Dự án Rạch Tràm và vấn nạn phát triển quá mức ở Phú Quốc
2024.11.27
Phú Quốc từ một huyện đảo nghèo chủ yếu phát triển nghề cá, đã dần trở thành một đô thị biển đảo của Việt Nam. Tuy nhiên song song đó đã phải hy sinh rất nhiều thứ, như đất canh tác của dân hay đất rừng tự nhiên.
Người dân phản đối
Từ năm 2018, đã có hàng chục hộ dân sinh sống ở xã Bãi Thơm, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang không đồng ý nhận tiền bồi thường và giao đất cho dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm.
Sự việc lại khiến dư luận quan tâm khi vào ngày 14/11/2024, chính quyền địa phương Phú Quốc tiến hành cưỡng chế thu hồi đất của một hộ gia đình thuộc diện di dời để thực hiện dự án.
Trước đó trong cùng ngày, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang cho phép chuyển mục đích sử dụng gần 57,72 ha rừng đặc dụng ở Phú Quốc sang cho dự án Khu Du lịch sinh thái và Dân cư Rạch Tràm.
Báo nhà nước dẫn lời người dân địa phương cho biết, dự án phát sinh một loạt vấn đề khiến nhiều hộ gia đình bị thu hồi đất bức xúc, khiếu nại yêu cầu được làm rõ.
Chị N.L. ở Dương Đông Phú Quốc, không muốn nêu tên đầy đủ vì lý do an toàn, nói với RFA:
“Tôi thì ở Dương Đông, còn dự án Rạch Tràm ở phía Bắc đảo. Mấy dự án lấy đất của dân thì thường thường phải thỏa thuận giá cả với dân. Nếu kiểu như thỏa thuận không thỏa đáng, thì người ta không chấp nhận."
Nhiều khi đúng là đền thì cũng không bằng giá thị trường đâu. Nhưng ví dụ như nhiều đất quá thì người ta không mua, chỉ có dự án vô lấy nhiều. Với những người dân có chừng mấy mẫu trở lên, tự nhiên anh vô mua có khi người dân cũng thích. Nhưng giá cả phải thỏa đáng thì người ta mới thích, chứ còn không bằng giá thị trường đâu.”
Mấy dự án lấy đất của dân thì thường thường phải thỏa thuận giá cả với dân. Nếu kiểu như thỏa thuận không thỏa đáng, thì người ta không chấp nhận.
-Chị N.L.
Dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm thuộc ấp Rạch Tràm có diện tích 173,53 ha được UBND tỉnh Kiên Giang vào năm 2015 giao cho Tập đoàn CityLand đầu tư, xây dựng.
Khi cưỡng chế đất của dân giao cho tư dân xây khách sạn, khu du lịch… các cơ quan chức năng luôn nói với báo chí là để ‘phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng’…
Nhiều vấn đề không bình thường tại dự án Rạch Tràm
Dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm tại ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, Phú Quốc, được UBND tỉnh Kiên Giang cho thu hồi với danh nghĩa “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng” Thế nhưng, dự án lại được giao cho doanh nghiệp tư nhân với mục đích kinh doanh thương mại.
Không những thế, diện tích quy hoạch dự án tăng vọt so với phê duyệt.
Thông tin về Dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm do CityLand là chủ đầu tư, vẫn dễ dàng tìm kiếm trên mạng internet. Theo đó, đây là Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp có tổng diện tích 173ha, gồm: Khu dân cư diện tích 79,1 ha; khu du lịch nghỉ dưỡng diện tích 94,4 ha đẳng cấp 6 sao Fairmont - được quản lý và vận hành bởi tập đoàn AccorHotels.
Thế nhưng theo Quyết định số 633/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/5/2010, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, thì Dự án này được xác định rõ là khu nghỉ dưỡng 4-5 sao, kết hợp tham quan rừng tràm, rừng ngập mặn, quy mô 102ha.
Nhưng đến ngày 8/12/2017, khi UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái và ‘dân cư’ Rạch Tràm tỷ lệ 1/2000 (Quyết định số 2678/QĐ-UBND), thì không những quy mô của dự án tăng vọt lên 169,32ha, mà còn phát sinh thêm ‘khu dân cư’.
Diện tích quy hoạch ‘lố’ vẫn chưa dừng lại ở con số trên.
Ngày 10/2/2020 UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 313/QĐ-UBND, phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm, tỷ lệ 1/2000, quy mô khoảng 173,53ha, với lý do “nhằm đảm bảo bao trọn hết các lớp nhà dân, phục vụ cho công tác quản lý, triển khai thực hiện”. Tăng khoảng gần 4ha so với lần thay đổi trước.
RFA liên lạc Phòng Quản lý Tài nguyên Môi trường thành phố Phú Quốc, để tìm hiểu thông tin chi tiết về Dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm, thì được trả lời như sau:
“Cái này không có như vậy được đâu anh. Muốn quan tâm cái gì anh phải liên hệ, có giấy giới thiệu… Chứ bây giờ gọi điện thoại không trả lời được… Anh phải làm hồ sơ, đơn vị nào liên quan… Hỏi Ủy ban Nhân dân thành phố trực tiếp… Nói chung, các thông tin dự án anh cứ liên hệ thành phố rồi trao đổi cho dễ… Tôi không trả lời anh được đâu…”
Phóng viên RFAcũng gọi đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang và được bà Phùng Thị Bích Lam, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, cho biết bà không thể trả lời. ““Ở tư cách của tôi không được phép phát ngôn. Góc độ của tôi cũng không trả lời sơ sơ được, anh thông cảm. Nếu cần thông tin gì thì anh gửi bằng văn bản đến sở, rồi sợ sẽ có văn bản gửi lại. Tôi từ chối trả lời qua điện thoại.” Bà Lam nói.
