Cuộc chiến giữa những người anh em cũ
Cuộc chiến đang có khuynh hướng leo thang, giữa quân đội Nga cùng quân đội Gruzia (còn được gọi là Georgia), vốn là một phần của Liên Bang Xô Viết ngày xưa.
Vào buổi chiều thứ Năm, ngày 7 tháng Tám, quân đội Gruzia mở cuộc tấn công vào một doanh trại thuộc phe đòi ly khai sau khi bị phe này pháo kích.
Phía Nga tố cáo, là cuộc tấn công này khiến một số quân bảo vệ hòa bình của Nga tử thương. Sáng sớm hôm sau, thủ tướng Nga, Vladimir Putin tuyên bố rằng chuyện Nga phản ứng lại là điều tất nhiên. Phát ngôn nhân của ông là Dmitry Peskov trích lời ông, nói rằng một cuộc chiến tranh thực sự đang diễn ra.
Các hãng thông tấn, vào thời điểm ấy, đã truyền đi nhiều hình ảnh cho thấy hàng đoàn chiến xa Nga tiến vào Gruzia qua ngả Ossetia.
Tổng thống Gruzia, Mikhail Saakashvili tuyên bố vào ngày thứ Sáu, rằng cuộc dội bom của quân đội Nga “là cơn ác mộng tệ hại nhất mà con người có thể chịu đựng.” Ông nói, “cả ngày hôm nay, người Nga sử dụng hàng loạt phi cơ chiến đấu dội bom xuống Gruzia, và thậm chí nhắm vào cả thường dân. Nhiều thường dân trên mọi miền đất nước đã chết hoặc bị thương.”
Dư luận quốc tế bắt đầu lên tiếng!
Phát ngôn nhân tòa Bạch Ốc, bà Dana Perino, thì phát biểu rằng bà “muốn tái khẳng định nhân danh tổng thống Bush, là Hoa Kỳ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia, đồng thời kêu gọi một cuộc ngưng chiến ngay lập tức.”
Chủ Tịch Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu, ông Alexander Stubb thì cảnh báo là “Cuộc chiến đầy căng thẳng tại khu vực tranh chấp Nam Ossetia đưa đến rủi ro leo thang thành cuộc chiến toàn diện.” Ông nhận định thêm, rằng “Chiến tranh làm tàn phá toàn bộ khu vực” đồng thời kêu gọi tất cả các phía, cả người Gruzia, cả người Nga và người Nam Ossetia, cùng ngưng chiến, chấm dứt hành động quân sự và chấm dứt leo thang chiến tranh thêm nữa.”
Tổng Thư Ký Khối NATO, Jaap de Hoop Scheffer, ra thông cáo cho biết đặc biệt quan ngại về tình hình khu vực. Trong khi đó, bà Carmen Romero, nữ phát ngôn nhân NATO nói rằng khối này giữ liên lạc thường xuyên với tổng thống Gruzia và đang nói chuyện với phía Nga.
Đạn pháo cày xới thủ đô Tbilisi
Đến sáng thứ Bảy, theo tin của CNN, thì đạn pháo bắt đầu cày xới thủ đô Tbilisi của Gruzia. Văn phòng chính phủ, kể cả Nghị Viện nước này, đã được sơ tán tránh bom. Vào thời khắc đó, Thư Ký Ban An Ninh Quốc Gia Gruzia thông báo là lệnh thiết quân luật sẽ được ban ra trong vài giờ tới.
Có tin tức báo rằng, hải cảng Poti trên Biển Đen cùng phi trường Viziani gần thủ đô Tbilisi của Gruzia cũng hứng chịu đạn pháo.
Tường thuật của báo chí cho biết cả 2 phía tham chiến cùng chịu tổn thất nhân mạng nặng nề, ngay vào ngày thứ Sáu khi lực lượng Nga tiến vào lãnh thổ Nam Ossetia.
Người đứng đầu chính phủ ly khai tại Nam Ossetia nói rằng “1,400 người đã bị giết tại đây.” Trong khi đó, nhân viên Liên Hiệp Quốc báo cáo vào ngày thứ Sáu là “có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người đang tản cư khỏi Nam Ossetia để chạy về hướng thuộc vùng kiểm soát của người Nga.”
Gruzia vốn là một phần của Liên Bang Xô Viết cũ. Sau sự sụp đổ của hệ thống Xô Viết, Gruzia tách rời khỏi Moscow năm 1991, nghiêng về Tây Phương và có tham vọng gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, NATO. Còn khu vực Nam Ossetia thì kể từ những năm thập niên 1920s đã nhiều lần chiến đấu đòi độc lập khi chính quyền Xô Viết biến khu vực này thành một vùng tự trị bên trong Gruzia.
Nguyên do gây xung đột
Năm 1991, cùng với sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản Moscow, người dân Nam Ossetia bỏ phiếu tuyệt đại đa số ủng hộ quyền độc lập riêng của mình.
Miền Nam Ossetia có dân số khoảng 70 ngàn người, tuyên bố độc lập với Gruzia vào đầu thập niên 1990s nhưng không được sự thừa nhận của quốc tế. Điều tế nhị ở đây là, nhiều người thiểu số Ossetia lại cảm thấy gần gũi với nước Nga, họ dùng thẻ thông hành Nga và thậm chí dùng tiền tệ của Nga.
Từ năm 1992, theo một thỏa thuận giữa Gruzia, Nga và giới thẩm quyền tại Nam Ossetia, thì một lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ trú đóng tại khu vực này.
Thời gian gần đây, bạo lực lại leo thang trở lại tại khu vực này với những va chạm triền miên, và ngày càng trở nên khốc liệt giữa lực lượng Gruzia và các nhóm ly khai Nam Ossetia.
Cuộc chiến giữa Nga và Gruzia tạo mối quan ngại sâu sắc nơi các cường quốc thế giới, trong đó có Hoa Kỳ.
Lý do thứ nhất, chiến tranh Nga – Gruzia đe doạ sự ổn định của 1 khu vực quan trong liên quan đến dầu lửa. Thứ nhì, chiến tranh có thể ảnh hưởng đến sự vận chuyển dầu lửa, nhất là khi khu vực này có thể đóng vai trò của 1 lộ trình vận chuyển giúp né tránh không phải đi qua Nga và Iran.