Tổng cục Đường bộ vừa gửi văn bản đề xuất Bộ Giao thông – Vận tải hai giải pháp xử lý những bất cập về trạm BOT T2 nằm ở quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.
Dời trạm BOT: tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến các dự án BOT cả nước
Trạm BOT T2 thời gian vừa qua đã gặp phải nhiều sự phản đối của người dân và giới tài xế ngay từ khi trạm được khởi công xây dựng. Lý do là vì trạm đặt sai vị trí so với địa điểm ban đầu được đưa ra.
Đến tháng 5 vừa qua, người dân tại đây và giới tài xế đã phản đối mạnh mẽ hơn nữa sau khi chính quyền làm lễ thông xe cầu Vàm Cống, khiến trạm BOT T2 chỉ cách chân cầu khoảng hơn 300 mét. Như vậy, dù người dân chỉ đi một đoạn đường ngắn nhưng vẫn phải trả phí cho toàn tuyến đường.
Nó sợ di dời đi thì buộc những trạm BOT khác đặt sai vị trí cũng phải di dời theo thằng T2, có nghĩa ảnh hưởng đến 17 trạm BOT sai vị trí trên cả nước. - Tài xế T.
Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, giao Bộ GTVT tìm phương án hợp lý để đặt trạm BOT T2 trước khi khánh thành cầu Vàm Cống ngày 21/5/2019.
Năm ngày sau đó, Bộ Giao thông – Vận tải cho biết đang cân nhắc khả năng di dời trạm BOT T2.
Tuy nhiên đến ngày 12/7, Bộ Giao thông – Vận tải trả lời vẫn chưa thể quyết định sẽ áp dụng giải pháp nào trong 2 phương án đề xuất, gồm: Phương án 1: di dời vị trí trạm về gần ngã ba Lộ Tẻ thuộc Khu công nghiệp Thốt Nốt, TP. Cần Thơ; Phương án 2: giữ nguyên vị trí trạm, tiếp tục xả trạm cho đến khi làm xong tuyến đường tránh TP. Long Xuyên - An Giang dự kiến hoàn thành vào năm 2022.
Theo báo mạng VNExpress đăng tải ngày 5/8/2019, Tổng cục Đường bộ khi phân tích phương án di dời trạm BOT T2 về phía thành phố Cần Thơ khoảng 1km đã chỉ ra một nhược điểm là ‘sẽ tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến tình hình chung của các dự án BOT trong cả nước’.
Trước nhận xét này, anh Vũ Tân, một người dân sống tại Kiên Giang thường xuyên qua trạm BOT T2 và từng nhiều lần tham gia phản đối vị trí đặt trạm thu phí này cho rằng đây là cách chống chế của chủ đầu tư vì nếu trước đây chủ đầu tư đặt trạm đúng vị trí thì giờ đã không xảy ra ‘tiền lệ xấu’ này:
“Thực tế dự án BOT T2 trong biên bản làm việc với Bộ Giao thông – Vận tải thì vị trí của nó nằm ở Km50, cách hơn 1km lận. Theo mình cách di dời trạm thì chủ đầu tư nên bắt buộc, cái này cũng là chỉ đạo của Thủ tướng từ năm 2018 lận. (BOT T2) sai với hợp đồng và bắt nhân dân 3 tỉnh phải gánh chịu chỉ với hơn 300m đường mà phải chịu khoản phí rất cao.”

Với kinh nghiệm của người kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa ở TP. HCM, ông Võ Minh Đức, nguyên sĩ quan lục quân thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giải ngũ cũng đồng tình:
“Về mặt cá nhân cũng như sự hiểu biết của tôi, tôi khẳng định là ngụy biện bởi vì xác định trạm đặt sai thì phải sửa, đó là điều tất yếu, là mong muốn của người dân, doanh nghiệp vận tải. Còn nếu thu thì chỉ thu đúng đoạn đường đi chứ không thể thu cả tuyến đường khi họ (dân) chỉ đi 300-400m. Chuyện ai là người chủ trương, ai là người nghĩ ra nói là tạo tiền lệ xấu chẳng qua là để lấp liếm cho những cái sai của họ ở tất cả các trạm BOT khác.”
Theo anh Vũ Tân, hiện tại các BOT đều hoạt động độc lập với nhau, vì thế khi đặt sai vị trí trạm BOT thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm và việc sửa lỗi này không hề tạo tiền lệ xấu. Anh tiếp lời:
“Trước đó có BOT Tân Đệ di dời trạm rồi, thì BOT Tân Đệ mới là tiền lệ xấu cho các BOT sau.”
