Phản ứng về đề xuất cải cách Tiếng Việt

Đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt do phó giáo sư- tiến sĩ Bùi Hiền đưa ra gần đây gây nên tranh cãi trong công chúng.

Ông Bùi Hiền, nguyên hiệu phó trường ĐHSP Ngoại Ngữ Hà Nội, nêu ra một trong những lý do cho đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt từ 38 chữ cái xuống còn 31 chữ, là để “tiết kiệm được thời gian, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập các văn bản trên giấy, trên máy tính” cũng như các thiếu sót, bất cập không nhất quán trước đây gây khó khăn cho người dùng. Bảng cải tiến được nhiều người so sánh như “teencode”, tức cách viết chữ mà các bạn tuổi teen thường dùng trên mạng xã hội.

Ý kiến về đề xuất cải tiến

Lạc Đức Minh, một bạn trẻ thế hệ 9x từng chính mình sử dụng lối chữ “teencode” thì cho rằng, đối với bản thân Minh việc thay đổi sẽ không là quá khó, nhưng như thế sẽ gây khó khăn cho người lớn và cá nhân bạn không thích việc đề xuất này đưa ra sử dụng rộng rãi.

Bản thân mình thì không sao vì mình cũng đã từng như vậy rồi thì cũng không sao. Nhưng mà bây giờ mình đã lớn và phát triển theo một hướng khác, thì mình sẽ thử thuần Việt nhiều hơn. Ngôn ngữ đó lúc mới nhìn vào thì mình thấy là nó hơi teen quá. Mình cũng không thích cho lắm.

Theo Minh, đề xuất cần có tính mới và gần gũi, hoặc cần có nhiều sự lựa chọn cho người dân trong giai đoạn ban đầu như thế này.

Mình nghĩ là bác ấy nên đề xuất một cái mới hơn gần gũi hơn và dễ hơn với lớp trẻ và người lớn. Nói chung toàn lãnh thổ để cho họ có quyền lựa chọn. Chứ mình đang trong khuôn khổ bắt buộc phải lựa chọn thì mình nghĩ là không được đâu. Nên có hai, ba phương án để họ có thể lựa chọn thì sẽ tốt hơn.

Tôi thấy nếu đem ra sử dụng trong công chúng thì nó sẽ có vấn đề nhiều lắm, nếu những cái công văn này mà viết như vậy thì 80% dân chúng sẽ không có hiểu.<br/>- Việt Kiều Pháp

Một Việt kiều Pháp về Việt Nam nghỉ hưu bày tỏ suy nghĩ cho biết nếu đưa vào áp dụng, dân chúng sẽ không hiểu, dù thế hệ đi sau có hiểu thì thế hệ đi trước cũng khó lòng hiểu nổi.

Tôi thấy nếu đem ra sử dụng trong công chúng thì nó sẽ có vấn đề nhiều lắm, nếu những cái công văn này mà viết như vậy thì 80% dân chúng sẽ không có hiểu. Bất kỳ cái gì cũng vậy á. Sự thay đổi nào mà nó đưa vào chương trình thì thế hệ sau sẽ hiểu những thế hệ đi trước họ không có học thì sao họ hiểu được.

Vị Việt kiều này cho rằng lợi ích tiết kiệm như lời người đề xuất đưa ra không mang tính khả thi vì thời buổi này, người ta ứng dụng công nghệ, internet nhiều rồi, lợi ích đem lại từ việc tiết kiệm thời gian đánh con chữ và giấy mực như ông Bùi Hiền đưa ra là quá nhỏ.

Là tại vì bây giờ thời buổi nguyên tử rồi, xem chừng thế hệ sau, không chừng cô, ngay cả cô vài năm nữa không chừng cô đâu cần dùng bút mực, đâu cần dùng in nữa. Cài gì cũng bằng internet hết. Đâu có cần dùng in nữa. Cô thấy thư từ giờ đâu ai gửi nữa. Người ta gửi email không. Bưu điện chắc cũng sắp đóng cửa luôn.

Còn theo Đức Minh, khi lựa chọn và áp dụng rộng rãi, người dân sẽ còn tốn nhiều chi phí hơn cho một cuộc “đại cải cách” này, từ việc thay đổi các bảng hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn, hay thậm chí là tên họ của mình.

Ví dụ như những cái tên đường, những cái bảng hiệu, font chữ đều phải thay đổi hết để phù hợp với font chữ hiện tại. Thì sẽ tốn một phần kinh tế rất là lớn, không phải của riêng ai hết.

Ngay cả riêng mình, tên của mình cũng sẽ bị thay đổi.

Ông Trần Phú Nhân, 70 tuổi, là một người trải qua cuộc chuyển đổi cách đọc từ “C-H” thành “Chờ” và một số chuyển đổi trong cách sử dụng ngôn ngữ khác lại có đánh giá khá tích cực về đề xuất giản lược chữ Việt của ông Bùi Hiền, thậm chí còn muốn đổi sang chữ mới này.

Cái đó có ý nghĩa chứ sao không có ý nghĩa, cái đề xuất ý nghĩa sâu lắm á, xem được.

<i>Những cái tên đường, những cái bảng hiệu, font chữ đều phải thay đổi hết để phù hợp với font chữ hiện tại. Thì sẽ tốn một phần kinh tế rất là lớn, không phải của riêng ai hết.<br/>- Lạc Đức Minh </i>

Lạc Đức Minh cho rằng cần thiết phải khảo sát ý kiến của người dân về các đề xuất từ phía trên, trong đó có các nghiên cứu của những vị có học hàm, học vị như của ông PGS.TS Bùi Hiền.

Cần làm một cái khảo sát nho nhỏ cũng như mạng xã hội vậy đó, xem coi cái nào hợp lý thì mình làm. Còn mình không đồng ý thì mình có quyền, vì đó là quan điểm cá nhân, đó là cái quyền của mình. Ví dụ trên 70% người Việt đồng ý là mình nên áp dụng thì mình nghĩ là nó ok.

Đề xuất của ông PGS.TS Bùi Hiền chịu nhiều chỉ trích tiêu cực từ phía công chúng. Trong cuộc tranh cãi sôi nổi xung quanh vấn đề này, Lạc Đức Minh tuy không ủng hộ việc đưa đề xuất này vào thực tế nhưng cho rằng mọi người nên chỉ trích một cách khác, vì theo Minh, đây là quan điểm cá nhân của PGS.TS Bùi Hiền, mà đã là quan điểm cá nhân thì cần được tôn trọng.

Chỉ trích thì cũng không nên đâu, vì đây là ý kiến cá nhân của bác thôi, chỉ ở dạng đề xuất thôi chứ không hẳn là được vận dụng vào thực tế. Tuy nhiên cũng có một số thông tin là đã in sách giáo khoa rồi, sách tiếng Việt lớp 1 đó. Hồi sáng cũng có thấy. Cái đó thì không được ok cho lắm. Còn theo ý kiến cá nhân mình thì chỉ trích thì không nên vì đó là ý kiến cá nhân của mỗi người thôi. Ai cũng có quan điểm cá nhân của mỗi người thôi cho nên mình không nên chỉ trích trong khi mình không có tiếng nói.

Một số trang báo mạng trong nước đưa tin bộ sách giáo khoa Tiếng Việt theo ký tự mới của PGS.TS Bùi Hiền đã được xuất bản. Tuy nhiên, khi trả lời kênh truyền hình VTV, ông Bùi Hiền cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu công trình của mình, dự kiến hoàn thành vào tháng 3 năm sau.