Động đến lãnh đạo Việt Nam nên bị án nặng hơn người có cùng hành vi!

0:00 / 0:00

Facebooker Mã Phùng Ngọc Phú, 28 tuổi vào ngày 11/5 bị Toà án Nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, tuyên án 9 tháng tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân”.

Báo trong nước dẫn cáo trạng cho biết cô Phú đã dùng tài khoản có tên James Ng để đăng bài viết vào ngày 25/2 với nội dung: “Mới nhận được tin hôm nay có người chết vì virus corona ở Việt Nam, sao không thấy tờ báo nào viết hết vậy ta”.

Ngoài ra, cơ quan an ninh điều tra xác định cô Phú đã sử dụng tài khoản facebook nói trên để đăng tải, chia sẻ 14 bài viết không đúng sự thật về đại dịch COVID-19, và xuyên tạc, phỉ báng nhà nước, thậm chí còn bình luận, bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo đảng và nhà nước.

Trước đó một tuần, một thanh niên khác là Đinh Vĩnh Sơn, 27 tuổi, ngụ tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng cũng bị ra tòa vào ngày 6/5 vì bị kết tội đã sử dụng facebook để loan tin rằng Đà Lạt có 3 người nhiễm COVID-19, trong đó có 1 người chết.

Tuy nhiên, anh Sơn chỉ bị kết án 9 tháng tù treo, 18 tháng thử thách và phạt bổ sung số tiền 30 triệu đồng với tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.

Trên các diễn đàn và các trang mạng xã hội, nhiều người bày tỏ nghi ngờ về việc cùng đưa tin bị cho là sai nhưng mức án chênh lệch hoàn toàn, phải chăng mức án khác biệt do cô Mã Phùng Ngọc Phú đưa tin được cho là sai lệch về lãnh đạo chính phủ Hà Nội?

Theo quan điểm cá nhân, Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng nhận định:

“Chúng ta thấy khi những người chúng ta tạm gọi là bất đồng chính kiến, những người lên tiếng về bất dung xã hội thường bị ghép vào tội hình sự hóa tất cả vụ án về chính trị. Nhà nước Việt Nam đều nói Việt Nam không có tù chính trị mà các nước dân chủ trên thế giới đều không coi đây là tội vì mọi người đều được quyền tự do chính trị. Tôi cũng đồng ý với các nhận xét khi người lên tiếng như người ta nói tội phạm hình sự là phỉ báng lãnh đạo thì đúng là người ta mang facebooker này và vì tội đó nhưng họ tránh thành đưa tin sai lệch về dịch COVID-19.”

Dưới góc độ luật pháp, Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội cho rằng sở dĩ có sự chênh lệch người án treo và người có án tù là do luật pháp có quy định rõ hơn về việc ai được hưởng án treo và ai không được. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh:

“Trong luật không quy định nói xấu cán bộ Đảng, nhà nước không được hưởng án treo.”

Giải thích rõ hơn, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết sự khác nhau giữa hai mức án phục thuộc hai yếu tố trong đó một yếu tố có thể chấp nhận được gọi là cá nhân hóa hình phạt, yếu tố thứ hai cũng có thể do sự cảm nhận, đánh giá tùy tiện của tòa án. Ông giảng giải:

“Trong cùng một vụ án, ví dụ cướp giật chẳng hạn, cùng một loại tài sản bị cướp nhưng có người mức án cao hơn, người mức án thấp hơn là hết sức bình thường. Trong luật hình sự gọi là cá nhân hóa hình phạt, tức là hình phạt phụ thuộc vào nhiều yếu tố như một trong hai người có tiền án, tiền sự, nhân thân xấu, thì lần này phạm tội khả năng hình phạt của họ sẽ cao hơn người chưa bao giờ phạm tội. Nên việc chênh lệch mức án là nguyên tắc luật hình sự. Riêng ở Việt Nam đôi khi cũng có trường hợp mỗi một cấp tòa có việc xử khác nhau. Bên cạnh cá nhân hóa hình phạt là nguyên tắc thì cũng có việc tòa áp dụng hơi tùy tiện vì những tội đưa hoang tin tức tin không có thật, thì việc đánh giá mức độ tác động thế nào tới xã hội hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi một thẩm phán khi họ xét xử, thuộc vào yếu tố cảm tính của họ.”

Ứng dụng Facebook có thể được dùng trên các thiết bị khác nhau.
Ứng dụng Facebook có thể được dùng trên các thiết bị khác nhau. (Reuters)

Vẫn theo Luật sư Mạnh, sở dĩ Facebooker Mã Phùng Ngọc Phú bị mức án nặng hơn do phía tòa cho rằng cô này có tiền sử hay đưa tin mà theo chính quyền gọi là hoang tin và tòa đưa những chi tiết này vào hồ sơ vụ án để cân nhắc nên cô bị tuyên 9 tháng tù giam.

Báo trong nước trích nội dung phiên tòa 11/5 cho hay, bên cạnh việc đăng tải không đúng sự thật, gây hoang mang trong dư luận, Hội đồng xét xử nhận định hành vi của cô Mã Phùng Ngọc Phú còn gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của Đảng, Nhà nước; xâm phạm đến danh dự, uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Vì vậy, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam cho rằng mức án chênh lệch nhau giữa hai Facebooker được dựa trên những quy định pháp luật đã được ban hành từ trước.

“Chính phủ đã ban hành Nghị định 174, sau này thêm Nghị định 15 bắt đầu ngày 15/4, xử phạt đến 30 triệu đồng đối với hành vi sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín. Tùy theo tính chất, người đó vi phạm gây hoang mang nhân dân, thiệt hại kinh tế xã hội thì ngoài mức xử phạt còn có thể xử lý hình sự. Mỗi một nơi tôi nghĩ có hành vi khác nhưng tôi nghĩ các quy định pháp luật Việt Nam là thống nhất. Nên người vận dụng pháp luật thấy hành vi này nặng thì phải xử nặng hơn.”

Trong trường hợp cô Mã Phùng Ngọc Phú, Luật sư Hậu cho rằng ngoài việc xử lý tùy theo tính chất những tin đồn sai lệch, thiếu kiểm duyệt, xác minh gây khó khăn cho công tác ngăn chặn phòng chống dịch, cô còn bị xử phạt vì thông tin bịa đặt với cán bộ, lãnh đạo chính phủ:

“Cô vu khống, nói không đúng sự thật chính sách nhà nước thì phải xử lý hình sự. Điều 156 của Bộ luật Hình sự có xử lý tội vu khống có quy định rõ người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù 3 tháng tới 7 năm.”

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, cần xử lý nghiêm khắc cá nhân đưa thông tin sai lệch về dịch bệnh COVID-19 và cả đường lối, chính sách, lãnh đạo nhà nước vì:

“Việt Nam sở dĩ xử lý nghiêm như vậy thì bây giờ mới trở lại bình thường được, phải làm vậy để làm gương cho những người khác.”

Còn theo nhà báo Ngô Nhật Đăng, sở dĩ chính phủ Hà Nội đang mạnh tay xử phạt những Facebooker đưa tin được cho là xuyên tạc, không đúng là do:

“Tôi cho rằng nhà nước đang chọn phương án đàn áp một cách khốc liệt hơn để quay trở về như ngày xưa: nhà nước có thể quản lý toàn bộ vấn đề trong xã hội.”

Không chỉ mạnh tay với người dân trong nước, chính phủ Hà Nội cũng đã có những biện pháp hạn chế truy cập đối với máy chủ địa phương khiến Facebook không thể sử dụng trong nhiều khoảng thời gian.

Rốt cuộc, vào ngày 21 tháng 4, Reuters đăng tải bài viết cho biết Facebook đã bắt đầu tăng cường đáng kể việc kiểm duyệt những nội dung ‘chống chính quyền’ tại Việt Nam.