Bỏ hiến định kinh tế nhà nước là chủ đạo?

Trong dự thảo lấy ý kiến người dân về sửa đổi Hiến pháp, một trong những điểm đang được dư luận quan tâm là bỏ hiến định kinh tế Nhà nước là chủ đạo.

0:00 / 0:00

Để hiểu thêm góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, Vũ Hoàng thực hiện cuộc phỏng vấn với bà Phạm Chi Lan, nguyên Tổng thư ký và Phó chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp VN.

Thay đổi vai trò DNNN

Vũ Hoàng: Thưa bà, trong dự thảo về sửa đổi hiến pháp sẽ có một điểm mới là bỏ hiến định kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Vậy thưa bà vai trò và nhiệm vụ của các DN này trong tương lai sẽ ra sao ạ?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ là ở Việt Nam chắc cũng còn một thời gian dài nữa, một số doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn đóng vai trò quan trọng của nó, đặc biệt là trong các ngành Nhà nước vẫn coi là thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế, do đó Nhà nước phải kiểm soát được. Thí dụ như ngành điện, đường sắt, giao thông, viễn thông, dầu khí, khai khoáng… những ngành như vậy vai trò doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cũng sẽ còn duy trì trong một thời gian tương đối dài nữa ở Việt Nam.

Tuy nhiên, việc không ghi vào trong Hiến pháp Doanh nghiệp Nhà nước là chủ đạo cũng là một điều tốt hơn so với trước. Vì trước đây, Việt Nam vẫn khẳng định kinh tế Nhà nước là chủ đạo, trong đó, doanh nghiệp NN là chủ đạo, thường dẫn đến việc phân bổ các nguồn lực cho nhà nước quá lớn, mà lại thiếu kiểm soát để đảm bảo tính hiệu quả, vì vậy, trong nhiều trường hợp DNNN vừa không đóng được vai trò của nó, vừa gây khó khăn cho nền kinh tế.

Khi đưa ra đường hướng chiến lược mới của Việt Nam đã có rất nhiều người phản biện cho rằng không nên duy trì vai trò DNNN theo kiểu đó, mà phải đưa DNNN vào nền tảng cạnh tranh như các DN khác trên thị trường, vai trò của họ có thể vẫn quan trọng như các công ty lớn của các nước khác, khi được đặt trong môi trường cạnh tranh thực sự và có sự giám sát không chỉ của Nhà nước mà cả của xã hội nữa.

Tôi tin là lần này nếu đã bỏ được chuyện ghi như vậy trong hiến pháp cũng có thể sẽ tạo cơ hội cho Nhà nước cơ sở thúc đẩy cải cách DNNN hơn nữa.

Vũ Hoàng: Cám ơn bà, vậy theo đánh giá của bà với vai trò của các DNNN thay đổi như vậy thì tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) tại Việt Nam sẽ thay đổi ra sao ạ?

Có thể sẽ là DNNN nhưng trong đó có nhiều chủ sở hữu khác nhau, chứ không phải nhà nước là chủ sở hữu duy nhất, khi nhà nước có sở hữu ở đó cũng chỉ được quyền tương ứng với số cổ phần của mình. <br/>Bà Phạm Chi Lan

Bà Phạm Chi Lan: Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN về mặt chính thức được giải thích là một nền kinh tế được phát triển theo nguyên tắc thị trường, nhưng trong đó có sự điều tiết của nhà nước để đảm bảo mục tiêu là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tôi nghĩ rằng, những mục tiêu nhắm tới dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được, không nhất thiết phải gắn với vai trò chủ đạo của DNNN.

Mặt khác, Việt Nam cũng đã hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Riêng cam kết với WTO, khi Việt Nam gia nhập thì cũng có 3 cam kết về DNNN, trong đó, có cam kết đầu tiên là DNNN cũng phải hoạt động trên cơ sở thị trường giống như các doanh nghiệp khác; thứ hai, đầu tư của DNNN không được coi là đầu tư của nhà nước, nghĩa là các DNNN phải tự tìm các nguồn vốn của mình; thứ ba, vai trò của Nhà nước trong các DNNN chỉ được quyền tương ứng với số vốn mà nhà nước góp vào đó thôi. Như vậy, có thể sẽ là DNNN nhưng trong đó có nhiều chủ sở hữu khác nhau, chứ không phải nhà nước là chủ sở hữu duy nhất, khi nhà nước có sở hữu ở đó cũng chỉ được quyền tương ứng với số cổ phần của mình. Với những quy định như vậy, tôi nghĩ rằng Việt Nam chắc chắn vẫn phải thúc đẩy thực hiện theo những cam kết đã có với WTO và cải cách DNNN cũng theo hướng đó.

Còn định hướng XHCN là một định hướng về chính trị, về phân phối các lợi ích trong xã hội, Nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm thực hiện theo những hướng như tôi vừa nêu, đã được ghi chính thức trong các nghị quyết của Đảng Cộng sản cũng như nghị quyết của Quốc hội khi định hướng cho sự phát triển của nền kinh tế. Tôi cho rằng, nó không có gì mâu thuẫn với nhau.

Việc cổ phần hóa các DNNN

Văn phòng của tập đòan Vinashin ở Hà Nội. Ảnh chụp hôm 08/01/2013. RFA photo
Văn phòng của tập đòan Vinashin ở Hà Nội. Ảnh chụp hôm 08/01/2013. RFA photo (Văn phòng của tập đòan Vinashin ở Hà Nội. Ảnh chụp hôm 08/01/2013. RFA photo)

Vũ Hoàng: Thưa bà Phạm Chi Lan, trong những bước tiếp theo của cải cách DNNN là cổ phần hóa, quá trình này đã thực hiện khá lâu rồi. Nếu bây giờ hiến định Nhà nước là chủ đạo được bãi bỏ thì chắc chắn tiến trình CPH sẽ càng được đẩy mạnh. Vậy bà đánh giá ra sao về tiến trình CPH các DNNN hiện nay, thưa bà?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ rằng chắc chắn phải thay đổi, phải thúc đẩy cổ phần hóa (CPH) và thay đổi cách quản lý nó chứ không phải như trong thời gian vừa qua. Rõ ràng là từ năm 2006, 2007 đến nay, mặc dù đặt chỉ tiêu CPH cao nhưng chưa năm nào Việt Nam thực hiện được, và nhìn cả thời kỳ 5 năm của 5 năm trước cũng không đạt được mục tiêu của CPH đưa ra. Trong thời gian gần đây, hàng năm Chính phủ đưa ra mục tiêu CPH nhưng mà thông thường cũng không đạt được. Vì vậy, trước hết là trong thời gian tới với tinh thần là tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế, mà trong đó tái cơ cấu DNNN là một trong ba mục tiêu ưu tiên phải được thúc đẩy mạnh.

Trong tái DNNN, một trong những công cụ quan trọng nhất của nó là CPH, đưa nhiều DNNN đang là 100% của nhà nước hiện nay chuyển thành các DN cổ phần.<br/> Bà Phạm Chi Lan

Trong tái DNNN, một trong những công cụ quan trọng nhất của nó là CPH, đưa nhiều DNNN đang là 100% của nhà nước hiện nay chuyển thành các DN cổ phần, nghĩa là có các chủ sở hữu khác tham gia. Khi có các chủ sở hữu khác tham gia, họ sẽ cùng nhau xây dựng một cơ chế quản lý mới, chứ họ không chấp nhận sở hữu nhiều người đóng góp, nhưng quản lý chỉ duy nhất một người là Nhà nước, điều đó sẽ không thể duy trì được.

Điểm thứ hai, quản lý các doanh nghiệp CPH theo hướng của Việt Nam đang nỗ lực nghĩa là yêu cầu họ thực hiện các chuẩn mực về quản lý mà các nước khác đưa ra, ví dụ như bộ chuẩn quản lý các DNNN của OECD, tôi nghĩ đây sẽ là sức ép mới, đòi hỏi mới với các doanh nghiệp. Tôi cho việc này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu như Việt Nam thực sự có ý chí nghiêm túc thực hiện việc CPH DNNN, cũng như tái cơ cấu DNNN.

Vũ Hoàng: Xin thay mặt thính giả đài ACTD, cám ơn bà rất nhiều đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn hôm nay.

Theo dòng thời sự: