Giới chức Đảng cao nhất của toàn bộ Quảng Nam đã gây bất ngờ với phản ứng gay gắt trong phiên họp ngày 12/9 tại Thành phố Tam Kỳ, khi nghe kết luận động đất không ảnh hưởng sự an toàn của Sông Tranh 2. Buổi họp đã được tổ chức để Đoàn công tác liên bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Xây dựng và Viện Vật lý Địa cầu công bố kết luận sau chuyến khảo sát 5 ngày vừa qua từ 8 đến 12/9.
Phải tuyệt đối an toàn trước đã
VietnamNet trích lời Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải nói rằng, muốn an dân thì phải an toàn hồ chứa Sông Tranh 2. Nếu đập Sông Tranh 2 không an toàn thì cần phải hy sinh công trình này. Đề nghị các nhà khoa học và các cơ quan chức năng cần tập trung làm rõ để công khai với dân.
Trả lời Nam Nguyên tối 13/9 từ khu vực Sông Tranh 2, ông Nguyễn Thế Tài bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân Huyện Bắc Trà My phát biểu:
“Chúng tôi có ý kiến là, làm gì thì làm phải tuyệt đối an toàn trước đã, an toàn tính mạng của nhân dân. Hôm qua (12/9) cấp ủy đã họp rồi, đã có ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và sẽ chờ kết luận của Trung ương.”
Theo Tiền Phong Online bản tin trên mạng ngày 13/9/2012, chính quyền Quảng Nam nhận định rằng các nhà khoa học khẳng định quá vội vàng, khi cho là động đất không ảnh hưởng đập Sông Tranh 2. Theo đó, Đoàn chỉ khảo sát trong vòng 5 ngày, các trạm quan trắc động đất chưa được lắp đặt và chỉ dựa trên số liệu trong thời gian ngắn từ các trạm
của đập Sông Tranh 2. Trong khi đó, các thiết bị của đập Sông Tranh 2 được cho là không đủ tin cậy.
Muốn an dân thì phải an toàn hồ chứa Sông Tranh 2. Nếu đập Sông Tranh 2 không an toàn thì cần phải hy sinh công trình này. Đề nghị các nhà khoa học và các cơ quan chức năng cần tập trung làm rõ để công khai với dân
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam
Các chuyên gia làm việc cho chính phủ cố gắng bảo vệ ý kiến thiết kế kháng chấn của đập thủy điện Sông Tranh 2 chịu được động đất cấp 8 theo thang MSK64, hay chịu được đến mức 5,5 độ richter. Cường độ mà các chuyên gia này cho là không thể xảy ra ở Bắc Trà My. TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu được báo chí trích thuật, nói rằng bắt đầu từ đêm 3/9 đến 9/9 khu vực Bắc Trà My đã xảy ra 15 trận động đất, trong đó có rung chấn cao nhất đo được 4,2 độ richter ngoài ra là từ 4 độ trở xuống và phần lớn có cường độ thấp.
TS Lê Huy Minh thêm rằng, vùng chấn động trong những ngày vừa qua khá mạnh và ảnh hưởng rộng tới tận huyện Nam Trà My, Tiên Phước và Hiệp Đức. TS Minh cho biết, Đoàn công tác Viện Vật lý Địa cầu đã vẽ lại bản đồ động đất Bắc Trà My-Nam Trà My và Tiên Phước. Tâm chấn được các chuyên gia khoanh vùng tại khu vực Sông Tranh 2 có bán kính hơn 20km bao gồm các xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Tân, huyện Sông Tranh 2. Tuy vậy TS Minh cho biết vẫn chưa khẳng định được tâm chấn có phải xuất hiện tại đập Sông Tranh 2 hay không và cần thiết phải quan sát lâu dài mới kết luận được.
Ngay sau loạt động đất kéo dài TS Lê Huy Minh phát biểu với chúng tôi:
“ Magnitude 4,2 chưa vượt quá động đất cực đại mà Viện Vật lý địa cầu đánh giá là magnitude 5,5 có thể xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Cường độ 4,2 độ richter thì rung động ở dưới chân đập mà các máy gia tốc của ban quản lý thủy điện III họ đặt ở đấy đã đạt rung động cấp 7, tức là gia tốc đạt 88,3 cm/Giây bình phương. Nhưng nó vẫn chưa vượt qua gia tốc cực đại 150cm/Giây bình phương mà Viện chúng tôi đánh giá cho thiết kế xây dựng đập.”
Cái khó bó cái khôn
Ngay sau khi có phiên họp liên Bộ ngành báo cáo động đất không ảnh hưởng an toàn đập Thủy điện Sông Tranh 2, Tiền Phong Online trích ý kiến GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu nhận định rằng cần chấm dứt ngay tình trạng đoán mò về động đất ở Bắc Trà My. Sở dĩ nhà khoa học này nói như vậy là vì trên thực tế cho đến ngày 12/9 không hề có các máy đo địa chấn ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2.
