Ngay sau khi công bố bản Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018, trong buổi họp báo diễn ra tại Bộ Ngoại Giao Mỹ, Ngoại trưởng Michael Pompeo nhấn mạnh rằng ông mong đợi một kết quả báo cáo tình hình nhân quyền thế giới trong năm qua không bị tì vết và được cải thiện, tuy nhiên thực tế không được như vậy.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo kể tên một số quốc gia bị ghi nhận vi phạm nhân quyền ngày càng tồi tệ hơn:
“Năm ngoái, chính quyền của các quốc gia đã xử tử khoảng hơn 20 người và bắt giữ hàng ngàn người mà không qua xét xử, chỉ vì người dân biểu tình cho các quyền của họ. Chính phủ cấm đoán truyền thông đưa tin tức về các cuộc xuống đường. Những việc làm như thế cho thấy Chính phủ Iran tiếp tục áp đặt sự hà khắc lên dân chúng trong 4 thập niên qua. Trong khi đó, quân đội của Nam Sudan xâm hại tình dục đối với dân chúng vì thể hiện quan điểm chính trị khác biệt. Ở Nicaragua, người dân biểu tình ôn hòa để đòi hỏi về phúc lợi xã hội thì bị tấn công, còn chỉ trích các chính sách của chính phủ thì bị tống xuất, cầm tù hoặc là bị giết hại. Trung Quốc lại vi phạm nhân quyền theo cách của riêng họ. Chỉ trong năm 2018, Trung Quốc tăng cường đàn áp lên người Hồi Giáo và các nhóm dân sắc tộc thiểu số ở mức kỷ lục. Hiện tại, có hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người theo đạo Hồi giáo bị đưa vào các trại tập trung cải tạo vì thực hành tín ngưỡng và gìn giữ truyền thống sắc tộc. Chính phủ Bắc Kinh cũng gia tăng bắt bớ các tín đồ Thiên Chúa giáo, người Tây Tạng và bất kỳ người dân nào có quan điểm khác với chính quyền hay cất lên tiếng nói đòi hỏi chính quyền phải thay đổi.
Trong Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 của Hoa Kỳ, phần báo cáo liên quan đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Mỹ ghi nhận cuộc bầu cử Quốc Hội Việt Nam mới nhất, diễn ra hồi năm 2016 không phải là cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Bộ Ngoại Giao Mỹ cáo buộc chính phủ Việt Nam tiếp tục duy trì chế độ “công an trị” để điều hành quốc gia, qua rất nhiều thông tin và bằng chứng cho thấy vấn đề nhân quyền ở nước này bị vi phạm liên can bởi công an như cơ quan chức năng bách hại người dân một cách tùy tiện và vô pháp; tra tấn người dân; bắt bớ dân chúng tùy tiện, bắt giữ và kết án một cách vô pháp những cá nhân lên tiếng chỉ trích chính phủ hay đòi hỏi các quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận và tự do thông tin; theo dõi liên lạc thông tin của dân chúng; cấm đoán người dân hoạt động cho phong trào tự do dân chủ hay tham gia các tổ chức chính trị…
Bản Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 của Hoa Kỳ nêu rõ tính đến cuối tháng 11 năm 2018, có ít nhất 11 nạn nhân bị chết trong đồn công an, mà phía chính quyền chỉ cung cấp rất ít thông tin về việc điều tra liên quan những cái chết đầy khuất tất đó, thậm chí gia đình các nạn nhân còn bị sách nhiễu và hăm dọa khi yêu cầu chính quyền trả lời cho những thắc mắc của họ về cái chết của người thân.
Bản phúc trình còn lên án tình trạng công an ngược đãi và tra tấn những người bị bắt giữ trong lúc thẩm vấn. Một số nhà hoạt động ở Việt Nam còn tố cáo công an chìm liên tục sách nhiễu, tấn công và đe dọa giết hại họ.
Trường hợp tù nhân bị đối xử tệ hại ở các trại giam tại Việt Nam cũng được nhắc đến trong bản phúc trình, như trại tù bị quá tải, đồ ăn thức uống bị thiếu và không sạch sẽ, điều kiện vệ sinh tồi tệ. Riêng các tù nhân chính trị bị đối xử hà khắc hơn, thường bị giam riêng, biệt giam trong nhiều ngày và bị khủng bố tinh thần. Theo số liệu ghi nhận từ các tổ chức nhân quyền thế giới, bản phúc trình cho biết Việt Nam trong năm 2018 có hơn 100 tù nhân chính trị và tôn giáo.
Ngành tư pháp của Việt Nam cũng bị tố cáo vi phạm pháp luật hiện hành từ khâu bắt giữ tùy tiện cho đến những phiên tòa với các bản án “bỏ túi” mà thẩm phán đã định sẵn trước khi tiến hành xét xử.
Bản phúc trình đề cập đến tình trạng người dân bị mất đất đai, nhà cửa do các lực lượng chức năng cưỡng chế bất hợp pháp và việc khiếu nại, thưa kiện của người dân liên quan đất đai không được chính quyền giải quyết thỏa đáng.
Báo cáo tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2018 trong bản phúc trình ghi nhận tình trạng giới chức địa phương đối xử phân biệt đối với các nhóm sắc thiểu số ở khu vực phía Đông Bắc, Tây Nguyên và vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
Từ Việt Nam, nhà hoạt động dân chủ nhân quyền Đinh Quang Tuyến nhận định với RFA rằng tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2018 nghiêm trọng hơn so với năm trước đó:
“Theo tôi thấy thì rõ ràng là nghiêm trọng hơn, tính theo số người bị bắt và tính theo sự đa dạng. Tại vì, hồi trước chỉ bắt và đánh người đi biểu tình thôi. Còn bây giờ thì tài xế phản đối BOT “bẩn” cũng bị nữa…thì dạng thức rộng hơn rất nhiều. Khi mà các tầng lớp nhân dân lến tiếng thì chính quyền càng ngày càng lộ, lộ hết bản chất độc tài toàn trị của họ. Và tất nhiên khi như vậy thì mức độ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hơn rất nhiều.”
Một số người trong giới đấu tranh dân chủ ở trong nước cho rằng phúc trình của Hoa Kỳ về thực thi nhân quyền năm 2018 tại Việt Nam phản ảnh đúng tình hình thực tế đang diễn ra. Tuy nhiên, họ nói với RFA rằng có một yếu tố tích cực cần được ghi nhận là chính phủ Hà Nội càng cai trị người dân bằng chế độ “công an trị” thì dân chúng càng phản kháng mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 của Hoa Kỳ, ghi nhận một điểm sáng của Chính phủ Việt Nam là thỉnh thoảng chính phủ có các hành động sửa sai, trong đó có cả việc truy tố các quan chức vi phạm luật; thế nhưng cũng có các viên chức ngành công an phạm luật lại không bị trừng phạt.