Nhân rộng mô hình giám đốc công an là người ngoài tỉnh để chống tham nhũng: bổn cũ soạn lại trước đại hội đảng?

0:00 / 0:00

Đảng ủy Công an trung ương và lãnh đạo Bộ Công an thời gian qua đang quyết tâm thực hiện bố trí giám đốc công an tỉnh không phải người địa phương.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho biết chủ trương vừa nêu được nói nhằm hạn chế những tác động “thân hữu”, “cánh hẩu” để xảy ra những vụ việc tiêu cực ngày càng phức tạp.

Vẫn theo lời Thiếu tướng Hồng, hiện giám đốc công an tỉnh cơ bản đều được điều động từ nơi khác đến trong quá trình kiện toàn nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng sắp tới.

Trao đổi với RFA vào tối 1/7, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội cho hay chính sách bổ nhiệm người không ở địa phương đã được ‘các cụ ngày xưa’ sử dụng một cách rất hữu hiệu và thành luật hẳn hoi. Sau bao nhiêu năm thì bây giờ chính phủ Hà Nội quay lại cách làm như vậy.

“Nó là một biện pháp tôi nghĩ là quan trọng, có thể góp phần vào chuyện chống tham nhũng ở một khía cạnh là người địa phương mà làm trùm ở đấy thì kéo bè, kéo cánh, kéo người thân vào làm lũng đoạn bộ máy. Còn người ở địa phương khác đến thì mối quan hệ thân cận như thế sẽ ít đi, không thể nói là loại trừ được tham nhũng. Nó góp phần vào chuyện chống bè cánh, chống chuyện thân hữu và như thế góp phần vào việc chống tham nhũng.”

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng được truyền thông trong nước dẫn lời cho biết chuyện điều động lãnh đạo không phải người địa phương không nên gói thành câu chuyện riêng của ngành công an, mà nên triển khai đồng bộ ở các ngành khác.

Ông đưa ra điển hình những nơi có thể áp dụng như tòa án, viện kiểm sát, cùng trong hệ thống tư pháp cũng phải đồng bộ mới phát huy hiệu quả đến cùng.

Nhiều người đồng tình với phương án này bày tỏ quan ngại liệu biện pháp thuyên chuyển có thật sự dễ dàng trong bộ máy nhà nước hiện nay?

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Việt Nam hoàn toàn có thể thay đổi nhân sự như vậy để có thể đẩy lùi tham nhũng.

“Thay thì phải thay ông Bí thư Đảng và toàn bộ bộ máy chính như công an, các nơi khác… nhưng quan trọng nhất là Bí thư Đảng ủy của tỉnh hay của huyện đó. Đấy là người có quyết định cao nhất ở mỗi địa phương. Công an cũng như vậy nhưng nó lại là chuyện tương đối khác vì hệ thống từ trên xuống dưới của nó rất chặt chẽ.”

Từ Sài Gòn, Nhà hoạt động dân sự Trần Bang lại không đồng tình với công tác nhân sự vừa nêu vì không đem lại hiệu quả. Theo ông, quan điểm phong kiến là sợ một người làm quan cả họ được nhờ. Người địa phương đưa họ hàng, con cháu anh em nhiều vào bộ máy dẫn đến chuyện thiên vị.

Một cảnh sát đứng trước một tấm áp phích kỷ niệm 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 3 tháng 2 năm 2020.
Một cảnh sát đứng trước một tấm áp phích kỷ niệm 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 3 tháng 2 năm 2020. (AFP)

Vẫn theo ông Trần Bang, đối với nước nhỏ như Việt Nam hiện nay, khi chống tham nhũng thì cả dân tộc có tiếng nói chung, văn hóa chung nên việc dùng người địa phương khác đến địa phương này lại không thể áp dụng được nữa:

“Theo tôi đấy không đúng với thời đại bây giờ vì họ đã muốn tham nhũng thì ở đâu cũng tham nhũng được. Khi họ gặp nhau ngoài trung ương hoặc một người đến xin quyết định thì có khi người lạ lại tham nhũng dễ hơn người quen. Tham nhũng đơn giản với các ông, người ta chỉ cần ông ký vô dự án thì sẽ chia chác bao nhiêu phần trăm, cần gì phải người nhà, họ hàng. Càng người lạ càng dễ mặc cả, tham nhũng. Tôi đã từng ở trong hệ thống nên tôi biết như vậy. Việc điều động người từ địa phương này sang địa phương khác để chống tham nhũng thì tôi cho rằng họ không hiểu biết khoa học chính trị, khoa học nhà nước.”

Những năm gần đây, hàng loạt các vụ án tham nhũng từ các vụ đại án liên quan đến các quan chức lớn trên trung ương, hay các ban ngành quan trọng, đến cả những vụ nhỏ, lẻ ở các phường, xã luôn được truyền thông trong nước loan tải đầy đủ.

Vào ngày 31/7/2017, tại Hà Nội, ôngTổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện quyết tâm trong công cuộc chống tham nhũng qua chiến dịch ‘đốt lò’ được ông lần đầu nhắc đến trong phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, với tình hình hiện nay, chính phủ Hà Nội chỉ có thể hạn chế bớt tham nhũng chứ không thể nào loại bỏ tham nhũng hoàn toàn. Ông giải thích:

“Trong chế độ mà đảng cộng sản giữ độc quyền về quyền lực vì quyền lực đẻ ra tham nhũng mà có một ông độc quyền về quyền lực thì ông đấy là tham nhũng nhất, tất cả xuất phát từ ông ấy. Cốt lõi xuất phát từ sự độc quyền của đảng cộng sản nên chừng nào đảng cộng sản còn giữ sự độc quyền thì nói chuyện chống tham nhũng cũng chỉ là nói khơi khơi hoặc giảm bớt một chút nào thôi, còn không giải quyết được gốc thì không bao giờ chống được.”

Đồng quan điểm cho rằng thể chế độc đảng khó chống được tham nhũng, Nhà hoạt động Trần Bang lập luận:

“Không thể tập trung quyền lực cả hành pháp, tư pháp, lập pháp, cả công an, tòa án, Viện kiểm sát vào một đảng được. Không tạo ra mâu thuẫn lợi ích, không tạo ra sự đối kháng thì không tài nào có thể chống tham nhũng được. Lúc xử thì phải hỏi ý kiến đảng, công an muốn bắt cũng hỏi ý kiến đảng, Viện kiểm sát muốn truy tố cũng phải thông qua đảng, tòa án xét cũng phải hỏi ý kiến đảng. Nếu đảng thân tín với ông tham nhũng coi như là thua.”

Vì vậy, Nhà hoạt động Trần Bang nhận định rằng Việt Nam chỉ có thể chống tham nhũng bằng cách có tản quyền, tam quyền phân lập, đa đảng, tự do báo chí, tự do ngôn luận. Trong đó, phải để cho người dân được lên tiếng nói ra sự thật về những sai sót của chính phủ mà không bị bắt rồi truy tố tội ‘nói xấu đảng, chính phủ’.

Nhiều nhận xét đưa ra cho rằng công tác chống tham nhũng chỉ được thực hiện mạnh tay trong thời gian gần chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng như cách diệt trừ phe nhóm trong nội bộ đảng. Biện pháp điều động giám đốc công an như hiện nay cũng bị cho nhằm mục tiêu này.