Tổng Bí Thư chỉ đạo cũng như nhấn mạnh mỗi đảng viên cần phải cấp bách làm gì để Đảng lấy lại niềm tin của nhân dân trong việc lãnh đạo đất nước. Nhìn từ góc độ quản lý tôn giáo, Đảng cần phải chỉnh đốn trong lãnh vực này hay không, và chính sách tự do tôn giáo của Đảng và nhà nước áp dụng cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam như thế nào?
Trong Đại Hội Đảng khóa XI diễn ra cuối tháng hai, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo toàn bộ cán bộ, đảng viên phải thực hiện Nghị quyết Trung Ương 4 vì theo như phát biểu của Tổng Bí Thư Đảng là do “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng”.
Ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nhân dân tin tưởng thì mỗi đảng viên từ Trung Ương đến cơ sở phải tự phê bình và phê bình, phát huy ưu điểm, có kế hoạch cũng như biện pháp sửa chữa những khuyết điểm. Nhưng đối với người dân việc chỉnh đốn Đảng không phải là sự sửa sai của mỗi đảng viên mà điều cốt lõi Đảng cần làm là phải thay đổi cơ chế quản lý, đường lối chính sách lãnh đạo đất nước của Đảng hiện nay.
Không thể đối thoại
Trong khuôn khổ bài viết này, Hòa Ái trình bày về chính sách tự do tôn giáo của Việt Nam đối với Giáo Hội Công Giáo có thật sự được thi hành đúng như tiêu chí mà Đảng và nhà nước đặt ra hay không. Trả lời câu hỏi của đài RFA rằng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có thực hành đúng theo chính sách tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo của nhà nước đề ra, Linh Mục Nguyễn Ngọc Nam Phong trả lời:
“Vấn đề tự do tín ngưỡng tôi thấy rằng khái niệm này ở Việt Nam rất là mơ hồ. Bởi vì phía nhà nước luôn luôn nói có tự do tôn giáo, nhưng trong thực tế thì lại không phải như vậy. Đối với người Công Giáo ở Việt Nam hiện nay, họ bị tước rất nhiều quyền lợi đáng lẽ họ phải được hưởng theo những qui định của luật pháp. Tự do tôn giáo trong ngôn từ thôi, về thực tế còn bị hạn chế rất nhiều, ngăn cấm rất nhiều.”
Rõ ràng không có sự đối thoại nào giữa giáo hội với chính quyền vì đôi bên quan điểm và nhận thức vấn đề vẫn còn có những mâu thuẫn với nhau, chưa có sự đồng thuận ...
LM Nguyễn Ngọc Nam Phong
Trong những cuộc trao đổi với các Linh Mục ở những địa phận giáo xứ khác nhau, các Linh Mục đều nêu lên vấn đề đất đai theo chỉ thị 1940/2008 của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành, các giáo xứ địa phương đều tiến hành theo trình tự thủ tục của pháp luật để lấy lại đất đai cũng như các cơ sở thờ tự của giáo xứ như giáo xứ Thái Hà, Vinh, Quảng Bình, La Vang đều luôn bị chính quyền địa phương rơi vào tình trạng im lặng.
Các Linh Mục cho biết khi giáo hội biết được mục đích sử dụng những tài sản của giáo hội không vì lợi ích công ích mà bị biến thành tài sản tư lợi thì giáo hội phải lên tiếng. Khi địa phận giáo xứ làm theo thủ tục pháp luật mà chính quyền địa phương không trả lời hay can thiệp thì họ phải có hành động để đòi hỏi cho sự công bằng, cho lẽ phải. Linh Mục Nguyễn Ngọc Nam Phong cho biết ý kiến như sau:
“Nói chung tất cả đất đai của giáo hội nhà nước cưỡng chiếm trước đây đều là cưỡng chế một cách vi hiến. Họ chẳng có một cơ sở nào cả. Họ cứ đến, rồi trong lúc còn mạnh thì họ cưỡng chiếm của giáo hội thôi. Chắc chắn trong hoàn cảnh không còn cách nào khác, giáo hội đành phải để cho người ta lấy những khu đất đấy. Và cũng chờ đợi đến một thời điểm nào đó thì chúng tôi cũng phải lên tiếng đòi lại tất cả những cơ sở thờ tự của chúng tôi. Bởi vì không thể biến cơ sở thờ tự thành những hoạt động có tính chất kinh doanh. Bởi vì thực ra tôn giáo cũng đang phục vụ công ích chứ không phục vụ một cá nhân nào cả.”
