Thành phố Hà Nội vừa đề xuất Chính phủ cho thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây, vì cho rằng Hội đồng Nhân dân cấp phường hoạt động hình thức, không hiệu quả.
Cần thực hiện cả nước
Theo đó, Bộ Nội vụ cũng vừa gửi tới Bộ Tư pháp dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm đề xuất của thành phố Hà Nội, để thẩm định trước khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua.
Bỏ HĐND cấp quận, huyện do cơ chế này vô hiệu lại tốn kém đã được một số địa phương thực hiện, tuy nhiên HĐND cấp phường xã vẫn tồn tại mà không giải quyết được nguyện vọng của nhân dân cũng như đại diện quyền lợi chính đáng cho người dân.
Khi trả lời RFA, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, giảng viên luật và chính sách công, quản trị nhà nước, Đại học Kinh tế TPHCM, giải thích về Hội đồng Nhân dân:
“Trong lịch sử Bắc Việt từ những năm 1950, không có Hội đồng Nhân dân cấp huyện, chỉ có 2 cấp, là cấp xã thấp nhất, và trên đó là cấp tỉnh, chứ không có cấp ở giữa.”
Hội đồng nhân dân được thành lập từ cuối năm 1945 theo Sắc lệnh số 63 ngày 22 tháng 11 năm 1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó là Hồ Chí Minh. Theo sắc lệnh này, Hội đồng nhân dân được thành lập ở cấp xã và tỉnh bằng hình thức bầu trực tiếp của nhân dân. Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân khi đó chỉ 2 năm.
Theo Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, Hội đồng Nhân dân tồn tại là khi họ có quan hệ trực tiếp với từng nhóm cử tri, ví dụ Hội đồng Nhân dân cấp xã, phường. Còn quận huyện thì không gắn trực tiếp với người dân. Theo ông, nếu bảo Hội đồng Nhân dân thì phải đi sát với dân, như vậy thì phải ở xã hoặc nếu tính theo khu vực thì đó là cấp tỉnh.
Theo Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban nhân dân, năm 2003, Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến không hẳn phủ định ý tưởng ‘dân chủ trực tiếp’, nhưng đặt lại vai trò và sự chi phối của Đảng trong hoạt động của các cấp HĐND, cho rằng thực chất đây là cơ quan bỏ phiếu hợp thức hoá các quyết định của cấp uỷ đảng. Vì vậy quan trọng là sự chi phối của đảng trong hoạt động của Hội đồng Nhân dân ở các cấp khác có giảm đi tính tuỳ tiện, và Hội đồng Nhân dân có thực sự độc lập và đại diện cho dân hay không?
Một người dân ở ngoại thành Hà Nội cho RFA biết nhận xét của ông về Hội đồng Nhân dân:
“Hội đồng Nhân dân cấp xã, cấp huyện, sau đến là cấp tỉnh, có thể nói một câu, nói trắng phớ ra là, tất cả họ đều là ‘một phường’ với nhau, có bao giờ họ lên tiếng ủng hộ người dân đâu? Mà tự chúng tôi phải vận động, tự chúng tôi phải chủ động, tự mình phải tìm con đường để mình đi cứu mình khi có chuyện, họ chả bao giờ gặp mình, họ toàn cố gắng tránh né mình, càng không gặp được mình họ càng cảm thấy tốt cho họ, chứ họ không bao giờ muốn gặp mình để trao đổi, đời sống bà con như chúng tôi giờ như thế nào, gặp khó khăn gì, còn vướng mắc gì, họ chẳng bao giờ gặp cả.”
Phần đông ý kiến của người dân Hà Nội đồng tình với thông tin nên bỏ HĐND cấp phường xã. Ngoài việc HĐND xã không giúp được gì cho dân khi dân cần thì lý do cán bộ HĐND phường, xã chỉ là bù nhìn, họ không có tiếng nói trong những buổi đối thoại trực tiếp với dân. Nhất là trong những lần tiếp xúc cử tri.
Tinh giảm bộ máy
Trở lại với đề xuất bỏ HĐND tại 177 phường của Hà Nội, theo đánh giá của chính quyền thủ đô, hoạt động của HĐND tại khu vực nông thôn chủ yếu mang tính hình thức, kể cả trong vai trò giám sát và vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương khi là đại diện của người dân. Người dân địa phương chưa thực sự tin tưởng vào vai trò đại diện của HĐND cấp phường.
Từ Hà Nội, Luật sư Hà Huy Sơn nhận định:
“Theo tôi thì Hội đồng Nhân dân chả giúp ích gì nhiều cho cơ cấu hoạt động của bộ máy nhà nước, nó chỉ là cơ quan trung gian truyền sự lãnh đạo của đảng đối với bộ máy hành pháp. Nên việc bỏ một số Hội đồng Nhân dân của phường thì cũng chả ảnh hưởng gì. Có lẽ nó xuất phát từ khó khăn về ngân sách nên họ bỏ thôi.”
Không chỉ Hà Nội, theo Luật sư Hà Huy Sơn, nên bỏ Hội đồng Nhân dân trên phạm vi toàn quốc cho đỡ tốn kém kinh phí, đỡ gánh nặng đóng góp cho dân. Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng, thực chất vai trò của Hội đồng Nhân dân, kể cả của Quốc hội, rất hạn chế, nhất là cấp phường xã.
Nếu đề xuất này được thông qua, thành phố Hà Nội sẽ giảm được từ 2.900 đến 3.500 cán bộ hội đồng nhân dân cấp phường. Kinh phí hoạt động cho bộ máy cán bộ cồng kềnh này không hề nhỏ, và nếu áp dụng trên toàn quốc thì sẽ tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách nhà nước.
Khi trả lời báo chí trong nước, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, ngân sách cho HĐND cũng là do UBND cấp tỉnh phân bổ chứ không phải do chính quyền cấp địa phương quyết định. Vì vậy, nếu nhìn một cách khách quan thì việc tinh giản bộ máy chính quyền này sẽ giảm một phần ngân sách khá lớn cho nhà nước, để khoản đó vào đầu tư cho cơ sở hạ tầng được tốt hơn.