“Vụ xét xử vụ chuyến bay giải cứu có thể tạo ra hiệu quả tuyên truyền cho chiến dịch ‘đốt lò’ chống tham nhũng, nhưng về mặt thực chất có thể không đạt gì nhiều, số lượng người bị đưa ra xét xử trong vụ án, trong đó có các quan chức ‘cao kỷ lục’, nhưng so với con số cả triệu quan chức của đảng và chính quyền trong cả nước còn rất nhỏ, nếu không sửa được lỗi của toàn bộ hệ thống, thì nói chống tham nhũng ‘chỉ là nói chơi’, TSKH Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện chính sách độc lập (IDS - đã tự giải thể), bình luận về phiên tòa vụ “Chuyến bay giải cứu” khởi sự ngày 11/7 ở Hà Nội..
Tòa án Nhân dân TP Hà Nội vào ngày 11/7 bắt đầu phiên xét xử vụ “chuyến bay giải cứu” thời kỳ đại dịch COVID-19 dự kiến kéo dài 30 ngày với số lượng 54 bị cáo trong đó có đến 21 người là cựu quan chức chính phủ bị cáo buộc tội nhận hối lộ. Số tiền hối lộ được cho biết lên đến hơn 160 tỷ đồng.
Ông Phạm Viết Đào, cựu chuyên viên cấp Vụ về thanh tra thuộc Bộ Văn hóa, Thông tin, Du lịch và Thể thao của Việt Nam thời kỳ trước đây, nêu quan điểm cá nhân với RFA Tiếng Việt về vụ xử, cho rằng việc xét xử là cần thiết, có tính răn đe do kỷ cương, phép nước đã bị ‘buông tuồng’ quá đáng, nhưng một câu hỏi đặt ra là tòa án thu hồi lại được bao nhiêu tiền vi phạm và việc xử lý tiền thu hồi đó thế nào, có hoàn trả cho người dân bị thiệt hại hay không."
‘Vỗ về’, an ủi người dân, nhưng chỉ giải quyết phần ‘ngọn’
TSKH Nguyễn Quang A bình luận tiếp với Đài Á Châu Tự Do:
"Tôi nghĩ về mặt chính trị, về mặt dư luận, vụ xử như thế làm cho người dân cảm thấy bớt áy náy một chút, tức là có được vỗ về về sự trừng trị những kẻ thực sự là vô lương tâm, ăn cướp của dân trong hoàn cảnh hết sức đau lòng. Về mặt chống tham nhũng, tôi nghĩ nó chỉ có kết quả phần nào mà thôi. Tất nhiên việc trừng trị những kẻ tham nhũng là một điều tốt, nhưng phòng tham nhũng, chuyện mà người ta vẫn hay nói là phải 'nhốt quyền lực' vào trong 'lồng' rồi làm cho không thể tham nhũng, hay là không muốn tham nhũng v.v…, chỉ là những giải quyết ở phần ngọn mà thôi, không giải quyết được ở phần gốc."
Theo ông Nguyễn Quang A, bản thân hệ thống và thể chế chính trị ở Việt Nam là nguồn gốc sinh ra vấn nạn tham nhũng, muốn chống được tham nhũng một cách cơ bản, theo ông, phải có ít nhất bốn yếu tố: thứ nhất, quốc gia có một nền pháp trị nghiêm minh khiến không ai có thể đứng trên pháp luật, thứ hai quốc gia phải có sự minh bạch, thứ ba là phải có một nền báo chí độc lập, nhất là nền báo chí điều tra, ông nhấn mạnh, và thứ tư là các quan chức nhà nước phải có đồng lương (thu nhập) xứng đáng, chứ không phải là hưởng lương kém quá xa so với khu vực tư nhân.
Đánh giá về tác động tuyên truyền và bình luận thêm hiệu quả thực chất phiên tòa đang diễn ra nói trên, TSKH. Nguyễn Quang A nói:
“Tôi nghĩ rằng tác động về tuyên truyền (cho Đảng và Nhà nước, chiến dịch ‘đốt lò’) rất là tốt, nhưng về mặt thực chất thì không được mấy, chỉ được một ít thời gian, rồi lại đâu vào đấy mà thôi… Số lượng người bị xét xử trong vụ án cao kỷ lục, nhưng so với cả triệu những quan chức thì đó là một con số rất nhỏ…
Vấn đề ở đây là ở hệ thống, thiết kế của hệ thống, như tôi nói có bốn điểm chính, nếu trong đó thiếu bất kể một điểm nào đấy, thì việc nói là chống tham nhũng chỉ là nói chơi mà thôi. Rất đáng tiếc là Việt Nam thiếu cả bốn điểm đó, cho nên nếu không giải quyết tận gốc, chẳng bao giờ chống được tham nhũng cả.”
‘Một bài toán pháp lý sòng phẳng: liệu thu hồi được tiền và trả lại cho dân?’
Ông Phạm Viết Đào bình luận với RFA Tiếng Việt:
“Tôi cho đây là việc cần thiết, mang tính răn đe, bởi vì vụ này cho thấy kỷ cương phép nước bị buông tuồng quá, bây giờ xét xử thì mọi người đều ủng hộ, phải xử đến nơi đến chốn…, nhưng xét xử là đúng thôi. Về kết quả, phải chờ tòa tuyên án, nhưng bây giờ phải xem họ thu hồi được bao nhiêu, và tiền xử lý sau thu hồi thế nào, cái đó phải chờ tòa tuyên án. Xưa nay, những vụ án hối lộ… tiền (vi phạm) nhiều hơn, nhưng thu hồi không đáng bao nhiêu.
Kết quả mà bây giờ người ta theo dõi là xử như thế phải thu hồi những tài sản ấy, và vấn đề nữa là có trả lại tiền cho người dân, tức là những người đã phải đóng tiền trong vụ đó, thì (nhà nước) có trả lại cho người dân hay không. Đó là một bài toán pháp lý, mà theo tôi muốn sòng phẳng thì phải trả lại tiền cho dân.”
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao được truyền thông Nhà nước trích dẫn, từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021, cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo. Nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân đã nâng giá vé, “chế” nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.
Theo ông Phạm Viết Đào, nếu không hoàn trả ngay được hết cho người dân bị thiệt hại trong vụ việc, cũng cần phải trao trả trước một phần cho họ, ông nói tiếp:
"Một cái vé máy bay lên tới 4.000 – 5.000 đôla như thế thì thực là quá đáng, bây giờ nhà nước có trả lại cho người dân không? Nếu làm nghiêm phép nước và công bằng, tiền ấy thu về rồi phải trả lại cho dân, như thế mới động viên được người dân và người ta mới thấy rằng pháp luật nghiêm minh. Chỗ ấy tôi nghĩ là chỗ người ta đang chờ đợi và hiệu quả của phiên tòa là phải thu lại tiền, rồi tiến ấy trả lại cho những người đã bỏ ra mua vé mà đã chịu đắt đến như thế, như vậy theo tôi mới là sòng phẳng."