Bỏ sổ hộ khẩu: Hợp lòng dân

Hiện nay Bộ Công an đang lấy ý kiến về lựa chọn quản lý dân cư bằng hộ khẩu hay qua mã số định danh cá nhân, và theo thống kê của Bộ Công an thì nếu bỏ hộ khẩu giấy sẽ tiết kiệm khoảng 1.600 tỷ đồng mỗi năm.

Hộ khẩu là một hình thức quản lý người dân được chính phủ áp dụng trên toàn đất nước Việt Nam kể từ sau 30/4/1975. Sổ hộ khẩu do cơ quan công an cấp và cuốn sổ này liên quan đến hầu như mọi lĩnh vực cuộc sống của người dân, từ chuyện ăn, ở, học hành, kết hôn …

Một số người dân trong nước nói về kinh nghiệm thực tế của họ liên quan đến cái hộ khẩu:

“Bao nhiêu năm qua hộ khẩu gây nhiều phiền phức cho gia đình. Con cái đi học cũng đòi hộ khẩu, làm sổ đỏ cũng đòi hộ khẩu.”

“Con đi học cũng phải có hộ khẩu. Làm tất cả cái gì cũng phải mang theo hộ khẩu cà kèm CMND, kế cả mua bảo hiểm tự nguyện, làm sổ đỏ.

Một ví dụ cụ thể liên quan giữa cái hộ khẩu và việc học hành là thông báo mới nhất của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Theo đó thì trong năm học 2018-2019, sinh viên các tỉnh thành khác phải đóng mức học phí cao gấp đôi so với sinh viên có hộ khẩu tại thành phố HCM. Điều này thì thật ra cũng tương tự như một số trường cao đẳng ở Mỹ. Sinh viên thường trú tại tiểu bang thì đóng học phí thấp hơn sinh viên từ tiểu bang khác đến.

Với những rắc rối mà cái hộ khẩu gây nên cho người dân suốt mấy chục năm qua, đã có không ít ý kiến cho rằng cần phải bỏ chế độ hộ khẩu:

“Bỏ hộ khẩu đi là tôi rất ủng hộ.”

“Bỏ hộ khẩu là đúng vì hộ khẩu có nhiều cái rắc rối lắm. Làm gì cũng phải đưa hộ khẩu trong khi đã có căn cước, có hộ chiếu rồi. Theo tôi thì nên bỏ hộ khẩu.”

Thật ra chuyện bỏ hộ khẩu đã từng được các cấp chính quyền đề cập đến. Cụ thể ngày 30/10/2017, Thủ tướng chính phủ nguyễn Xuân Phúc ký Nghị quyết 112/NĐ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Trong đó có điều khoản bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.

Một tuần sau đó, Bộ trưởng Công an Thượng tướng Tô Lâm xác nhận với báo chí trong nước về việc chính phủ quyết định bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư và thay bằng việc quản lý qua mã số định danh cá nhân. Tại cuộc họp báo của Bộ Công An hôm 7/11/2017, Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phát biểu rằng không có chuyện bỏ sổ hộ khẩu mà là thay đổi quản lý bằng công nghệ thông tin.

Ngày 17/10/2018, Bộ Công an công bố Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp trong hai tháng. Bộ Công an đưa ra hai phương án: Hoặc giữ nguyên hình thức quản lý hộ khẩu như hiện nay, hoặc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu mà thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nhận xét về việc này, cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành công an và am hiểu về các thủ tục hành chính ngành công an đưa ra, nói với RFA rằng đây là điều hợp lòng dân:

Vấn đề bỏ hộ khẩu là bỏ hình thức quản lý cũ kỹ từ trên một nửa thế kỷ nay chuyển sang một hình thức quản lý mới bằng mã số công dân thì phải nói là hợp lòng dân. Thực ra nếu mà có từ cách đây khoảng 20 năm thì thiết thực hơn vì trên thế giới này có gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ mà chỉ còn ba nơi quản lý con người và xã hội bằng hộ khẩu, đó là Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính là điều mà nhiều người dân trong nước mong đợi bấy lâu nay. Nhiều người từng có kinh nghiệm khi phải đến các cơ quan công quyền và đi đến kết luận ‘hành là chính’ vì họ phải đi lại rất nhiều lần mới có được con dấu, chữ ký để hoàn tất thủ tục nào đó. Ông Nguyễn Đăng Quang nói thêm:

Không phải là chuyên ngành của tôi nhưng theo đường lối chính sách đã công bố thì bắt đầu từ năm tới, khi công dân đến làm các thủ tục hành chính sẽ không cần phải mang theo sổ hộ khẩu mà chỏi cần cung cấp ba thông tin: họ tên, mã số định danh cá nhân và địa chỉ thường trú, tức chỗ ở hiện tại, là đủ.

Riêng cuốn sổ hộ khẩu cũng là một nỗi ‘ám ảnh’ vì nếu lỡ mất đi thì dẫn đến biết bao hệ lụy cho cuộc sống. Đối với nhiều người để có được một sổ hộ khẩu ở thành phố còn phải chạy vạy và tốn nhiều tiền của…