Nhằm hạn chế tình hình dịch bệnh Covid-19 lây lan mạnh mẽ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 31/3 đã ban hành Chỉ thị số 16, yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội.
Chỉ thị 16 nêu rõ “Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men; cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ; hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.”
Báo trong nước loan tin cho biết, sau khi Chỉ thị 16 được ban hành, nhiều người dân bày tỏ hoang mang qua việc đổ xô ra những siêu thị, các chợ gần nhà mua lương thực dự trữ cho gia đình trong những ngày sắp tới.Anh Brandon Vũ Nguyễn, hiện đang ở với gia đình ở Vũng Tàu, Việt Nam xác nhận thực tế này:
“Có một bất tiện là những người tiếp xúc với công nghệ thông tin hay truyền thông thì họ sẽ hiểu rõ về vấn đề đó như thế nào. Nhưng khi em ở đây thấy những người không đi học hoặc không tiếp xúc với mạng xã hội nhiều sẽ bị hoang mang rất nhiều, đổ xô đi mua đồ, tập trung ở siêu thị, đó cũng là ảnh hưởng nếu có người mắc bệnh sẽ lây lan.”
Điều anh Brandon nói cũng là nỗi sợ của nhiều người, điển hình Facebooker Châu Nguyễn chia sẻ với RFA qua Messenger cho hay chị sợ cảnh tập trung đông đúc lây bệnh nên sau khi báo chí công bố chỉ thị, chị phải chờ đến tối để đi mua đồ cho bớt đông. Nhưng khi tới nơi, những kệ bán thịt, cá, rau trong siêu thị đã sạch hàng. Chị đã từng thấy những hình ảnh kệ hàng trống trơn ở Mỹ, châu Âu, và đây là lần đầu chị trải nghiệm cảm giác đó ở Việt Nam.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của người dân, cả chị Châu và anh Brandon đều cho rằng việc cách ly toàn xã hội như Chỉ thị 16 là cách rất tốt để ngăn chặn, giảm mức độ lây lan và lây nhiễm chéo Covid-19 trong người dân hiện nay. Dù vậy, Chính phủ vẫn cần phổ biến rõ hơn đến từng nhà để người dân bình tĩnh hơn, không hoảng loạn thì công tác chống dịch sẽ hiệu quả hơn.
RFA có trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Luật gia Việt Nam để tìm hiểu rõ hơn về Chỉ thị 16 vừa được ban hành và được ông giải thích:
“Đây chưa phải là phong tỏa mà là khuyến cáo, yêu cầu của Chính phủ. Nếu dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng sẽ có những biện pháp nghiêm ngặt hơn. Trong chỉ thị này thì Bộ Y tế được giao báo cáo cho Thủ tướng các kịch bản và khả năng ứng phó với trường hợp khẩn cấp về dịch. Chính phủ cũng yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài đường trong trường hợp thật sự cần thiết. Mọi người dân cần thực hiện nghiêm khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp.”
Báo trong nước trích lời ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ cho hay Chỉ thị 16 không phải lệnh cấm và không đồng nghĩa với việc phong tỏa đất nước.

Ngoài ra, ông Dũng cũng nói rõ Chính phủ vẫn đồng ý cho nhà máy, phân xưởng hoạt động nhưng yêu cầu cán bộ văn phòng, cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà.
Nói rõ hơn về hoạt động doanh nghiệp được nhắc đến trong Chỉ thị 16, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho hay:
“Phải giải thích rõ các doanh nghiệp nhà nước, người đứng đầu đơn vị căn cứ vào diễn biến dịch bệnh rồi doanh nghiệp sẽ tự quyết định tiếp tục cho người lao động đi làm hay không. Chính phủ chỉ khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thông tin để người lao động làm việc tại nhà. Các phân xưởng sản xuất thì sản xuất bình thường, có xe đưa đón công nhân vẫn hoạt động. Tuy nhiên người đứng đầu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa vẫn phải chịu trách nhiệm phòng chống dịch để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động.”
Tuy nhiên, nhận xét của Luật sư Hậu được đánh giá là đúng với các doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhà nước. Còn đối với các doanh nghiệp tư nhân với quy mô nhỏ, những thiệt hại mà dịch bệnh Covid-19 đem lại là rất lớn, như lời chị Tô Trần Bi Vi, chủ một doanh nghiệp may thêu ở Sài Gòn trải lòng:
“Nhà nước nói là chuyện của nhà nước, còn bây giờ công nhân người ta ở quê không vào nữa nên các doanh nghiệp không làm được gì, nhất là các doanh nghiệp sản xuất. Những doanh nghiệp nhỏ như chị thì không có gì bảo đảm cho công nhân. Từ Tết tới giờ công nhân sợ dịch không vào nên chị phải cho đóng cửa rồi, tới giờ thì gần như doanh nghiệp nào cũng đóng cửa.”
Đáng quan tâm hơn hết, không chỉ các doanh nghiệp nhỏ, những người tự buôn bán nhỏ lẻ hay những người bán vé số kiếm ăn từng bữa cũng phải ngưng hoạt động trong 15 ngày này.
Vì vậy, anh Brandon bày tỏ lo lắng:
“Mấy người bán vé số hay bán hàng rong ở Việt Nam giờ không có gì để sống. Nếu vẫn để họ tiếp tục bán vé số thì một ngày họ đi gặp nhiều người và sẽ lây nhiều người mà mình không biết được. Nhưng họ là thành phần nghèo nhất luôn rồi mà bây giờ mười mấy ngày không có thu nhập, đó là điều đáng lo. Chính phủ nên tìm hướng gì đó giải quyết cho họ.”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, dù còn nhiều bất cập trong việc giải quyết khó khăn cho cuộc sống người dân khi thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, nhưng người dân vẫn phải chung tay xây dựng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
“Hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh có 5 triệu brochure khuyến cáo người dân. Nếu như đã cảnh báo rồi mà người đó cố tình xử phạt theo quy định hành chính và trong quy định của Bộ luật dân sự cũng có những quy định về tội lây nhiễm ra cộng đồng.”
Vẫn theo Luật sư Hậu, mới đây Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành văn bản quy định trong Bộ luật Hình sự có Điều 240 về việc lây nhiễm bệnh cho người khác. Bên cạnh đó, trong xử phạt hành chính ở Nghị định 176 cũng quy định như không đeo khẩu trang, có bệnh mà cố tính trốn tránh cách ly, hay chống lại cơ quan y tế không cách ly mà đi vào cộng đồng đều sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.