Tự do tôn giáo tại Việt Nam vẫn chưa được cải thiện

0:00 / 0:00

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vào ngày 21/6 cho công bố phúc trình hàng năm về tình trạng tự do tôn giáo toàn cầu năm 2018. Trong bản phúc trình có nhắc đến việc luật pháp Việt Nam có quy định chính phủ được kiểm soát phần lớn các hoạt động tôn giáo, bao gồm các điều khoản mơ hồ hạn chế quyền tự do tôn giáo vì lý do an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội.

Bên cạnh đó, Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo năm 2016, có hiệu lực vào tháng 1 năm 2018 cũng quy định quyền của các tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân. Trong khi đó lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt từ các nhóm tôn giáo không được công nhận hoặc không được cấp giấy chứng nhận đăng ký, báo cáo cho biết họ bị sách nhiễu, tấn công, bắt giữ, truy tố, giám sát, hạn chế đi lại và tịch thu tài sản.

Xác nhận thực tế này, Hòa Thượng Thích Không Tánh, đồng Chủ Tịch Hội đồng Liên Tôn Việt Nam cho biết:

Về vấn đề hành đạo tại Việt Nam thì tất cả các tôn giáo đều bị chung một hoàn cảnh. Nếu không gia nhập tôn giáo quốc doanh của nhà cầm quyền Cộng sản thì người ta bức hại. - Chánh trị sự Hứa Phi

“Thời gian gần đây, trong một năm qua phải nói rằng có nhiều vấn đề xảy ra. Bên Phật giáo có những vụ ủi chùa như chùa Sơn Linh trên Kontum của Thượng tọa Đồng Quang, trước đó thì giải tỏa chùa An Cư ngoài Đà Nẵng của Thượng tọa Thích Thiện Phúc.

Bản thân tôi thì chùa của tôi bị ủi, cưỡng chế, phải đi sống nhờ nhưng đến đâu cũng bị khó khăn và bị giám sát theo dõi, chỗ tôi ở nhờ cũng bị đặt camera giám sát.”

Không chỉ riêng đối với Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, mà đối với những giáo hội/hội thánh không theo phái do Nhà nước kiểm soát cũng bị trường hợp tương tự. Từ Lâm Đồng, Chánh trị sự đạo Cao Đài chân truyền, ông Hứa Phi, và cũng là đồng Chủ Tịch Hội đồng Liên Tôn Việt Nam cho biết như sau:

“Về vấn đề hành đạo tại Việt Nam thì tất cả các tôn giáo đều bị chung một hoàn cảnh. Nếu không gia nhập tôn giáo quốc doanh của nhà cầm quyền Cộng sản thì người ta bức hại. Riêng tôi, cứ cách ba bốn ngày thì công an đi vào một lần. Cách đây ba ngày công an cũng có vào. Người ta hỏi sơ lược là “chú có đi dâu không, có tin tức gì không”; “chú ra ngoài địa phương, chú phải báo cho chúng tôi biết”… Tôi có nói việc đi lại là quyền của tôi nhưng người ta cũng thường theo dõi.

Tôi là đồng đạo trong ban Đại diện khối Nhân sinh đạo Cao Đài nhưng những người đấu tranh cho quyền Tự do tôn giáo như chúng tôi thì lúc nào chính quyền cũng làm khó dễ hết.”

Mới đây nhất, vào ngày 16/6 vừa qua, nhà cầm quyền và công an tỉnh An Giang, huyện Chợ Mới và xã Long Giang đã triển khai đóng chốt mọi nẻo đường dẫn đến lễ đài tại trụ sở tạm thời của Ban trị Sự Trung ương để kiểm soát những tín đồ Phật giáo Hòa hảo không theo phái do Nhà nước được tự do tổ chức Đại lễ Ngày khai đạo 18/5 Âm lịch. Trong khi đó thì phái do Nhà nước lập nên được tổ chức lễ và đại diện chính quyền đến chúc mừng.

Nhận xét về Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo năm 2016, Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, vị chủ chăn của Giáo phận Công giáo Vinh cho rằng việc công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo quy định trong điều luật cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các cơ sở này.

Ông Scott Busby và đại diện đoàn Bộ Ngoại giao mỹ chụp hình chung cùng đại diện các nhà hoạt động nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam hôm 13/5/2019
Ông Scott Busby và đại diện đoàn Bộ Ngoại giao mỹ chụp hình chung cùng đại diện các nhà hoạt động nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam hôm 13/5/2019 (Courtesy of Hội đồng Liên tôn Việt Nam)

“Có thể một số nơi thành lập dễ dàng, một số nơi thì không, tùy tương quan nơi đó đối với nhà cầm quyền địa phương. Tự do tôn giáo có tiến triển không thì đã khá hơn từ sau năm 1975, chuyện đấy là dĩ nhiên. Nhưng thực sự nếu ta xét tự do tôn giáo như trong những bản tuyên bố quốc tế nhân quyền hay những văn bản của Liên hiệp quốc, điều đó dĩ nhiên Việt Nam vẫn chưa được thực hiện.”

Vào ngày 13 tháng 5, phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ do ông Scott Busby – Cố vấn Cao cấp cục Dân Chủ Nhân Quyền Lao động đồng thời là trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Hội đồng Liên tôn VN tại chùa Giác Hoa, Bình Thạnh, Sài Gòn. Đến tham dự còn có đại diện của Liên đoàn Lao động Việt tự do, Hội nhà báo Độc lập, tù nhân lương tâm.

Cuộc gặp này được tổ chức nhằm tìm hiểu thêm về tình hình nhân quyền, tôn giáo tại Việt Nam, trước khi diễn ra đối thoại Nhân quyền Việt Mỹ 2019 vào trung tuần tháng 5.

Tham gia đóng góp ý kiến khi gặp phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Hòa Thượng Thích Không Tánh cho biết ông mong rằng Bộ Ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ nên có biện pháp giúp đỡ, cải thiện đời sống về tự do tín ngưỡng tôn giáo, nhân quyền Việt Nam.

“Chúng tôi có đề nghị làm thế nào một chế độ vi phạm tự do tín ngưỡng trầm trọng như vậy mà chính phủ các nước Hoa Kỳ, Canada hay các nước dân chủ văn minh vẫn bang giao, tiếp tục viện trợ, hỗ trợ cho thì đó là một hình thức tiếp tay cho chế độ độc tài để họ đàn áp người dân và tự do tín ngưỡng trong nước Việt Nam. Chúng tôi có đề nghị Bộ Ngoại giao, chính phủ Hoa Kỳ đặt vấn đề tự do tôn giáo trong các bang giao như thương mại, kinh tế, quân sự, hay các mặt bang giao khác, đồng thời phải có biện pháp chế tài.”

Ông Võ Văn Ái, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam trong ngày 24/6 cũng đã kêu gọi Liên minh Châu Âu tham gia bảo vệ Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng tại Việt Nam.

Theo ông Ái, Quốc hội Châu Âu không nên vội phê chuẩn Hiệp ước tự do mậu dịch nếu chưa đề ra các cơ cấu cụ thể bảo đảm việc bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo hay tín ngưỡng tại Việt Nam.

Cùng suy nghĩ với ông Võ Văn Ái, Chánh trị sự Hứa Phi mong rằng Liên hiệp Châu Âu hoặc quốc tế có bang giao với Việt Nam phải đặt vấn đề tự do tôn giáo lên hàng đầu.

Còn theo Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, điều ông mong muốn là làm sao phát triển kinh tế đó đi với phát triển về xã hội, nhân quyền và về tôn giáo:

“Khi ký hiệp ước này, phải chăng Âu châu và các nước khác cũng có điều kiện để yêu cầu Việt Nam phải thực hiện (tự do tôn giáo) bởi vì hiệp ước này có những điều khoản ràng buộc chính phủ Việt Nam.”

Nhiều ý kiến phản biện cho rằng trong thời gian gần đây, tại Việt Nam ngày càng nhiều công trình tôn giáo được xây dựng khang trang, truyền thông trong nước vẫn đăng tải thông tin hình ảnh người dân đi dự lễ, tham gia các lễ hội tôn giáo lớn, nhỏ trong năm.

Tuy nhiên, theo Chánh trị sự Hứa Phi, những việc này chỉ là hình thức để đánh lừa dư luận. Vì thực chất cái tổ chức tôn giáo không theo phái Nhà nước vẫn đang bị sách nhiễu rất nhiều.

“Từ trước đến giờ, tôi có một lập trường rất rõ: nhà nước Cộng sản Việt Nam trước đây đàn áp tôn giáo và những người đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền một cách rất là thô bạo. Họ bị dư luận Quốc tế lên tiếng phản đối.

Chúng tôi có đề nghị Bộ Ngoại giao, chính phủ Hoa Kỳ đặt vấn đề tự do tôn giáo trong các bang giao như thương mại, kinh tế, quân sự, hay các mặt bang giao khác, đồng thời phải có biện pháp chế tài. - Hòa Thượng Thích Không Tánh

Ngày nay, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam lại sử dụng một hình thức rất là “mềm” để lừa mắt dư luận thế giới. Đó là người ta lập nên tổ chức tôn giáo Quốc doanh do nhà cầm quyền dựng lên bằng cách ủng hộ tài chánh cho các chùa, thánh thất, nhà thờ. Họ xây lên thật khang trang để khách quốc tế nhìn và cho là ở Việt Nam có tự do tôn giáo. Tuy nhiên, bên trong người ta đưa những cán bộ, đảng viên vào chủ trì những cơ sở đó.”

Trong buổi công bố phúc trình thường niên của Ủy Hội Quốc Tế Mỹ Về Tự Do Tôn Giáo Thế Giới tại Washington D.C. (USCIRF’s) vào ngày 29 tháng 4 vừa qua, Việt Nam bị đánh giá là một đất nước có tình hình tự do tín ngưỡng và tôn giáo bị xuống cấp nghiêm trọng.

Vì vậy, USCIRF’s đã đề nghị Hoa Kỳ nên đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC các quốc gia cần đặc biệt quan tâm vì thiếu tự do tôn giáo.

Trong bản phúc trình hàng năm về tình trạng tự do tôn giáo toàn cầu năm 2018 cũng nhắc đến tình trạng của các tín đồ tôn giáo bị giam giữ hoặc bị cầm tù, và tình hình của các nhóm tôn giáo dân tộc thiểu số.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Đại sứ cùng với các quan chức khác tại Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam kêu gọi các nhà chức trách của chính phủ Hà Nội cho phép tất cả các nhóm tôn giáo bao gồm Tin lành, Công giáo, các nhóm Cao Đài và Hòa Hảo độc lập được tự do hoạt động.

Phía Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng nhấn mạnh với các quan chức chính phủ Hà Nội rằng tiến bộ về tự do tôn giáo và nhân quyền là điều kiện quan trọng để cải thiện quan hệ song phương Mỹ - Việt.