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi TS Lê Huy Minh, phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu nhìn nhận tình trạng cái khó bó cái khôn. Ông nói:
Chúng tôi kiến nghị xây dựng ở khu vực đập thủy điện ấy 5 trạm quan sát động đất...nhưng hiện nay vẫn chưa xây dựng được những trạm ấy mà chỉ có những máy gia tốc của Ban Quản lý Thủy điện III họ đặt ở khu vực đập thôi! Thông tin như vậy thì rất hạn chế
TS Lê Huy Minh
“Chúng tôi kiến nghị xây dựng ở khu vực đập thủy điện ấy 5 trạm quan sát động đất, để thể theo dõi họat động động đất một cách bài bản để xác định vị trí xảy ra động đất chính xác hơn. Trên cơ sở đó có thể đánh giá họat động động đất một cách toàn diện hơn, nhưng hiện nay vẫn chưa xây dựng được những trạm ấy mà chỉ có những máy gia tốc của Ban Quản lý Thủy điện III họ đặt ở khu vực đập thôi! Thông tin như vậy thì rất hạn chế, còn những mạng lưới trạm của Viện Vật lý Địa cầu trên toàn quốc thì hiện nay đang được xây dựng nhưng thuộc đề án tương đối dài, các mạng trạm thực tế có nhiệm vụ khác là cảnh báo động đất và sóng thần. Đối với động đất địa phương như thế thì số lượng trạm ghi nhận được không nhiều thành ra việc đánh giá không được chính xác lắm.”
Lao Động Online ngày 12/9 trích lời PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần nhìn nhận rằng, việc thiếu thiết bị dẫn đến khảo sát như đoán mò. Ông Phương cho biết, đợt khảo sát 5 ngày 8-12/9 ở khu vực thủy điện Sông
Tranh 2 cũng chỉ là những câu trả lời cũ.
Chỉ toàn nói chuyện âm binh, chuyện xã lũ nhiều hay ít nói một hồi huề cả làng không ai đúng ai sai hết, vì không có trạm đo mưa làm sao biết lượng mưa bao nhiêu thì làm sao nói chuyện điều tiết lũ xả lủ nhiều hay ít rõ ràng chỉ là nói cho vui
GSTS Nguyễn thế Hùng
Nghĩa là có hai nguyên nhân dẫn đến động đất, theo đó động đất 2011 là động đất kích thích do quá trình tích nước thủy điện Sông Tranh 2. Động đất tháng 9/2012 là do kết hợp động đất kích thích và đứt gãy phía nam của đới kiến tạo Hưng Nhương-Tà Vi, Trà Bồng vốn đã có nghiên cứu cảnh báo từ trước. PGS-TS Nguyễn Hồng Phương nhấn mạnh rằng, việc có tiếp tục xảy ra động đất nữa hay không, cường độ tăng hay giảm…điều đó còn tùy thuộc phần lớn vào kết quả nghiên cứu sâu hơn, đòi hỏi phải có thiết bị tại chỗ chứ chưa thể nói ngay được.
Về vấn đề các chủ đầu tư hoặc chính quyền ngại tốn tiền không thiết lập các trạm quan trắc đo đạc tại các công trình lớn, GSTS Nguyễn thế Hùng, khoa xây dựng thủy lợi-thủy điện Đại học Bách khoa Đà Nẵng nhận định:
“ Đa số các công trình ở Việt Nam không đặt thiết bị quan sát vì đất nước nghèo người ta làm rất ẩu, không như ở các nước tiên tiến. Ngay như vấn đề đo lượng mưa trên từng lưu vực nhỏ như các vùng lòng hồ thì hiện nay không có trạm đo mưa, cho nên không biết lượng mưa bao nhiêu, chảy về bao nhiêu. Chỉ toàn nói chuyện âm binh, chuyện xã lũ nhiều hay ít nói một hồi huề cả làng không ai đúng ai sai hết, vì không có trạm đo mưa làm sao biết lượng mưa bao nhiêu thì làm sao nói chuyện điều tiết lũ xả lủ nhiều hay ít rõ ràng chỉ là nói cho vui.”
Hy sinh một công trình tiêu tốn gần 5.200 tỷ đồng như bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đề xuất để an dân sẽ là điều làm nhiều giới chức ở Trung ương bối rối. Chính phủ sẽ quyết định thế nào với báo cáo động đất không ảnh hưởng công trình thủy điện Sông Tranh 2 và đề nghị khởi sự tích nước. Khi mà chính các chuyên gia của Viện Vật lý Địa cầu nhìn nhận việc quan sát động đất gần như đoán mò do thiếu trạm quan sát cần thiết. Có vẻ như khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 chịu được động đất cực đại 5,5 độ richter theo thiết kế kháng chấn là một cách chơi chữ hoa mỹ của các chuyên gia mà thôi.
Theo dòng thời sự:
- Sông Tranh 2: Đánh cược tính mạng người dân
- Tiếp tục động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh
- Sự cố Sông Tranh 2 và những điều đáng quan ngại
- Sự cố Sông Tranh – người dân sẽ ra sao?
- Nguyên nhân nứt đập thuỷ điện sông Tranh sắp được công bố
- Chủ đầu tư nhận lỗi kỹ thuật tại thủy điện sông Tranh
- Quảng Nam yêu cầu EVN khẩn trương xử lý vụ nứt đập thủy điện Sông Tranh 2
- Vẫn chưa có giải pháp cho vụ nứt đập Sông Tranh 2
- Lượng nước rò rỉ trên thân đập Sông Tranh đã giảm
- Sự cố Sông Tranh 2: biện pháp sửa chữa có thuyết phục?