Lãnh đạo thành phố Hà Nội sau gần hai tuần xảy ra vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông mới chính thức lên tiếng về tình hình liên quan; đặc biệt là vấn đề thủy ngân để làm bóng đèn bị phát tán ra môi trường gây hại đến sức khỏe của ngưởi dân. Phản ứng của dân chúng thế nào trước phát biểu của lãnh đạo?
___________________________
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung vào ngày 9/9/2019, nói với báo chí nhà nước rằng việc xử lý hậu quả vụ cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông cần có quy trình và phải chờ kết quả từ cơ quan điều tra. Ông Chung khẳng định thành phố không thờ ơ với sức khỏe của người dân.
Ông cũng cho biết mình đã trực tiếp hỏi người dân khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ cháy và nghe ý kiến từ họ. Nhưng tất cả đều nói "không có bức xúc gì".
Vụ cháy nhà máy Rạng Đông xảy ra vào đêm hôm 28/8 vừa qua đã gây lo ngại cho người dân Hà Nội về sự phát tán của thủy ngân dùng để sản xuất bóng đèn, cùng nhiều hóa chất độc hại khác.
<i>Đến giờ, công ty chưa có bất kỳ động thái nào ngoài việc đang dọn dẹp những hậu quả của vụ cháy. Vấn đề bồi thường, đối thoại với người dân là chưa có. - Người dân</i>
Tuy nhiên, ông Trọng Nguyễn, một cư dân sống ngay cạnh công ty Rạng Đông phản bác lại phát biểu này của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung:
"Tôi khẳng định là chưa thấy ông nào tới xem hay là có cử được một cơ quan nào đến khảo sát. Khu đô thị của chúng tôi là nơi sát nhất với nhà máy Rạng Đông thì cũng chưa hề thấy khảo sát bất cứ ý kiến nào.
Chúng tôi có một nhóm trên Facebook chung để tất cả người dân bàn bạc với nhau thì mọi người đều rất bức xúc và đang lên kế hoạch khởi kiện công ty Rạng Đông đồng thời có những biện pháp để ngăn ngừa độc hại trở lại.
Đến giờ, công ty chưa có bất kỳ động thái nào ngoài việc đang dọn dẹp những hậu quả của vụ cháy. Vấn đề bồi thường, đối thoại với người dân là chưa có.
Cũng có rất nhiều người dân bức xúc thậm chí vây quanh công ty Rạng Đông để đòi được đối thoại nhưng mà hiện giờ vẫn chưa có vấn đề đó xảy ra.
Tôi không hiểu cơ sở căn cứ ở đâu ra mà ông Chung có thể khẳng định một cách trơ trẽn như vậy. Về phía chúng tôi cả khu dân cư rất đông hộ gia đình đều chưa nhận được bất kỳ một khảo sát ý kiến nào lấy ý kiến từ người dân cả. Tôi xin khẳng định điều đó."
Chia sẻ thêm về cuộc sống hiện tại ở khu vực xung quanh nơi xảy ra vụ cháy, ông Trọng nói rằng hầu hết các hộ dân đều đã dọn đi nơi khác:
"Thực ra ở chỗ tôi mọi người đã di dân hết rồi. Trước khi bộ y tế công bố kết quả thì mọi người đã tự cảm nhận được và đã di dân bởi vì mùi hóa chất bốc lên rất nồng nặc, có thể cảm nhận bằng giác quan bình thường.
Khu vực nhà nhà tôi cứ 10 căn hộ thì hết 8 nhà đã chuyển đi. Có nhà không thể chuyển đi được thì đóng kín cửa suốt cả ngày. Thậm chí những nhà có con đi học ở trường tiểu học Hạ Đình ở gần đó cũng cũng cho con nghỉ học cả.
Hiện giờ nhà tôi cũng đã di dời mỗi người đi một chỗ rồi nên cuộc sống có phần đảo lộn. Nhưng đó cũng là tình trạng chung của tất cả những người đang ở đây thôi."
Cố tình giấu thảm họa ô nhiễm!?
Một ngày sau khi xảy ra vụ cháy nhà máy Rạng Đông trên địa bàn phường Hạ Đình xảy ra, Ủy ban Nhân dân phát đi thông báo đến người dân về những biện pháp đề phòng và bảo vệ sức khỏa do rác dộng từ hậu quả vụ cháy. Tuy nhiên cấp cao hơn là Ủy ban Nhân Dân quận Thanh Xuân lại yêu cầu phường Hạ Đình thu hồi khuyến cáo đưa ra.