Phóng viên RFA sau đó gửi thư tới địa chỉ email của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kiên Giang để yêu cầu hồ sơ đánh giá tác động môi trường của dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm, nhưng vẫn chưa nhận được phúc đáp.
----------------
Thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam: Một Phú Quốc “bình cũ rượu mới”?
Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã ở Phú Quốc ra đầu thú sau khi nhận hối lộ hai tỷ đồng
Nguyên cán bộ Phòng Tài Nguyên- Môi trường TP Phú Quốc bị bắt
----------------
Ai được lợi?
Thu hồi đất để ‘phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng’… nhưng lại giao đất cho doanh nghiệp tư nhân làm dự án thương mại. Kinh tế Phú Quốc được cho là đã phát triển một cách ngoại mục. Trong một hội nghị hồi đầu năm 2024 nhằm tổng kết quá trình thực hiện Quyết định 178/2004, về việc phát triển đảo Phú Quốc, được Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật, huyện đảo này được cho là đã thu hút 321 dự án đầu tư trong 20 năm qua, và thu ngân sách của địa phương cũng tăng hơn 200 lần.
Tuy bề ngoài Phú Quốc trông có vẻ phát triển với nhiều dự án xa xỉ, nhưng thực tế, người dân địa phương lại không phải là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.
Nhìn thấy sự phát triển của Phú Quốc đi lên thì mình rất hãnh diện nhưng cũng có những nỗi buồn. Đời sống của người dân mà người bị lấy đất thì đi xuống, còn người bỏ tiền ra đầu cơ thì đi lên.
-Một người dân Phú Quốc
“Nhìn thấy sự phát triển của Phú Quốc đi lên thì mình rất hãnh diện nhưng cũng có những nỗi buồn. Đời sống của người dân mà người bị lấy đất thì đi xuống, còn người bỏ tiền ra đầu cơ thì đi lên. Mạnh ai nấy phá, đốt rừng, chiếm đất cho nên từ chỗ đó cũng thấy buồn. Rồi tệ nạn xã hội ở Phú Quốc nhiều lắm, cũng buồn lắm…” Một người dân Phú Quốc nói với RFA dưới điều kiện giấu tên vì lý do an toàn.
Hy sinh rừng phát triển Phú Quốc
Để có đất phục vụ phát triển Phú Quốc, năm 2010 đã có gần 15.000ha đất rừng ở Phú Quốc được điều chỉnh quy hoạch sang đất sử dụng phát triển kinh tế.
Sau đó năm 2020, Kiên Giang đã chuyển đổi hơn 6.984ha đất rừng sang mục đích khác, trong đó gồm rừng phòng hộ chiếm hơn 5.752 ha và vườn quốc gia hơn 1.231 ha. Chính quyền cũng yêu cầu trồng rừng thay thế cho 3.321ha rừng chuyển đổi.
Tuy nhiên tính đến ngày 1/6/2020, mới chỉ có một phần rất nhỏ, hơn 211 ha/3.321ha (chưa đến 10%) diện tích rừng được lập phương án trồng thay thế.
Phương án trông rừng thay thế được cho là vừa khó khả thi, vừa không hiệu quả. Tai hại hơn, đây còn là một hình thức hợp thức hóa việc phá rừng tự nhiên.
“Việc trồng rừng để bù lại diện tích rừng bị mất nằm trong quy định của ngành Tài nguyên Môi trường, tức là khi mình phá rừng thì mình phải trồng bù và lượng trồng bù phải nhiều hơn. Nhưng tôi nghĩ giải pháp đó không hiệu quả lắm. Thứ nhất là không có đất để trồng bù như vậy. Thứ hai nữa là rừng trồng không thể nào so sánh được với rừng tự nhiên, sự mất mát này lớn hơn rất nhiều. Cũng có một số trường hợp họ chọn giải pháp đóng tiền cho địa phương, để địa phương dùng tiền đó trồng rừng ở đâu đó… Tôi nghĩ đó là những giải pháp rất tệ hại, làm cho rừng ở trong nước càng ngày càng suy giảm.”- Tiến sĩ Lê Anh Tuấn – Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu, Đại Học Cần Thơ nhận định với RFA.
Ông Tuấn cũng cho biết cho đến thời điểm này, dù đã 20 năm sau khi Quyết định 178/2004 được đưa vào thực thi, và diện mạo của Phú Quốc cũng đã thay đổi một cách hoàn toàn, vẫn chưa có bất cứ một nghiên cứu nào chỉ ra giới hạn của làn sóng phát triển ở Phú Quốc.
“Tôi nghĩ đây là một đề tài mà ngành Tài nguyên Môi trường hoặc những ngành liên quan cần làm việc với nhau để đánh giá một cách toàn diện về cái gì được và cái gì mất, để có quyết định điều chỉnh, tránh những sai lầm trong tương lai.” - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói thêm.
Theo thông tin từ Vườn quốc gia Phú Quốc, diện tích rừng phòng hộ trên đảo vốn có 11.939ha, nhưng đến năm 2022 giảm chỉ còn 6.666ha. Nếu tính luôn những dự án được phê duyệt chuyển đổi rừng sau năm 2022, thì diện tích rừng còn lại của Phú Quốc còn ít hơn nữa.