầu ở khu tổ hợp Lọc hóa dầu RAPID Malaysia không chi trả:

“Khi chúng tôi ký hợp đồng với PVE, nhưng sang đó (Malaysia) thì lại bán nhân lực cho Samsung và Samsung hàng tháng vẫn trả tiền đầy đủ cho PVE, nhưng PVE không trả tiền lương cho chúng tôi. Tôi đại diện anh em lên hỏi công ty thì cán bộ công ty bảo là tiền lãnh bên tổng thầu Samsung về là tiền thanh toán nhân công chi vào việc khác hết rồi, giờ chưa trả cho công nhân được, khi nào có tiền mới trả được. Tôi gặp bên Samsung Malaysia hỏi trực tiếp luôn thì bảo là lương anh em trả đầy đủ, không thiếu 1 đồng nào cả.”

Anh Thắng cho biết thêm trong thời gian làm việc, nhóm của anh cũng có những biện pháp phản đối để đòi lương:

Dự án RAPID tại Malaysia.
Dự án RAPID tại Malaysia. (Screen capture of pve.vn)

“Cứ đến ngày mùng 9 là bên Samsung chuyển toàn bộ lương của anh em, nhưng mà chúng tôi đến ngày 25, 30, nhiều khi qua tháng sau vẫn không có lương nên đình công rất nhiều lần.”

Anh Nguyễn Việt Thắng cho biết thêm hợp đồng của anh với PVE dù đã thanh lý vào ngày 24/3, nhưng đến giờ anh vẫn chưa nhận được thông tin gì. Anh Thắng đã gọi điện lên công ty nhưng được trả lời là PVE chưa có tiền, ngoài ra công ty cũng không thông báo bằng email hay điện thoại cho anh Thắng.

Chúng tôi gọi điện thoại cho Đại diện công bố thông tin của Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí để xác minh thông tin, nhưng sau khi nghe câu hỏi về chuyện nợ lương nhân viên, ông Hồ Khả Thịnh - Kế toán trưởng Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí, đề nghị gọi lại nhưng tất cả các cuộc gọi sau đó đều không có trả lời.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, hành vi của công ty PVE đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật có quy định trong Luật Lao động ở chương VI về vấn đề Tiền lương:

“Theo quy định điều 90 của Luật Lao động, tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động và đúng kỳ hạn của kỳ lương. Trong Luật Lao động, điều 95 có quy định kỳ hạn trả lương người lao động hưởng lương giờ hay lương tuần thì phải trả một lần cho người lao động và nguyên tắc trả lương là người lao động phải được trả lương đầy đủ và đúng hạn. Trong trường hợp đặc biệt không trả lương được thì không được chậm quá 1 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động của ngân hàng nhà nước hiện nay. Không thể nói lấy tiền lương này để khấu trừ vào tiền khác.”

Theo những điều khoản nêu trên, công ty PVE rõ ràng đã vi phạm Luật Lao động, nhưng đến nay những công nhân chưa nhận được lương vẫn chưa làm đơn khởi kiện công ty. Giải thích lý do vì sao không thuê luật sư làm đơn kiện, anh Nguyễn Việt Thắng cho biết:

“Thực tế thế này, tôi lương cũng tương đối, còn một số anh em đi qua một đường dây lao động nên lương không cao, khoảng 550 đô một tháng, làm 26 ngày, mỗi ngày 10 giờ. Chi phí thuê luật sư ở Việt Nam rất cao, như tôi đã từng thuê luật sư, soạn một cái đơn đã mất khoảng 50 đô rồi. Cho nên toàn bộ anh em không ai thuê luật sư cả.”

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đưa ra giải pháp để những người lao động bị nợ lương có thể khởi kiện PVE mà không cần phải tốn phí:

Trong trường hợp đặc biệt không trả lương được thì không được chậm quá 1 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động của ngân hàng nhà nước hiện nay. - LS. Nguyễn Văn Hậu

“Cách tốt nhất là họ (người lao động) đến tổ chức công đoàn, thì Liên đoàn lao động có trung tâm tư vấn pháp luật sẽ hỗ trợ cho người lao động miễn phí. Nếu đến đây để nhờ tư vấn thì họ sẽ hướng dẫn thủ tục khởi kiện ra tòa. Theo Luật Lao động, công đoàn cũng có thể đại diện người lao động khỏi kiện những vụ này nếu như được người lao động ủy nhiệm trong việc giải quyết tranh chấp lao động về tiền lương. Đầu tiên nhất họ sẽ đưa câu chuyện này ra hòa giải viên lao động ở phòng Lao động – thương binh của quận huyện, hoặc của Sở Lao động – Thương binh – Xã hội thì họ sẽ hòa giải vấn đề tiền lương. Trong trường hợp không được thì sẽ đưa ra tòa án để giải quyết tranh chấp lao động về đòi bồi thường thiệt hại cũng như trợ cấp thôi việc hoặc tiền lương do chấm dứt hợp đồng lao động và người lao động không phải đóng án phí.”

Đài Á Châu Tự Do liên lạc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để hỏi về hướng giải quyết của Bộ đối với sự việc này thì được ông Tống Hải Nam, Cục Trưởng Cục Lao động ngoài nước cho biết:

“Muốn liên hệ lấy thông tin thì phải làm văn bản gửi lên đây hoặc lên trực tiếp chúng tôi chứ không trả lời qua điện thoại.”

Hôm 1/6 Facebook Lê Nguyễn Hương Trà, người chuyên đưa tin về tình hình chính trị xã hội Việt Nam, đăng dòng tin cho biết một nhóm người lao động tại dự án của PVE ở Malaysia mới đây đã gửi đơn đến Văn phòng Chính phủ để đề nghị can thiệp việc bị nợ lương. Anh Thắng không tham gia vào việc ký đơn này.

Dưới góc nhìn của người hiểu rõ về luật ở Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết bước tiếp theo sau khi nhận được đơn của những công nhân dự án RAPID:

“Văn phòng chính phủ sẽ chuyển đơn này để công ty này giải quyết. Trong trường hợp này, đây là giải quyết lao động thì họ có thể khởi kiện ra tòa, nơi mà doanh nghiệp có trụ sở ở đó, để tòa án căn cứ vào Luật Lao động buộc người sử dụng lao động phải trả tiền lương cho người lao động trên cơ sở hợp đồng.”

Đến nay, truyền thông trong nước vẫn chưa đăng tải thông tin gì về việc Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí Việt Nam nợ lương nhân viên làm cho dự án lọc dầu RAPID ở Mã Lai.