Sài Gòn lại ngập khi mưa

0:00 / 0:00

Mùa mưa lại đến và dân chúng Sài Gòn tiếp tục phải chịu cảnh sống chung với nước bẩn tràn ngập phố phường. Trước tình trạng ‘cứ mưa là ngập’, chính truyền thông Nhà nước cũng phải nêu thắc mắc tại sao thành phố đã đầu tư những chương trình chống ngập quy mô nhưng ngày càng có nhiều điểm ngập sâu, nhiều khu vực “tụ nước.” Đây là từ mà giới chức địa phương mới đưa ra gần đây để chỉ tình trạng ngập nước tại Thành phố Hồ Chí Minh.

‘Mưa là ngập.’ Nguyên nhân vì sao?

Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM vào ngày 18 tháng 5 đã tổ chức hội nghi báo cáo sơ kết hai năm rưỡi thực hiện ‘Chương trình giảm ngập nước’ giai đoạn 2016 – 2020. Theo như nhận định ban đầu tại hội nghị này, dù đầu tư rất nhiều tiền trong nhiều năm qua nhưng TP.HCM ngày càng ngập, ngập sâu hơn, diện rộng hơn.

Theo báo cáo, ở quận 9 có 40% tổng số tuyến đường trên địa bàn chưa có hệ thống thoát nước. Một số tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh cũng bị ngập sâu với trận mưa hôm 19 tháng 5.

Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 40 tuyến đường bị ngập nước. Trong đó, 14 tuyến đường thường xuyên bị ngập khi mưa lớn và có nhiều khu vực bị ngập do triều cường.

Một bạn trẻ sinh sống ở Sài Gòn nhận xét về tình trạng ngập nước tại thành phố gia tăng nhanh trong những năm gần đây.

“Khoảng từ năm 2010 trở về sau thì từ từ ngập nhiều. Đặc biệt những năm gần đây là nhiều hơn nữa.”

Kiến trúc sư Trần Đình Nam, giảng viên Đại học Kiến Trúc Sài Gòn nhận định nguyên nhân xảy ra tình trạng ngập nước trong thành phố hiện nay là do tình trạng kênh rạch bị xả rác và san lấp.

“Các con kênh thoát nước thì xả rác, mặt khác thì lại lấp kênh. Trong khi những nước mưa nhiều như mình, ngày xưa khi người ta xây dựng thì phải mở rộng các con kênh. Bởi vì khi xây nhà, nước thấm vô đất bị giảm bớt nên phải mở rộng kênh giống như các lăng tẩm ở Huế có các hồ đào rất lớn. Lăng tẩm Huế là một, kinh thành Huế là hai. Từ các con kênh nhỏ đào ra các hồ lớn. Đây là nơi chứa nước khi mưa nhiều và sẽ thấm dần xuống đất. Còn hiện nay, xây khu dân cư mới thì tiếc đất nên cứ lấp kênh thôi.”

Trước đó, Thông Tấn Xã Việt Nam vào hôm 10 tháng 5 xác nhận hiện trên địa bàn thành phố còn 22 vị trí ảnh hưởng nặng nề khi mưa lớn do thi công dự án, 62 vị trí kênh rạch bị lấn chiếm, 84 tuyến cống bị lấn chiếm, 76 vị trí lấn chiếm hầm ga và 50 vị trí lấn chiếm cửa xả. Đây được xem là những nguyên nhân khiến tình trạng ngập nước trong mùa mưa trở nên nghiêm trọng hơn.

Khoảng từ năm 2010 trở về sau thì từ từ ngập nhiều. Đặc biệt những năm gần đây là nhiều hơn nữa.<br/>-Người dân Sài Gòn

Bạn trẻ ở Sài Gòn nhận định một trong những nguyên nhân khiến ngập nước là vì biến đổi khí hậu với những con mưa lớn, kéo dài bất thường.

Chẳng hạn như tòa nhà Bitexco mới đầu xây đâu có gì đâu. Tự nhiên mấy năm gần đây, mưa rồi nước tràn cả vào trong nhà không thoát nước kịp. Năm ngoái có một trận mưa khiến ngập hết các hầm để xe của các chung cư lớn.”

Ngoài ra, bạn cho rằng chất lượng thi công cống thoát nước cũng là một nguyên nhân khiến ngập nước.

“Trước và sau năm 2010, thành phố có nhiều lô cốt là để người ta làm cống. Nhưng sau khi làm xong thì chẳng giải quyết được vấn đề gì cả.”

Giải pháp nào?

Để giải quyết vấn đề ngập nước theo hướng lâu dài, Giáo sư - Tiến sỹ Lê Huy Bá từng lên tiếng với báo chí rằng thành phố nên quy hoạch và xây dựng những hồ điều tiết nước tự nhiên tại chỗ và ở khu vực gần nội đô cũng như ngoại ô để chứa nước khi triều dâng.

Có cùng quan điểm với Giáo sư - Tiến sỹ Lê Huy Bá, Kiến trúc sư Trần Đình Nam cho rằng việc đào các hồ trữ nước là cần thiết để giải quyết tình trạng ngập nước. Ngoài ra, ông nhấn mạnh việc nạo vét kênh rạch phải được xem xét ưu tiên.

“Ở mỗi khu đất, mỗi vùng đất, nước tự nhiên sẽ tụ xuống phần thấp nhất là các kênh, rạch. Những chỗ đó phải được khai thông, mở rộng ra. Còn không thì nước sẽ tự trào ngược trở lại. Các lòng kênh phải được nạo vét để mực nước thấp xuống.”

Khi được hỏi về giải pháp cho tình trạng ngập nước tại Sài Gòn, bạn trẻ ở Sài Gòn nhận xét.

“Tôi nghĩ mình đã làm sai ngay từ đầu. Quy hoạch ban đầu của thành phố không dành cho số dân đông và mật độ xây dựng nhiều như bây giờ. Kể cả việc mở rộng thành phố về phía Thủ Thiêm và Phú Mỹ Hưng thì đã sai và đã đang làm rồi. Nếu bây giờ nói để giải quyết những cái sai từ gốc thì sẽ rất khó.”

Công tác chống ngập của thành phố có hiệu quả?

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm chống ngập, tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016-2020 là hơn 96.300 tỉ đồng. Trong đó, vốn thực hiện các dự án thuộc Quy hoạch tổng thể thoát nước TP.HCM đến năm 2020 (Quy hoạch 752) là gần 53.000 tỉ đồng.

Vốn thực hiện các dự án thuộc Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP.HCM (Quy hoạch 1547) là hơn 20.000 tỉ đồng.

Dự kiến trong giai đoạn 2015-2020, bình quân mỗi năm TP.HCM phải bố trí khoảng 4.250 tỉ đồng để trả nợ gốc và lãi vay mà TP.HCM đã chi vào các dự án chống ngập.

Trước và sau năm 2010, thành phố có nhiều lô cốt là để người ta làm cống. Nhưng sau khi làm xong thì chẳng giải quyết được vấn đề gì cả.<br/>-Người dân Sài Gòn

Kỹ sư Vũ Hải, người có hơn 50 năm công tác trong lĩnh vực cấp thoát nước từng lên tiếng cho rằng số tiền chi như trên là quá lớn. Mặt khác, ông cho rằng nếu không thay đổi cách làm thì sẽ tiếp tục tốn kém mà TP.HCM thì sẽ tiếp tục ngập. Kỹ sư Vũ Hải cũng đề xuất nên đấu thầu rộng rãi để tư nhân tham gia thực hiện các dự án chống ngập thay vì chỉ giao cho các đơn vị nhà nước thực hiện. Theo ông, với cách làm như hiện nay là chỉ giao cho các đơn vị nhà nước, một khi dự án không hiệu quả thì không biết ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm.

Số liệu của TP.HCM cho biết vào mùa mưa 2018, thành phố đã tiến hành tu sửa, nạo vét hệ thống thoát nước, ưu tiên các vị trí thường xuyên bị ngập, đến nay đã nạo vét được hơn 300 km lòng cống thoát nước, nạo vét 10 tuyến kênh, rạch và cửa xả, sửa chữa 886 hầm ga, thay 368 cống bị xuống cấp.

Ngoài ra, thành phố cho biết đang tính toán ký thuê máy bơm để giải quyết ngập nước tại đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Liệu những biện pháp của cơ quan chức năng nhằm giải quyết tình trạng ngập lụt mỗi lúc một nặng thêm đến khi nào mới phát huy hiệu quả? Và đề xuất của giới chuyên gia khi nào mới được lắng nghe?