Những hoạt động công ích của giáo hội trong đó có việc mở trường học, mở bệnh bệnh viện để phục vụ dân sinh, nhưng theo khuôn khổ luật pháp hiện nay, giáo hội chỉ có thể mở cơ sở giữ trẻ mà thôi. Và giáo hội không được nhà nước công nhận như một pháp nhân độc lập cho nên không được mua bán hay nhận lãnh đất đai, cơ sở để phát triển.
Về thực hành mục vụ ở các vùng sâu vùng xa thì đặc biệt bị hạn chế một cách nghiêm ngặt. Ở mạn Tây Bắc, các dân tộc thiểu số, trong đó phần đông là đồng bào H’mong xin phép chính quyền địa phương lập nhà thờ để có nơi cho họ thờ phượng thì chính quyền sở tại cho rằng những người dân này không có nhu cầu tôn giáo. Nhưng nếu người dân tụ họp tại nhà để cùng thực hành tín ngưỡng của mình thì bị cho là vi phạm pháp luật.
Quan điểm quá cách biệt
Các Linh Mục tìm mọi cách đối thoại với chính quyền địa phương nhưng chính quyền tìm mọi cách thối thoát trách nhiệm, không đứng ra trực tiếp giải quyết. Các Linh Mục cho rằng tình trạng chung của Việt Nam hiện nay là liên quan đến vấn đề tôn giáo thì không có một cơ quan có thẩm quyền nào đứng ra có trách nhiệm trực tiếp đối thoại với giáo hội, vì thế mọi chuyện vẫn cứ bế tắc. Mỗi nơi, mỗi địa phương làm theo cách hiểu của họ.
Một trường hợp điển hình mới xảy ra ở Giáo Xứ Kon Hring, Kontum cho thấy rất là khó khăn để có thể đối thoại với chính quyền vùng sâu vùng xa. Theo qui định của nhà nước ban hành về lễ tang, giỗ có quyền làm tại tư gia. Việc Linh Mục Nguyễn Quang Hoa đến nhà giáo dân để dâng lễ an táng thì bị chính quyền địa phương cho là vi phạm pháp luật. Ủy ban nhân dân xã Đăk Hring ra tuyên bố nếu còn vi phạm sẽ xử lý theo pháp luật. Một ngày sau, Linh Mục Nguyễn Quang Hoa đến dâng lễ an táng cho một giáo dân qua đời, trên đường trở về bị côn đồ đánh. Linh Mục Nguyễn Ngọc Nam Phong nói:
“Rõ ràng không có sự đối thoại nào giữa giáo hội cũng như với chính quyền. Và hầu như không thể đối thoại được bởi vì đôi bên quan điểm và nhận thức vấn đề vẫn còn có những mâu thuẫn với nhau, chưa có sự đồng thuận về mọi lãnh vực trong đời sống đạo cũng như trong quan điểm của đôi bên”.
Theo qui định của luật pháp thì người dân có quyền tự do tín ngưỡng, nhưng Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo và Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này thì lại không nhằm vào phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Ngay cả trong các hoạt động xã hội của giao hội cũng bị trói chặt. Giáo hội không thể tiến hành công tác truyền giáo bên ngoài giáo xứ, không thể làm công tác từ thiện vì chính quyền địa phương thật sự không hợp tác với giáo hội.
Trong những vụ việc xảy ra mâu thuẫn ở các giáo xứ với chính quyền địa phương thời gian gần đây hay các Linh Mục và tín hữu gặp khó khăn trở ngại hay thậm chí bị hành hung trong việc thực hành tôn giáo tâm linh vẫn không làm giảm đức tin nơi họ. Linh Mục Lê Ngọc Thanh cho biết ý kiến của mình:
“Anh có cấm người ta thì người ta vẫn sống đạo. Anh có cấm người ta thì người ta vẫn sống đức tin. Ngược lại khi anh tạo cơ hội thì đời sống đức tin sẽ được phát triển mạnh hơn, sẽ làm cho đất nước phát triển phồn vinh hơn. Đó là lẽ tự nhiên thôi. Tôi thấy rằng việc càng gây khó khăn cho tôn giáo thì đất nước càng trở nên khó khăn hơn. Bởi vì ai cũng có tín ngưỡng hết, vấn đề là có thừa nhận công khai hay không. Chứ còn tín ngưỡng không ai mà không có. Nên vấn đề phải làm sao cho đời sống tín ngưỡng của mọi người dân phải được sống sung mãn, đó là bổn phận của người trị quốc.”
Chính quyền Việt Nam thừa biết rằng việc gây khó khăn chẳng có lợi gì cho nhà nước về mọi mặt như chính trị, đời sống văn hóa, cũng như về việc quản trị đất nước. Bởi vì người công giáo không phải là một số lượng nhỏ. Đối với người công giáo, họ có một niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin ấy làm cho họ vượt qua được tất cả mọi khó khăn như lời chia sẻ của Linh Mục Lê Ngọc Thanh:
Anh có cấm người ta thì người ta vẫn sống đức tin...Nên vấn đề phải làm sao cho đời sống tín ngưỡng của mọi người dân phải được sống sung mãn, đó là bổn phận của người trị quốc!
LM Lê Ngọc Thanh
“Trong thực tế, những người giáo dân đã dấn thân để đòi công lý cho giáo hội tức là qua đó cho cả dân Việt Nam thì họ không bao giờ bị mất đức tin vì việc bị bắt bớ cả. Chắc chắn là như vậy. Ngược lại, sẽ còn khơi lên hàng loạt những niềm tin mới cho những người chưa có đức tin ở ngoài giáo hội cho họ thấy những người dám dấn thân cho công bằng của xã hội.”
Các Linh Mục nhận thấy trong xu thế hiện nay của thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, nhà nước đến lúc phải cởi mở hơn về đời sống tôn giáo. Chỉnh đốn tư cách và đạo đức của đảng viên sẽ không hiệu quả khi thiếu cái nhìn bao quát về chính sách đối với các tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng.
Chính phủ nên chọn giải pháp khôn ngoan cởi mở cho đời sống tôn giáo nếu không muốn những vụ tranh chấp, đối đầu giữa giáo dân và nhà nước xảy ra thường xuyên gây xáo trộn đời sống sinh hoạt của người dân. Tín lý của người theo đạo Thiên Chúa là thà mất mạng chứ không mất đạo và điều này đã được lịch sử chứng minh. Vậy liệu những cuộc đối đầu có thể tránh được nhà nước sẽ áp dụng vào chính sách tôn giáo ra sao để tạo sự gắn bó thật sự giữa người công giáo và nhà nước trong hoàn cảnh phức tạp hiện nay?
[ Video: Webcast sáng 12-03-2012Opens in new window ]
Theo dòng thời sự:
- Chỉnh đốn Đảng nhưng không chỉnh đốn tự do tôn giáo
- Vì sao nói khác làm trong Tự do Tôn giáo?
- Phiên tòa xét xử ông Nguyễn Văn Lía và Trần Hoài Ân
- Tại sao phải công an hóa Ban Tôn Giáo Chính Phủ?
- Việt Nam tìm cách giải quyết các vấn đề tôn giáo và đất đai
- Thẳng tay đàn áp Phật Giáo Hòa Hảo
- Công an quấy nhiễu Pháp Luân Công bằng nhiều thủ thuật?
- Giáo Hội Tin Lành Mennonite VN lại bị đàn áp
- Sinh hoạt tôn giáo tại VN theo phúc trình của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