Đến ngày 4/9, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường (Bộ TN&MT) chính thức công bố kết quả quan trắc không khí, đất và nước tại khu vực hoả hoạn. Kết quả cho thấy rằng nồng độ thủy ngân trong không khí cao vượt ngưỡng cho phép từ 10-30 lần, bán kính 500m tính từ điểm cháy là không an toàn.

Tổng cục Môi trường cũng thông tin thêm rằng: Công ty Rạng Đông đã thừa nhận dùng thủy ngân lỏng độc hại trong 480.000 sản phẩm đèn huỳnh quang bị cháy.
Như vậy, từ kết quả này có thể thấy không chỉ có công ty Rạng Đông đã gian dối trong báo cáo là không sử dụng thuỷ ngân lỏng để sản xuất, mà kết quả đánh giá sơ bộ “các chỉ số đều an toàn với người dân” do UBND quận Thanh Xuân công bố trước đó cũng là sai sự thật.
Mạng báo Lao Động dẫn lời Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói rằng “Thông báo “an toàn” mà quận Thanh Xuân đưa ra “chính là sự dối trá trước người dân”.
Trước hết, bình luận về sự kiện cháy ở nhà máy công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, cả luật sư Ngô Anh Tuấn và Phạm Công Út đều khẳng định đây không phải là sự cố hoả hoạn bình thường mà nó đã trở thành một “thảm hoạ môi trường”.
Luật sư Phạm Công Út nhận định:
"Đây là một vụ hỏa hoạn mà hậu quả tôi cho rằng có thể xem là một thảm họa về môi trường, tức là vụ hỏa hoạn này đã phát tán ra ngoài môi trường một lượng thủy ngân vượt mức cho phép rất nhiều lần, có những địa điểm lên đến gấp 30 lần. Nó đe doạ sự sống của con người nên đây không phải là một cuộc hỏa hoạn đơn thuần mà đã trở thành một thảm họa về môi trường."
Cũng theo luật sư Phạm Công Út, hành vi của lãnh đạo công ty Rạng Đông ngoài việc có thể đối mặt với án tù, công ty này sẽ đứng trên bờ vực phá sản nếu phải bồi thường đúng và đủ cho người dân.
"Trong bộ luật mới quy định là sẽ xử phạt tù, thứ hai là buộc phải khôi phục lại nguyên trạng, khắc phục hậu quả, thứ ba là có thể tước giấy phép hoạt động. Với những hình phạt đó thì có thể công ty Rạng Đông đứng trước bờ vực phá sản.
Bây giờ nhà máy của họ đã bị thiêu rụi hết rồi, chỉ còn lại mảnh đất nằm giữa lòng thủ đô. Nhưng liệu mảnh đất này có đủ đền bù về mặt dân sự, và khắc phục hậu quả hay không. Chuyện đó tôi cho là không thể nào đủ được vì thảm họa môi trường này nằm trong một khu dân cư giày đặc của thủ đô.
Về các báo cáo không đúng sự thật của công ty Rạng Đông rằng không có thuỷ ngân nhưng sau đó khi kiểm tra thì người ta biết được là có thủy ngân phát tán ra môi trường, cần phải xem đây là sự cố ý hay vô ý hay là tai nạn thông thường.
Ngoài ra thì người ta cần phải điều tra về trách nhiệm trong việc phòng chống cháy nổ.
Đối với sự kiện hỏa hoạn ở Rạng Đông thì vấn đề che giấu sự thật gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc là đặc biệt nghiêm trọng cũng phải chịu trách nhiệm hình sự."
<i>Bộ luật mới quy định là sẽ xử phạt tù, thứ hai là buộc phải khôi phục lại nguyên trạng, khắc phục hậu quả, thứ ba là có thể tước giấy phép hoạt động. Với những hình phạt đó thì có thể công ty Rạng Đông đứng trước bờ vực phá sản - Luật sư Phạm Công Út</i>
Về sự việc UBND quận Thanh Xuân đưa ra kết quả giám định ban đầu không đúng sự thật rằng tất cả các chỉ số trong không khí đều an toàn, điều này có thể khiến hậu quả của vụ cháy càng thêm nặng nề, luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng nếu muốn truy cứu trách nhiệm pháp luật của UBND quận Thanh Xuân trong trường hợp này, cũng cần phải xác định hành vi đó là vô tình hay cố ý:
"Thực tế nếu truy cứu trách nhiệm về pháp luật trong trường hợp này thì có thể là trách nhiệm hành chính sẽ khác và trách nhiệm hình sự sẽ khác.
