37 năm nhìn lại - phần 1

Mặc dù đã 37 năm trôi qua, nhưng mỗi khi Tháng Tư về, người Việt hải ngoại vẫn không làm sao quên được những tai ương đã đến với họ sau cái ngày mà họ gọi là "Ngày Quốc Hận".

0:00 / 0:00

Tại Houston, cũng như mọi năm, năm nay ngoài những buổi lễ ghi dấu "Ngày Quốc Hận" - mà trong nước gọi là "Ngày Giải Phóng", hay "Ngày Chiến Thắng" - các buổi lễ tưởng niệm những người con dân Việt đã bỏ mình vì hai chữ Tự Do, và biểu tình phản đối Hà Nội trước tòa tổng Lãnh sự Việt Nam, còn có nhiều buổi văn nghệ để nhớ về "Biến cố 30/4".

Cải tạo không biết ngày về

Trong chương trình Thơ Nhạc "30 Tháng Tư, Một Ngày Nhìn Lại" do hội Văn Bút Nam Hoa Kỳ tổ chức vào ngày 15 tháng Tư, diễn giả Nguyễn Mạnh An Dân đã đọc lên những câu thơ viết về phụ nữ Việt Nam, đã phải một mình lo nuôi con thơ dại và nuôi chồng đang bị tù đày trong các trại tập trung, do các nhà thơ tù sáng tác.

Đường xa nón lá bung vành
Thương em lả ngọn rau xanh bờ rào
Em về bước thấp bước cao
Nước mưa nước mắt lẫn vào nước non

Hay những vần thơ nói lên những phút giây ngắn ngủi được thăm viếng chồng

Nhìn trời sống mũi cay cay
Mấy năm mới được có ngày gặp nhau
Một giờ gặp mặt qua mau
Năm ba câu chuyện đau đâu đã tàn

Và vài câu thơ viết về tâm trạng của người yêu mòn mỏi đợi chờ vị hôn phu đang ở trong tù:

Ổng nói ổng đi 10 ngày ổng về mà ổng đi mất tiêu. Họ kêu đi học tập mà họ nhốt 7 năm mới cho về. Ba năm họ mới cho tin tức là đang cải tạo ở trại Cà Tum.

Chị Ngọc Diệp

Cô giáo vào dạy học trò
Nhìn đâu cũng thấy buồn xo mắt người
Bài học xã hội tốt tươi
Đến giờ phải giảng ngậm ngùi lại thôi

Chị Trịnh Kim Duyên cho biết khi miền Nam thất thủ chị mới 26 tuổi, đang làm việc tại bệnh viện Sài gòn, lúc đó chị có 2 con nhỏ, cháu lớn 5 tuổi, cháu bé 17 tháng, chồng chị bị đi "cải tạo" tại Rừng Lá:

"Họ nói tập trung để đi cải tạo nhưng thật ra là đi tù, chứ cải tạo cái gì! Đầu tiên thì trình diện ở trường học đường Nguyễn chí Thanh, xong họ chở đi Hóc Môn ở một thời gian, rồi chở đi Z-30D Hàm Tân, ở Phan Thiết. Mãi sau này mới có lệnh được đi thăm."

Còn chị Ngọc Diệp lúc đó 28 tuổi, có con một tuổi và đang mang thai 2 tháng. Chị cho biết vợ chồng chị từ Ban Mê Thuộc chạy về Sài gòn:

"Đánh Ban Mê Thuộc thì chồng tôi trở về Sàigòn. Rồi họ ra lệnh phải ra trình diện. Ổng đưa mẹ con tôi về gửi nhà bà ngoại ở Cần Thơ. Ổng nói ổng đi 10 ngày ổng về mà ổng đi mất tiêu. Họ kêu đi học tập mà họ nhốt 7 năm mới cho về. Ba năm họ mới cho tin tức là đang cải tạo ở trại Cà Tum."

