Nhà Nước kiến tạo phát triển: mô hình tối ưu cho Việt Nam, là phát biểu của nguyên phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội, tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, tại phiên thảo luận về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập diễn ra trong tháng Chín vừa qua.
Nhà nước vẫn đang loay hoay
Bài nhận định của nguyên phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội Nguyễn Sỹ Dũng, được báo chí trong nước đăng tải lại, cho thấy ý kiến nguyên văn của ông là "Các mô hình thể chế đưa lại thành công và thịnh vượng không thiếu trên thế giới, vấn đề là phải lựa chọn cho được mô hình phù hợp với Việt Nam.
Nhà Nước phải để thị trường tư phát triển và chỉ đóng vai trò bên ngoài, tạo cơ hội, tạo ra những hành lang pháp lý, những điều kiện phát triển kinh tế cho đất nước và cho người dân. Hiểu một cách nôm na là như vậy.<i> - </i>Thạc sĩ Hoàng Việt
Vẫn theo lời ông, Việt Nam là nước có nền tảng văn hóa Đông Bắc Á nên mô hình Nhà Nước kiến tạo phát triển có thể là “tối ưu cho Việt Nam”. Ông nói thực tế trong thời gian gần đây Việt Nam đã lựa chọn mô hình Nhà Nước kiến tạo phát triển rồi, tuy nhiên điều đáng băn khoăn là nỗ lực đạt tới đó có vẻ đang đi chệch khỏi mô hình Nhà Nước kiến tạo phát triển sang mô hình Nhà Nước điều chỉnh.
Rối rắm và tối nghĩa là phản hồi từ một số trí thức trong nước xung quanh phát biểu nguyên phó chủ nhiện VP Quốc hội. Điển hình như facebooker Ngô, ông Ngô cho rằng ông Nguyễn Sỹ Dũng đang tạo một tiền đề không bao giờ giải được.
Một facebooker khác ghi rằng ý kiến này lấy mất thời gian và suy nghĩ của mọi người.
Thạc sĩ Hoàng Việt, Đại Học Luật Sài Gòn, giải thích qua một cách nhìn xa hơn:
Ở Việt Nam khái niệm Nhà Nước kiến tạo phát triển là ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay nói đến, đương nhiên ông không nói rõ Nhà Nước kiến tạo phát triển là sao. Cá nhân tôi là nhà nghiên cứu về Luật học cũng như thể chế thì tôi thấy Nhà Nước kiến tạo phát triển được hiểu là Nhà Nước chỉ đóng vai trò điều hành và không can thiệp.
Tại sao phải nói như vậy? Bởi vì Việt Nam có một thời gian kéo dài gọi là quan liêu bao cấp, và một nền kinh tế gọi là kế hoạch hóa, dẫn tới khủng hoảng những năm sau 1975cho tới những năm 1990, thậm chí còn đẩy cao đến mức độ lạm phát trên 70%. Vây khi muốn xây dựng một nền kinh tế thị trường thì điều đầu tiên là Nhà Nước không được can thiệp quá sâu vào thị trường. Nhà Nước phải để thị trường tư phát triển và chỉ đóng va i trò bên ngoài để tác động, điều hành, nếu có vấn đề thì mới phải can thiệp. Nhà Nước kiến tạo phát triển tạo cơ hội, tạo ra những hành lang pháp lý, những điều kiện phát triển kinh tế cho đất nước và cho người dân. Hiểu một cách nôm na là như vậy.
Xây dựng một thể chế như vậy không phải chuyện đơn giản, thạc sĩ Hoàng Việt nói tiếp, nhất là khi Việt Nam đang cố nhích gần mô hình Nhà Nước kiến tạo phát triển với tốc độ rùa bò mà lại còn có điều băn khoăn rằng không chừng chệch hướng sang mô hình Nhà Nước điều chỉnh như ông Nguyễn Sỹ Dũng nói, ông phân tích tiếp:
Ngay cả các lãnh đạo của Việt Nam cũng thấy điều đó, nhưng để thúc cả bộ máy thì câu chuyện không đơn giản. Cái mà ông Nguyễn S ỹ Dũng nói thì nên hiểu thế này: tức là nếu mà Nhà Nước kiến tạo phát triển thì nó ở cái tầm cao, Nhà Nước nhìn thấy trước, đưa ra những vấn đế để hướng dẫn xã hội phát triển theo hướng đó. Đấy gọi là Nhà Nước kiến tạo phát triển.
Về Nhà Nước điều chỉnh có lẽ ông Nguyễn Sỹ Dũng muốn nói rằng Nhà Nước cứ loay hoay đi giải quyết vấn đề thị trường, nó bục chỗ này nó có vấn đề chỗ này thì loay hoay giải quyết chứ không hoạch định trước sẽ có vấn đề thế này và giải quyết theo hướng này, tức là đụng tới đâu thì xử lý tới đó. Có lẽ ông Nguyễn Sỹ Dũng muốn nói là Nhà Nước vẫn chưa đặt trọng tâm hoạch định cho phát triển mà vẫn loay hoay về những vấn đề trong thể chế.
