Tại Hội nghị trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 7, khóa 12 diễn ra vào đầu tháng 5/2018, có một đề xuất cho rằng cần qui định Bí thư tỉnh ủy không phải là người địa phương.
Theo báo chí Việt Nam, đề nghị này được nhiều ý kiến đồng tình, chưa thấy có ý kiến ngược lại.
Từ một bộ luật có từ xa xưa
Qui định không để cho người địa phương đứng đầu tỉnh thành ở địa phương mình, theo một số nhà hoạt động dân sự và nghiên cứu chính sách như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, thì nó đã có nguồn gốc từ thế kỷ 15 thời Vua Lê Thánh Tôn, có tên là luật Hồi tỵ, được áp dụng rộng rãi thời Vua Minh Mạng, và thậm chí trong thời cai trị của Đảng Cộng sản nữa.
Nó (luật hồi tỵ) cũng cải thiện được một phần về cái tính tương đối trung lập của cái bộ máy quan chức.<br/>-Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Ông Nguyễn Quang A, nhà báo Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng, Luật sư Trần Quốc Thuận tại Sài Gòn có cùng một ý kiến rằng một qui chế không cho người có trách nhiệm cao nhất là người địa phương sẽ có thể có một tác dụng nào đó trong việc chống tham nhũng hiện nay. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói:
“Việc làm đó chắc chắn là sẽ đỡ cái chuyện một ông làm quan, cả nhà làm cán bộ, việc đó đang rất là nhức nhối. Việc đưa lại luật hồi tỵ 5, 6 thế kỷ trước của các cụ quay trở lại thì tôi nghĩ nó cũng cải thiện được một phần về cái tính tương đối trung lập của cái bộ máy quan chức.”
Tuy nhiên ông cho rằng thời xưa thông tin liên lạc không dễ dàng như bây giờ, cho nên hiện nay nếu muốn thì dù khác địa phương người ta vẫn có thể cấu kết được với nhau.
Đồng ý với nhận định đó, nhưng Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam cho rằng những qui định như vậy cũng góp phần ngăn chận những người bà con liên kết với nhau ở một địa phương.
“Thời kỳ này là thời kỳ bùng nổ thông tin, thì họ cũng có thể bằng con đường đó để tìm hiểu. Còn con đường kia, là quen biết ăn chịu với nhau thì rõ ràng họ có dây mơ rễ má thì… như nhiều tỉnh đưa điển hình lên, nào là con chú con bác, con ruột, cấp dưới toàn là bí thư, chủ tịch, giám đốc sở, … Người mà có quyền quyết thì ăn chịu với nhau rồi, khi họ biết chuyện gì có tiêu cực, tạo lợi ích nhóm thì cũng tạo lợi ích nhóm với nhau rồi, bây giờ có một người xa lạ, muốn bắt rễ thì cũng phải có thời gian.”
Một nhà nghiên cứu chính sách khác là Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, hiện sống và làm việc tại Na Uy lại cho rằng việc áp dụng luật hồi tỵ sẽ là một sai lầm.
“Để mà mình đưa ra một chính sách nào đó hợp lý, thì cần phải hiểu về địa phương, về văn hóa, về an ninh trật tự, để đưa ra chính sách tốt nhất tạo sự phát triển cho các vùng đó. Một lãnh đạo mới, về một địa phương mới, ông ta không có nắm được những thông tin đó, cần phải có thời gian vài năm, trước khi đưa ra một chính sách gọi là hữu hiệu. Nhưng khi tốn vài năm để tìm hiểu, để biết thông tin về vùng đó thì cũng là lúc mà hết nhiệm kỳ rồi.”
Ông Nguyễn Huy Vũ còn nhấn mạnh rằng có khi luật hồi tỵ sẽ có tác dụng ngược, khi một người xa lạ, thiếu hiểu biết về địa phương, nhưng lại xông xáo, nghĩ rằng mình hiểu rõ địa phương ấy. Ông nêu ra ví dụ về ông Đinh La Thăng là một người không hiểu biết gì về thành phố Sài Gòn lại được đưa về đứng đầu thành phố này, và thực sự ông Thăng đã chẳng làm được điều gì có thực chất cho địa phương này, ông Vũ nói như thế.
Luân chuyển cán bộ và hồi tỵ
Thực ra việc một người không phải là người địa phương lại đảm nhiệm chức vụ bí thư tỉnh ủy, vị trí cao nhất tại một tỉnh dưới chế độ cộng sản hiện nay, cũng đã được thực hiện trong thời gian những năm gần đây.
Có thể kể ra vài trường hợp sau đây:
Ông Nguyễn Văn Thể, sinh ra ở Đồng Tháp, làm Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng, rồi lên làm Bộ trường Bộ Giao thông vận tải.
