Phản ứng sau khi Mỹ - Việt Nam ký thỏa thuận thương mại nhưng không nêu vấn đề nhân quyền

0:00 / 0:00

Ngày 27/2/2019, tại Hà Nội, nhân cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các công ty Mỹ và Việt Nam đã ký một loạt các thỏa thuận thương mại trị giá hơn 20 tỷ đô la, nhưng vấn đề nhân quyền đã hoàn toàn không được đề cập. Phản ứng của các nhà bất đồng chính kiến như thế nào?

Từ Hà Nội, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 27/2, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:

“Tôi nghĩ đó là một cách rất là khéo của Việt Nam để gãi đúng chỗ ngứa của ông Trump về vấn đề thương mại của hai nước, về vấn đề thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Nhưng thực chất nếu đi sâu vào vấn đề thì thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam không đến mức 30 tỷ USD đâu, có nhiều hàng hóa Mỹ mà Việt Nam mua được sản xuất từ Trung Quốc. Nên thực tế nó cân bằng hơn. Nên việc ký kết mua máy bay cũng có một chút ý nghĩa thương mại, nhưng nó mang tính trình diễn nhiều hơn.”

Ông Trump không phải là đấng cứu thế, mà để những nơi nào có tiếng kêu thương mà ông đến cứu vớt, ông xử sự theo cái mà ông cho là tốt cho nước Mỹ.<br/>-Phó giáo sư Hoàng Dũng

Sau buổi gặp gỡ với ông Nguyễn Phú Trọng tại phủ Chủ tịch, Tổng thống Donald Trump đã đến nhà khách chính phủ để gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại buổi gặp, Tổng thống Trump ca ngợi phát triển kinh tế của Việt Nam và nói rằng Việt Nam có thể là một mô hình kinh tế cho Bắc Hàn. Ông cũng nói đến các thỏa thuận thương mại hai bên vừa ký kết và không quên nói rằng Hoa Kỳ có những thiết bị quân sự tốt nhất thế giới. Tuy nhiên vấn đề nhân quyền đã không hề được ông Trump đả động đến trong cả hai cuộc gặp quan trọng với lãnh đạo Việt Nam.

Nhận định về vấn đề này Phó giáo sư Hoàng Dũng nói:

“Ông Trump không phải là đấng cứu thế, mà để những nơi nào có tiếng kêu thương mà ông đến cứu vớt, ông xử sự theo cái mà ông cho là tốt cho nước Mỹ. Hiện nay địa chính trị của Việt Nam có lợi cho Mỹ, cho nên ông Trump không lên tiếng về nhân quyền, thì chúng ta không nên phán xét ông theo phương diện đạo đức hay con người mà phán xét là một nhà chính trị.”

Phó giáo sư Hoàng Dũng cho biết, chẳng có kỳ vọng gì cả, đất nước Việt Nam do người Việt Nam quyết định, quốc tế hết sức quan trọng, nhưng theo ông họ chỉ tạo điều kiện, họ làm cho trong nước thuận lợi hơn hay không thuận lợi hơn, chứ không bao giờ nước ngoài có vai trò quyết định trong vấn đề nội bộ của đất nước cả.

Còn nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Chí Tuyến thì cho rằng đây không phải là chuyến thăm chính thức nên không thể đòi hỏi ông Trump nêu vấn đề nhân quyền:

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) bắt tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại nhà khách chính phủ ở Hà Nội hôm 27/2/2019
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) bắt tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại nhà khách chính phủ ở Hà Nội hôm 27/2/2019 (AFP)

“Chuyến sang Việt Nam lần này của Tổng thống Trump không phải là được nhà cầm quyền Việt Nam mời sang thăm, mà là sang để gặp Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Un, để giải quyết vấn đề của Bắc Triều Tiên. Nói nôm na là họ thuê địa điểm để họ làm chuyện của họ thôi. Thế nên trong buổi gặp mặt của ông Trump với lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì tôi nghĩ nó diễn ra rất là ngắn, chủ yếu để bắt tay chụp ảnh là chính, thì trong quá trình như vậy không thể đòi hỏi ông Trump nêu vấn đề nhân quyền trong khoảng thời gian rất là ngắn, nhất là sang không phải với tư cách là làm việc với phía Việt Nam.”

Cựu tù chính trị Bùi Thị Minh Hằng cũng cho rằng không nên quá kỳ vọng vào ông Trump:

“Quan điểm của tôi là một nhà bất đồng chính kiến trong nước thì tôi cho rằng người dân Việt Nam không nên quá kỳ vọng vào ông Trump hay một quốc gia nào đó can thiệp vào vấn đề nhân quyền cho mình. Quan điểm của tôi là người dân Việt Nam phải tự nhìn thấy, dù bức xúc, dù hài long, thì mình phải tự nhìn thấy hoàn cảnh thực tế của mình. Nếu mình cần nhân quyền, cần đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, thì tôi nghĩ người Việt Nam cần phải đối diện một cách mạnh mẽ hơn nữa, chúng ta không thể trông chờ vào Trump, vì ông Trump không có trách nhiệm lo vấn đề nhân quyền cho Việt Nam. Mà điều ông Trump muốn làm là những cái lợi ích cho nước Mỹ như ông ấy tuyên bố khi tranh cử. Tôi nghĩ rằng là người dân Việt Nam phải tự đứng lên, tự mình nhìn thẳng vào sự thật và tự mình phải làm điều gì đó để thay đổi.”

Rất đáng tiếc thông tin trong buổi họp mặt với lãnh đạo Việt Nam ông Trump không đả động đến nhân quyền là sự thật. Nên tôi nghĩ khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" của ông ấy nên đổi thành "Trump trên hết"…<br/>-Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Đồng quan điểm, Phó giáo sư Hoàng Dũng cũng không có kỳ vọng vào ông Trump, ông cho rằng đất nước Việt Nam là do người Việt Nam quyết định, quốc tế hết sức quan trọng, nhưng dẫu sao họ chỉ tạo điều kiện, chứ không thể có vai trò quyết định trong vấn đề nội bộ của đất nước.

Còn Nhà báo Tô Oanh thì cho rằng ngoài hợp đồng mua máy bay, Việt Nam lợi dụng dịp này để mà tự xưng là ‘trung tâm hòa giải quốc tế’. Ông nói tiếp:

“Chính quyền Việt Nam chỉ là một người chỉ chuyên đi xin, sợ nhà bên cạnh như bố mình, chịu mất đất đai, thiệt hại đủ thứ cũng không dám há mồm nói… tôi nghĩ buồn lắm.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A bày tỏ thất vọng:

“Ông Trump thì ông chỉ quan tâm đến kỳ bầu cử tới, để thỏa mãn cá nhân ông ấy, còn giá trị cốt lõi của nước Mỹ, hay dân chủ, nhân quyền thì ông cũng chẳng cần nói đến. Rất đáng tiếc thông tin trong buổi họp mặt với lãnh đạo Việt Nam ông Trump không đả động đến nhân quyền là sự thật. Nên tôi nghĩ khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của ông ấy nên đổi thành “Trump trên hết”…”