Nghịch lý giáo viên vừa thừa, vừa thiếu

0:00 / 0:00

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Việt Nam, trong năm học 2020-2021, quốc gia này thừa hơn 10 ngàn giáo viên chủ yếu ở cấp tiểu học và trung học. Trong đó, có hơn 5.300 giáo viên cấp tiểu học không có việc làm, cấp Trung học Cơ sở có gần 4.700 giáo viên và cấp Trung học Phổ thông thừa 3.155 giáo viên.

Nguyên nhân theo Bộ GD&ĐT là do việc tuyển dụng không phù hợp quy mô phát triển trường, lớp, học sinh... Ngoài ra, việc phân công giáo viên cũng chưa phù hợp, nhiều địa phương chưa có sự chỉ đạo thống nhất của chính quyền cấp tỉnh/thành phố trong việc điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu trên phạm vi toàn tỉnh, thành đó... Và do tình trạng di dân cơ học tại một số khu công nghiệp, đô thị lớn...

Họ muốn sinh viên vào học để các giáo viên, giảng viên có công ăn việc làm, có nguồn thu... nếu không có sinh viên đến học thì sẽ không được cấp ngân sách... Đây là vấn nạn tại Việt Nam, không biết làm sao để chữa được.
-Thầy Đỗ Việt Khoa

Vì sao sinh viên ngành sư phạm ra trường không thể kiếm việc mà vẫn có rất nhiều thí sinh thi vào các trường sư phạm? Vì sao các trường sư phạm không hạn chế tuyển sinh? Thầy Đỗ Việt Khoa, hiện giảng dạy tại trường Trung học Phổ thông Thường Tín, Hà Nội, khi trả lời RFA hôm 24/8, nhận định:

“Tình trạng thừa giáo viên rất nghiêm trọng, thứ nhất sinh viên vào ngành sư phạm được miễn học phí, được cấp sinh hoạt phí mỗi tháng 3,6 triệu. Điều này đã được thực hiện từ lâu, thu hút nhiều em vào học sư phạm. Tuy nhiên nhiều trường sư phạm ở các tỉnh đều chung một tình trạng là đua nhau tuyển sinh vượt rất xa nhu cầu thực tế của địa phương. Trong khi đó sinh viên phải cam kết khi tốt nghiệp phải đi dạy, nếu không phải trả lại học bổng. Trên thực tế thì địa bàn tỉnh Hà Tây cũ chỗ tôi nhiều năm số sinh viên sư phạm không xin được việc làm lên đến hơn 20 ngàn trường hợp. Khi Hà Tây nhập vào Hà Nội thì lại thêm các trường sư phạm ở Hà Nội, nên đào tạo ra lực lượng giáo viên rất đông nhưng biên chế thì lại lấy rất ít, chưa tới 1%.”

Theo Thầy Đỗ Việt Khoa, việc này làm lãng phí ngân sách quốc gia, lãng phí thời gian, công sức học của các bạn trẻ... đó là thảm họa chung. Ông nói tiếp:

“Tôi cho rằng điều này hoàn toàn không hợp lý, vì đã tuyển sinh vào, đã tốt nghiệp sư phạm thì phải phù hợp nhu cầy thị trường và có thể đi dạy. Người ta biết rất rõ nhu cầu của tỉnh mỗi năm là bao nhiêu giáo viên, nhưng người ta cố tình tuyển sinh ào ạt để đào tạo. Nguyên nhân chính của việc đào tạo thừa là do lợi ích cục bộ của các trường, các tỉnh. Các trường, các tỉnh này đua nhau tuyển sinh nhưng không báo cho sinh viên biết cái nhu cầu của địa phương. Họ muốn sinh viên vào học để các giáo viên, giảng viên có công ăn việc làm, có nguồn thu... nếu không có sinh viên đến học thì sẽ không được cấp ngân sách... Đây là vấn nạn tại Việt Nam, không biết làm sao để chữa được.”

f8e0abf1-4115-46c8-94c4-9a3415ce0ad4.jpeg
Ảnh minh họa: Một lớp học tại trường Marie Curie, Hà Nội vào ngày 4 tháng 5 năm 2020. AFP.

Nhiều chuyên gia giáo dục khi trả lời báo chí nhà nước cho rằng, những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng giáo viên thừa là do công tác quy hoạch, dự báo, tổ chức quy mô trường lớp ở các địa phương còn nhiều yếu kém. Ngoài ra, chủ trương tinh giản biên chế của Nhà nước khiến nhiều địa phương không được giao chỉ tiêu biên chế. Những bất cập này dẫn đến hàng loạt vụ giáo viên bị thiệt thòi khi thi tuyển, xét tuyển, bị cho nghỉ dạy… như ở Quảng Nam, Đắc Lắc, Hà Nội…từng gây bức xúc dư luận.

Trao đổi với RFA vào tối ngày 24/8, Phó Giáo sư -Tiến sĩ Hoàng Dũng, thuộc Đại học Sư phạm TPHCM giải thích:

“Lý do là thế này, tất cả các trường đại học muốn tuyển sinh bao nhiêu thì không phải là quyền của trường đó, ở Việt Nam là do Bộ Giáo dục cho phép, thành thử họ phải tính toán số lượng giáo viên cần bao nhiêu, thì cho phép đào tạo bấy nhiêu. Bây giờ họ nói đào tạo thừa thì lỗi của người cho phép, chứ không phải lỗi của người đi học, làm sao người học biết thừa hay thiếu. Thành ra tôi nghĩ trách nhiệm chính là của Bộ Giáo dục, phải suy nghĩ cách nào để thay đổi tình trạng này.”

Tuy nhiên theo Phó Giáo sư -Tiến sĩ Hoàng Dũng, thật ra giáo viên tuy có thừa nhưng cũng có thiếu, ông giải thích:

“Bởi vì giáo viên thì tùy ngành, có ngành thừa thật, nhưng có ngành thì không, có ngành thì rất thiếu, có cấp thì rất thiếu... Và có vùng thì thừa nhưng có vùng thì rất thiếu, tất cả bài toán đó đặt ra trước mặt người có trách nhiệm, mà giải quyết không dễ. Ngoài ra có mâu thuẫn, một mặt buộc người ta phải trả lại tiền học, vay thì phải trả, chuyện đó có vẻ sòng phẳng... nhưng mặt khác chính Nhà nước cũng phải thừa nhận là thừa, nên việc sinh viên tốt nghiệp xin đi dạy là khó khăn, nhiều trường hợp là không thể... thì như thế làm sao sinh viên trả tiền... đó là mâu thuẫn. Tuy nhiên trên thực tế, không dễ mà thu lại tiền của người đi học, có em đi dạy rồi trả lại tiền vay, nhưng tôi cũng biết có khá nhiều em chưa trả được và nhà nước cũng chưa có cách giải quyết cho rốt ráo nữa.”

Giáo viên thì tùy ngành, có ngành thừa thật, nhưng có ngành thì không, có ngành thì rất thiếu, có cấp thì rất thiếu... Và có vùng thì thừa nhưng có vùng thì rất thiếu, tất cả bài toán đó đặt ra trước mặt người có trách nhiệm, mà giải quyết không dễ.
-Phó Giáo sư -Tiến sĩ Hoàng Dũng

Vào ngày 23/8/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 3397 nhằm hướng dẫn các địa phương giải quyết tình trạng thừa giáo viên các cấp học phổ thông.

Một trong những giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo là điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu... Tuy nhiên giải pháp này cũng không thật sự hiệu quả khi nhiều giáo viên không thể đến vùng sâu, vùng xa...

Ngoài ra theo Bộ GD&ĐT, những giáo viên còn độ tuổi công tác, có năng lực thì sẽ tổ chức đào tạo giáo viên văn bằng hai, bồi dưỡng chuyên môn để đủ điều kiện dạy các môn học còn thiếu...

Liên quan vấn đề này, Phó Giáo sư -Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhận định:

“Người ta có chính sách như thế, tuy nhiên chỉ có thể giải quyết cho một số người, còn lại không thể giải quyết. Chẳng hạn như ngành toán thì làm sao chuyển sang ngành văn, người ta chỉ chuyển qua những ngành gần gần thôi, có một số môn không cần học lại... Chứ còn ngành văn sang toán, hay ngược lại thì phải học lại từ đầu.”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, ông không dám khẳng định các nhà quản lý có thể đủ sức để mà trong thời gian ngắn có thể làm cho các giáo viên có thể chuyển chuyên ngành mà vẫn đạt chất lượng.