Bất cập trong phân quyền
Có vẻ như sự lựa chọn đúng đắn hơn cho đất nước vẫn là mô hình Nhà Nước kiến tạo phát triển (theo mô hình các quốc gia Đông Bắc Á) chứ không hẳn là mô hình Nhà Nước điều chỉnh (theo kiểu Anh, Mỹ) là điều được nguyên phó Văn Phòng Quốc Hội Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh đôi ba lần trong bài tham luận của ông ta.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Sỹ Dũng còn đề cập đến những vấn đề liên quan tới bộ máy công quyền, chẳng hạn chuyện phân cấp, phân quyền. Theo ông, phải phân quyền cho địa phương thì đất nước sẽ thịnh vượng nhanh hơn rất nhiều.
Qua việc nêu ra một số mô hình của các quốc gia trên thế giới như song trùng giám sát, song trùng trực thuộc, Nhà Nước điều chỉnh, Nhà nước bổ trợ, ông Nguyễn Sỹ Dũng khẳng định ông thiên về mô hình bổ trợ, có nghĩa cấp dưới làm được thì phân quyền, cái gì cấp dưới không làm được thì mới đẩy lên cấp trên.
Centrallize tập trung quyền hành về TW, hay Decentralize là tản quyền về địa phương. Ý của ông Nguyễn Sỹ Dũng theo tôi hiểu là bây giờ phải để cho địa phương có thế chủ động, mỗi địa phương có hình thức phát triển riêng của nó. - Luật sư Đặng Trọng Dũng
Đây chẳng qua là tập quyền và tản quyền mà ông Nguyễn Sỹ Dũng không giải thích rõ thôi, là nhận định của luật sư Đặng Trọng Dũng, Đoàn Luật Sư thành phố Hồ Chí Minh, cũng là thành viên của Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam:
Tức là Centrallize tập trung quyền hành về Trung Ương, hay Decentralize là tản quyền. Dùng 2 từ đó thì có lẽ người nghe dễ hiểu hơn. Ý của ông Nguyễn Sỹ Dũng theo tôi hiểu là bây giờ phải để cho địa phương có thế chủ động. Đi theo hình thức như vậy thì mỗi địa phương có hình thức phát triển riêng của nó. Thí dụ Đà Nẵng có khả năng, có tiềm năng về mặt khách quan, chủ quan, thì họ sẽ phát triển theo mô hình nào họ thấy có lợi nhất.
Đối với thạc sĩ Hoàng Việt, phân cấp cho ai và phân quyền như thế nào là cả một vấn đề quan trọng:
Việt Nam bây giờ cũng đã có phân quyền rồi, hiện có một số cái đã phân quyền cho địa phương khá nhiều, thí dụ quyền quản lý đất đai. Điều đó nãy sinh nhiều bất cập về đất đai.
Còn vấn đề lẽ ra phải phân cấp phân quyền thì lại không làm. Ví dụ thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, một ngày thu ngân sách cho Trung Ương trên 1.000 tỷ đ ồng nhưng không được giữ lại quá nhiều để tái đầu tư và phát triển mà chỉ được giữ lại 18% là tối đa. Sài Gòn đang xây 2 tuyến đường sắt nội ô, gần đây nổi lên vấn đề thiếu vốn để xây tiếp mà muốn được cấp vốn thì phải làm thủ tục gởi lên cho TW quyết định, dẫn đến chuyện chậm trễ và kéo dài hàng năm trời. Đó là câu chuyện cụ thể về những cái cần phân cấp phân quyền thì lại không phân cấp phân quyền, còn chuyện đất đai quá lớn thì lại phân cho chủ tịch tỉnh quyết định. Hơn nữa, Việt Nam cần phải có sự kiểm soát quyền lực. Kiểm soát quyền lực như thế nào lại là câu chuyện phải tranh cãi tiếp.
Luật sư Đặng Trọng Dũng cho hay ông có lý do để hoài nghi về khả năng một Nhà Nước kiến tạo phát triển cũng như triển vọng phân cấp phân quyền, trừ khi chính phủ thực sự muốn thay đổi và nhất quyết đi theo hướng đó:
Tôi thấy ở Việt Nam mình là chắp vá lắm. Trước đây thì chạy theo mô hình của Liên Xô xong rồi không thành, bắt chước Singapore không được rồi lại sáng tạo tùy tiện. Ý của ông Nguyễn Sỹ Dũng không có giá trị về mặt học thuật cũng như về mặt thực tiễn đâu.
Trao đổi với RFA qua email, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, Viện Nghiên Cứu SENA ở Hà Nội, nói rằng đáng tiếc ông chưa thông hiểu lắm về ý tưởng Nhà Nước kiến tạo phát triển của tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng.
Lại nữa, những người phát kiến ý tưởng tối ưu đó (launch a new ideal) chừng như cũng chưa thống nhất được với nhau nên nội hàm của khái niệm vẫn còn mù mờ. Vấn đề cốt lõi, vẫn lời tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, phải xem lại thể chế Nhà Nước kiến tạo phát triển là chế độ chính trị hay chỉ là thể chế hành chính, quản trị.