Vì vậy, anh T., một tài xế từng nhiều lần tham gia phản đối các trạm BOT bẩn, BOT đặt sai vị trí trên cả nước nhưng không muốn nêu tên, kể cả BOT T2 nhận định rằng:
“Nó sợ di dời đi thì buộc những trạm BOT khác đặt sai vị trí cũng phải di dời theo thằng T2, có nghĩa ảnh hưởng đến 17 trạm BOT sai vị trí trên cả nước. Cái đó là 1 phía do chúng nó nói thôi chứ nó đặt sai thì nó phải di dời chứ làm sao có chuyện để đó rồi giảm phí được. Còn chuyện mấy anh nói tiền lệ xấu thì chuyện mấy anh làm sai rồi, mà không sửa sai còn cố tình làm sai nữa.”
Vẫn theo phân tích của Tổng cục Đường bộ, khi dời trạm BOT T2 sẽ tốn thêm khoảng 38 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và xây dựng trạm mới trong 1 năm, nhưng khi tuyến tránh Long Xuyên hoàn thành thì tài xế sẽ có sự lựa chọn và không qua trạm T2, như vậy sẽ tạo ra một sự lãng phí khá lớn.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ kinh tế Đinh Trọng Thịnh từ Hà Nội phân tích:
“Khi trạm BOT đặt sai vị trí thì đáng ra các nhà đầu tư và Bộ Giao thông – Vận tải phải chịu chi phí, nhưng vẫn có thể chịu tỉ lệ phần trăm nào đó trong chi phí di dời, được cộng vào phí kéo dài thời gian thu phí ra để bồi hoàn.”
Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc này coi như hỗ trợ các chủ đầu tư nhanh chóng thực hiện công tác di dời, không trì hoãn khiến làn sóng phản đối của người dân ngày càng mạnh mẽ hơn nữa.
Tuy nhiên, đa số tài xế trao đổi với RFA đều không đồng tình với biện pháp này, như lời anh Vũ Tân:
“Mình làm sai thì mình phải chịu, chứ sao bắt tài xế cả nước phải chịu.”
Lời hứa của Bộ Giao thông – Vận tải
Thời gian gần đây, các cuộc biểu tình, chặn xe phản đối tại các trạm thu phí BOT đặt sai vị trí diễn ra ngày càng nhiều. Thậm chí nhiều trường hợp đã bị phạt tù như tài xế Hà Văn Nam hay Văn Ngọc Hoàng nhưng không vì thế mà sự phẫn nộ của cánh tài xế hay người dân sống trong khu vực BOT giảm đi.
Tài xế T. cho biết anh không phản đối việc thu phí tại các trạm BOT, anh chỉ phản đối cách các chủ đầu tư đang ‘tận thu’:
Chuyện ai là người chủ trương, ai là người nghĩ ra nói là tạo tiền lệ xấu chẳng qua là để lấp liếm cho những cái sai của họ ở tất cả các trạm BOT khác. - Võ Minh Đức
“Đa số người dân Việt Nam những người tham gia giao thông đều rất mong muốn và ủng hộ chủ trương BOT của nhà nước, kêu gọi nhà đầu tư là đúng, người dân đồng tình ủng hộ làm BOT nhưng với điều kiện làm ở đâu thu ở đó, có bán hàng mới lấy được tiền, còn không bán hàng thì lấy tiền kiểu gì, người dân không chấp nhận.”
Mỗi lần người dân phản ứng mạnh mẽ, các chủ đầu tư lại cho xả trạm để giải quyết tình trạng ùn tắc tạm thời. Phía Bộ giao thông – Vận tải cũng lên tiếng sẽ giải quyết những bất cập tại các trạm BOT nhưng dường như chưa có một giải pháp khả thi, hợp lòng dân nào được đưa ra hay áp dụng.
Ông Võ Minh Đức đưa ra nhận xét về thực trạng này:
“Họ sai, họ thừa nhận sai, nhưng họ không chịu sửa. Bây giờ đặt ra vấn đề thì họ nói là tạo tiền lệ xấu, vậy là xấu thế nào? Đó không phải là tiền lệ xấu mà đó là hợp lòng dân và sửa sai. Nếu sửa sai thì người dân ghi nhận sự cầu thị, sự lắng nghe quần chúng của những người có quyền hành, những người lãnh đạo.”
Vẫn theo ông Đức, không phải riêng BOT, giao thông, mà nhiều thứ ở Việt Nam hiện nay khi cần giải quyết, phía chính phủ chỉ hứa xong rồi để đó, cho đến khi người dân quá bức xúc và phản đối mạnh mẽ thì nhà cầm quyền mới rục rịch đưa ra các phương án bàn luận nhưng dường như không có lối ra…