Về công bố “chỉ số thủy ngân quanh công ty Rạng Đông ở ngưỡng an toàn” thì sẽ xem hành vi đó mục đích là cố ý hay là vô ý.
Nếu như họ cố ý che giấu các hành vi gây thảm họa có hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân thì có thể bị khởi tố theo tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc là các tội danh khác.
Còn ví dụ như kết quả trắc nghiệm ban đầu thì họ nói là do sơ suất về những cán bộ không đúng chức năng, chuyên môn, trình độ làm. Đó là sai sót vô ý thì có thể xem xét kỷ luật hành chính thôi.
Nhưng thực tế đến thời điểm này thì đa số các trường hợp chính quyền hoặc các cơ quan công quyền thường lý giải rất hợp lý. Một phần khác họ có thể đưa lý do là vì hoang mang dư luận nên phải đưa ra công bố như thế để bình ổn như luận. Họ sẽ tìm những nguyên nhân để giải thích cho mình một cách hợp lý."
Nạn nhân có thể làm gì để đòi quyền lợi?
Ngày 4/9, tở Pháp Luật dẫn lại thông tin từ bệnh viện Bạch Mai cho biết đã có hơn 80 người bị phát hiện có nhiễm độc thuỷ ngân trong máu khiến nhiều người dân hoang mang.
Từ sau khi xảy ra vụ việc, công ty Rạng Đông chỉ lên tiếng cam kết sẽ xử lí vấn đề môi trường chứ không nhắc gì đến vấn đề bồi thường cho người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Theo luật sư Ngô Anh Tuấn, điều đầu tiên người dân cần làm là chủ động đi khám sức khoẻ và chữa bệnh kịp thời:
"Điều đầu tiên, tự bản thân người dân phải tự đi khám. Nếu đợi chính quyền thì rất là lâu, phải đợi lên một kế hoạch, một chương trình thì cực kỳ lâu. Cho nên họ nên đi khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế thế uy tín ở Việt Nam để phát hiện được các bệnh tật."

Ngoài ra, nạn nhân còn có thể khởi kiện cả công ty Rạng Đông và UBND quận Thanh Xuân. Luật sư Ngô Anh Tuấn nói tiếp
"Họ có thể kiện nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông và kiện UBND về việc họ gián tiếp gây ra vì các thông tin không chính xác khiến cho tình trạng nặng thêm.
Về công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông họ có thể kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe và tinh thần. Nếu có các cơ sở rằng sức khoẻ bị ảnh hưởng từ độc thuỷ ngân thì 100% công ty sẽ thua.
Việc kiện Ủy ban nhân dân bên hành chính thì khả năng thắng kiện thấp. Ở đây họ sẽ quy hết trách nhiệm sang cho công ty bóng đèn Rạng Đông.
Chính quyền bây giờ cũng cần một đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm và công ty này sẽ bị nêu tên đầu tiên. Họ sẽ chịu trận thay cho chính quyền luôn. Trong trường hợp này, tôi nghĩ người dân sẽ được bảo vệ quyền lợi cho dù trong trường hợp này chính quyền cũng sai khá là nghiêm trọng."
Luật sư Phạm Công Út bổ sung thêm rằng người dân nơi này ngoài khởi kiện yêu cầu bồi thường, họ còn có thể yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời:
"Họ cũng được quyền khởi kiện vụ án dân sự, có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tức là buộc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với những người phải điều trị do tác hại môi trường hoặc là những vấn đề khác gây ra.
Phong tỏa tài sản, kê biên tài sản đối với công ty Rạng Đông để tránh trường hợp tẩu tán tài sản, tẩu tán tiền trong ngân hàng để bồi thường cho họ.''
Chiều ngày 9/9, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về xử lý hậu quả vụ cháy tại Công ty Rạng Đông.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xử lý hậu quả vụ cháy ở Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông; Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố vụ cháy; Tiếp tục thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư.