‘Cơn bão’ phản đối Dự Luật Đặc khu

0:00 / 0:00

Kiến nghị, thư ngỏ

Nhiều tổ chức xã hội như Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, Hội đồng Liên kết Quốc nội Hải ngoại Việt Nam, và cả tôn giáo như Ủy Ban Công Lý thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong những ngày qua đã đưa ra Tuyên cáo, Thư Kiến nghị kêu gọi người khác cùng ký tên gửi đến Quốc Hội Việt Nam yêu cầu hoãn hoặc không bấm nút thông qua dự thảo luật về các đặc khu kinh tế mà cụ thể là Vân Đồn ở phía Bắc, Vân Phong ở miền Trung và Phú Quốc ở phía Nam.

Một số nhân sĩ- trí thức cũng có thư ngỏ riêng gửi cho lãnh đạo Việt Nam nêu rõ quan ngại của bản thân họ về những nguy cơ nếu Luật Đặc Khu được thông qua.

Lập luận chính yếu được nêu ra là ba địa điểm vừa nêu có vị trí trọng yếu đối với an ninh quốc gia mà nếu giao cho nước ngoài một thời gian dài đến 99 năm, mà trong trường hợp này, khả năng rơi vào bẫy của nước láng giềng Trung Quốc là rất lớn. Tham vọng bành trướng của Bắc Kinh qua kế hoạch “một vành đai, một con đường” được nêu rõ.

Trong bản tuyên cáo của Hội đồng Liên kết Quốc nội Hải ngoại Việt Nam có đoạn nguyên văn: "Người Việt Nam trong và ngoài nước, bất kể thành phần nào, khuynh hướng nào, chúng ta phải cương quyết lên tiếng, cần phải có hành động cấp thời để cùng nhau "Cứu Dân Cứu Nước" nếu không, thế hệ chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và mang tội với thế hệ con cháu muôn đời sau."

Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, người đồng ký tên vào bản tuyên cáo của Hội đồng Liên kết Quốc nội Hải ngoại Việt Nam nói với Đài Á Châu Tự Do rằng nếu như Quốc Hội Việt Nam muốn thông qua dự luật này thì cần tham khảo ý kiến và quan điểm của người dân như thế nào cũng như các kiến nghị của các nhà khoa học và giới trí thức Việt Nam để hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ.

Nhiều ý kiến yêu cầu phải đưa ra trưng cầu dân ý theo luật định đối với những vấn đề hệ trọng như thế. Chứ không thể cứ làm theo cách cũ bấy lâu nay như lời của Mục Sư Nguyễn Mạnh Hùng:

“Thông thường Bộ Chính trị đã thông qua rồi thì Quốc hội thường phải chấp hành. Đối với ba khu tự trị này thì bộ chính trị đã có ý kiến rồi, và ban chấp hành trung ương đảng đã có chỉ đạo rồi , quốc hội và các cơ quan khác phải thông qua.

Với tư cách là một công dân, Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây là thời điểm mà người dân phải đồng lòng lên tiếng để có thể thay đổi thực tế như thế bấy lâu nay.

Đồng thuận lên tiếng

Ngoài các tổ chức, tập thể lên tiếng phản đối, rất nhiều cá nhân sử dụng những công cụ như mạng xã hội Facebook để bày tỏ ý kiến cá nhân về dự luật đặc khu thông qua bài viết, hình ảnh phản đối.

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến tại Hà Nội nói với chúng tôi rằng, có rất nhiều dự thảo luật sẽ được bàn thảo tại các kỳ họp Quốc hội xem xét việc có thông qua hay không nhưng không được sự chú ý của người dân nhưng với dự luật đặc khu này anh cho biết:

“Thông thường mỗi khi Quốc hội họp thì có nhiều dự luật được bàn thảo có thông qua hay không thông qua nhưng không được sự chú ý đặc biệt từ người dân đối với dự luật này. Dự luật đặc khu này thu hút được sự quan tâm cực kỳ lớn cả chiều sâu và bề rộng nhiều đối tượng nhiều độ tuổi khác nhau trong xã hội. Tôi tiếp xúc rất nhiều người trên mạng xã hội và cả ngoài đời họ đều bàn luận khá sôi nổi và họ nói rằng lần đầu tiên họ dám lên tiếng về vấn đề chính trị liên quan đến vận mệnh của đất nước.”

Anh Nguyễn Chí Tuyến còn cho biết anh cảm thấy vui mừng và bất ngờ vì qua dự thảo luật đặc khu này mà mọi công dân sống trong xã hội Việt Nam không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp hay tôn giáo đều lên tiếng bày tỏ quan điểm của họ về dự luật này.

Anh nói tiếp "Lần này tôi vui mừng vì chính dự luật đặc khu này tôi cảm thấy sự trưởng thành về nhận thức và bản lĩnh của người công nhân trong xã hội Việt Nam, vượt qua được một ngưỡng tâm lý dám bày tỏ quan điểm riêng của họ, họ đồng tình hay không thì chưa bàn luận mà họ đã bày tỏ được chính kiến riêng của họ thì trước hết họ phải tìm hiểu thì họ mới đưa ra chính kiến được chứ họ không thể nói bừa."

Cùng hành động ‘biểu tình’

Một hình thức được nhiều người đồng ý là xuống đường biểu tình để bày tỏ phản đối dự luật đặc khu. Trong những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện kêu gọi cộng đồng xuống đường tuần hành để phản đối dự luật đặc khu kinh tế. Thời điểm cụ thể là vào ngày chủ nhật 10 tháng 6.

Kêu gọi biểu tình không chỉ ở trong nước mà còn tại nhiều nơi ở nước ngoài. Tính đến thời điểm hiện tại chúng tôi được biết một số cuộc tuần hành biểu tình phản đối dự luật đặc khu của Việt Nam sẽ diễn ra tại thành phố Brisbane của Úc, San Francisco và Washington DC tại Hoa Kỳ, Tokyo, Nhật Bản…

Một đại diện nhóm tuần hành ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản xin giấu tên cho chúng tôi biết, cuộc tuần hành dự kiến lần này có được sự hưởng ứng khá đông đảo của cộng đồng tại Nhật, nhất là những bạn trẻ đang sinh sống, du học, tu nghiệp hoặc đi lao động.

Chị cho biết "Hiện tại bên mình sẽ tổ chức vào lúc 9 giờ sáng vào chủ nhật ngày 10 tháng 6 này, thì rất tiếc là bên Nhật trời mưa nhưng mọi người nói là dù trời mưa tới đâu mọi người cũng sẽ xuống đường. Đây là lần đầu tiên mình thấy những người xung quanh mình hưởng ứng rất là sôi nổi, có nhiều bạn đi lao động, đi tu nghiệp bên này nhưng mà sẳn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua vé máy bay từ khắp nơi trên nước Nhật về Tokyo để tuần hành cũng những bạn tại đây."

Hoạt động biểu tình tại nước ngoài khá dễ dàng; tuy nhiên hình thức biểu tỏ ý kiến này ở Việt Nam vẫn không được chính phủ hoan nghênh. Từ trước đến nay nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, biểu tình phản đối chặt cây xanh, biểu tình chống nhà máy Formosa gây thảm họa môi trường… đều bị lực lượng chức năng đàn áp mạnh mẽ.