Ông Võ Văn Thưởng, quê quán ở Vĩnh Long, từng làm Bí thư tỉnh ủy Tỉnh Quảng Ngãi, trước khi nắm chức vụ Trưởng Ban tuyên giáo trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Trần Cẩm Tú, quê quán và nơi sinh là tỉnh Hà Tĩnh, từng làm Bí thư tỉnh ủy Tỉnh Thái Bình, trước khi được bầu vào Ban bí thư đảng vào tháng 5/2018.
Tuy nhiên những trường hợp này được gọi là luân chuyển cán bộ chứ không phải là một qui định như được đề nghị trong kỳ họp trung ương đảng lần thứ 7 khóa 12. Và việc luân chuyển cán bộ như thế là để tạo điều kiện cho những cán bộ đó thăng tiến. Việc này cũng bị khá nhiều chỉ trích.
Giao cho dân kiểm soát thì sự kiểm soát là tốt hơn là để cho một ông ngồi chông chênh không dám quyết gì hết thì chưa chắc gì hay.<br/>-Luật sư Trần Quốc Thuận.
Nhà báo Trương Duy Nhất nói với chúng tôi:
“Trước đây không có qui định. Trong Đảng có luân chuyển cán bộ, từ trung ương về địa phương, từ địa phương này qua địa phương khác thì ít thôi. Điều đó có hai nghĩa, thứ nhất là những cán bộ đó coi như cán bộ nguồn, anh xuống địa phương để thử thách rồi ra trung ương để được cất nhắc cao hơn. Cái thứ nhì là người ta cũng đặt vấn đề rằng luân chuyển đó là để sắp đặt các ê kíp, bộ máy của những nhóm quyền lực, để mà kiếm phiếu, sắp xếp ghế trong các bộ máy.”
Đã có những ý kiến cho rằng trước Đại hội đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng việc luân chuyển cán bộ để loại bỏ những đồng minh chính trị của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Kết quả là ông Nguyễn Tấn Dũng mất hết quyền lực sau đại hội đó.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A so sánh việc luân chuyển cán bộ với luật hồi tỵ:
"Người mà được nhắm, chẳng hạn như ông Trịnh Xuân Thanh chẳng hạn, được đưa về Đồng bằng Sông Cửu Long, làm phó chủ tịch một cái tỉnh, rồi sau được cất nhắc lên đâu đó. Cơ chế đó là một cơ chế thất bại hoàn toàn. Quay trở lại cái luật hồi tỵ này thì nó cũng có nguy cơ thất bại như thế."
Ông Trịnh Xuân Thanh là người gốc gác Hà Nội, được điều từ Tập đoàn Dầu khí về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang để chuẩn bị ra trung ương, nhưng sau đó ông bị cáo buộc tham nhũng, phải trốn qua Đức, rồi bị bắt cóc về Việt Nam, ra tòa, bị xử chung thân.
Chỉ là một biện pháp tạm thời
Các nhà bình luận và quan sát mà chúng tôi tiếp xúc được cho biết ý kiến của họ về một giải pháp cho việc chống tham nhũng như sau:
Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng việc qui định người đứng đầu tỉnh không phải là người địa phương không phải là một giải pháp toàn diện:
"Dĩ nhiên tôi cũng cho đó là thay đổi tạm thời, phải thay đổi cơ chế thể chế, để cho người dân họ có nhiều quyền hơn, công khai minh bạch, để họ có thể kiểm soát được, giao cho dân kiểm soát thì sự kiểm soát là tốt hơn là để cho một ông ngồi chông chênh không dám quyết gì hết thì chưa chắc gì hay."
Nhà báo Trương Duy Nhất nhấn mạnh đến khía cạnh kiểm soát quyền lực của đảng cộng sản và tự do báo chí:
"Cơ bản là anh xây dựng thế nào để giám sát được, thứ nhất là anh có cái gì giám sát quyền lực của Đảng đâu. Nói gì thì nói thì cũng phải tư pháp độc lập và cởi trói cho báo. Đó là một nhánh kiểm soát quyền lực, giúp Đảng chống tham nhũng cực kỳ hiệu quả."
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói đến việc phải có một chế độ đa đảng, trong đó khối đối lập trong chính phủ để có thể đưa ra những sai phạm, tham nhũng của đảng đang cầm quyền.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nêu lên trường hợp các quốc gia dân chủ, ở đó người dân biểu, cũng như người đứng đầu địa phương thường là người ở địa phương, do dân bầu lên. Ông nói việc đó là không thể làm được dưới chế độ một đảng như ở Việt Nam, trong đó Đảng Cộng sản muốn kiểm soát hết mọi thứ với quyền lực độc tôn, nhưng lại muốn chống tham nhũng, cho nên ông kết luận rằng Đảng Cộng sản Việt Nam cứ loay hoay mà không tìm được giải pháp nào.