Và chị Kim Kiều thì chỉ mới 24 tuổi, đang là sinh viên trường Luật tại Sàigòn, khi Hà Nội cưỡng chiếm miền Nam, chị cho biết là sau ngày 30 tháng 4 năm 75, trường Văn khoa và Luật khoa bị đóng cửa và chị được đi dạy học môn Văn tại một trường xa thành phố :

"Tụi tui quen cũng lâu rồi nhưng khi VC vô thì mới đám hỏi. Tại vì anh ấy đi lính mà tôi thì con út, trong nhà các anh cũng là quân nhân nhưng ba má tôi nói là làm cao rồi nên không sợ chết. Còn anh Dân thì đi bộ binh nên ba má tôi sợ chết, ba má tôi phản đối, không cho đám cưới. Việt cộng vô thì coi như bình yên rồi, không còn đánh nhau nữa nên cho làm đám hỏi. Đám hỏi xong thì tưởng là đi 10 ngày rồi về. Họ nói đi một tháng hay 10 ngày gì đó. Nhưng mà ổng đi mút chỉ, một năm sau mới có thư về cho đi thăm nuôi. Lúc đó anh ấy ở Suối Máu, anh ấy ở đó một thời gian lâu lắm. Sau đó thì lên Tống Lê Chân làm nhà, làm vườn cho họ. Anh ấy đi là tháng 6 năm 75 đến tháng 3 năm 81 thì về"

Đoạn trường thăm nuôi

RFA-NgocDiep-hv1-250.jpg
Chị Ngọc Diệp (trái) trò chuyện cùng thông tín viên Hiền Vy của RFA. RFA photo (Chị Ngọc Diệp (trái) trò chuyện cùng thông tín viên Hiền Vy của RFA. RFA photo)

Trong khi chị Kim Duyên kể lại đoạn đường gian khổ đi thăm chồng tại trại Hàm Tân:

"Đi thăm ở Hóc Môn thì dễ mà đi thăm ở Rừng Lá thì Trời ơi là nó khổ. Đi qua rừng, mấy cái rạch nước mà cuốn chiếu nó to bằng ngón tay út. Trời ơi, không dám bước, sợ lắm! Nhờ người ta thồi đồ vô chứ mình đâu có vác được. Đường rừng dài lắm."

Thì chị Ngọc Diệp cho biết, vì con còn nhỏ nên ba hay bốn tháng chị mới đi thăm chồng được một lần. Nhưng có bà mẹ chồng thì đi thăm thường hơn vì bà ở gần hơn:

"Hồi đó con tôi còn nhỏ, nên bà nội mấy cháu đi thăm thường hơn. Từ Cần Thơ đi Tây Ninh xa lắm nhưng thăm được thì mừng lắm. Có lần đi tới bị trễ họ không cho thăm, họ biểu ra nhà dân mà ở rồi hôm sau mới được vào thăm sớm. Sáng mai thì tôi dắt con và bà nội vào thăm thì họ chỉ cho thăm 15 phút thôi. Họ đứng họ canh.

Trước khi đi thăm thì họ nói là chính phủ khoan hồng cho mấy chị thăm chồng thăm con mà cấm không được hôn hít. Nhưng mà mấy ổng cũng hôn hà. Thăm xong ra về ông nào cũng ôm vợ hôn."

Còn chị Kim Kiều thì nói, sau cả năm trời không có tin tức, nên khi có giấy báo cho đi thăm thì chị em trong nhà củng nhau đi thăm vị hôn phu của chị. Những người chị của chị đều có chồng đi tù cải tạo nhưng chưa ai nhận được giấy báo tin:

Có lần đi tới bị trễ họ không cho thăm, họ biểu ra nhà dân mà ở rồi hôm sau mới được vào thăm sớm. Sáng mai thì tôi dắt con và bà nội vào thăm thì họ chỉ cho thăm 15 phút thôi.

Chị Ngọc Diệp

"Cả một năm mà không ai biết tin tức gì hết. Nhà tôi toàn là bị đi cải tạo. Tôi là út mà chồng chưa cưới cũng bị đi, mà anh ấy chỉ là trung úy thôi, còn bị đi như vậy thì mấy anh kia bị đi mút chỉ luôn. Trong nhà buồn lắm lận. Tới khi được tin đi thăm nuôi thì mừng muốn khóc luôn. Mấy bà chị cũng đi theo luôn chứ mấy chị chưa có được giấy, thành ra mấy chị đi theo tôi lên thăm ảnh luôn. Lúc lên thăm ảnh thì thăm em trai ảnh là Luyện nữa, cũng ở cùng chỗ với ảnh. Lên thăm thì có gì đem hết đi. Ảnh thì mạnh nhưng Luyện thì không ra được vì người đầy ghẻ lở. Đến cái độ là không làm gì được cả, ảnh phải đút cơm cho Luyện ăn..."

Mời quí thính giả đón nghe phần 2 của câu chuyện về những người thiếu phụ này trong chương trình kỳ tới.

Opens in new window

Video: Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 qua âm nhạcOpens in new window ]

Theo dòng thời sự: