Khó thoát vòng xoáy đình trệ - lạm phát

Việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất quá sớm, cởi trói tín dụng cứu bất động sản và cơ cấu nợ xấu được một số chuyên gia cho là Việt Nam đang trở lại giai đoạn chống suy giảm kinh tế.

0:00 / 0:00

Liên tục xoay vòng

Theo báo cáo được phổ biến của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, trong quí 1/2012 tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng âm 2,13%, nếu tính luôn yếu tố lạm phát thì con số này là âm 4,68%. Như thế khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế bị suy giảm và tình trạng nhiều doanh nghiệp không còn đủ điều kiện vay vốn ngân hàng sau một thời gian dài khó khăn.

Ông Vân Thành Huy Tổng giám đốc Công ty Inexim Daklak, một đại công ty doanh thu hơn ngàn tỷ đồng, nay trên bờ vực phá sản phát biểu như một minh họa:

“Trong tình hình kiềm chế lạm phát của chính phủ, thứ nhất thắt chặt tiền tệ các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn. Thứ hai lãi suất quá cao. Lãi suất một năm từ 20% - 22% thì quá cao so với lợi nhuận trên mặt hàng đó. Bây giờ kinh doanh lợi nhuận 10% là quá hy vọng rồi mà so với lãi suất thì quá cao.”

doanh-nghiep-250.jpg
Hàng chục ngàn doanh nghiệp giải thể hay ngừng hoạt động riêng trong quí 1/ 2012. RFA/AFP photo.

Mặt khác Tổng Cục thống kê thông báo, tăng trưởng kinh tế quí 1/2012 chỉ đạt 4% thấp nhất trong vòng nhiều năm qua, cơ quan này cũng cho biết lượng hàng hóa tồn kho của doanh nghiệp tính đến cuối 2011 tăng 31% so với 2010.

Phải chăng những số liệu vừa nói có liên quan tới điều Ngân hàng Nhà nước mô tả là, nay thanh khoản hệ thống ngân hàng thương mại được cải thiện. Theo đó trong quí 1 nguồn vốn ngân hàng cao hơn vốn cho vay sử dụng tới 130.000 tỷ đồng. Lạm phát tháng 3 còn 14% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức 23% của tháng 8 năm ngoái. Những sự kiện đó dẫn tới quyết định của Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất 2 lần trong 1 tháng, nới tín dụng bất động sản và cơ cấu lại nợ xấu cho doanh nghiệp và ngân hàng.

Như vậy nền kinh tế có dấu hiệu trì trệ và các quyết định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước có thể được hiểu là Việt Nam bắt đầu thời kỳ chống suy giảm. Trong bài nhận định hôm 12/4 Saigon Times Online trích lời TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói rằng, đã xuất hiện xu hướng nguy hiểm, rất khó thoát ra mà nền kinh tế Việt Nam đang lâm vào, đó là vòng xoáy đình trệ-lạm phát. Được biết, suốt từ 2008 tới nay nền kinh tế Việt Nam liên tục chống lạm phát, rồi chống kinh tế suy giảm xoay vòng như thế.

Làm sao thoát ra

tap-doan-cmbo-250.jpg
Các Tập đoàn cột trụ của kinh tế Việt Nam. RFA/internet.

Theo Saigon Times Online, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc ADB Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam cho rằng, hệ lụy của vòng xoáy chống lạm phát, chống suy giảm kinh tế mà Việt Nam phải đối mặt trong suốt năm năm qua là hệ lụy của đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, và đầu tư của nhà nước quá lớn nhưng không mang lại hiệu quả tương xứng. Đó chính là gốc rễ của vấn đề mà Việt Nam phải xử lý để thoát khỏi vòng xoáy đó.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan ở Hà Nội từng nhận định với Đài chúng tôi:

“Phải thay đổi tư duy về phát triển kinh tế đặc biệt là vai trò giữa Nhà nước và thị trường, theo hướng làm sao để giảm bớt sự tham gia của Nhà nước nhất là trong các khu vực kinh doanh, giảm sự can thiệp của Nhà nước vào các doanh nghiệp. Nhà nước tập trung làm việc của Nhà nước thôi còn để thị trường làm, có như vậy mới bớt được đầu tư công, mới bớt được các doanh nghiệp Nhà nước, mới bớt được các hoạt động của ngân hàng chủ yếu lại phục vụ đầu tư công và cho doanh nghiệp Nhà nước.”

Gần đây Thanh tra chính phủ cho biết sai phạm ở các tập đoàn kinh tế Nhà nước lên tới hàng chục ngàn tỷ như các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà. Dư luận hẳn không thể quên vụ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin thất thoát 84 ngàn tỷ đồng tương đương hơn 4 tỷ USD.

Hầu như các tập đoàn Nhà nước quản lý, hiệu quả kinh doanh không bằng được các tổng công ty tư nhân, doanh nghiệp tư nhân.

GSTS Vũ Văn Hóa

Nhận định về việc tiền vốn Nhà nước được quản lý lỏng lẻo ở các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, GSTS Vũ Văn Hóa phó hiệu trưởng trường Đại học kinh doanh và công nghệ Hà Nội phát biểu:

“Tôi cho rằng bài học quản lý rất quan trọng, bởi vì đã quá tin tưởng buông lỏng quản lý, cứ tưởng các tập đoàn quản lý rất tốt, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ cho nên đó là bài học phải trả giá. Các nước đi trước họ đã có những bài học lớn rồi nhưng Việt Nam đã không học tập một cách kịp thời. Hầu như các tập đoàn Nhà nước quản lý, hiệu quả kinh doanh không bằng được các tổng công ty tư nhân, doanh nghiệp tư nhân. Bài học này phải rút kinh nghiệm ngay.”

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam hiểu rõ hệ lụy vòng xoáy đình trệ - lạm phát liên quan tới sự thất bại của các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước khi mà khu vực này nắm giữ 75% tài sản cố định của quốc gia. Do vậy mới có nhu cầu tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó chú trọng đầu tư công, khu vực doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại. Tiến trình này đang diễn ra một cách chậm chạp vì có quá nhiều trở ngại.

Theo dòng thời sự: